Trong truyền thống của Giáo Hội, có hai tháng trong năm phụng vụ được dành để vun trồng và bày tỏ lòng kính mến đối với Mẹ Maria: tháng 5 là tháng Hoa, và tháng 10 là tháng Mân Côi. Cả hai tháng do Giáo Hội đề ra đều nhắm giúp các tín hữu gia tăng lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa và noi gương các nhân đức của Mẹ hiền.
Ở Việt Nam, tại nhiều nơi, các tín hữu vẫn có thói quen dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng 5. Thói quen tốt lành trên đây đã được các linh mục thừa sai truyền sang Việt Nam, theo một truyền thống cổ kính ở Tây phương theo lễ nghi La tinh, trong khi các tín hữu ở miền Cận Đông theo nghi lễ Bizantine vẫn dành tháng 8 để biệt kính Đức Mẹ: họ dành 14 ngày đầu tiên trong tháng, để ăn chay, cầu nguyện, chuẩn bị cho ngày 15/8 là lễ An nghỉ của Đức Mẹ Maria.
Vài nét lịch sử
Tại Tây phương, tháng 5 được gọi là “Maggio” trong tiếng Ý, hoặc “Mai” trong tiếng Pháp, “May” trong tiếng Anh. Các danh từ này đều bắt nguồn từ tên của nữ thần “Maia” là con gái của nữ thần Atlante, người yêu của thần Jupiter. Ngày 1 tháng 5 được dành để tế nữ thần Maia.
Ở Roma, vào đầu tháng 5 xưa kia vẫn có thói quen kính nữ thần Flora, thần hoa: người ta tổ chức những trò chơi, nhảy múa, ca hát, làm những đoàn xe hoa rồi chọn một thiếu nữ làm “tiểu nữ hoàng mùa xuân” hay là “vị hôn thê tháng 5”. Trong thời trung cổ, các lễ đó vẫn được tiếp tục, nhưng được biến thành những lễ tình yêu, lễ vui mừng.
Các tín hữu Kitô cũng lấy lại truyền thống đó của dân ngoại, nhưng biến cải và mặc cho chúng những ý nghĩa tôn giáo, như đã biến cải ngày 25/12 ngày lễ kính thần mặt trời của dân ngoại thành ngày lễ Chúa Giáng Sinh, là Mặt Trời công chính soi sáng cho nhân loại. Các tín hữu Công giáo đã biến tháng 5 kính nữ thần Flora và Maia của dân ngoại thành tháng Hoa kính Mẹ Thiên Chúa.
Người đầu tiên đã gắn liền tháng 5 với hình ảnh của Mẹ Maria chính là vua Alfonso 10 của Tây ban nha, vào năm 1200. Tuy nhiên, người đầu tiên đã soạn cuốn sách nhỏ về lòng sùng kính Đức Mẹ trong mùa xuân là chân phước Henri Suso, dòng Đa Minh ở thành Konstanz bên Đức. Năm 1.300, cha Hensi Suso đã soạn cuốn sách tựa đề “Những Lời chào”, trong đó có những bài tôn kính mẹ Maria suốt trong mùa xuân. Tiếp đến, tại Roma vào năm 1.500, thánh Philipphê Neri bắt đầu dạy cho giới trẻ dành riêng tháng 5 để tôn sùng Đức Mẹ: thánh nhân dạy các thiếu niên hái hoa trang hoàng các ảnh tượng Đức Mẹ, hát những bài ca tôn kính Mẹ Thiên Chúa và thực hành các nhân đức noi gương Mẹ.
Cũng trong thời kỳ đó ở thành Firenze, trung Italia, tháng 5 trở thành một tháng đặc biệt do sáng kiến của các cha dòng Thánh Đa Minh: người ta tổ chức các buổi trình diễn những vở kịch kính Nữ Vương trời đất. Một tài liệu vào năm 1677 kể lại rằng các tập sinh Đa Minh ở Fiesole, gần Firenze, họp nhau lại thành một hội Đức Mẹ Maria để ca hát tôn kính Mẹ Thiên Chúa trong tháng 5: Họ hát kinh cầu và các thánh ca vào ngày 1/5, và Chủ nhật sau đó, họ đội triều thiên bằng hoa hồng đỏ trên đầu tượng Đức Mẹ và đặt vào bàn tay Mẹ một trái tim bằng bạc.
Tại thành phố Napoli, nam Italia, một thế kỷ sau đó, vào tháng 5 hàng năm, các tín hữu bắt đầu có thói quen ca hát kính Đức Mẹ và vị linh mục ban phép lành Mình thánh Chúa sau đó.
Người viết cuốn sách đầu tiên về tháng 5 là linh mục Dionisi, dòng Tên, sống tại thành phố Verona, bắc Italia. Cuốn sách được xuất bản năm 1700 với tựa đề “Tháng Đức Mẹ Maria”, dưới đó là tiểu đề “Tháng 5 dâng kính Mẹ, với việc thực hành các hoa nhân đức khác nhau, dành cho những người đặc biệt sùng kính Mẹ, dùng trong gia đình cho các người gia trưởng, trong các tu viện và trong các quán”. Cuốn sách của cha Dionisi rất nổi tiếng và đã được xuất bản 18 lần trong một thế kỷ tại châu Âu.
