Viết mấy dòng này cho chú em, bên trời Tây, đang làm luận văn tiến sĩ triết, đối chiếu giữa St Thomas d’Aquin và Bồ Tát Asanga. Hắn đang chán viết quá rồi dù sắp kết thúc 500 trang. Tết Trung Thu, hắn nhớ nhà, nhớ Việt Nam, nhớ hương lúa chín. Nhớ quắt nhớ quay, nhớ chịu không nổi. Nãy giờ, hai anh em chat chít với nhau, rồi hắn đi dâng lễ, nhắn : anh viết đi, dâng lễ về em đọc.
Từ chuyện tuổi thơ, hắn bảo người ta chẳng bay lên bay cao được nếu không thương nhớ tuổi thơ. Người ta cũng chẳng vút lên những tầng trời cao sáng, nếu không cắm rễ trên mặt đất. Cuộc giao hòa Thiên -Địa – Nhân không thể phân ly. Và hắn từ đó, lạ lẫm đớn đau vì sao người Việt và GH Việt bây giờ có vẻ rất nghèo đời sống chiêm niệm tức đời sống tâm linh.
Hắn được sống trong tu viện Toulouse, là tu viện đầu tiên của Dòng, do chính thánh Đaminh lập, cách đây 800 năm. Giữa những ồn ào thời đại, tu viện Toulouse vẫn sống rất nề nếp, kỷ luật, nghiêng nhiều về lối sống chiêm niệm đan tu. Hắn bảo nhờ đời sống cầu nguyện thiết tha ở đây, hắn càng kính trọng anh em Phật Giáo.
Hai anh em từ lâu rồi, vẫn cùng xác tín rằng chất tâm linh, chất chiêm niệm, mới là đáy sâu của văn hoá. Và là đáy sâu, là hồn cốt của mọi sinh hoạt khác cho cuộc sống được phong phú sâu dầy. Văn chương, âm nhạc, thi ca, hội hoạ, cho tới mọi lối sống đều sẽ rất hời hợt nếu thiếu chất liệu tâm linh.
Điều lạ lùng mới mẻ, theo mình, khiến hắn xứng đáng danh hiệu tiến sĩ, là hắn khám phá St Thomas D’Aquin không hề duy lý như thiên hạ đã hiểu lầm ngài mấy trăm năm. Khai thác Jacques Maritain, một đồ đệ thế kỷ 20 của ngài, hắn nhận ra toàn bộ tư tưởng St Thomas là đẩy mọi hiểu biết đến chỗ… lặng tắt. Bản chất của tri thức là khát khao diện kiến Tuyệt Đối. Nhưng mọi kiếm tìm của tri thức đều đưa đến im lặng thâm sâu, đều phải vô ngôn mà lặng lẽ quì phục cúi đầu “trước” Tuyệt Đối, để làm sao có thể “diện kiến” Tuyệt Đối cách trực tiếp, tràn đầy… Những điều này, hắn thấy vô cùng gần gụi với tư tưởng của Bồ Tát Asanga tức Bồ Tát Thế Thân, một trong hai vị tổ của tư tưởng Duy Thức Phật Giáo. Viết luận văn này, hắn khiến mấy ông Tây xanh mặt khiếp vía…
Hắn làm cho mình nhớ mấy bà đan sĩ dòng Kín. Lại nhớ am vắng trên núi Dinh, và nhớ “ông anh trên núi” hoàn toàn thầm lặng tịch mịch Kỳ Vân Long Hải.
Cuộc đời này, quê hương này, được ươm, được sống, được phục hồi, nhờ cái rốn lặng thầm vô tận đó chăng ?!
Đặng San (Cha Giuse Đặng Chí San. OP)