(1) Phanxicô: Vị Giáo Hoàng của người nghèo (phần 1: Dẫn nhập)
(2) Phanxicô: Vị Giáo Hoàng của người nghèo (Phần 2) – Những năm tháng đầu đời và quá trình đào tạo
Cuộc chiến tranh Bẩn Thỉu (Dirty War) và những sự dèm pha
Đầu những năm 1970, Argentina bước vào giai đoạn độc tài quân sự, dẫn đến rất nhiều xáo trộn về chính trị và kinh tế. Mâu thuẫn bùng nổ khắp nơi trên quốc gia này. Nhiều người ước đoán có tới trên 30.000 người bị bắt cóc, sát hại. Trong một giai đoạn lịch sử nhiễu nhương như vậy, Giáo Hội Công giáo được kì vọng sẽ đứng ra để ngăn chặn quân đội đàn áp nhân dân Argentina. Tuy nhiên, có rất nhiều chỉ trích cho rằng Giáo Hội trong giai đoạn này đã thất bại trong việc bảo vệ dân chúng, thậm chí trong một số trường hợp cá biệt, xảy ra tình trạng làm ngơ và đồng lõa với quân đội.
Giống như nhiều thành viên khác của giáo hội trong giai đoạn này, người ta không biết được nhiều về những việc làm của Jorge Bergoglio liên quan tới nhà cầm quyền như thế nào. Tuy nhiên, Bergoglio cũng không thể nói là vô can. Nhiều năm sau này, khi đã là Hồng y, một luật sư còn đưa ra quan điểm cho rằng Bergoglio đã tích cực cộng tác với quân đội để giúp họ bắt cóc hai linh mục có quan điểm chống nhà cầm quyền. Hai linh mục đó có tên là Yorio và Jalics, hai người đều có lập trường chính trị cấp tiến. Tuy vậy, vì không có bằng chứng xác thực để chứng minh nên lời vu cáo trên nhanh chóng bị bác bỏ. Những ai quen biết Bergolio đều nói rằng đó là những lời vu cáo vô căn cứ mà thôi.
Về phần mình, Bergoglio giữ im lặng về chuyện gì đã xảy ra trong thời Chiến tranh Bẩn thỉu cho đến khi nhà viết tiểu sử Ruben Sergio phỏng vấn ngài. Sergio đã trình bày đề tài này trong cuốn sách El Jesuita. Trong cuộc phỏng vấn, Bergoglio nhận thức rõ ràng rằng: Khi bất ổn chính trị xảy ra, vai trò của giáo hội và những nhà lãnh đạo giáo hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ của giáo hội, của các linh mục là phải đảm bảo chắc chắn họ có thể ngăn chặn nhiều nhất có thể những vi phạm chà đạp lên nhân quyền. Tuy nhiên, Bergoglio cũng xin mọi người hiểu rằng Giáo hội cũng gặp phải những khó khăn nhất định để tìm ra cách thức hành động hợp lý.
Bergoglio nhắc lại kinh nghiệm của ngài. Năm 1973, khi những vụ nổ súng nghiêm trọng đầu tiên xảy ra, cộng thêm các biến cố liên tiếp đã gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng vào năm 1976. Ngài khi ấy vẫn còn là một linh mục trẻ mới được truyền chức 4 năm. Ngài chưa đủ kinh nghiệm và độ chín để có thể đánh giá đúng về chính trường và các chính sách của nhà cầm quyền để mà có một bức tranh toàn cảnh.
Nhìn lại những năm tháng này, ngài thấy có rất nhiều cách đáp trả khác nhau của các linh mục trước thời cuộc. Có nhiều quan điểm không đồng nhất và Bergoglio thừa nhận, một số người xử lí tình hình tốt hơn những người khác. Ngài nhớ lại có những linh mục phải cố gắng vất vả để làm tròn bổn phận của mình, chuyên tâm lo việc nhà Chúa, và tảng lờ đi những mâu thuẫn xã hội xung quanh. Tuy nhiên, ngài cũng biết và nghe nói đến những vị khác đã nhanh chóng có những hành động để bảo vệ nhân quyền. Một số bề ngoài có vẻ không có động tĩnh gì nhưng kì thực, họ làm việc rất tích cực ở phía sau hậu trường nhằm trợ giúp những người đang cần cứu giúp.
