Những người chỉ trích Đức Giáo hoàng Phanxicô đang chia rẽ Giáo hội và các gia đình

“Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm tổn hại đức tin của tôi”, mẹ tôi nói với tôi. Tôi cố nén lòng, nhớ lại những cố gắng vô ích trong quá khứ của mình khi đáp trả sự ác cảm của bà đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô của chúng ta.

“Hôm nay mẹ đã thưa chuyện với Cha sở rồi, và ngài chia sẻ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã làm tổn thương đức tin của ngài”, mẹ tôi cho biết thêm. Đó cũng là lời chỉ trích cuối cùng của bà.

Tháng 12 năm ngoái, mẹ tôi gần phút lâm chung sau cơn bạo bệnh. Cha sở của chúng tôi đã gặp bà vào buổi sáng hôm đó và giải tội cho bà. Đó là lần cuối cùng chúng tôi thảo luận với nhau về đức tin hay tôn giáo.

Đối với mẹ tôi, không có gì quan trọng hơn đức tin của bà. Bà thường nhắc nhở chúng tôi rằng ơn gọi và sứ mạng của bà đó là truyền lại đức tin cho bốn đứa con của bà và dẫn đưa chúng tôi vào Thiên đàng. Với năng khiếu tương tự khiến bà trở thành một người thầy tài năng, mẹ chúng tôi đã hướng dẫn chúng tôi những Giáo huấn của Giáo hội. Bà chia sẻ đức tin cho chúng tôi theo cách thức đầy hấp dẫn, phong phú, thú vị và chân thực — vượt xa cách giảng dạy Giáo lý tiêu chuẩn của các lớp Giáo lý trong Giáo xứ mà chúng tôi nhận được.

Đức tin mà mẹ tôi truyền lại cho tôi và các anh chị em của tôi đã bị ảnh hưởng bởi nền giáo dục của ngôi trường Công giáo của chính bà trong những năm 1950 và đầu những năm 60. Đức tin thời niên thiếu của mẹ tôi đã được hình thành bởi ông ngoại tôi, người đã vô cùng tức giận, thậm chí đã bị tổn thương bởi những cải cách của Công đồng Vatican II. Và ông ngoại tôi đã lên tiếng mạnh mẽ về điều đó. Tuy nhiên, khi trưởng thành, quan điểm của mẹ tôi về tôn giáo đã trở nên ít chống đối hơn. Cha tôi đã trở lại đạo Công giáo vài tháng trước khi họ kết hôn, và tôi nghĩ rằng đức tin của ông — chân chính nhưng cũng thực tế và chân thực — đã làm nguôi ngoai những xung động mang tính nổi loại trong quá trình nuôi dạy con cái của bà. Tuy nhiên, lòng sùng đạo của mẹ tôi luôn là trung tâm trong những kinh nghiệm thời thơ ấu của chúng tôi.

Mẹ tôi đã truyền dạy chúng tôi những lời cầu nguyện, thói quen đọc Kinh Thánh và Hạn các Thánh. Mẹ tôi cũng đã hướng dẫn chúng tôi những Giáo huấn về luân lý, Tứ chung (S chết, Sự phán xét, Thiên đàng và Địa ngục) và phẩm giá của con người. Mặc dù tôi chưa bao giờ nghe bà  sử dụng thuật ngữ Giáo huấn Xã hội Công giáo, nhưng bà phản đối án tử hình, ủng hộ công lý cho những người nhập cư, cực lực chống phân biệt chủng tộc và ủng hộ Đức Giáo hoàng Phanxicô về các vấn đề về chiến tranh và hòa bình.

Chúng tôi treo bức hình của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong nhà bếp của chúng tôi. Tôi nhớ khi còn nhỏ tôi đã chiêm ngưỡng bức hình và nghĩ rằng quả thực chúng ta may mắn biết bao khi có được một nhà lãnh đạo tuyệt vời như vậy đối với Giáo hội của chúng ta. Mặc dù ông ngoại tôi thường nghi ngờ và chẳng mấy nể trọng hang Giáo phẩm trong Giáo hội, nhưng mẹ tôi đã phát triển tình yêu đối với Đức Giáo hoàng và tin tưởng Giáo hội để dạy dỗ chúng tôi về lẽ thật.

Chắc chắn có những lỗ hổng trong việc đào luyện đức tin của chúng tôi, nhưng điều này không phải do mẹ tôi thiếu nỗ lực. Bà đã truyền lại tất cả những gì bà có cho các con. Các cuộc trò chuyện hàng ngày của chúng tôi thường xoay quanh đức tin của chúng tôi: những câu hỏi lớn, sâu sắc, và thường xuyên. Đức tin Công giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc tôi là ai — chúng tôi là ai — và ngay cả trong những thời điểm đen tối trong cuộc đời tôi, thậm chí ngay cả khi Thiên Chúa dường như xa vời, những lời cầu nguyện của tôi không được đáp lại và tương lai của tôi không chắc chắn, đức tin của tôi không bao giờ rời bỏ tôi.

