Thánh Anphongsô dưới cái nhìn của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI

Ngày 01.08, Giáo hội kính nhớ thánh tiến sĩ hội thánh Anphongsô (Alfonso De Liguori). Ngài là Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu lại với quý vị và các bạn Huấn từ của Đức nguyên Giáo Hoàng Benedictô XVI trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày thứ Tư, 30.03.2011.

…………………………….

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn trình bày với anh chị em một Vị Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh mà chúng ta mắc nợ ngài rất nhiều, bởi vì ngài đã là một nhà thần học luân lý lỗi lạc và một bậc thầy về đời sống thiêng liêng của tất cả mọi người, nhất là cho những người bình dân. Ngài cũng là tác giả của lời và nhạc của một trong những bản thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng nhất ở Ý, và không chỉ ở Ý mà thôi, đó là bài: “Tu scendi dalle stelle” (Chúa xuống từ những vì sao).

Thánh Anphongsô (1696 – 1787)

Anphongsô Maria đệ Ligôri sinh vào năm 1696 trong một gia đình quý tộc và giàu có ở Napoli. Được phú bẩm trí thông minh đặc biệt, khi chỉ mới 16 tuổi Anphongsô đã đạt được bằng tiến sĩ cả về Giáo luật lẫn luật dân sự. Ngài từng là một vị luật sư xuất chúng của tòa án ở Napôli: trong vòng tám năm ngài đã thắng tất cả các vụ kiện. Tuy nhiên, tâm hồn ngài khao khát Thiên Chúa và ước muốn nên hoàn thiện, Thiên Chúa đã đẫn đưa ngài đến chỗ hiểu ra rằng ngài được kêu gọi sống một ơn gọi khác. Thật vậy, vào năm 1723 bất bình với việc hối lộ và bất công hoành hành trong môi trường pháp lý, ngài đã từ bỏ nghề luật sư – và cả sự giàu có và thành công – và quyết định trở thành linh mục mặc dù cha ngài đã phản đối. Ngài đã có được những vị thầy lỗi lạc hướng dẫn ngài trong việc học Thánh Kinh, Lịch Sử Giáo Hội và thần bí. Ngài đã thâu nhận được một kiến thức Thần học rộng lớn, và sẽ mang lại hoa trái ít năm sau đó, khi ngài bắt đầu công việc viết sách. Được thụ phong linh mục vào năm 1726 và để thi hành sứ vụ, cha Anphongsô đã gia nhập Hội Tông Đồ Thừa Sai của Giáo Phận. Cha Anphongsô bắt đầu rao giảng Tin Mừng và dạy Giáo lý ở giữa những tầng lớp thấp kém nhất của Napôli, ngài yêu thích giảng dạy cho những người này và gầy dựng cho họ đời sống đức tin căn bản. Số người này không ít, những người nghèo khổ và bần cùng, trong đó hầu hết là những người bị nhiễm các thói hư tật xấu và làm các điều phạm pháp. Bằng sự nhẫn nại dạy họ cầu nguyện, ngài khích lệ họ cải thiện lối sống. Aphongsô đã đạt được những kết quả rất khả quan: trong những vùng nghèo nàn nhất của thành phố hình thành những nhóm người mà về đêm qui tụ lại với nhau trong các tư gia hay nơi các cửa hiệu để cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, dưới sự hướng dẫn của một số giáo lý viên đã được Anphongsô và các linh mục khác đào tạo, các ngài đều đặn thăm viếng những nhóm tín hữu này. Khi mà những cuộc tụ họp này được dời vào trong các nhà nguyện của thành phố, theo ý muốn của Đức Tổng Giám Mục Napôli, thì chúng được gọi là “những nguyện đường về đêm”. Chúng thực sự là suối nguồn đích thực và đúng đắn của việc giáo dục luân lý, của việc cải tạo xã hội và sự trợ giúp lẫn nhau giữa những người nghèo: những sự trộm cắp, chém giết, đĩ điếm hầu như biến mất.

