Kinh Thánh và Thánh Lễ

KINH THÁNH VÀ THÁNH LỄ[1]

Giuse Phạm Đình Trí, CSsR

Là những tín hữu Công Giáo, hẳn chúng ta rất quen thuộc với các nghi thức của Thánh Lễ. Chúng ta biết lúc nào đứng, lúc nào ngồi, lúc nào quỳ gối. Chúng ta cũng biết khi nào thưa “Amen”, và khi nào thì đáp “Và ở cùng cha”. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta lại không hiểu rõ ý nghĩa của tất cả các nghi thức này: chúng xuất phát từ đâu, tại sao chúng ta cử hành như thế, và làm cách nào chúng dẫn ta đi vào trong sự thông hiệp sâu hơn với Chúa Giêsu Kitô.

Nếu “không bị chia trí lo ra”, nghĩa là chú tâm vào từng lời và nghi thức của Phụng vụ Thánh Lễ, chúng ta sẽ thấy dấu ấn Kinh Thánh cùng với ý nghĩa sâu xa của chúng xuyên suốt việc cử hành Thánh Lễ. Mỗi lời nguyện,đápcavà cử chỉ Phụng vụ đều được thấm đẫm các hình ảnh, chủ đề, và những lời trích dẫn từ Kinh Thánh. Chúng ta có thể nói rằng, ở mỗi thời khắc khác nhau của diễn tiến Thánh Lễ, Lời Chúa đều được biểu lộ ra trong những dấu chỉ, những hành vi, lời nói và thánh ca.

Sau đây, chúng ta chỉ khám phá một số các lời nguyện Phụng vụ Thánh Lễ để thấy rõ hơn nguồn gốc Kinh Thánh của chúng. Những nền tảng Kinh Thánh này sẽ giúp chúng ta chìm sâu hơn vào trong việc thờ phượng Thiên Chúa cũng như nhận ra và tham dự cách tích cực vào sự huyền diệu của Thánh Lễ.

Dấu Thánh Giá: Ấn Tín và Dấu Chỉ Về Sự Giải Thoát

Chúng ta hãy bắt đầu với nghi thức căn bản nhất được thực hiện lúc mở đầu và kết thúc mỗi Thánh Lễ: Dấu Thánh Giá. Trong khi đưa tay làm dấu trên người mình, chúng ta đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Tuy nhiên, lời nguyện đơn sơ này lại không phải là một nghi thức trống rỗng. Khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta đang thực hiện một hành động thánh thiêng mang tính Kinh Thánh. Chúng ta đang kêu cầu Danh của Đức Chúa.

Trong Kinh Thánh, bất cứ khi nào một ai đó kêu cầu Danh của Đức Chúa, thì đó là một thời khắc mạnh mẽ. Xuyên suốt lịch sử cứu độ, khi dân ký kết giao ước hoặc là tái lập giao ước với Thiên Chúa, họ kêu cầu Danh thánh của Người để xin Thiên Chúa hành động trong đời sống của họ và đồng thời để diễn tả sự cam kết vững chắc của họ trong việc sống mối dây giao ước với Người (x. St 4,26; 12,8; 26,25; 1 V 18,24. 32; …)[2]. Dựa trên sự tiếp cận Kinh Thánh này đối việc thờ phượng, các tín hữu Công giáo mở đầu mỗi Thánh Lễ bằng việc kêu cầu Danh của Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Khi làm như thế, chúng ta kêu mời Thiên Chúa toàn năng bước vào trong đời sống chúng ta và phó thác tất cả những gì chúng ta làm trong Thánh Lễ cho Danh thánh vinh hiển của Người.

Hơn nữa, chính hành động mang tính nghi thức của việc làm Dấu Thánh Giá trên trán chúng ta cũng có nguồn gốc Kinh Thánh. Ví dụ trong sách Êdêkiel, biểu tượng hình thập giá mang ý nghĩa như là một dấu hiệu của sự bảo vệ của Thiên Chúa. Thiên Chúa cho ngôn sứ Êdêkiel một thị kiến về án phạt sắp đổ xuống trên Giêrusalem bởi tội thờ ngẫu tượng của dân thành này. Trong thị kiến này, những tín hữu Do thái nào được đánh dấu trên trán bằng chữ Taw(תּ) Hípri sẽ được giải thoát khi ngày xét xử đến (Êd 9,4). Điều có ý nghĩa chochúng ta ở đây, đó là chữ tawHípri này có hình thập giá. Vì thế, ngay trong Cựu Ước, sách Êdêkiel, việc được đánh dấu thập giá trên trán mang biểu tượng sự hiệp thông giao ước với Thiên Chúa và cũng là dấu chỉ về sự bảo vệ của Người.

Chủ đề này được tiếp tục trong Tân Ước. Sách Khải Huyền cũng diễn tả những người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa trong Giao Ước mới được đánh dấu bằng một ấn trên trán họ. Dấu hiệu này đặt họ tách biệt trong tư cách là dân của Thiên Chúa và bảo vệ họ khỏi án phạt của Người sẽ ập xuống trên địa cầu (Kh 7,3).

