Khô khan tâm linh có thể mở lối phát triển

Chúa Giêsu nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” (Mc 4:30-32)

Một nghịch lý chính trong đức tin Kitô giáo là bản chất tuần hoàn của sự an ủi và sự hiu quạnh. Nhiều người theo đuổi thần học tâm linh tươi sáng (ví dụ, Phúc Âm thịnh vượng) vẫn hoang mang không biết làm thế nào và tại sao một Kitô hữu trung thành sẽ trải qua mức gia tăng cường độ và tần suất của những thập giá nặng nề.

Phải công nhận rằng ngay cả một người Công giáo gốc được nuôi dưỡng để “dâng hiến,” tôi chỉ có khái niệm mơ hồ và yếu ớt về việc phải chịu đựng là gì. Có thể là tôi vẫn làm, nhưng hy vọng của tôi là khi lớn lên trong đức tin, tôi sẽ có thể kiên trì nhiều hơn – bí quyết chịu đau khổ tốt – khi những thập giá nặng nề bất ngờ xảy đến trong đời tôi.

Bởi vì Chúa luôn tốt lành, ngay cả khi cuộc sống của chúng ta sa sút, chúng ta yên tâm rằng mọi thời kỳ hoang tàn sẽ kết thúc. Chúng ta sẽ xuất hiện trong lĩnh vực an ủi. Tuy nhiên, có điều ngược lại: mỗi mùa an ủi là để chuẩn bị chúng ta cho thập giá tiếp theo.

Trong ngụ ngôn này, chúng ta học được một sự thật khó nhưng đẹp: sự phát triển nhường chỗ cho sự khô khan, và sự khô khan nhường chỗ cho sự phát triển. Và một điều khác: kết quả tuyệt vời có thể là kết quả từ những khởi đầu nho nhỏ và khiêm tốn.

Khi chúng ta nhìn vào thiên nhiên, chúng ta thu được sự hiểu biết đúng đắn về nhịp điệu tuần hoàn tạo nên cuộc sống. Sự khan hiếm xoay vòng trở lại thành phong phú; hạn hán kéo dài để mưa làm sạch; sự chết dẫn tới sự sống, và sự sống dần đến cái chết. Không có gì mất đi khi chúng ta xem xét ngụ ngôn về sự tăng trưởng và hạn hán, bởi vì chúng ta biết rằng mọi thứ đều mang khả năng sống và chết.

Hơn nữa, mọi cái chết đều có thể dẫn đến sự sống vĩnh cửu bằng cách nào đó. Khi kết hôn và sống với gia đình chồng, tôi được biết rằng gia tộc MacEwan của Tô Cách Lan có gia huy với phương châm “Reviresco,” dịch nôm na là “tái phát triển mạnh mẽ.” Hình ảnh là một gốc cây bị san bằng với một cây non nhỏ mọc ở giữa.

Cái chết cũng tạo ra không gian cho sự sống mới xuất hiện trong chúng ta. Mọi mất mát, mọi đau khổ, mọi thập giá đều có ý nghĩa như lời mời gọi trở nên hơn những gì chúng ta đã có trước khi chịu mất mát, đau khổ hoặc thập giá. Chúng ta không có ý định duy trì sự sống nhàn rỗi hoặc trì trệ trong sự tồn tại của mình. Thay vào đó, sự khôn ngoan của Thiên Chúa là sự đau khổ, mặc dù không thuộc ý muốn hoàn hảo của Ngài, nhưng có thể là sự tháo vát, tài xoay xở. Nó có thể được sử dụng cho lợi ích lớn đem lại cho nó sự trường tồn của một di sản.

Dụ ngôn hạt cải cho chúng ta biết rằng những gì bắt đầu như một của lễ ít ỏi, khi được dâng cho Thiên Chúa, sẽ nở rộ thành điều gì đó vượt xa sự thăm dò cuồng nhiệt nhất của chúng ta. Tôi nghĩ về mọi loại cây và hoa, cây nho và bụi rậm. Chồng tôi cắt tỉa cây cảnh vào mùa thu, và hằng năm, tôi nhăn mặt khi thấy chúng trở nên tồi tệ như thế nào – một số cây hầu như không nhìn thấy trên mặt đất. Vào mùa hè, tôi vô cùng ngạc nhiên (như thể lần đầu tiên chứng kiến điều này) thấy chúng đã phát triển thành cây xanh tươi tốt, rực rỡ, cho ra quả mọng, hoa và đủ loại lá.

Thật không thể tin được rằng hy vọng chúng ta có thể tìm thấy xung quanh mình khi chúng ta chú ý. Tôi thấy thiên nhiên là một người thầy vĩ đại về những bài học tinh thần, bởi vì đó là hình ảnh nói với chúng ta mà không cần ngôn ngữ. Có thể thu hoạch được rất nhiều từ những suy tư như vậy. Hạt cải nhỏ bé, hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường, vẫn có tiềm năng to lớn.

Chúng ta cũng vậy, mặc dù không đáng kể trong kế hoạch lớn của cuộc sống, nhưng vẫn có tiềm năng bên trong chúng ta. Có lẽ đó là niềm an ủi nho nhỏ khi chúng ta cũng như những bụi cây, dây leo khi mới bị cắt tỉa thì cảm thấy nhói đau. Trong sự yếu đuối và nhỏ bé của mình, chúng ta có thể dễ dàng quên đi chúng ta là ai và muốn trở thành cái gì. Tuy nhiên, chúng ta càng để mình nhỏ bé ở trong tay Thiên Chúa thì chúng ta càng sinh nhiều hoa trái hơn cho lợi ích của thế giới và cho sự vinh hiển của Thiên Chúa.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:4-5)

JEANNIE EWING

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Đêm 14-10-2021