Mặc dù bối cảnh xã hội và tôn giáo thời Thánh Anphongsô khác với bối cảnh của chúng ta ngày nay thì “những nguyện đường về đêm” vẫn biểu lộ một cách lối truyền giáo hữu hiệu mà ngay cả ngày hôm nay chúng ta cũng được gợi hứng cho công cuộc “tân phúc âm hóa”, đặc biệt cho những người nghèo khổ, và cho việc xây dựng cuộc sống chung công bằng, huynh đệ và hiệp nhất hơn. Đối với các linh mục được trao phó sứ vụ thiêng liêng thì chính trong việc đào tạo giáo dân cách hữu hiệu có thể làm cho họ trở nên những Kitô hữu năng động, nên những men Tin Mừng đích thực trong lòng xã hội.

Sau khi suy nghĩ về việc lên đường đi truyền giáo cho dân ngoại, Anphongsô, lúc ấy 35tuổi, bắt đầu tiếp xúc với những nông dân và những mục đồng ở các vùng trong Vương Quốc Napôli và, bị đánh động bởi sự dốt nát về tôn giáo và bởi tình trạng bị bỏ rơi trong thảm cảnh này, ngài quyết định rời bỏ thủ đô và dấn thân cho những đám người này, những người nghèo cả về thiêng liêng lẫn vật chất. Năm 1732 ngài lập Dòng Chúa Cứu Chuộc Rất Thánh, được đặt dưới sự giám hộ của ĐGM Tôma Phancôia (Tomaso Falcoia), và trở thành Bề Trên của Hội Dòng. Các tu sĩ này, dưới sự hướng dẫn của Anphongsô, thực sự là những vị thừa sai lưu động, họ đi đến ngay cả những làng quê hẻo lánh nhất nhằm khích lệ sự hoán cải và bền đỗ trong đời sống Kitô hữu nhất là ngang qua việc cầu nguyện. Ngày nay, các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, tỏa ra ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, tiếp tục sứ vụ Phúc Âm hóa này, với những hình thức tông đồ mới. Tôi nghĩ đến họ với lòng biết ơn và tôi khuyến khích họ luôn trung thành với mẫu gương của Thánh Sáng Lập.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Nhân đức và lòng nhiệt thành tông đồ của ngài được mộ mến, năm 1762 Anphongsô được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Thánh Agata dei Goti, một sứ vụ mà do bệnh tật đã khiến ngài đau khổ và ngài từ nhiệm vào năm 1775 bởi chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Piô VI. Chính Vị Giáo Hoàng này, vào năm 1787, khi nghe tin về cái chết của ngài sau khi đã gánh chịu nhiều đau khổ, đã tuyên bố: “Ngài là một vị thánh!” Và quả không sai: Anphongsô được tuyên phong hiển thánh vào năm 1839, và năm 1871 được công bố là Tiến Sĩ Hội Thánh. Tước hiệu này rất xứng hợp với ngài bởi nhiều lý do. Trước hết, bởi vì ngài đã đưa ra lời giáo huấn phong phú về Thần học Luân lý, biểu lộ sự xứng hợp với Giáo lý Công Giáo, cũng bởi điểm này ngài được ĐGH Piô XII công bố là “Quan Thầy của tất cả các cha giải tội và của các nhà Thần học Luân lý”.

Vào thời của ngài người ta phổ biến một lối giải thích rất khắt khe về đời sống luân lý do bởi não trạng của phái Jansenisme, đến nỗi thay vì nuôi dưỡng lòng tín thác và niềm hy vọng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, thì lại cổ xúy sợ hãi và trình bày khuôn mặt của một vị Thiên Chúa cau có và nghiêm khắc, khác xa với mạc khải của Đức Giêsu. Thánh Anphongsô, nhất là trong tác phẩm chính của ngài với tựa đề “Thần học Luân lý”, đã đề nghị một tổng hợp quân bình và có sức thuyết phục giữa các đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa – được ghi khắc trong con tim chúng ta, được Đức Kitô mạc khải cách trọn vẹn và được Giáo Hội giải thích cách uy tín – với các năng động của lương tâm và sự tự do của con người; chính trong việc gắn bó với chân lý và sự thiện mà con người có thể đạt được sự trưởng thành và kiện toàn chính mình.