Thậm chí ngay cả khi mối quan hệ của tôi với mẹ tôi trở nên căng thẳng theo thời gian, tôi vẫn biết ơn bà vì đức tin mà bà đã truyền lại cho tôi.

 Đó là lý do tại sao sự chia rẽ của chúng tôi về Đức Giáo hoàng Phanxicô quả thực hết sức đau đớn.

***

Cuộc bầu cử của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2013 trùng với một giai đoạn của sự hoán cải cá nhân và sự trưởng thành về mặt tâm linh trong cuộc đời tôi. Tôi không chỉ dấn thân sâu hơn vào việc thực hành đức tin của mình, tham dự Thánh lễ hàng ngày và chầu Thánh Thể, nhưng tôi đã bắt đầu hiểu đức tin của mình một cách sâu sắc hơn về mối tương quan của tôi với Thiên Chúa và cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô.

Đức tin mà mẹ tôi đã chia sẻ cho tôi, đức tin mà mẹ tôi đã giúp tôi nuôi dưỡng, cuối cùng đã trở thành đức tin của riêng cá nhân tôi. Nhiều người đã đóng góp vào việc giáo dục và đào tạo đức tin của tôi. Nhưng chắc chắn rằng người đầu tiên chăm sóc hạt giống đức tin của tôi đó là mẹ tôi.

Khi Đức Phanxicô trở thành Giáo hoàng, mọi thứ dường như xích lại gần nhau. Hầu hết chúng ta đều nhớ đến những tháng đầu tiên trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô: một vòng xoáy của những cử chỉ đầy mạnh mẽ, những lời nói đầy cuốn hút và những quyết định đáng ngạc nhiên chưa từng có. Tinh thần thiện chí trên toàn cầu được tạo ra bởi sự khởi đầu của Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô đã tạo ra một “khoảnh khắc Công giáo” trong nền văn hóa của chúng ta. Sau nhiều năm truyền thông tập trung vào các vụ bê bối của Giáo hội và thu hút sự chú ý đến các cuộc chiến văn hóa chính trị, có vẻ như vị tân Giáo hoàng người Argentina của chúng ta đã một tay thay đổi câu chuyện khi Ngài bước ra ban công cửa sổ chính giữa phía mặt tiền đền thờ Thánh Phêrô, đưa ra một cái vẫy tay khiêm tốn và nói: “Buona sera” (Xin kính chào toàn thể anh chị em!).

Trong khi phần lớn sự chú ý của thế giới tập trung vào các hành động công khai của Đức Phanxicô — thanh toán hóa đơn khách sạn, sống trong căn hộ Casa Santa Marta giản dị hơn thay vì Điện Tông Tòa, rửa chân cho các tù nhân trẻ vào Thứ Năm Tuần Thánh — tôi đã theo dõi sát những điều Ngài nói. Tôi đã rất ấn tượng khi, vài ngày sau khi đắc cử Giáo hoàng, Ngài thốt lên“Tôi mong muốn một Giáo hội nghèo và vì người nghèo”. Tôi quả thực vô cùng xúc động khi Đức Phanxicô bày tỏ rõ quan điểm của mình về vai trò của thẩm quyền của Giáo hoàng trong bài giảng trong Thánh lễ khai mạc Sứ vụ Giáo hoàng của Ngài. “Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ, và để thi hành quyền bính này, cả Giáo Hoàng cũng ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá”.

Điều mà tôi và nhiều người Công giáo khác nhận ra ở Đức Thánh Cha Phanxicô là cách Ngài đưa các nguyên tắc đức tin của chúng ta — Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô — vào thực tiễn. Điều này đã được củng cố bởi những lời chia sẻ của Ngài. Trong các bài giảng, các bài diễn văn và các cuộc phỏng vấn của mình, Đức Phanxicô không ngừng khuyên nhủ chúng ta nhận thức rằng nếu không có sự khiêm tốn, tinh thần ăn năn, hoán cải, sự biến đổi và một trái tim đầy dịu dàng và hy vọng, thì đức tin của chúng ta trở nên rỗng tuếch và tự quy chiếu về mình.

Đối với tôi cũng rõ ràng rằng tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đức tin chính xác là phương pháp chữa trị cho Giáo hội đầy rối ren, bị xây xát và phân cực tại Hoa Kỳ.

***

Thật không may, không phải tất cả mọi người trong Giáo hội Hoa Kỳ đều đồng tình như vậy.