Điều này cung cấp ánh sáng cho sự thực hành Công giáo về việc làm Dấu Thánh Giá. Chúng ta lần đầu tiên được chính thức ghi Dấu Thánh Giá khi chúng ta lãnh Bí tích Rửa tội; khi đó linh mục ghi Dấu Thánh Giá Chúa Kitô trên trán chúng ta. Bởi thế, mỗi khi chúng ta lập lại cử chỉ nền tảng này trong Thánh Lễ, chúng ta cũng làm lại cùng một dấu đã ghi tạc trên chúng ta vào lúc khởi đầu đời sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô. Khi làm như thế, chúng ta nhắc nhở mình rằng chúng ta đã được tách riêng bởi Chúa Kitô, và chúng ta làm mới lại cam kết của mình để sống trong mối dây hiệp thông bền chặt với Người. Cũng giống như thời của ngôn sứ Êdêkiel, Dấu Thánh Giá tiếp tục thể hiện như một biểu tượng quyền năng diễn tả giao ước của chúng ta với Thiên Chúa và sự bảo vệ của Người trên đời sống chúng ta.

“Chúa Ở Cùng Anh Chị Em”: Không Có Sứ Vụ Nào Là Không Thể Thi Hành

Nhiều tín hữu Công giáo dường như quá quen với lời chào chúc này trong Thánh Lễ đến nỗi họ có thể không nhận ra sức mạnh đầy đủ của những lời này. Đây không chỉ là một lời chào đạo đức hay là một cách thức thể hiện sự tiếp đón mang tính tôn giáo. Từ cái nhìn Kinh Thánh, những lời này đóng vai trò như một sự hiệu triệu của Thiên Chúa, một lời mời gọi thực thi một nhiệm vụ quan trọng. Nếu chúng ta là những người Do thái cổ đại, những người hiểu rõ những lời “Chúa ở cùng anh em” có nghĩa đích xác là gì, chúng ta có thể lấy làm sợ hãi và kinh ngạc mỗi lần chúng ta nghe những lời này được nói ra trong Thánh Lễ.

Xuyên suốt Kinh Thánh, khi Thiên kêu gọi một ai đó để thực thi một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình cứu độ của Người, Người đưa ra một sự bảo đảm rằng Người sẽ ở cùng người đó. Chẳng hạn, khi Môsê được kêu gọi để đối mặt với Pharaô và dẫn đưa dân ra khỏi cảnh nộ lệ Aicập, Môsê sợ hãi, cảm thấy khả năng mình không thể đảm đương nhiệm vụ này, và cố gắng thuyết phục Thiên Chúa chọn một ai khác cho công việc này. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhất định trao sự vụ cho Môsê và nói với ông rằng “Ta sẽ ở cùng ngươi” (Xh 3,12). Một cách tương tự, khi Thiên Chúa trao sứ mạng cho Giôsuê để dẫn dắt dân tiến vào Đất hứa, Người nói với ông: “Như Ta đã ở với Môsê, Ta cũng sẽ ở với ngươi” (Gs 1,5). Khi Chúa gọi Giđêôn để bảo vệ những người Israel khỏi những kẻ thù ngoại bang hùng mạnh, thiên thần nói với ông: “Đức Chúa ở cùng ngươi” (Tl 6,12). Khi Thiên Chúa kêu gọi Đức Trinh nữ Maria để đảm nhận một vai trò ngoại thường là làm Mẹ của Đấng Mêssia, Thần sứ Gábriel nói với Đức Maria: “Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Khi Đức Giêsu truyền cho các Tông đồ ra đi loan báo Tin mừng cho khắp thế gian, Người nói: “Thầy ở cùng anh em, mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Trảidài trong lịch sử cứu độ, những lời Kinh Thánh này, “Chúa ở cùng anh chị em”, được nói ra khi Thiên Chúa kêu gọi dân thực hiện những sứ vụ khó khăn đòi hỏi họ phải vượt ra khỏi “vùng thoải mái” của mình. Họ được đẩy đến điểm mà họ không còn có thể dựa vào những tài năng, sức mạnh, và những năng lực riêng của mình, và kết quả là họ bắt đầu nhận ra, ở một tầm mức sâu xa hơn, họ thật sự cần Chúa đến mức nào. Và rồi Đức Chúa nói với họ rằng Người sẽ cho họ một điều mà họ cần nhất: sự hiện diện của Người với họ xuyên qua nhiều thử thách và hy sinh của họ.

Những lời Kinh Thánh này được nhắc lại cho chúng ta xuyên suốt Thánh Lễ. Mỗi khi chúng ta nghe “Chúa ở cùng anh chị em”, chúng ta cũng được nhắcnhở rằng chúng ta cũng được kêu gọi cho một sứ mạng quan trọng. Giống như Môsê, Đức Maria và các Tông đồ, chúng ta trong tư cách là những Kitô hữu được kêu gọi để phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mang Tin mừng cho thế giới. Một nhiệm vụ như thế sẽ không dễ dàng gì. Cho dù đó làcác thừa sai của Chúa Cứu Thế ra đi loan báo Tin mừng cho người nghèo khó – tấ bạt, hoặc là những công dân đang cố gắng đem những giá trị Kitô giáo vào trong nơi làm việc, hay những người cha người mẹ đang cố gắng nuôi dạy con cái mình trong đức tin và lòng đạo đức, hay những đôi vợ chồng đang chiến đấu để yêu thương người bạn đời của mình với sự nhẫn nại, tha thứ, không vị kỷ,… Tuy nhiên, xuyên suốt Thánh Lễ, chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta không đối mặt với các thách đố của sứ vụ chúng ta một cách đơn độc. Chúng ta được nhắc nhở một cách liên tục về một điều sẽ giúp chúng ta chu toàn tốt nhất ơn gọi của chúng ta, đó là Chúa ở với chúng ta.

