Huyền thoại dạy Lý Hà Nội: Đừng ngần ngại nói mình là người Công Giáo

Thái Hà (17.05.2016) – Huyền thoại luyện thi Vật Lý Hà Nội; thầy giáo dạy Lý bằng thơ hay người giáo viên nhân dân là cái tên được nhiều trang báo điện tử, đài truyền hình dùng khi nhắc tới thầy giáo Đaminh Dương Văn Cẩn. Ngoài ra, Fangage “Hội những người yêu thầy Dương Văn Cẩn DVC” đã “câu” hơn 11.000 lượt like từ học sinh, những người quý mến thầy. Thế nhưng, khi nói về mình, thầy vẫn thích nhất danh hiệu “người Công giáo”. Theo thầy, đó chính là cốt lõi tạo nên “thương hiệu DVC”.

Chúa nhật ngày 24/4 vừa qua, hưởng ứng lời mời trên Facebook cá nhân, hơn 250 học sinh ngoài Công Giáo đã tới tham dự Thánh lễ tại nhà thờ Thái Hà để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 39 của thầy giáo Đaminh Dương Văn Cẩn. Trước đó, hơn 500 học sinh của thầy đã tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho kỳ thi đại học, Lễ Giáng sinh tại các nhà thờ trong giáo phận Hà Nội. Nhân sự kiện này, Truyền thông Thái Hà có cơ hội gặp thầy giáo Đaminh để lắng nghe những chia sẻ, ưu tư của thầy về “tinh thần Ki-tô giáo” trong đời sống hiện tại.box2-thay can

TT Thái Hà: Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng đức tin đầu đời của người Ki-tô hữu. Đối với thầy, gia đình có ảnh hưởng như thế nào?

Thầy DVC: Gia đình có sự  ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Mẹ tôi là một người giàu đức tin và sống bằng đức tin. Mỗi khi tôi thành công, xây nhà hay mua xe hoặc có việc làm tốt, mẹ tôi thường nói: “Thành công đó không phải là niềm vui lớn nhất với mẹ. Điều làm mẹ vui nhất là mỗi lần con về quê, con tới nhà thờ và cùng với mẹ cầu nguyện sốt sắng”.

Gia đình tôi luôn nhấn mạnh đến giá trị tinh thần hơn là vật chất. Tinh thần đủ lớn thì mới có thể dấn thân trên con đường đức tin. DVC không đơn thuần là tên viết tắt của Dương Văn Cẩn hay ‘dịch vụ cười’ như học trò thường gọi. DVC còn có ẩn nghĩa khác là “Dấn thân vì Chúa”. Đó là những gì tôi được học từ nơi gia đình.

Thầy Dương Văn Cẩn được trang tin Kenh14.vn gọi là “thầy giáo khiến Teen mê mẩn”
Thầy Dương Văn Cẩn được trang tin Kenh14.vn gọi là “thầy giáo khiến Teen mê mẩn”

‘Ra đi’ bằng những việc làm cụ thể trong đời sống

TT Thái Hà: Khi nói về việc sống Tin mừng trong thực tại xã hội, đặc biệt là chia sẻ Tin mừng cho những người chưa biết tới Chúa, người ta hay nhắc tới hai cụm từ ‘ra đi’ và ‘ ở lại’. Thầy có suy nghĩ gì về việc ‘ra đi’ và ‘ở lại’ của một người Ki-tô hữu?

Thầy DVC: Đối với tôi, tôi không bao giờ ngần ngại khi nói mình là người Công giáo. Cho dù, đôi lúc nói như vậy là thiệt thòi. Trong cuốn sách: “Chuyện người giáo viên nhân dân – Nxb Văn hóa Thông tin 2014”, tôi cũng xưng mình là người Công giáo và quan điểm đức tin của mình. Việc chia sẻ Tin mừng cho mọi người, tôi nghĩ, đó là bổn phận của người Ki-tô hữu. Trong lớp học, nhiệm vụ duy nhất của tôi là truyền đạt cho các em về kiến thức khoa học trong sách giáo khoa được Bộ Giáo dục quy định. Nhưng với lối sống và cách cư xử tràn đầy yêu thương, học trò thấy thấp thoáng từ tôi một tinh thần Ki-tô hữu. Đó là những gì tôi được thụ hưởng từ Chúa Giê-su, Đức giáo hoàng, các Thánh và từ bài giảng của các linh mục.

Đôi khi, trong các chuyến đi tham quan ngoại khóa, lúc học sinh đến nhà chơi, tôi thường kể cho các em cách đối nhân xử thế của Chúa Giê-su hoặc là tranh luận về kiến thức Kinh Thánh. Tôi nghĩ, cách làm đó nhẹ nhàng như việc “ủ men trong hũ bột” vậy!

‘Ở lại’ để kín múc sức mạnh từ Đức Ki-tôBox 1-thay can

Nhiều người hỏi tôi: “Tại sao thầy được học sinh mến mộ như vậy?”. Tôi trả lời, đó là do khả năng Chúa ban và tinh thần Ki-tô giáo là “yêu thương, phục vụ hết mình” tôi học được ở Nhà Thờ. Thêm nữa là cách xây dựng bài giảng của các cha (linh mục) cũng có ảnh hưởng tới cách truyền giảng của tôi.