Kể từ những ngày đầu tiên trong Triều đại Giáo hoàng này, ngày càng có nhiều nỗ lực tập trung nhằm cắt xén thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các phương tiện truyền thông Công giáo và các nhân vật công chúng từng được coi là chính thống và trung thành với Huấn quyền đã bắt đầu đặt câu hỏi về những lời giảng dạy và Giáo huấn của Ngài. Những phát biểu ứng khẩu đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh và được hiểu như là “những sự xúc phạm” đối với những người Công giáo mộ đạo. Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc chăm sóc công trình sáng tạo, “Laudato Si”, đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà phê bình, những người chỉ trích sự tin cậy của Ngài vào “khoa học không thể đoán trước” và sự chỉ trích chủ nghĩa tư bản của Ngài.

Khi Triều đại Giáo hoàng này tiến triển, phản ứng của một số tổ chức truyền thông và tạp chí định kỳ phổ biến với người Công giáo Hoa Kỳ tiến triển từ tích cực sang cảnh giác đến nghi ngờ. Khi Tông Huấn về hôn nhân và gia đình, “Amoris Laetitia”, của Đức Thánh Cha Phanxicô được phát hành vào ngày 8 tháng 4 năm 2016, nhiều tổ chức trong số đó đã trở nên thù địch công khai.

Sự phản đối đối với Đức Phanxicô — được củng cố bởi việc xuất bản một tài liệu có chữ ký của bốn vị Hồng y, những người nói bóng gió rằng Tông Huấn “Amoris Laetitia” đã vi phạm các Giáo huấn bất biến của Giáo hội Công giáo về các vấn đề hôn nhân, ngoại tình và sự thật khách quan — đã trở nên không ngừng. Các nhà biện hộ Công giáo nổi tiếng, những người công khai khuyến khích sự phản đối đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô và các Giám mục — bao gồm những tiếng nói cực đoan như Michael Voris của trang web ‘Church Militan’ và nhà bình luận YouTube nổi tiếng Taylor Marshall — có các nền tảng đa phương tiện cực kỳ nổi tiếng và hầu như không bị các nhà lãnh đạo Giáo hội phản bác.

Đây không chỉ đơn giản là một hiện tượng trên mạng xã hội. Nhiều người Công giáo trên khắp đất nước đã nghe những nhân vật như Đức Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò – cựu Sứ thần Vatican tại Hoa Kỳ, người đã nhiều lần công kích Đức Phanxicô sau khi kêu gọi Ngài từ chức vào năm 2018 – được ca ngợi từ các bục giảng. Các bài báo miệt thị Đức Phanxicô đã được chia sẻ giữa các nhóm người Công giáo và được đăng trên các trang web của các Giáo xứ. Tôi có vài người bạn thuộc các câu lạc bộ sách Công giáo, nơi mà các thành viên sẽ từ chối đọc bất cứ thứ gì của Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Kể từ khi tôi bắt đầu viết và nói công khai về hiện tượng này, tôi đã nghe hàng trăm người Công giáo chứng kiến các gia đình và cộng đồng của họ bị chia rẽ vì Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ở một số Giáo xứ – và thậm chí một số Chủng viện trong Giáo phận – sự tiêu cực đối với Đức Phanxicô đã trở nên phổ biến đến mức những người ủng hộ Ngài cảm thấy buộc phải giữ quan điểm của họ cho riêng mình. Một Linh mục nói với tôi rằng một số Chủng sinh gọi các Chủng viện của họ là “những khu vực không có tư tưởng Phanxicô”.

Những người chỉ trích ít phản động hơn của Đức Phanxicô đã lực bất tòng tâm trong việc ngăn chặn sự nổi dậy của những đối tác đầy ác ý hơn của họ. Câu chuyện này cũng không nhận được sự quan tâm đáng kể của công chúng từ các Giám mục Hoa Kỳ hoặc những người Công giáo ủng hộ Đức Phanxicô. Thông thường, họ sẽ tích cực ngăn cản người khác lên tiếng công khai chống lại những kẻ cầm đầu nổi loạn này, cho rằng làm như vậy sẽ mang lại cho họ sự chú ý mà họ khao khát. Nhưng như chúng ta đã chứng kiến ở Hoa Kỳ và chính trường quốc tế, “cơ sở” như thế không còn đủ khả năng để phớt lờ những phong trào dân túy mạnh mẽ này.