“Xin Chúa Thương Xót Chúng Con”: Sức Mạnh Của Kinh Thương Xót

Trong nghi thức nhập lễ, chúng ta cũng đọc Kinh Thương Xót (Tiếng Hylạp: Kyrie eleison). Tại sao chúng ta cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa ba lần lúc đầu Lễ? Trước hết, chúng ta phải xem việc kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa là một sự thực hành Kinh Thánh cổ xưa như thế nào. Một số Thánh vịnh khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa trong lúc khốn cùng (x. Tv 119,77; 123,3). Những Thánh vịnh khác kêu xin Thiên Chúa trong lòng thương xót của Người tha thứ tội lỗi cho dân. Chẳng hạn, sau khi Vua Đavít đã phạm tội ngoại tình với Bà Bátsêba và giết chết chồng bà ta, vua đã dần dần khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình. Ông thú nhận những hành động tàn ác của mình, ăn năn thống hối và nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa, ông viết: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,/ mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm./ Xin rửa con sạch hết lỗi lầm / tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy”(Tv 51,1-2).

Trong Tân Ước, con người tiếp tục kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa nhân danh Đức Giêsu Kitô. Ví dụ, trong các sách Tin mừng, hai người mù tin tưởng tiến lại gần Đức Giêsu, kêu xin sự chữa lành bằng những lời này: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27; 20,30. 31). Những người khác đến với Đức Giêsu và kêu xin lòng thương xót của Người cho những người thân yêu đang đau khổ của họ, với những lời này: “Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm” (Mt 15,22), hoặc “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm” (Mt 17,15). Trong mỗi trường hợp, khi một người kêu xin lòng thương xót của Người, Đức Giêsu đáp lại một cách mau lẹ và thực hiện các phép lạ cứu chữa người ta.

Khi đọc Kinh Thương Xót trong Thánh Lễ, chúng ta đứng trong truyền thống Kinh Thánh này của việc kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa cho chính đời sống của chúng ta và cho tha nhân. Qua việc lặp đi lặp lại trong Phụng vụ Thánh Lễ lời Kinh Thương Xót, “Xin Chúa thương xót chúng con… Xin Chúa Kitô thương xót chúng con … Xin Chúa thương xót chúng con”, chúng ta nên giống như Đavít, hối cải tội lỗi mình và kêu xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng giống như những người mù trong Tin mừng kêu xin Chúa Kitô chữa lành những yếu đuối và thiếu cái nhìn thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta trở nên giống những người Cha trong Tin mừng, khẩn nài Đức Giêsu hành động trên đời sống của những người chúng ta yêu mến. Lặp lại những lời Kinh Thương Xót, “Xin Chúa thương xót chúng con”, trong Thánh Lễ, chúng ta khiêm tốn phó thác toàn bộ cuộc sống của chúng ta – tất cả những yếu đuối, tội lỗi, những nỗi sợ hãi và khổ đau – và cuộc sống của những người chúng ta yêu mến, cho lòng thương xót của Chúa Kitô. Sự tín thác nhiệm mầu này của nhân loại, và thực sự là của toàn thể tạo thành, cho lòng thương xót của Chúa Kitô là những gì chúng ta tham dự vào mỗi lần chúng ta lặp lại Kinh Thương Xót trong Thánh Lễ.

Kinh Vinh Danh: Ca Hát Cùng Với Các Thiên Thần

Tiếp đến, khi chúng ta ca ngợi Thiên Chúa trong bài ca được gọi là “Kinh Vinh Danh”, bắt đầu với những lời: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nhữnh lời mở đầu này song song với bài ca của vô vàn ca đoàn các thiên thần hát trong sự hiện diện của các mục đồng trong Đêm Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình andưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

Vì thế, mỗi lần chúng ta hát “Kinh Vinh Danh” trong Thánh Lễ, chúng ta không phải hát như bao bài hát bình thường khác. Chúng ta đang hát bài hát được gợi hứng bởi các thiên thần. Hơn nữa, chúng ta tham gia vào ca đoàn các thiên thần trên trời bằng cách hát cùng một bài ca ngợi rằng họ hát để chào đón trẻ thơ Kitô tại Bêthlêhem. Và điều này rất thích hợp, bởi vì một cách nào đó trong Thánh Lễ, mầu nhiệm Giáng Sinh được lặp lại. Cùng một Thiên Chúa, Đấng xuống thế gian và được sinh ra làm con trẻ hai ngàn năm trước, lại xuống trên các bàn thờ của chúng ta trong mỗi Thánh Lễ. Vì thế, khi hát Kinh Vinh Danh trongThánh Lễ là chúng ta tham dự vào trong lời ca ngợi Thiên quốc, vốn được các thiên thần hát mừng Chúa Con nhập thể tại Bêthlêhem, khi chúng ta chuẩn bị nơi mỗi Thánh Lễ để đón cùng một Chúa Kitô, Đấng khiêm tốn đến với chúng ta trong việc Hiệp Lễ.

Phụng Vụ Lời: Việc Học Hỏi Lời Chúa Trường Kỳ Nhất Trên Địa Cầu

Vào thời Đức Giêsu, việc thờ phượng hội đường Do Thái bao gồm những bài đọc được lấy ra từ nhiều phần khác nhau của Sách Thánh dựa trên chu kỳ ba năm. Tương tự như thế, mỗi Chúa Nhật trong Phụng Vụ Lời, các tín hữu Công giáo lắng nghe các bài đọc được trích ra từ trong toàn bộ Kinh Thánh: Cựu Ước và Tân Ước. Giống như phụng vụ hội đường Do thái, những bài đọc Kinh Thánh cho các Thánh Lễ Chúa Nhật được cấu trúc thành chu kỳ ba năm, làm cho các tín hữu có thể lắng nghe được nhiều bản văn Kinh Thánh hơn. Thật vậy, nếu các tín hữu Công giáo tham dự Thánh Lễ đều đặn mỗi Chúa Nhật thì trong chu kỳ ba năm họ được nghe hầu hết bộ Kinh Thánh.

