TẤN THẢM KỊCH ĐỐI VỚI KI-TÔ GIÁO TẠI NAGASAKI năm 1945
Ngày 9 tháng 8 năm 1945
Vào ngày này, hành vi bạo lực tàn khốc nhất trong lịch sử đã được thực hiện trên cái nôi của Ki-tô giáo ở Đông phương khi quân Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki, Nhật Bản.
Thành phố này vốn có một mối liên hệ lâu đời và mầu nhiệm với đức tin Công giáo kể từ năm 1549, khi Thánh Phanxicô Xavier đặt chân đến Kagoshima ở Nhật Bản. Vị tu sĩ Dòng Tên vĩ đại này đã mang theo những lời dạy của Chúa Kitô và đức tin Công giáo.
Những năm đầu của của Ki-tô giáo tại Nhật Bản đã gặt hái được những thành công và mang lại nhiều cuộc rửa tội và cải đạo để đón nhận đức tin. Các tu sĩ Dòng Tên tiếp tục thu được thành công ở các khu vực khác tại thành phố Nagasaki. Họ đã rất nhiệt thành trong việc truyền hứng khởi cho người dân Nagasaki tin nhận Chúa Kitô và dần dà, khu vực này được gọi là ‘Roma thu nhỏ’.
Người Nhật đã cải đạo sang Công giáo rầm rộ, ước tính rằng 130.000 người đã gia nhập đạo vào năm 1579.
Vào thời điểm đó, Nhật Bản là quốc gia ngoài Châu Âu có lượng người theo Đạo đông nhất. Các tu sĩ Dòng Tên, cùng với các tu sĩ Dòng Phanxicô và Dòng Đa Minh, đã thu được lòng tin nơi người dân địa phương.
Những căng thẳng sẽ sớm xảy ra sau thành công này
Một lệnh cấm đối với Dòng Tên vào năm 1587 đã xuất hiện do viên quan Toyitomi Hideyoshi, với hy vọng sẽ dập tắt ảnh hưởng của Ki-tô giáo và đặc biệt là Dòng Tên đối với người Nhật.
Năm 1597, Giáo hội Nhật Bản bắt đầu hành trình đầy đau khổ của mình, khi các vụ hành quyết diễn ra lấy đi mạng sống của các Ki-tô hữu, những người được biết đến là 26 vị Tử đạo của Nagasaki. Giống như Chúa Giê-su của chúng ta, những bậc anh hủng tử đạo đã chịu đóng đinh và bị đâm bằng giáo. Họ bao gồm các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Tên.
Năm 1615, Ki-tô giáo bị cấm hoàn toàn khỏi Nhật Bản và các nhà thừa sai bị trục xuất. Nhiều người đã ở lại, bất chấp các cuộc bắt bớ xảy ra liên tục sau đó. Vào ngày 10 tháng 9 năm 1622, 56 Ki-tô hữu đã bị thiêu sống và chặt đầu tại Nagasaki.
Những thế kỷ sau đó cũng ảm đạm không kém đối với những người theo tin Chúa ở Nhật Bản
Nhiều người cố gắng sống đức tin của họ trong bí mật nhưng buộc phải chà đạp lên hình ảnh của Chúa Kitô hoặc Đức Mẹ Maria mỗi năm một lần để chứng minh rằng họ không phải là những Ki-tô hữu hầm trú.
Mặc dù phải chịu nhiều đau khổ và thiếu linh mục dâng các Thánh lễ, nhưng Hội thánh hầm trú Nagasaki vẫn là nơi các Kitô hữu giữ đức tin của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bất cứ nơi nào họ có thể, họ cầu nguyện cùng nhau, trong âm thầm và với tình yêu lớn lao đối với Thân mình mầu Nhiệm của Chúa Kitô.
Năm 1865, sau khi Nhật Bản được mở cửa trở lại cho những người ngoại quốc, một linh mục người Pháp tên là Bernard Petitjean đã được một số tín hữu còn sót lại bắt liên lạc.
Một người phụ nữ trong số họ nói nhỏ vào tai của vị thừa sai rằng bà ta cũng có đức tin như ngài và yêu cầu được xem hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria. Vị linh mục đã rất ngạc nhiên khi biết rằng họ đã rửa tội cho con cái của mình trong nhiều thế kỷ và nhờ vậy, đức tin vẫn tồn tại nơi đây.
Hầu hết những người theo đạo ẩn danh trong khu vực đó đều đến từ ngôi làng Urakami
Để tạ ơn sự hiện diện của Chúa, họ quyết định xây dựng một Thánh đường trên khuôn viên khu đất mà họ đã từng bị ép buộc dỡ bức tượng Đức Mẹ. Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được xây dựng ở đó từng là nhà thờ lớn nhất Châu Á.
Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1925 và trở thành một dấu chỉ của niềm hy vọng cho những người theo tin Chúa trong tương lai. 20 năm sau, 95% dân số của Giáo hội Công giáo đang phát triển của Nhật Bản sống ở Nagasaki.
Sau 250 năm lưu vong, những người theo tin Chúa ở Nhật Bản cuối cùng cũng có lý do để lạc quan.
Thật không may, một số người ở Hoa Kỳ đã có kế hoạch khác cho những người theo Đạo ở Nhật Bản.
Vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, khi những người Công giáo địa phương chuẩn bị cho Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, các phi công được hướng dẫn tìm kiếm ngọn tháp của Nhà thờ Urakami khi họ thả quả bom ‘Fatman’.
Theo lệnh của Harry Truman, một người thuộc Hội Tam điểm, Hoa Kỳ đã thả Quả bom nguyên tử thứ 2 trong 3 ngày sau đó. Sự tàn phá là không thể tưởng tượng được.
Đức Cha Fulton Sheen sau đó đã liên kết sự ác độc của các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử với sự rối loạn đạo đức của thế giới sau đó, khi thấy nó đã mở ra một hệ thống mới, nơi mà các mục đích được phép biện minh cho các phương tiện và con người có khả năng sử dụng công nghệ để tạo nên địa ngục trần gian.
Vụ đánh bom ở Nagasaki xảy ra lúc 11.02 sáng khi nhiều người đang tham dự Thánh lễ.
Thống kê trong số những người tử vong
-8.500 trong số 12.000 Ki-tô hữu
– 3 Dòng nữ tu
– Toàn bộ một trường học Công giáo
Người ta kể lại những câu chuyện về các nữ tu hát khi họ băng qua các con phố sau vụ nổ, nhiều người đang hấp hối đã nhẹ nhàng ra đi.
Chúng ta có thể cầu nguyện và hy vọng rằng gần 500 năm đau khổ và hầm trú này sẽ gặt hái nhiều phần thưởng cho các thế hệ Kitô hữu trong nhiều thế kỷ tới, bởi máu của các vị tử đạo sẽ luôn là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu.
Theo Catholic Arena,
Duc Trung Vu, CSsR