Bất cứ điều gì thúc đẩy những người đã dẫn đầu cuộc công kích này nhắm vào danh tiếng của Đức Phanxicô — tiền bạc, chính trị, hệ tư tưởng hoặc trong trường hợp tốt nhất là những xác quyết sâu sắc — thì toàn bộ sự việc đã trở thành một sự phân tâm lớn khỏi Huấn lệnh của Đức Kitô đó là loan truyền Phúc Âm cho tất cả mọi loài thụ tạo và xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa ở đây trên Trái đất này. Điểm trọng tâm đã trôi dạt rất xa so với những điều Chúa Giêsu đã truyền dạy chúng ta phải làm. Và mọi thứ không được cải thiện.

***

Mẹ tôi, người chưa bao giờ đọc bất cứ điều gì mà Đức Giáo hoàng Phanxicô thực sự đã viết, đã tin rằng Ngài là một kẻ dị giáo bởi những người bạn của bà ở nhà thờ, các thành viên trong câu lạc bộ sách Công giáo của bà và thông qua việctheo dõi “The World Over Live”, một chương trình trò chuyện hàng tuần trên EWTN do nhà báo Raymond Arroyo tổ chức, vốn thường có các nhà phê bình thẳng thắn đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Ngày từ đầu Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, chúng tôi thường xuyên tranh luận về Ngài. Chẳng hạn, trước mỗi hai phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình, bà đã lặp lại tuyên bố chung giữa những người chỉ trích Đức Phanxicô rằng các Thượng Hội đồng Giám mục đã bị “lũng đoạn” và chúng chỉ là phương tiện cho những thay đổi định trước đối với Giáo huấn của Giáo hội. Tương tự như vậy, bất cứ khi nào một Giám mục mà bà cho là ôn hòa hoặc cấp tiến được bổ nhiệm lãnh đạo một Giáo phận tại Hoa Kỳ, bà sẽ luôn nhấn mạnh — dựa vào những bài bình luận mà bà đọc được trên các phương tiện truyền thông Công giáo — rằng những quyết định như vậy là bằng chứng chứng tỏ thêm rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đang cố tình hủy hoại Giáo hội. Bất kỳ nỗ lực nào tôi đưa ra để làm sáng tỏ hoặc đính chính câu chuyện này đã ngay lập tức bị dập tắt.

Tại một thời điểm nào đó, tôi nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ thuyết phục được bà, và tôi cố gắng tìm cách né tránh đề tài này hơn là tạo thêm sự chia rẽ. Khi bà trở bệnh, tôi đã nêu lại chủ đề này thêm vài lần nữa, nhưng rõ ràng là quan điểm của bà đã trở nên bảo thủ. Bà thậm chí còn có một chiếc cốc cà phê với cái tên “Viganò” được viết bằng chữ in hoa. Và tất cả mọi cuộc trò chuyện của chúng tôi về tôn giáo đều trôi vào cuộc tranh cãi về Đức Giáo hoàng Phanxicô. Sự bất lực không thể nói về Thiên Chúa với người đã trao cho tôi đức tin khi bà nằm hấp hối trên giường bệnh quả thực là điều vô cùng đau đớn.

Kinh nghiệm của tôi không phải là duy nhất. Sự chia rẽ này trong Hội Thánh là một tình trạng bi thảm đang gây tổn hại cho các gia đình và các cộng đồng đức tin. Nó hoàn toàn trái ngược với Tin Mừng và thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ trong bài giảng của mình vào ngày 29 tháng 6: “Sẽ luôn có những kẻ phá hủy sự hiệp nhất và bóp nghẹt lời tiên tri”. Tôi đã trải nghiệm sự chia rẽ này theo một cách rất cá nhân. Tác động của sự chống đối của công chúng chống lại Đức Giáo hoàng không phải là điều gì đó mang tính lý thuyết; nó đang làm tổn hại Thân Mình Chúa Kitô. Những nhà lãnh đạo nào trong số chúng ta sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết về hành động để thúc đẩy sự hiệp nhất trong Hội Thánh?

Chắc chắn, có những bất đồng khó giải quyết, và không phải mọi sự chia rẽ đều sẽ được hàn gắn ở bên này thiên đường. Nhưng chúng ta không thể không xem xét tới việc mình là ai với tư cách là các tín hữu Công giáo. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được kết hợp như anh chị em với Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành. Chúa Giêsu trao phó việc chăm sóc đàn chiên của Ngài cho Thánh Phêrô và những người kế vị Ngài. Giáo hội dạy rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô chính là nền tảng hữu hình của sự hiệp thông đối với tất cả các tín hữu, và việc chữa lành những vết thương này chỉ có thể bắt đầu trong sự hiệp nhất với Ngài.

Mike Lewis

** Mike Lewis là chủ bút của trang web Where Peter Is. Trước đây, ông đã từng làm việc cho Tổ chức ‘Catholic Climate Covenant’ và bộ phận truyền thông của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ.

Minh Tuệ (theo America)