Sự nghèo khó tâm linh và ơn cứu độ đời đời

Bác ái là nhân đức đối thần cao nhất. Giáo lý dạy rằng “bố thí cho người nghèo là một trong những bằng chứng chính của lòng bác ái huynh đệ: đó cũng là việc làm đẹp lòng Thiên Chúa.” (GLCG 2447) Bác ái đối với người nghèo có nhiều hình thức: chúng ta có thể cho họ con cá hoặc dạy họ bắt cá.Những gì tạo nên “người nghèo” cũng bao gồm nhiều phạm vi rộng, từ cơ cực đến vật lộn để kiếm sống qua ngày. Tổ chức từ thiện trước đây có thể bao gồm tiền và quần áo, sau đó có thể là học bổng hoặc đăng ký miễn phí đối với các hoạt động cộng đồng. Mục đích của người cho là đáp ứng nhu cầu, bất kể đó là gì, để vừa xoa dịu nỗi đau của người nhận vừa giúp họ cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa qua lòng trắc ẩn của chúng ta. Khi làm như vậy, chúng ta thể hiện “tình thương ưu tiên” đối với người nghèo, đó là dấu hiệu là người môn đệ chân chính của Đức Kitô. (GLCG 2448)

Nhưng còn “người nghèo về tâm linh” thì sao? Đây không phải là “tinh thần nghèo khó” của mối phúc thứ nhất, tức là những người khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa. (Mt 5:3) Trong thời đại chúng ta, thật đáng buồn khi phải nói rằng có rất nhiều người nghèo về tinh thần: cô đơn, chán nản, nghiện ngập, và muốn tự tử.

Ai sống không có Chúa trong đời thì cũng nghèo nàn về tâm linh. Cũng như sự nghèo khó về vật chất, sự nghèo khó về tâm linh có nhiều mức độ: những người không biết Chúa hoặc từ bỏ Ngài là những người nghèo khổ nhất; những người có Chúa mà không có Chúa Kitô thì chỉ là diễn; những người có Chúa Kitô mà không có Giáo hội Công giáo thì bớt nghèo hơn nhưng vẫn đau khổ vì không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu; những người Công giáo mà không tham dự Thánh Lễ là mù quáng trước sự nghèo khó của chính mình.

Người nghèo về tinh thần chắc chắn cũng cần được từ thiện. Tổ chức từ thiện nên là gì? Tại sao chúng ta không nhấn mạnh đến sự đau khổ mà những người nghèo này phải trải qua hằng ngày?

Hoạt động truyền giáo của Giáo hội bị đình chỉ sau khi nhiều người hiểu sai Công Đồng Vatican II khi nói rằng Giáo hội Công giáo không cần thiết cho sự cứu rỗi. Vì những người không biết Đức Kitô cuối cùng cũng sẽ lên Thiên Đàng, cho nên họ đã lý luận sai lầm, nghĩ rằng không có lý do gì phải hy sinh quá nhiều để truyền bá Phúc Âm. Các nhiệm vụ vật chất ở các nước đang phát triển sẽ tiếp tục, nhưng việc truyền giáo không còn cần thiết nữa, vì người ta tin điều gì thì không còn quan trọng nữa.

Lối suy nghĩ như vậy phát sinh từ một thế giới quan duy vật, coi đức tin là tương đối và thứ yếu so với nhu cầu “thật” của con người – tức là vật chất. Những người theo quan điểm này có thể tin nơi Đức Kitô, nhưng họ không nghĩ rằng điều họ tin là vấn đề hoặc có liên quan sự cứu rỗi, đó là trái ngược với những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của Thiên Chúa và sự dạy dỗ liên tục của Giáo hội.

Để cho người khác tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó về tinh thần, cho rằng một ngày nào đó họ sẽ lên Thiên Đàng, cũng giống như nói với người nghèo về vật chất: “Đừng lo lắng: hãy chịu đựng những khó khăn bây giờ; khi tới tuổi 65, bạn sẽ nhận được trợ cấp an sinh xã hội và bạn sẽ được cứu khỏi mọi lo lắng về tài chính.”

