Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đề cao tấm gương bác ái của linh mục Jan Macha đối với các linh mục trẻ, các chủng sinh, cũng như về lòng nhiệt thành theo Chúa, và phục vụ dân chúng và người nghèo.
Đức Hồng y bày tỏ lập trường trên đây, trong bài giảng tại lễ phong chân phước cho linh mục Jan Macha tử đạo, mà ngài đại diện Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự, sáng thứ Bảy, ngày 20 tháng Mười Một vừa qua, tại Nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô Vua, ở thành phố Katowice, miền nam Ba Lan.
Hiện diện trong thánh đường và cả bên ngoài nhà thờ, có đông đảo các giám mục, đại diện hàng linh mục, tu sĩ nam nữ và hàng ngàn giáo dân.
Chính tại thánh đường này, cha Jan Macha đã thụ phong linh mục, ngày 25 tháng Sáu năm 1939, tức là hơn hai tháng trước khi Thế chiến thứ II bùng nổ, ngày 01 tháng Chín, khi Ba Lan bị Đức quốc xã xâm lăng.
Cha Macha được bổ nhiệm làm phó xứ thánh Giuse ở Ruda Slaska, và đã thành lập hội bác ái Konwalia, Hoa Huệ Thung Lũng, để giúp đỡ tinh thần và vật chất cho những người bị mất người thân trong chiến tranh, bị đói khổ. Trong các hoạt động này, cha Macha không hề phân biệt quốc tịch, tôn giáo hoặc giai tầng xã hội. Nhưng các hoạt động đó bị mật vụ Đức quốc xã nhìn với cặp mắt ngờ vực và khó chịu. Ngoài ra, vị linh mục trẻ cũng từ chối không chịu làm lễ bằng tiếng Đức, theo lệnh của quân Đức.
Cha Macha bị mật vụ Gestapo của Đức bắt ngày 05 tháng Chín năm 1941, tại nhà ga Katowice. Sau những cuộc hỏi cung và lăng nhục, cha bị giam cầm mười tháng, bị hành hạ và cưỡng bách từ bỏ đức tin và những chọn lựa mục vụ của cha. Sau cùng, cha bị kết án tử hình ngày 17 tháng Bảy năm 1942 bằng cách chém đầu, tại nhà tù Katowice, ngày 03 tháng Mười Hai sau đó. Lúc ấy cha mới được 28 tuổi đời.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng y Semeraro nói rằng giáo huấn của vị tân chân phước hiển nhiên là cho tất cả mọi người, nhưng đặc biệt cho các linh mục trẻ, các chủng sinh, về tinh thần phục vụ. Cuộc tử đạo của cha Macha là một lời mời gọi chúng ta hãy ở lại với Chúa, tìm kiếm Chúa trong kinh nguyện và trong cuộc đối thoại nội tâm, tôn vinh Chúa bằng một cuộc sống thánh thiện. Hơn bao giờ hết, trong kỳ đại dịch này, giữa lúc Giáo hội đang tiến những bước đầu tiên trong hành trình công nghị, chúng ta cần ý thức rằng để được ơn cứu độ, chúng ta cần nhau, vì không ai có thể tự cứu thoát một mình.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA