Thánh nữ Faustina cho biết rằng chính Đức Mẹ đã dạy Chị cách chuẩn bị Lễ Giáng Sinh: “Con hãy cố gắng thinh lặng và khiêm nhường để Chúa Giêsu, Đấng ngự trong tâm hồn con, có thể nghỉ ngơi. Hãy tôn thờ Ngài trong tâm hồn con, đừng ra khỏi nội tâm của con.” (Nhật Ký, số 785)
Thinh lặng là đặc điểm của Mùa Vọng. Người ta thường trầm ngâm khi mong chờ. Chân thành chờ đợi ắt sẽ được gặp gỡ. Điều đó đã hiện thực: Con Thiên Chúa giáng sinh. Ngài nhập thể và nhập thế, trở nên yếu đuối và đơn sơ khi mặc xác phàm, trở nên giống phàm nhân về mọi phương diện – ngoại trừ tội lỗi. Ngài dạy phàm nhân cách sống hy sinh, cụ thể là nhân đức nghèo khó – và nhân đức này giúp sống khiêm nhường thực sự.
Tiếng hát của ca đoàn thiên thần đã vang lên: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14) Đấng Cứu Thế đã giáng sinh. Cả thế giới hân hoan tưng bừng. Kết thúc Mùa Vọng để khởi đầu Giáng Sinh – khởi đầu niềm vui mới và niềm hy vọng mới. Tuy nhiên, vì cuộc sống vốn dĩ nhiêu khê, thế nên vẫn có thể còn những điều khiến chúng ta quan ngại về cách vui sống đúng tinh thần 3K của Mùa Giáng Sinh: Kính Mến – Khiêm Hạ – Khó Nghèo. Đồng thời Giáng Sinh cũng là dịp tốt để chúng ta cố gắng tiêu diệt 3K nơi chính mình: Kiêu Căng – Kiểu Cách – Khó Tính. Đó là cách đè bẹp “cái tôi” để sống hòa đồng, thanh thản.
Xét theo phương diện bề ngoài, điểm “nổi bật” của Giáng Sinh là Hang Đá – tại các nhà thờ và tại nhiều gia đình. Đó chỉ là cái phụ, không phải cái chính. Khi nhìn vào Hang Đá, chúng ta thấy rõ nét của một gia đình: Cha, Mẹ và Con. Nhiều người trong chúng ta không có một gia đình đúng nghĩa, có thể chỉ còn mẹ, chỉ còn cha, hoặc không còn cha mẹ. Chắc chắn họ sẽ cảm thấy mủi lòng khi ngắm nhìn hang đá trong đêm Giáng Sinh.
Điểm nổi trội của Lễ Giáng Sinh là Yêu Thương: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16) Vì thế, theo thói quen tốt lành, Giáng Sinh là dịp người ta thể hiện tình cảm với nhau qua những tấm thiệp, lời chúc hạnh phúc và thánh đức. Đó cũng là một cách Phúc Âm hóa lẫn nhau – truyền giáo cho tha nhân, thân nhân, và thậm chí là truyền giáo cho chính mình nữa.
Có nhiều cách truyền giáo, cách thức cũ có thể không còn thích hợp với thời đại mới, cần có cách thức mới. Có thể đây là vài cách đơn giản nhưng khả thi và hữu hiệu:
1. TẶNG PHẨM – Trước tiên, sống Tình Giáng Sinh bằng tình yêu thương và lòng tin tưởng trong các mối quan hệ. Trong dịp mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta có thể dành cho tha nhân những món quà cụ thể, đơn giản, không nên cầu kỳ. Chẳng hạn, mời nhau ly cà-phê, chia sẻ bữa ăn sau lễ đêm Giáng Sinh (gọi là Réveillons – canh thức), mời nhau dùng bữa trưa ngày lễ Giáng Sinh, mời nhau chiếc bánh, dĩa xôi, chén chè,… với tấm lòng yêu thương chân thành.
2. NHƯỜNG NHỊN – Nguyên nhân tranh chấp hoặc tranh giành vì tính đành hanh, không nhường nhịn. Con người bất toàn nên thường có sự bất đồng ý kiến. Nếu cảm thấy mình có “vấn đề” gì đó với người khác – tha nhân hoặc gia đình, hãy tình nguyện giao hòa trước. Đó là khiêm nhường và cũng là phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô đã từng bị đánh đập dở sống dở chết, nhưng ngài vẫn chịu đựng và tha thứ. Giáng Sinh là Mùa Giao Hòa, chắc chắn không thể có những cuộc tranh chấp hoặc chia rẽ. Có yêu thương thì có tha thứ, có thể vượt qua mọi rào cản, trước tiên là vượt qua chính mình – điều cần nhất và khó nhất!
3. NOI GƯƠNG – Gia đình luôn quan trọng đối với mọi người. Những người nặng gánh gia đình, hãy suy ngẫm về hoàn cảnh của Thánh Gia để tìm được niềm an ủi. Nghèo khó là một nhân đức được Chúa Giêsu đề cao, là mối phúc thứ nhất trong Bát Phúc. (Mt 5:3) Giữa đêm tối tăm và giá lạnh, Đức Maria và Đức Giuse không tìm được chỗ trú đêm, đành phải vào hang đá dành cho súc vật, thật là khổ sở! Tuy nhiên, Đức Maria và Đức Giuse vẫn chấp nhận gian khó vì mến Chúa, không đòi hỏi, không than thân trách phận. Gương hy sinh tuyệt vời!
4. HÒA ĐỒNG – Không vồn vã cũng chẳng dửng dưng với bất kỳ ai. Chắc hẳn không gì thu hút hơn một người sống vui vẻ, nét mặt thản nhiên, biết cười qua ánh mắt, tự nhiên trong lời nói,… Người ta có câu:“Chưa thấy người đã thấy tiếng.”Đó là ám chỉ những người lanh chanh, lắm chuyện, hay cằn nhằn, nên ai cũng “ngại” gặp họ. Kitô hữu là người “có Chúa,” tín nhân là người “có đức tin,” đồng nghĩa với việc phải giống Chúa, luôn thân thiện và hòa nhã với mọi người, gần gũi mọi người – nhất là những người hèn mọn, nghèo khổ, bị ruồng bỏ,… Nói chung là không kỳ thị bất kỳ ai!
Cuộc sống luôn có nhiều bất trắc, phức tạp, nhất là trong lúc ôn dịch vẫn hoành hành khắp nơi. Ai cũng có khó khăn và nỗi khổ riêng. Vì thế, cần phải cố gắng cùng nhau tạo tình liên đới tốt hơn trong các mối quan hệ đời này. Nếu cảm thấy hang mang hoặc bị khủng hoảng, hãy tìm cách vượt qua càng sớm càng tốt, Giáng Sinh là dịp thuận tiện để tái lập “bình thường hóa” với nhau, chia sẻ với nhau những gì thực sự cần thiết – cả vật chất lẫn tinh thần.
Chắc chắn rằng khi mối quan hệ đời thường phát triển tốt đẹp thì niềm tin tôn giáo cũng dễ dàng phát triển tốt và đúng hướng. Khắp nơi đầy tràn niềm vui vì nhân loại được diễm phúc đón tiếp Đấng Emmanuel – Immanuel – Imanu’el (עִמָּנוּאֵל) – Đấng Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Nhân. Chúng ta không thể không vui mừng chúc nhau: Giáng Sinh An Lành – Merry Christmas – Noël Joyeux, và Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Lạy Đấng Thiên Sai, Hài Nhi Cứu Chúa, xin giúp chúng con càng ngày càng giống Ngài về mọi phương diện, không chỉ trong Mùa Giáng Sinh này, mà trong suốt cuộc đời chúng con, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh còn nhiều nguy cơ lây nhiễm và bùng phát. Xin Đức Giêsu Kitô chữa lành và ban bình an đích thực cho chúng con và toàn thế giới. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Kính mừng Chúa Giáng Sinh – 2021