Khi ca ngợi lòng nhiệt thành truyền giáo của Christopher Columbus trong thông điệp Quarto Abeunte Saeculo, ĐGH Lêô XIII đã nói rõ hơn về sự thật này: “Thật khốn khổ khi sống trong một quốc gia man rợ và với những cách cư xử man rợ: nhưng còn khốn khổ hơn khi thiếu kiến thức về điều cao cả nhất, và sống trong sự thiếu hiểu biết về một Thiên Chúa có thật.”

Tình yêu ưu tiên của chúng ta đối với người nghèo phải bao gồm cả những người nghèo về tinh thần. Nhưng đối với việc bác ái cho người nghèo về vật chất, khi nói đến trật tự tâm linh, chúng ta không thể cho đi những gì chúng ta không có. Nếu người Công giáo nào không tin chắc rằng niềm tin vào Chúa Kitô là vấn đề sự sống đời đời hay sự chết đời đời, thì người ấy là người nghèo khó về tinh thần và cần sự bác ái.

Tổ chức từ thiện cho người nghèo về tinh thần là gì? Trước tiên, chúng ta phải cho họ biết rằng sự cứu rỗi không phải là điều kỳ diệu xảy ra khi chúng ta chết. Nó bắt đầu từ khi chúng ta chịu phép rửa. Nếu chúng ta được rửa tội khi còn là trẻ sơ sinh, cả cuộc đời của chúng ta – 70, 80, 90 năm – dành để lớn lên trong ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta qua phép rửa. Chúng ta gọi quá trình này là thánh hóa. Cái chết hoàn tất quá trình này khi nó đưa chúng ta đến trước Đấng Cứu Độ, khi đó chúng ta sẽ được ban thưởng hoặc bị trừng phạt, dựa trên mức độ chúng ta yêu mến Ngài trong cuộc sống này.

Đức tin Công giáo tồn tại để thánh hóa chúng ta trong cuộc sống này, giúp chúng ta có thể sẵn sàng cho cuộc sống tiếp theo. Nếu chúng ta chờ đợi để nắm lấy đức tin, hy vọng mình sẽ tìm được sự cứu rỗi khi chết, rất có thể chúng ta chờ đợi vô ích.

Thứ hai, chúng ta phải cho thấy điều tốt lành lớn lao mà đức tin nơi Đức Kitô đem lại cho chúng ta trong cuộc sống này. Danh sách này dài bằng danh sách các thánh trong Giáo hội. Đức tin cho chúng ta ý nghĩa và mục đích sống, vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và tạo dựng mỗi chúng ta với một ơn gọi riêng.

Chúng ta nhận được một quy tắc để sống – phải làm gì để phát triển và những gì cần tránh để không làm hại chính mình. Qua các bí tích và lời cầu nguyện, chúng ta nhận được sức mạnh để chu toàn bổn phận của mình và chống lại cám dỗ. Chúng ta biết rằng việc thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương người lân cận là những điều đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực, và chúng ta biết rằng hai hành động này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng ta nhận được ân sủng không chỉ để kiên trì vượt qua đau khổ không thể tránh khỏi trong cuộc sống mà còn được nên thánh nhờ đau khổ.

Chúa Giêsu hứa với những người “có tâm hồn nghèo khó” rằng Nước Thiên Đàng là của họ. Nếu chúng ta muốn đáp ứng nhu cầu của những người nghèo khổ về tinh thần, giúp họ ra khỏi tình trạng ảm đạm của sự vô nghĩa để bước vào tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải cho họ thấy rằng Thiên Đàng có thật, và Thiên Đàng cũng có thể là của họ, nếu họ vươn tới để đón nhận tay Chúa.

DAVID G BONAGURA, JR.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)