Kinh Tin Kính: Câu Chuyện Định Hình Đời Sống Chúng Ta

Đối với một số người, Kinh Tin Kính dường như chỉ đơn giản là một danh sách những lời tuyên bố mang tính giáo lý mà chúng ta tái khẳng định trong Thánh Lễ, như thể rằng trong mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta nói với Thiên Chúa: “Vâng, chúng con vẫn tin vào tất cả những điều này”. Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét những gốc rễ Kinh Thánh của Kinh Tin Kính, chúng ta sẽ thấy rằng lời tuyên xưng này có gì đó hơn là một sự khẳng định về các giáo thuyết trìu tượng, hay một bản tóm kết về những tín điều thiết yếu của Đức tin Công giáo; Kinh Tin Kính mà chúng ta đọc mỗi Chúa Nhật có ý nghĩa hình thành nên chính căn tính và đời sống thường nhật của chúng ta.

“Nghe đây, hỡi Ítraen! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”(שְׁמַ֖ע יִשְׂרָאֵ֑ל יְהוָ֥ה אֱלֹהֵ֖ינוּ יְהוָ֥ה ׀ אֶחָֽד,… Đnl 6,4-5). Đây là những lời mở đầu của “Kinh Tin Kính” của dân Israel, được gọi là kinh Shema(“hãy nghe”). Đối với những người Do thái cổ đại, lời tuyên xưng đức tin của họ mang ý nghĩa lớn hơn là một bản tóm tắt các tín điều tôn giáo. Đó là một lời tuyên xưng vừa cá nhân lại vừa mang tầm mức sứ mạng của cảdân tộc, nó định hình nên căn tính và tầm nhìn hoàn vũ của người Do thái. Khi một người Do thái lặp đi lặp lại lời kinh Shema, thì về căn bản họ đang tuyên xưng rằng: “Đâychính là tôi: tôi không phải là một người ngoại giáo, kẻ thờ các thần mình giả tạo. Tôi là một người Israel sống mối hiệp thông giao ước với Thiên Chúa duy nhất và chân thật, Đấng thống lãnh toàn cõi đất. Tất cả những gì tôi là và tôi làm đều xuất phát từ mối tương quan của tôi với Thiên Chúa duy nhất này”.

Người Do thái lặp đi lặp lại lời kinh Shema này nhiều lần trong ngày: vào buổi sáng, các giờ khác nhau trong ngày và khi đêm xuống. Cha mẹ phải dạy lời kinh này cho con cái lúc trong nhà cũng như khi đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải viết chúng trên các khung cửa (X. Đnl 6,7-9). Nhiều vị tử đạo Do thái sẵn sàng chết vì kinh Shemanày, khi họ trên đường chịu tử đạo miệng họ nhẩm đi nhẩm lại lời kinh Tin kính (Shema) của họ: “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất,…”.

Sống “Shema” của chúng ta: chúng ta phải nhận ra rằng Kinh Tin Kính của các Kitô hữu mà chúng ta lặp lại mỗi Chúa Nhật là chính “Shema” của chúng ta. Kinh tin kính Cựu Ước nhấn mạnh đến niềm tin vào Một Thiên Chúa duy nhất (niềm tin độc thần). Kinh tin kính của các Kitô hữu được xây dựng dựa trên kinh Shemacủa Cựu Ước, nhưng đào sâu sự hiểu biết của chúng ta, nhờ mạc khải của Tân Ước, rằng Thiên Chúa duy nhất có ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Trong sự tiếp nối với Shema Cựu Ước, Kinh Tin Kính của các Kitô hữu khẳng định rằng Thiên Chúa duy nhất này – Chúa Ba Ngôi – là Thiên Chúa thống lãnh trên toàn thể gia đình nhân loại và là trung tâm của nỗi khao khát sâu thẳm nhất trong lòng mỗi con người.

Liệu chúng ta có đọc Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ với một lòng mộ mến và sốt sáng như những người Do thái dành cho kinh Shemahay không? Nhìn từ quan điểm Kinh Thánh, chúng ta phải thấy rằng Kinh Tin Kính còn có gì hơn là một sự khẳng định quen thuộc về đức tin cần phải được lặp lại mỗi Chúa Nhật. Bởi vì Kinh Tin Kính không chỉ xác định những gì chúng ta tin; nó còn xác định chúng ta ta là ai. Quả thật, Kinh này tóm lược câu chuyện mang lại ý nghĩa cho đời sống chúng ta: Thiên Chúa Cha sai Con Một của Người xuống thế gian để chịu chết vì tội chúng ta và tuôn đổ Thánh Thần của Người vào trong tâm hồn chúng ta,ngỏ hầu chúng ta được hòa giải với Người trong Giáo hội.