Bergoglio hé lộ chi tiết về hành động của ngài trong giai đoạn biến động của chiến tranh, bao gồm cả chi tiết về hai linh mục Yorio và Jalics. Ngài thừa nhận rằng mình không đồng ý với quan điểm của họ nhưng ngài cũng bác bỏ những dư luận cho rằng ngài “đàn áp” hai linh mục này. Ngài nói, ngài không bao giờ mong muốn sự dữ xảy ra với những người anh em mình. Đáng tiếc, ngài đã trục xuất hai linh mục này ra khỏi Dòng Tên, và trùng hợp sau đó không lâu, họ bị nhà cầm quyền bắt cóc bỏ tù.
Bergoglio trả lời trước các cáo buộc bằng việc cho nhà viết tiểu sử Sergio biết các biện pháp mà ngài thực hiện để biết họ đang bị giam giữ ở đâu và tìm cách đưa họ ra khỏi nhà tù. Sau vài tháng nỗ lực, hai linh mục đã được thả tự do và tìm thấy bị trói ở một khu ngoại ô Buenos Aires. Tin tức về việc Bergoglio cố gắng giải cứu hai linh mục làm cho dư luận khi ấy bớt xì xầm vì rõ ràng nếu Bergoglio không ra tay giúp đỡ, hai vị kia không thể nào được nhà cầm quyền thả ra nhanh chóng như vậy.
Bergoglio cũng cho biết ngài đứng sau chính trường để giúp đỡ những người cần trợ giúp. Một lần kia, ngài giấu những người di dân ở trong nhà xứ của mình, và cải trang cho một người thanh niên mặc tu phục của ngài, thậm chí cho anh ta thẻ căn cước của mình để trốn thoát ra khỏi nước ngoài. Có những người trách Bergoglio, họ cho rằng, đáng nhẽ ngài phải lên tiếng ngay sớm hơn về những lời cáo buộc để minh oan cho mình. Tuy nhiên, ai hiểu Bergoglio mới thấy rằng ngài là một con người vô cùng khiêm nhường và kín đáo, ít nói về bản thân.
Nhận ra việc người dân Argentina không hài lòng với những việc làm của Giáo hội công giáo trong thời khủng hoảng chính trị, Hội đồng giám mục Argentina đã ra bản thông cáo xin lỗi tập thể và chính thức trước nhân dân vào tháng 10 năm 2012. Khi ấy, Bergoglio là chủ tịch Hội đồng giám mục.
Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, những dư luận về hành động của ngài trong thời chiến tranh Bẩn thỉu lại một lần nữa dấy lên. Tuy nhiên, Vatican cho hay, những cáo buộc đó không có gì mới.
BẤT ĐỒNG VỚI NHÀ CẦM QUYỀN
Jorge Bergoglio được nhiều người biết đến vì những bất đồng ý kiến với nhiều đời tổng thống của Argentina.
Năm 2004, tổng thống đương nhiệm khi đó là Christina Fernandez de Kirchner tham dự một thánh lễ trong một ngày lễ nghỉ của quốc gia. Bergoglio hôm đó giảng lễ, và vị hồng y của chúng ta đã nói lên thực trạng của bộ máy hành chính. Kirchner cho rằng bài giảng có ý nhắm đến ông ta, và rằng mình bị xúc phạm vì bài giảng đó. Từ khi ấy, ông ta né tránh Bergoglio và đi lễ ở nơi khác.
Sau này, các phóng viên hỏi Bergoglio về bài giảng đó, liệu ngài có ý nhắm tới các hành động của tổng thống nơi bộ máy cầm quyền không. Bergoglio trả lời, bài giảng đó dành cho nhân dân Argentina, và tổng thống Kirchner cũng là một người dân trong đó. Nestor Kirchner qua đời năm 2010, để lại quyền lãnh đạo quốc gia cho vợ mình là bà Christiana Fernandez de Kirchner.
Năm 2010, cùng năm người chồng qua đời, Chritiana Fernandez cho thông qua luật hôn nhân đồng tính. Hồng y Bergoglio phản đối kịch liệt luật này. Theo thời báo New York times, Bergoglio coi luật này là “sự tấn công có tính hủy diệt vào kế hoạch của Thiên Chúa.” Bergoglio cũng công khai phản đối luật cho phép các đôi đồng tính nhận con nuôi. Ngài gọi đây là “tội ác chống lại trẻ em.” Bergoglio cũng không đồng ý với luật cho phép ngừa thai tự do.
Sau khi Bergoglio trở thành Giáo hoàng, ngài có gặp bà tổng thống Christiana Fernandez trong một nỗ lực cải thiện mối quan hệ. Bà ấy cũng gửi cho ngài một lá thư chúc mừng và hi vọng hai bên sẽ hợp tác với nhau để cải thiện mối bang giao của Argentina trên trường quốc tế.
(Còn tiếp)
Duc Trung Vu, CSsR
Dựa trên cuốn Pope to the Poor của James Fritz