Tuy nhiên, sống tốt nhưng nếu không thường xuyên cầu nguyện, ‘ở lại’ với Chúa thì đời sống chỉ có ngọn mà không có gốc. Tôi yêu thích việc cầu nguyện. Mỗi khi đến trường, tôi thầm thĩ với Chúa bằng cách đọc kinh Kính Mừng, Lạy Cha, Sáng Danh trước giờ lên lớp. Sau tiết dạy, trước khi ra về, tôi hôn thánh giá được gắn trên cặp sách. Mỗi khi đi qua nhà thờ, tôi hướng lòng mình về Chúa và cầu nguyện với Ngài. Đôi lúc, lời cầu nguyện là các câu kinh quen thuộc và cũng có thể là lời nguyện tự phát. Trước ki đi xa thì tôi thường thắp nén hương xin Chúa và Đức Mẹ, Thánh quan Thầy ban cho tôi bình an trên đường.

Tam giác vàng của thầy giáo Đaminh Dương Văn Cẩn trích trong cuốn sách “Chuyện người giáo viên nhân dân I” – Nxb Văn hóa Thông tin 2014.
Tam giác vàng của thầy giáo Đaminh Dương Văn Cẩn trích trong cuốn sách “Chuyện người giáo viên nhân dân I” – Nxb Văn hóa Thông tin 2014.

TT Thái Hà: Ý tưởng tổ chức sinh nhật tại nhà thờ của thầy phát xuất từ đâu, thưa thầy?

Thầy DVC: Các năm trước, học sinh của tôi thường tổ chức sinh nhật cho tôi kéo dài một tuần liền. Học sinh mang hoa, bánh và quà đến để mừng tôi tại lớp, nhà riêng. Đó cũng là cách tổ chức vui vẻ, sôi động thể hiện tình thầy trò. Tuy nhiên, năm nay tôi muốn tổ chức một bữa tiệc sinh nhật “tĩnh”. Tôi muốn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vào những ngày như thế này. Vì thế, tôi đã đăng tin về cách tổ chức sinh nhật tại nhà thờ trên Facebook. Học sinh, bạn bè và những ai yêu mến đến nhà thờ tham dự cùng tôi.

Học trò của tôi thường thắc mắc về đời sống riêng và cách nghĩ khác của tôi. Muốn học sinh hiểu về tôi – một người Ki-tô hữu thì cách tốt nhất là để các bạn đến tham dự Thánh lễ để họ xem và suy nghĩ. Học sinh thì rất ít có cơ hội tiếp xúc với người Công giáo. Nếu có tiếp xúc thì cũng ít được nghe họ nói về đức tin của mình.

Chúng ta hãy dùng những gì Chúa ban để làm sáng danh Chúa và cũng để tạ ơn Ngài. Tôi thấy buồn khi có một số người tri thức Công giáo tôi biết không dám ‘là mình’ trong môi trường làm việc. Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới: “Đừng sợ! Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.

Cúp “Thiên hạ đệ nhất dạy Lý” dohội  học sinh của thầy Đaminh Dương Văn Cẩn làm. Ảnh: Facebook.
Cúp “Thiên hạ đệ nhất dạy Lý” dohội  học sinh của thầy Đaminh Dương Văn Cẩn làm. Ảnh: Facebook.

TT Thái Hà: Thầy là một người rất bận rộn với công việc trên trường cũng như tại trung tâm luyện thi nhưng không bao giờ quên “hơi thở thiêng liêng” của người Ki-tô hữu. Qua đây, thầy có những thao thức, trăn trở gì muốn gửi gắm tới TT Thái Hà cũng như cộng đoàn?

Thầy DVC:  Trong thân phận yếu hèn, mỏng giòn của phận người, tôi thấy mình còn nhiều “nhếch nhác”. Có nhiều lần tôi vẫn đi làm trong khi buộc phải nghỉ việc xác theo luật Giáo hội. Tôi cảm thấy mình còn nhiều vấp ngã nặng nề khi hòa mình vào nhịp sống hiện đại này. Nhưng mỗi lần đến nhà thờ, tôi lại cảm nhận được Lòng Thương Xót của Chúa lớn vô ngần và tôi được hòa giải với Ngài trong bí tích giải tội. Qua đó, tôi yêu Chúa nhiều hơn, gắn kết với Chúa nhiều hơn.  Qua đây, cũng xin quý cha, quý nam nữ tu sĩ và anh chị em cầu nguyện cho tôi nhiều hơn để Chúa và Đức Mẹ cùng các Thánh gìn giữ tôi.

TT Thái Hà: Xin cảm ơn thầy rất nhiều vì buổi trò chuyện ngày hôm nay. Xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria ban xuống cho thầy cùng gia đình ơn bình an và thánh đức!

Thầy DVC: Tôi cũng xin cảm ơn Truyền Thông Thái Hà đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn ưu ái này.

An Nhiên – TT Thái Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.