Những chân lý căn bản này từ Kinh Tin Kính không chỉ là những nguyên tắc trìu tượng; chúng là những chân lý phải định hình tâm hồn và hướng dẫn đời sống chúng ta. Hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô, ngang qua Chúa Thánh Thần, những tội nhân như chúng ta được trở nên con cái của Cha trên trời. Câu chuyện cứu độ này chắc chắn xứng đáng để kể lại và cử hành thường xuyên trong đời sống chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta tái khẳng định căn tính mới của chúng ta trong Chúa Kitô khi ta đọc Kinh Tin Kính trong mỗi Chúa Nhật. Trong Thánh Lễ, vào giây phút đọc Kinh Tin Kính, chúng ta đứng thẳng trước toàn thể cộng đoàn, và trước mặt Thiên Chúa, tuyên xưng cách công khai đức tin của chúng ta và tái cam kết sống tích cực trong đời sống thường nhật của mình những gì mà Kinh Tin Kính nêu ra.

Kinh Nguyện Thánh Thể: Lời Tạ Ơn Mang Âm Hưởng Kinh Thánh

Khi chúng ta chuyển sang phần thứ hai của Thánh Lễ, được gọi là Phụng vụ Thánh Thể, chúng ta gặp một chuỗi các lời nguyện được rút ra từ trong lòng đạo đức truyền thống đậm chất Kinh Thánh. Kinh Thánh và những sự phục vụ thờ phượng Do thái cổ đại chứa đầy các lời nguyện tạ ơn về lòng thiện hảo của Thiên Chúa, về sự sáng tạo, và sự quan phòng của Người trong đời sống của dân Israel. Nhiều Thánh vịnh được viết theo lối này. Ví dụ Tv 136 mở đầu bằng những lời này: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,1). Vịnh gia tiếp tục lời nguyện tạ ơn của mình bằng việc ca ngợi công trình tạo thành của Thiên Chúa: các vì sao, mặt trời, mặt trăng, biển cả và đất liền (Tv 136,4-9), và nhất là tạ ơn Thiên Chúa về biến cố Người giải thoát Israel ra khỏi cảnh nô lệ Aicập. Khi nhắc lại câu chuyện Xuất hành, vịnh gia kể lại những hành động uy hùng của Thiên Chúa: giết chết các con đầu lòng Aicập, đưa Israel ra khỏi Aicập, vượt qua Biển Đỏ, đánh bại Pharaô trong dòng nước biển, dẫn đưa dân trong sa mạc, và bảo vệ họ chống lại các kẻ thù ngoại bang (Tv 136,10-22).

Dân Do thái cũng có một loại hiến lễ riêng dành đặc biệt cho phụng vụ tạ ơn, gọi là hiến lễ todah(“tạ ơn”). Khi một ai được cứu khỏi một cuộc bách hại, hay khỏi bệnh tật,… người đó có thể ca khen Thiên Chúa bởi sự cứu thoát của Người bằng một hiến lễ tạ ơn; hiến lễ này cũng đóng vai trò như nền tảng mới cho cuộc sống của người đó.[3]Người được cứu thoát này có thể mời bạn bè tham dự vào nghi lễ hiến tế này. Sau khi hiến tế con vật, những người tham dự cùng nhau dùng bữa với bánh và rượu. Và họ cùng hát Thánh vịnh và một bài ca kể lại hành động cứu thoát của Thiên Chúa, cảm tạ Đức Chúa vì Người đã cứu họ khỏi chết.

Các lời nguyện Thánh Thể của Thánh Lễ tiếp nối truyền thống tạ ơn Do thái đậm chất Kinh Thánh nói trên. Quả thật, hạn từ Thánh Thể (Eucharistia) tự nó có nghĩa là “tạ ơn”. Những lời nguyện này trong Thánh Lễ vọng lại các chủ đề được phát triển trong các Thánh vịnh và được diễn tả bằng các hy lễ tạ ơn xa xưa trong Do thái giáo. Chúng ta lấy ví vụ Kinh Nguyện Thánh Thể II, được linh mục chủ tế đọc trước khi hát “Thánh, Thánh, Thánh”:

“Lạy Cha chí thánh,

nhờ Con yêu quí của Cha là Chúa Giêsu Kitô,

chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc,

thật là chính đáng, phải đạo

và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.

Người là Ngôi Lời của Cha,

nhờ Người, Cha đã tạo dựng muôn loài,

Người được Cha sai đến

làm Đấng Cứu Độ và Chuộc Tội chúng con.

Người đã nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần ,

và được Đức Trinh Nữ sinh ra.

Để chu toàn thánh ý Cha

và để gầy dựng cho Cha một dân tộc thánh thiện,

Người đã dang tay chịu khổ hình

để tiêu diệt sự chết và biểu hiện sự sống lại.”

Chúng ta chú ý cách thế lời nguyện này bắt đầu một cách rõ ràng với chủ đề tạ ơn: “Lạy Cha chí thánh,… chúng con tạ ơn Cha”. Giống như các Thánh vịnh, lời nguyện Thánh Thể này tiếp tục ca ngợi Thiên Chúa về việc tạo dựng thế giới ngang qua Chúa Con: “Người là Ngôi Lời của Cha, nhờ Người Cha đã tạo dựng muôn loài”.

Tiếp theo lời nguyện này tập trung sự chú ý vào lời tạ ơn Thiên Chúa về ơn cứu chuộc của Người. Giống như các Thánh vịnh và các nghi lễ Todah(“tạ ơn”), Kinh Nguyện Thánh Thể này kể lại câu chuyện làm cách nào Thiên Chúa đã cứu chúng ta: Bằng quyền năng của Thánh Thần, Con Thiên Chúa đã làm người, và vì chúng ta “Người đã giang tay chịu khổ hình để tiêu diệt sự chết và biểu hiện sự sống lại”. Bằng việc chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Giêsu đã cứu chúng ta khỏi tội và sự chết, và trong Kinh Nguyện Thánh Thể này chúng ta tạ ơn Thiên Chúa rằng ngang qua hy tế cứu độ của Đức Kitô, chúng ta được trở nên “một dân tộc thánh thiện”.

