Linh mục VN vượt nhiều cây số để đến phục vụ người Hmong Công giáo vùng xa

1493716520

Thái Hà (09.05.2017) – Không mấy khi có linh mục cử hành thánh lễ cho người Công giáo Hmong ở các bản làng xa xôi miền bắc Việt Nam. Nhưng thời gian gần đây, người dân vui mừng vì không những có hai linh mục mà còn có cả một giám mục đến dâng lễ nơi đây.

Giám mục phụ tá Anphôngsô Nguyễn Hữu Long của giáo phận Hưng Hóa cùng với hai linh mục khác đã cử hành các thánh lễ trong mùa Phục Sinh vừa qua cho giáo dân Hmong ở bảy bản làng.

Tại mỗi bản làng huyện Phú Yên tỉnh Sơn La, các cha đã giải tội và rửa tội cho hàng chục người. Họ đứng ngồi xung quanh các cha khi thánh lễ được tổ chức ngoài trời hay trong nhà.

Các cha còn tặng họ chuỗi hạt, thuốc men và bánh mì. Các bé thì được bóng bay và kẹo.

Huyện này có 1,000 giáo dân người Công giáo Hmong, mà đa số là người nhập cư từ các tỉnh khác cách đã đến đây từ hàng chục năm trước. Họ sống ở những bản làng xa xôi thiếu điện, đường xá tốt, trường học và cơ sở y tế.

Chuyến đi này là lần thứ ba Đức cha Long đến đây kể từ tháng Tám năm 2016. Những lần trước, ngài bị nhà cầm quyền cấm không cho cử hành thánh lễ.

Đức cha nói, “Ưu tiên trước nhất của chúng tôi là truyền giáo cho các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Hmong vì họ không được giáo hội chăm sóc mục vụ trong hàng chục năm qua”.

Giáo phận Hưng Hóa gồm có chín tỉnh và được xem là giáo phận lớn nhất Việt Nam. Ở đây có tới 30 dân tộc thiểu số nhưng trong đó chỉ có người Dao, Hmong, Mường, Tày và Thái là có người theo đạo. Có khoảng 20,000 giáo dân Hmong sống ở những vùng miền núi xa xôi của Việt Nam.

Vị giám mục cho biết, những nhà truyền giáo nước ngoài đã truyền giáo cho người Hmong ở Sa Pa vào những năm 1850, và thiết lập nên giáo xứ Sa Pa vào năm 1902. Khi đó, người Hmong đã di cư đến nhiều nơi khác và ở đó tạo dựng thêm nhiều xóm đạo.

Vì cha Idiart Alhor Jean, nhà truyền giáo cuối cùng ở Sa Pa bị cộng sản giết vào ngày 18 tháng 5 năm 1948, nên người Hmong đã phải bỏ làng. Họ đến nơi mới, vốn không có nhà thờ và linh mục và phải tự mình giữ đạo, dạy giáo lý và rửa tội cho nhau cho đến khi các giáo xứ được khôi phục vào năm 1995.

Đức cha Long, người thường xuyên đến thăm người Công giáo Hmong ở những vùng núi xa xôi, cho biết giáo phận đã cố gắng hỗ trợ họ bằng cách khuyến nghị nhà nước công nhận người Công giáo Hmong, cử đến các linh mục và nữ tu cũng như xây dựng nơi thờ phượng.

Đức cha Long, được tấn phong giám mục năm 2013, cho biết nhà nước đã công nhận người các cộng đồng Công giáo, trong đó có cộng đồng người Hmong, ở những tỉnh từng được xem là không có tôn giáo (trắng tôn giáo).

“Một xứ truyền giáo đã được công nhận vào năm 2015 ở Lai Châu, và một giáo xứ được thành lập ở tỉnh Điện Biên vào năm 2016. Có khoảng 5,000 giáo dân sinh sống tại hai tỉnh này.”

Tỉnh Sơn La tuy có 6,000 giáo dân nhưng vẫn chưa được công nhận.