Thánh Anphongsô khuyên các mục tử của các linh hồn và các cha giải tội hãy trung thành với giáo thuyết luân lý Công Giáo, đồng thời có thái độ bác ái, cảm thông, dịu dàng để các hối nhân cảm thấy họ được có người đồng hành, nâng đỡ và khích lệ trong hành trình đức tin và trong cuộc sống Kitô hữu của họ. Thánh Anphongsô không bao giờ mệt mỏi lập đi lập lại rằng các linh mục là những dấu hữu hình về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, là Đấng tha thứ và soi sáng tâm trí kẻ tội lỗi, để họ hoán cải và thay đổi đời sống. Trong thời đại chúng ta, trong đó rõ ràng có các dấu hiệu của sự lầm lạc lương tâm luân lý – cần phải nhận ra điều này – và của sự thiếu lòng mộ mến đối với Bí Tích Giải Tội thì lời dạy của Thánh Anphongsô vẫn rất thời sự.

Cùng với các tác phẩm thần học, Thánh Anphongsô còn viết rất nhiều sách khác nữa, nhằm vào việc đào tạo tôn giáo cho dân chúng. Văn phong của ngài rất bình dân và thú vị. Được đọc và dịch ra nhiều thứ tiếng khac nhau, các tác phẩm của Thánh Anphongsô đã đóng góp vào việc đào luyện đường tu đức bình dân của hai thế kỷ vừa qua. Một số trong các tác phẩm rất hữu ích để đọc cả ngày nay nữa, đó là: “Le Massime eterne” (Các châm ngôn vĩnh cửu), “Le glorie di Maria” (Vinh Quang Đức Maria), “La practica d’amore Gesù Cristo” (Thực hành lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô); tác phẩm sau cùng đề cập ở đây là tổng hợp tư tưởng và là kiệt tác của ngài. Ngài nhấn mạnh rất nhiều đến sự cần thiết của việc cầu nguyện, vì nhờ đó chúng ta mở lòng ra cho Ân Sủng để chu toàn ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống thường nhật và đạt sự thánh hóa đích thực. Về cầu nguyện, thánh nhân viết: “Thiên Chúa không từ chối ơn thánh của lời cầu nguyện với bất cứ ai; với ơn thánh đó người ta được trợ giúp để vượt thắng mọi tà dâm và cơn cám dỗ. Tôi nói và tôi lặp lại và tôi sẽ còn lặp đi lặp lại luôn, bao lâu tôi còn sống, rằng tất cả ơn cứu độ của chúng ta là ở nơi việc cầu nguyện”. Từ đó nảy sinh phương châm nổi tiếng của ngài: “Ai cầu nguyện thì được cứu rỗi” (Del gran mezzo della preghiera e opuscoli affini. Opere ascetiche II, Roma 1962, p. 171). Về điều này, tôi nhớ lại lời khích lệ của vị tiền nhiệm của tôi, Người Tôi Tớ Đáng Kính của Thiên Chúa, Đức Gioan Phaolô II: “Các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta phải trở nên ‘những ngôi trường cầu nguyện’…Vì thế, khẩn thiết phải làm cho việc giáo dục cầu nguyện trở thành điểm quan yếu trong chương trình mục mụ hàng ngày” (Tông Huấn “Novo Millennio Ineunte”, 33-43).