Và rồi chúng ta thấy rằng Kinh Nguyện Thánh Thể có các yếu tố nền tảng của lời tạ ơn trong Kinh Thánh: Tạ ơn Thiên Chúa về sự hiện diện của Người, về công trình sáng tạo và các hành động cứu độ đầy quyền uy của Người, tất cả đều được kể lại trong mẫu thức tóm gọn. Vì thế, Kinh Nguyện Thánh Thể đóng vai trò như lời mở đầu cho hy tế todah (“tạ ơn”) mới, hy tế Thánh Thể. Cũng giống như các hy lễ tạ ơn của Cựu Ước kéo theo việc quy tụ các tín hữu để tạ ơn Thiên Chúa về ơn cứu thoát của Người và chia sẻ bữa ăn chung với bánh và rượu, hy tế Thánh Thể cũng kéo theo việc quy tụ các Kitô hữu để tạ ơn Thiên Chúa về ơn Người giải thoát ta khỏi cái chết đời đời và cùng nhau chia sẻ bữa ăn trong dạng thức của bánh và rượu: là chính Mình và Máu Chúa Kitô.

“Thánh, Thánh, Thánh”: Đi Vào Phụng Vụ Thiên Quốc

Kinh Nguyện Thánh Thể, như đã nói ở trên, nhắc cho chúng ta rằng Thánh Lễ thì lớn lao hơn là một sự kiện phàm nhân xẩy ra trong một số nhà thờ trên trái đất. Thánh Lễ chính là một sự tham dự phụng vụ Thiên quốc. Điều này giải thích tại sao linh mục chủ tế đọc: “Cùng với các thiên thần và các thánh, chúng con ca tụng vinh quang Cha…”. Và rồi toàn thể cộng đoàn cùng tung hô:

“Thánh! Thánh! Thánh!

Chúa là Thiên Chúa các đạo binh.

Trời đất đầy vinh quang Chúa.

Hoan hô Chúa trên các tầng trời.

Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.

Hoan hô Chúa trên các tầng trời.”

Phần đầu của bài thánh thi này không phải được rút ra từ một bài thánh ca thường, đúng hơn nó được mô phỏng theo cách các thiên thần và các thánh thờ phượng Thiên Chúa trên Thiên quốc. Khi ngôn sứ Isaia có một thị kiến về Đức Chúa trên Thiên quốc, ông nhìn thấy các thiên thần đang ca ngợi Thiên Chúa với chính những lời tương tự: “Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh; toàn trái đất tràn đầy vinh quang của Người” (Is 6,3). Tông đồ Gioan cũng đã có kinh nghiệm giống như thế, được thuật lại trong sách Khải Huyền. Khi Gioan được nâng lên để thờ phượng Thiên Chúa trong phụng vụ Thiên quốc, ông chứng kiến bốn sinh vật sống, ngày đêm không ngừng hát: “Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa toàn năng” (Kh 4,8).

Vì thế, trời và đất gặp nhau trong bài ca này. Khi chúng ta hát “Thánh, thánh, thánh” trong Thánh Lễ ở đây trên địa cầu, chúng ta đang tham gia vào trong bài ca chúc tụng mà ngôn sứ Isaia và Tông đồ Gioan đã nghe các thiên thần hát xung quanh ngai Thiên Chúa trên Trời.

Phần thứ hai của bài thánh thi này cũng được rút ra từ Kinh Thánh. Đây là những lời của đám đông dân chúng tung hô Đức Giêsu như là vị vua chiến thắng, khi Người tiến vào Giêrusalem, cưỡi trên lưng lừa. Trải áo choàng và các nhành lá xuống mặt đường, dân chúng tung hô: “Hoan hô (hosanna) Con Vua Đavít! Chúng tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô (hosanna) trên cõi trời cao!” (Mt 21,9). Vì thế, những lời này làm nên một phần của bài ca “Thánh, Thánh, Thánh”. Cũng giống như những người Do thái long trọng đón Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với những lời ca chúc tụng này, chúng ta làm vang vọng lại lời chào đón này vào thời điểmđặc biệttrong Thánh Lễ, khi chúng ta chuẩn bị để đón Vua Kitô ngự vào trong chính đời sống của chúng ta qua việc Rước Thánh Thể.

“Hãy Làm Việc Này Mà Nhớ Đến Thầy”: Lễ Vượt Qua Mới

Ở tại trung tâm của Kinh Nguyện Thánh Thể là việc “kể lại” Bữa Tiệc Ly. Trong khi cầm bánh và chén rượu trong tay mình, linh muc chủ tế lặp lại những lời Đức Giêsu đã nói khi Người lập Bí tích Thánh Thể trong đêm trước khi Người đi chịu chết: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con … Đây là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Trong Do thái Giáo vào thế kỷ thứ nhất, ngôn ngữ của Chúa Kitô có thể gợi lại trong tâm trí người nghe những nghi thứchiến tế động vật, trong đó xác của các con vật hiến tế được dâng lên, và máu của chúng được rảy trên bàn thờ trong Đền thờ. Vì thế, khi Đức Giêsu nói về Mình Người “bị nộp”, và Máu Người “đổ ra.. cho nhiều người được tha tội”, Người xác định rằng một thể thức hy tế được thực hiện trong Thân Mình và Máu của chính Người. Bởi vì những lời này được nói trong bối cảnh của bữa ăn Vượt qua, nên một cách nào đó Đức Giêsu đã đồng hóa chính Người với con chiên chịu sát tế cho Lễ Vượt qua. Vì thế, Đức Giêsu là Chiên Vượt qua mới. Giống như những con chiên Vượt qua chịu sát tế ở Aicập khi xưa để cứu các con đầu lòng của Israel, Đức Giêsu cũng sẽ hiến tế chínhmình Người trên đồi Calvariô để cứu gia đình nhân loại khỏi cái chết đời đời.