Tuy nhiên, vị giám mục nói, nhiều cộng đoàn chưa được công nhận tại ba tỉnh này vẫn cử hành các nghi lễ tại gia, và có sáu linh mục đã được cử đến để chăm lo đời sống tinh thần cho họ.

Cha Giuse Nguyễn Trọng Dương, trưởng Giáo Hạt Nghĩa Lộ cho biết, vì Đức cha Long làm việc với nhà nước nên tự do tôn giáo đã được cải thiện ở các vùng xa. “Sáu linh mục đã được cử đến các bản làng Hmong trong hai năm vừa qua. Chúng tôi sẽ cử thêm hai cha khác đến đây trong thời gian tới”.

Cha Dương cho biết ngài đã đến thăm cộng đoàn người Hmong ở huyện Mù Cang Chải ở tỉnh Yên Bái, sau khi Đức cha Long đến với họ lần đầu tiên vào tháng Tám năm 2016. Chính quyền địa phương không cho phép giáo dân đến gặp các cha, đe dọa sẽ cắt việc làm của họ, lấy lại đất trồng trọt hoặc cắt các trợ cấp xã hội.

Cha Dương cho biết các cha đã xây dựng và sửa chữa nhà thờ, mua chuông và tượng thánh, sách kinh cho các giáo xứ và làm đường xá nối các bản làng đến nhà thờ.

Giáo phận, với 116 giáo xứ và 600 giáo họ và điểm truyền giáo, xây dựng và sửa chữa hàng chục nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ và các cơ sở khác mỗi năm. Những cơ sở cũ đều trong tình trạng xuống cấp và nhiều nơi còn không có nhà thờ.

Cha Giuse Vũ Quốc Hội, người phục vụ giáo xứ Giàng La Pan với 2,200 giáo dân Hmong từ năm 2014, cho biết ngài cử hành thánh lễ bằng tiếng Hmong và đưa lời Chúa vào đời sống của người dân.

Cha Hội, linh mục đầu tiên của giáo xứ này nói hầu hết người dân địa phương đều nghèo khổ, thất học và có từ 5-14 người con trong mỗi gia đình. Ngài đã cố gắng củng cố niềm tin của họ, cho họ được học những điều căn bản nhất và dạy họ bỏ đi hủ tục lạc hậu như cho trẻ em kết hôn.

Giuse Hồ A Tráng, một người trong ban hành giáo cho biết: “Chúng tôi rất vui khi có thánh lễ hằng ngày ở nhà thờ của chúng tôi. Con nít được giáo dục đức tin và các cặp đôi được học giáo lý hôn nhân. Thiên Chúa hết mực yêu thương chúng tôi”.

Tráng cho biết, trước đây các linh mục đến thăm họ vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Tuy nhiên, thời gian còn lại trong năm thì các cặp vợ chồng sẽ không được cử hành lễ cưới và người qua đời thì không có thánh lễ an táng.

Trong những chuyến đi thăm người Hmong hồi tháng Hai ở tỉnh Yên Bái, Đức cha Long đã khuyến khích các giáo dân quy tụ tại nhà để cầu nguyện cho công việc truyền giáo vì “Thiên Chúa yêu thương chúng ta cũng như yêu thương những người khác”.

Ngài nói rằng, việc giải quyết tình trạng thiếu linh mục là một vấn đề đối với một giáo phận mới chỉ có khoảng 114 linh mục đang phục vụ cho 240.000 giáo dân. Bình quân một linh mục phải chăm lo đời sống tinh thần cho 2.000 đến 3.000 giáo dân trong một hoặc hai huyện.

Đức cha nói: “Để đáp ứng nhu cầu thiếu linh mục, chúng tôi phải kêu gọi các giáo phận khác cho mượn linh mục của họ. Từ đó đến nay, chỉ có một linh mục đến giúp đỡ chúng tôi”.

Ngô Trâm (theo Ucanews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.