Trong số các hình thức cầu nguyện được Thánh Anphongsô nhiệt thành cổ võ nổi bật là viếng Mình Thánh Chúa, hay có thể nói như ngày nay là chầu Thánh Thể, là sự hiện diện ngắn hay dài, cá nhân hay cộng đoàn trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài viết: “Chắc chắn trong tất cả các việc đạo đức thì đứng đầu, sau các Bí Tích, là việc thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là điều được Thiên Chúa ưa thích và là điều sinh ích lợi cho chúng ta nhất… Ôi, dịu ngọt biết bao khi hiện diện trước bàn thờ với đức tin… và dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể các nhu cầu của mình như một người bạn làm với một người bạn với tất cả sự tín cẩn” (Visite al SS. Sacramento ed a Maria SS. per ciascun giorno del mese. Introduzione).

Linh đạo của Thánh Anphongsô quả thật rất mang chiều kích Kitô học, tập trung vào Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Việc suy niệm mầu nhiệm Nhập Thể và Khổ Hình của Chúa là đề tài thường xuyên trong lời rao giảng của thánh nhân. Quả thật, nơi những biến cố này, Đấng Cứu Thế trở nên quà tặng cho tất cả mọi người “cách dẫy tràn”. Và cũng bởi chiều kích Kitô học, lòng thương cảm của Thánh Aphongsô cũng mang đặc tính Maria học. Với lòng sùng kính Mẹ Maria, ngài giải thích vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ: Mẹ là Đấng tham dự vào Ơn Cứu Chuộc, là Vị Trung Gian của ơn thánh, là Mẹ, là Trạng Sư và là Nữ Hoàng. Hơn nữa, Thánh Anphongsô còn khẳng định rằng loàng sùng kính đối với Mẹ Maria sẽ là một sự an ủi lớn cho chúng ta trong giờ lâm tử. Thánh nhân xác tín rằng việc suy niệm về vận mệnh cuối cùng của chúng ta, về ơn kêu gọi được đời đời tham dự vào vào hạnh phúc của Thiên Chúa, cũng như thảm kịch có thể bị trầm luân, giúp chúng ta sống bình an và dấn thân hơn, và đứng trước thực tại của cái chết chúng ta được mời gọi luôn giữ vững niềm tin tưởng trọn vẹn vào lòng nhân từ của Thiên Chúa.

Thánh Anphongsô Maria đệ Ligôri là một tấm gương sáng về lòng nhiệt thành tông đồ, ngài đã thu phục các linh hồn, loan báo Tin Mừng và cử hành các Bí Tích, với một cách lối hành động dịu dàng và tốt lành nẩy sinh từ mối dây kết hợp liên lĩ với Thiên Chúa, Đấng Toàn Thiện. Ngài có một tầm nhìn lạc quan rất thực tế về nguồn sự thiện mà Thiên Chúa đã tặng ban cho mỗi người và đã tạo nên những tác động cũng như những cảm thức quan trọng của con tim và cả trong tâm trí nữa, hầu mang tình yêu Thiên Chúa đến cho tha nhân.

Để kết luận, tôi muốn nhắc lại rằng vị Thánh của chúng ta, cũng như Thánh Phaxicô di Sales – mà tôi đã có dịp nói tới mấy tuần trước – không ngừng nói rằng mọi Kitô hữu đều có thể nên thánh: “Tu sĩ như là tu sĩ, giáo dân như là giáo dân, linh mục như là linh mục, người lập gia đình như người lập gia đình, thương gia như là thương gia, binh sĩ như là binh sĩ, và cứ như thế đối với mọi tầng lớp xã hội” (Pratica di amare Gesù Cristo. Opere ascetiche I, Roma 1933, p. 79).

Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, do bởi Sự Quan Phòng của Ngài, đã làm phát sinh những vị thánh và các tiến sĩ thuộc mọi nơi và mọi thời khác nhau, cùng nói một thứ ngôn ngữ nhằm mời gọi chúng ta lớn lên trong đức tin và sống với tình yêu và niềm vui căn tính Kitô hữu của chúng ta nơi những hành động bình thường của đời sống thường nhật, để bước đi trên con đường của sự thánh thiện, con đường hướng về Thiên Chúa và hướng về niềm vui đích thật.

Cám ơn anh chị em.

Bênêđích tô XVI, Giáo Hoàng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.