Mặc dù bị bách hại do những hành động được dàn dựng và lên kế hoạch bởi một số nhóm nhằm mục đích chia rẽ đất nước dựa trên tôn giáo, các tổ chức Kitô Ấn Độ vẫn tiếp tục dấn thân mạnh mẽ vì người nghèo.
Đối với các Kitô hữu Ấn Độ, năm vừa qua là “một năm bạo lực nhất” trong lịch sử, với 486 vụ tấn công gây chấn động trên toàn đất nước. Các Kitô hữu thiểu số phải đối mặt với một loạt các hành động bách hại do các nhóm Ấn giáo cực đoan thực hiện lên đến mức báo động.
Theo ông Michael, điều phối viên của Diễn đàn Kitô Thống nhất (UCF), một cơ quan giám sát bạo lực, trong năm 2021 có gần 500 vụ tấn công được trình báo. Bầu khí thù hận lan rộng bởi các hành động và bài phát biểu của một số nhóm, và những tuyên truyền sai về các trường hợp cải đạo đã kích động các phần tử chống đối xã hội. Các sự việc này là những hành động được dàn dựng và lên kế hoạch bởi một số nhóm nhằm mục đích chia rẽ đất nước dựa trên tôn giáo. Trong tất cả những điều này chỉ có 34 đơn tố cáo được cảnh sát chính thức ghi nhận và đưa ra biện pháp đối với những người gây ra bạo lực.
Nhưng mặc dù bị bách hại, tình liên đới giữa các Kitô hữu vẫn gia tăng ngay cả trong thời đại dịch. Đây là một chứng từ bác ái Tin Mừng vượt qua mọi khó khăn, đau khổ. Các Kitô hữu không ngần ngại dấn thân cứu những người bị thương tích và bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như hậu quả trầm trọng về sức khoẻ, kinh tế và xã hội.
Các tổ chức Kitô như Diễn đàn Kitô Thống nhất thúc đẩy với niềm tin vào các giá trị như công lý, tự do lương tâm, bình đẳng và tình huynh đệ; và cũng đưa ra một chứng tá về đức tin đích thực và sự dấn thân nhưng không.
Giữa tình thế khẩn cấp đại dịch, Tổng Giáo phận Bangalore, thuộc bang Karnataka, miền nam Ấn Độ đã quyết định chuyển các trường đại học Công giáo thành bệnh viện cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, đáp ứng cho nhu cầu khó khăn của các bệnh viện Công giáo và các cơ sở công. Các bác sĩ, y tá, tu sĩ nam nữ đã phục vụ không mệt mỏi và quên mình trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, với mong muốn cung cấp tất cả sự giúp đỡ và hỗ trợ có thể. Ngoài ra, Giáo hội địa phương và mạng lưới các bệnh viện Công giáo đã lập một đường dây nóng hỗ trợ các nạn nhân và người thân của họ, cung cấp thông tin về quản lý bệnh, các giường và máy thở cho bệnh nhân.
Trong tinh thần này, hàng ngàn dòng tu và cộng đoàn Kitô tiếp tục làm chứng về tình liên đới, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các cộng đoàn bị thiệt thòi, các làng quê xa xôi và các vùng ngoại vi bị lãng quên.