Vị chủ tế cũng lặp lại những lời quan trọng trong Bữa Tiệc Ly: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Với những lời này, Đức Giêsu đang đề cập đến ý niệm Kinh Thánh về “sự tưởng nhớ”. Sự tưởng nhớtrong truyền thống Do thái mang một ý nghĩa lớn hơn là sự gợi nhớ quá khứ; nó thật sự làm cho quá khứ hiện tại hóa một cách bí nhiệm ngang qua Phụng vụ thờ phượng, ngõhầu những thế hệ kế tiếp có thể tham dự những sự kiện nền tảng trong lịch sử Israel. Bởi vậy, hằng năm khi những người Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua như là một sự tưởng nhớ, họ tin rằng thời khắc vô cùng quan trọng trong lịch sử của họ, cuộc Xuất Hành, không chỉ được gợi nhớ lại trong tâm trí, nhưng nó còn thật sự được hiện tại hóa cho họ. Một số người Do thái cổ đại đã nói rằng khi họ cử hành Lễ Vượt Qua thì như thể là chính họ đang bước ra khỏi Aicập với cha ông họ trong cuộc Xuất Hành.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta: Làm cách nào Thánh Lễ là một Hy tế? Khi Đức Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì chính Người đang trao ban lệnh truyền cho các Tông đồ cử hành Tiệc Vượt Qua mới này, dâng hiến Mình và Máu Người như là chiên Vượt Qua mới, như “một sự tưởng nhớ”. Nói một cách khác, Đức Giêsu đang bảo các Tông đồ rằnghãy làm cho sự kiện nền tảng này của Giao Ước mới nàynên hiện tại đối với mọi thế hệ Kitô hữu tiếp theo.

Bối cảnh nói trên giúp giải thích tại sao các tín hữu Công giáo có thể nói về Thánh Lễ như là một Hy tế. Thánh Lễ không phải là một hy tế mới, nhưng là làm hiện tại hóa hy tế duy nhất và hoàn hảo của Đức Giêsu như là một sự “tưởng nhớ” theo nghĩa Kinh Thánh. Vì thế, trong Thánh Lễ, khi linh mục chủ tế lặp lại những lời thánh hiến thánh này, những sự kiện quá khứ của Bữa Tiệc Ly và Núi Sọ được hiện tại hóa cách bí tích cho chúng ta ngang qua phụng vụ. Việc dâng tiến Mình và Máu của Chúa Kitô được tái hiện cho chúng ta theo một cách thế đặc biệt trong Thánh Lễ (x. GLCG, số 1366). Vì thế, Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng qua Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội kết hợp đời sống chúng ta với hy tế hoàn hảo mà Chúa Kitô đã thực hiện hai ngàn năm trước trên Núi Sọ: “Trong Bí Tích Thánh Thể, hy tế của Chúa Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể của Thân Mình Người. Đời sống của các tín hữu, lời ngợi ca của họ, những đau khổ, lời cầu nguyện, và lao công của họ được hiệp nhất với các điều đó của Chúa Kitô và với toàn thể lễ dâng của Người, và vì thế mặc lấy một giá trị mới. Hy tế của Chúa Kitô hiện tại trên bàn thờ làm cho mọi thế hệ Kitô hữu có thể được kết hợp với lễ dâng của Người” (GLCG, số 1368).

Dấu Chỉ Bình An: “Shalom” Với Chiên Vượt Qua Mới

Sau Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta chuẩn bị đón nhận Chúa Giêsu Kitô, Chiên Vượt Qua của chúngta, trong Hiệp Lễ (Rước Lễ). Trước hết, chúng ta đứng dậy và đọc Kinh Lạy Cha. Kinh nguyện này nhấn mạnh tình liên đới của chúng ta là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô, con cùng một Cha trên Trời (chúng ta không nói “Cha của con”, nhưng nói “Cha chúng con”). Vì thế, đọc Kinh Lạy Cha là một cách phù hợp để diễn tả sự hợp nhất của chúng ta trong lời cầu nguyện, trước khi sự thông hiệp của chúng ta được dìm sâu trong Thánh Thể.

Sau Kinh Lạy Cha, chúng ta diễn tả sự hợp nhất này ngang qua dấu chỉ chúc bình an cho nhau. Sự hiểu biết mang tính Kinh Thánh về bình an (shalom) có ý nghĩa nhiều hơn là là sự thiếu vắng hận thù hay chiến tranh. Shalomdiễn tả sự liên đới giao ước, tình bằng hữu, và những mối tương quan đúng đắn. Những người bạn vẫn còn ghen ghét nhau, những thành viên của gia đình chưa tha thứ cho nhau, những đôi vợ chồng chưa thể nhìn vào mắt nhau cách chân thành thì chưa có shalom. Vì thế, nghi thức chúc bình an chất vấn chúng ta sống những lời của Kinh Lạy Cha, bằng việc kêu mời chúng ta tha thứ và mang bình an vào trong tâm hồn chúng ta, trong tất cả các mối tương quan của chúng ta, trước khi chúng ta đón nhận Hoàng Tử của Bình An vào trong linh hồn mình lúc Rước Lễ.