Kể từ năm 1.700 trở đi, việc dành riêng tháng 5 kính Đức Mẹ trở thành một thói quen phổ thông ở mọi nơi: trong gia đình, các tín hữu thường dọn một bàn thờ nhỏ, đọc kinh Mân côi, hát thánh ca, đọc kinh cầu Đức Bà. Vì thế tháng 5 trở thành một thứ tuần đại phúc liên kết các tín hữu lại với nhau nhân danh lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa. (P. Domenico Nicolai de’ Servi, “Con Maria verso il 2000”, Ed Carroccio, 1991, pp. 100-103)
Lòng sùng kính đích thực đối với Mẹ Maria
Trong tháng biệt kính Đức Mẹ, các tín hữu được mời gọi đào sâu lòng sùng kính Đức Mẹ.
Công đồng chung Vatican 2, trong hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen gentium) đã dạy rằng: “Các tín hữu hãy nhớ, lòng tôn sùng kính chân chính đối với Đức Mẹ không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67)
Và Công đồng liệt kê bốn yếu tố của lòng sùng kính đích thực đối với Mẹ Maria: thứ nhất là tôn kính, vì Người là Mẹ Thiên Chúa; tiếp đến là yêu mến, vì ngài là Mẹ hiền của chúng ta; thứ ba là cầu nguyện vì lời cầu bầu của Mẹ được nhìn nhận là có một hiệu năng đặc biệt, Người được các thánh gọi là “người cầu bầu toàn năng”; và thứ tư là noi gương Mẹ Maria, vì Người là mẫu gương mọi nhân đức cho các tín hữu, là những người họp thành thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô mà ngài là Mẹ.
Công đồng chung Vatican 2 phê bình những sự thái quá giả tạo, và nhắn nhủ các nhà thần học cũng như các vị rao giảng Lời Chúa hãy thận trọng, đừng rơi vào chỗ thái quá, trong việc đề cao phẩm giá đặc biệt của Mẹ Maria, và Công đồng nhiệt liệt khuyến khích các tín hữu hãy học hỏi Thánh Kinh, các tác phẩm của các Giáo phụ và các thánh tiến sĩ hội thánh, cũng như phụng vụ la tinh và đông phương, để trình bày một cách đúng đắn về chức vụ và những đặc ân của Đức Trinh nữ Maria. Chức vụ và đặc ân này luôn luôn có mục tiêu là Chúa Kitô, Người là nguồn mạch của mọi chân lý, sự thánh thiện và lòng sùng mộ. Đức Phaolô 6 thì khuyến khích các tín hữu hãy noi gương Mẹ Maria, biến cuộc sống của mình thành một việc thờ phượng dâng lên Thiên Chúa, việc thờ phượng này bao trùm và ảnh hưởng trên toàn cuộc sống.
Thánh Têrêxa Hài Đồng
Trước đó, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, trong cuốn “Tự Thuật”, cũng đã than phiền rằng có những nhà giảng thuyết và thần học mô tả sự thánh thiện và các nhân đức của Mẹ Maria với những thành ngữ cao vời quá đến độ các tín hữu cảm thấy nản chí không dám noi theo mẫu gương của Mẹ nữa.
Vài ngày trước khi qua đời, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã thốt lên: “Ôi, tôi yêu mến Đức Mẹ dường nào! Giả sử tôi là linh mục, tôi sẽ nói mọi sự tốt đẹp về Mẹ… Người ta thường trình bày Đức Mẹ như một nhân vật siêu phàm không thể đến gần được. Cần trình bày Ngài như một vị mà chúng ta có thể noi gương bắt chước được. Ngài là người Mẹ hơn là Nữ vương! Tôi đã nghe có người nói vinh quang của Mẹ làm lu mờ tất cả các thánh, giống như mặt trời khi mọc lên làm biến tan các vì sao! Trời ơi, điều đó kỳ quặc quá! Một người Mẹ lại làm biến tan vinh quang của con cái mình sao! Tôi nghĩ ngược lại và tôi tin rằng chính Mẹ là người càng làm tăng vinh quang của các tín hữu con cái Ngài… Tôi nghĩ cuộc đời của Đức Mẹ rất đơn sơ” (”Truyện một tâm hồn”, chương 12).
Quả thực, những lời trên đây của thánh nữ Têrêxa Hài đồng là một phản ứng đối với những tác giả trình bày về Mẹ Maria một cách quá cao vời làm cho Mẹ trở nên xa lạ với phàm nhân.
Sự kiện Giáo hội đề nghị các tín hữu noi gương Mẹ Maria trên con đường đời, không hề mâu thuẫn với giáo huấn từ trước đến nay về nghĩa vụ các tín hữu phải noi gương Chúa Kitô. Noi gương Mẹ Maria không hề mâu thuẫn với sự theo gương Chúa Kitô, trái lại càng mang lại cho chúng ta một phương thế dễ dàng và chắc chắn hơn để kết hiệp với Chúa Kitô và đạt tới sự thánh thiện mà ngài đã mời gọi các tín hữu. Về điểm này, cũng trong tông huấn “Signum Magnum”, Đức Phaolô 6 đã quả quyết: “Sự noi gương Đức Trinh Nữ Maria chẳng những không làm cho tâm hồn các tín hữu xa rời sự trung thành bước theo Chúa Kitô, trái lại càng làm cho sự theo Chúa trở nên đáng yêu và dễ dàng hơn; bởi vì Mẹ Maria là đấng luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa, nên hơn ai hết, Mẹ đáng được lời khen ngợi của Chúa, khi Người nói với các môn đệ: “Ai làm theo ý Cha ta đấng ở trên trời, thì người ấy chính là anh em, chị em và là mẹ của Ta”.
G. Trần Đức Anh, O.P