Kế đến, chúng ta đọc: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con. …”. Với lời nguyện này, chúng ta làm vọng lại những lời của Gioan Tẩy Giả khi ông lần đầu tiên gặp và chào đón Đức Giêsu, được thuật lại trong Tin mừng Gioan: “Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình liền nói:“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Một lần nữa, theo mẫu gương của Gioan Tẩy Giả, chúng ta chào đón Chiên Thiên Chúa vào trong cuộc sống của chính mình, khi chúng ta chuẩn bị đón nhận Người trong Thánh Thể.

“Phúc Cho Ai Được Mời Đến Dự Tiệc Chiên Thiên Chúa”: Hôn Lễ Của Con Chiên

Cuối cùng, ngay trước khi Rước Lễ, linh mục chủ tế nâng Mình Thánh lên và nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Với những lời này, Thánh Lễ vọng lại những lời cầu nguyện của các thiên thần và các thánh trong phụng vụ Thiên quốc. Ở một khoảnh khắc cao điểm trong Sách Khải Huyền, Tông đồ Gioan nghe tiếng hùng mạnh của cộng đoàn đôngđảotrên Thiên quốc đang hát: “Hallêluia” và loan báo tiệc cưới của Con Chiên. Đức Giêsu Kitô, Con Chiên vinh thắng của Thiên Chúa, đã đến cưới Hiền Thê của Người là Hội Thánh. Xuyên suốt lịch sử cứu độ, hình ảnh tiệc cưới đã được dùng để diễn tả mối liên kết mật thiết mà Thiên Chúa ước muốn có được với dân của Người. Trong Kh 19, sự hiệp thông giao ước đậm đà này cuối cùng được thiết lập trong một bữa tiệc Vượt Qua mới, với Con Chiên là chính Đức Giêsu Kitô, hiệp nhất chính mình Người với Hiền Thê của Người là Hội Thánh. Khi loan báo tiệc cưới này, một thiên thần nói: “Hạnh phúc thay những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9).

Sự Thông Hiệp Thánh Của Tân Nương Và Tân Lang

Vì thế, khi linh mục chủ tế nói “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” thì không phải ngài mời chúng ta dự một bữa ăn bình thường bất kỳ nào đó, nhưng ngài đang chuyển đến cho chúng ta lời loan báo hôn lễ của thiên thần trong Sách Khải Huyền. Tại thời điểm này trong Thánh Lễ, chúng ta được mời đếndựtiệc cưới của Con Chiên. Và khi chúng ta bước lên để đón nhận Mình Thánh Chúa là chúng ta đang đóng vai trò của Hiền Thê được Chúa Giêsu yêu mến, là Hội Thánh. Quả thật, vị Tân Lang thần linh của chúng ta nối kết chính mình Người với chúng ta một cách mật thiết nhất ở đây trên địa cầu bằng cách trao ban cho chúng ta sự Hiện Diện đích thật của Người, là chính Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Người trong Bí tích Thánh Thể.

Trong ánh sáng này, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Thánh Lễ không phải là một nghi thức trống rỗng hay là một truyền thống của phàm nhân. Thánh Lễ chính là một sự tham dự vào bàn tiệc cưới Thiên quốc của Con Chiên.Và tất cả mọi lời nguyện và nghi thức của Thánh Lễ cuốicùng mang ý nghĩa chuẩn bị cho chúng ta đi vào giây phút cao điểm này của phụng vụ. Giống như nàng dâu mong mỏi đợi chờ để được nên một với chàng rể của mình, tâm hồn chúng ta cũng phải tràn đầy sự khát khao kết hợp với Chàng Rể thần linh của chúngta, Đấng là chính Thánh Thể ngự vào chúng ta trong giây đặc biệt này. Thật sự chúng ta rất diễm phúc được thông phần vào sự thông hiệp thánh này với Thiên Chúa chúng ta, đúng như lời loan báo của thiên thần trong Sách Khải Huyền: “Hạnh phúc thay những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9).

[1]Bài chia sẻ với các thầy chuẩn bị chịu chức Phó tế; Học Viện DCCT-VN, tháng 05/2018.

[2]- St 4,26: “Ông Sết cũng sinh được một con trai và đặt tên là Enốt. Bấy giờ, người ta bắt đầu kêu cầu danh ĐỨC CHÚA.”

– St 12,8: “Ông (Abraham) cắm lều giữa Bết Ên ở phía tây và Ai ở phía đông. Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA và ông kêu cầu danh ĐỨC CHÚA.”

– St 26,23-25: “Từ chỗ ấy, ông lên Bơe Seva. Đêm ấy, ĐỨC CHÚA hiện ra với ông và phán :‘Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, cha ngươi.Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi. Vì Ápraham, tôi tớ của Ta, Ta sẽ chúc phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra nhiều.’” Tại đây ông dựng một bàn thờ và kêu cầu danh ĐỨC CHÚA.”

– 1 V 18,24: “Đoạn các ngươi hãy kêu cầu danh thần của các ngươi ; còn tôi, tôi kêu cầu danh ĐỨC CHÚA. Vị thần nào đáp lại bằng lửa thì vị đó chính là Thiên Chúa. Toàn dân trả lời và nói : ‘Đề nghị hay đó !’”

[3]Xem H. Gese,“The Origin of the Lord’s Supper,” in Essays on Biblical Theology, trans.K. Crim (Minneapolis: 1981) 129.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.