Những giáo huấn của Thánh Anphongsô về cầu nguyện vô cùng quý giá và tràn đầy cảm hứng thiêng liêng. Ngài coi tác phẩm của mình, Cầu nguyện: Phương Thế Tuyệt Hảo của Ơn Cứu Rỗi và Sự Hoàn Thiện, có từ năm 1759, là hữu ích nhất trong tất cả các tác phẩm của mình. Trong đó, ngài mô tả cầu nguyện là “phương tiện cần thiết và chắc chắn để đạt được ơn cứu rỗi, và tất cả các ân sủng chúng ta cần đều nhắm tới ơn cứu rỗi.”
Câu nói trên tóm tắt sự hiểu biết của Thánh Anphongsô về cầu nguyện. Trước hết, khi nói rằng đó là một phương tiện, ngài nhắc nhở chúng ta về mục đích cần đạt được: Thiên Chúa tạo ra chúng ta từ tình yêu để có thể ban cho chúng ta sự trọn vẹn của sự sống; nhưng vì tội lỗi, mục tiêu này – sự phong phú của sự sống này – có thể nói là đã lìa xa, và chỉ có ân sủng của Chúa mới có thể phục hồi lại. Để giải thích chân lý cơ bản này, và để chúng ta hiểu một cách đơn giản nhất về tình trạng khi con người “bị lạc lối,” Thánh Anphongsô đã đặt ra một châm ngôn nổi tiếng, rất đơn giản, rằng: “Ai cầu nguyện thì được cứu rỗi. Ai không cầu nguyện thì bị hư mất!” Bình luận về câu nói súc tích này, ngài thêm: “Để cứu linh hồn mình mà không cầu nguyện thì rất khó khăn, và thậm chí là không thể… nhưng bằng cách cầu nguyện, sự cứu rỗi của chúng ta được đảm bảo, và trở nên rất dễ dàng” (Chương II, Phần kết luận). Và ngài tiếp tục nói: “Nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta không thể bảo chữa được, vì ơn cầu nguyện được ban cho tất cả mọi người… nếu chúng ta không được cứu, toàn bộ lỗi thuộc về chúng ta, vì chúng ta đã không cầu nguyện” (ibid.).
Khi nói rằng cầu nguyện là một phương tiện cần thiết, Thánh Anphongsô muốn chúng ta hiểu rằng trong mọi tình huống của cuộc sống, chúng ta không thể làm chủ được nếu không cầu nguyện, đặc biệt là trong thời điểm gặp thử thách và khó khăn. Chúng ta phải luôn gõ cửa nơi Chúa với niềm tin, luôn nhớ rằng Thiên Chúa luôn chăm sóc chúng ta, vì chúng ta là con cái của Ngài trong mọi hoàn cảnh. Do đó, chúng ta được mời gọi không sợ hãi khi hướng về Ngài và giãi bày những ước muốn của chúng ta với Ngài bằng niềm tin, trong xác tín chắc chắn sẽ nhận được những gì cần thiết cho chúng ta. Tác phẩm đầu tiên của Thánh Anphongsô về cầu nguyện được gọi là “Cách trò chuyện với Chúa như với một Người Bạn” vào năm 1753. Ngài so sánh Cầu Nguyện và Tình Bạn: Chúa như một người bạn yêu thương; Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta: Không có sự ngại ngùng, mà là sự thân mật; một mối tương qua trực tiếp với Chúa: Không cần trung gian và không còn phải sợ hãi; hãy đến với Chúa trong những lúc khó khăn; hãy đến với Chúa trong những lúc hạnh phúc; hãy đến với Chúa khi chúng ta thất bại; hãy đến với Chúa khi chúng ta cần; trong suốt cả ngày sống chúng ta luôn có Chúa và tình yêu của Ngài bao phủ chúng ta.
Các bạn thân mến, đây là một câu hỏi quan trọng: Điều gì thực sự cần thiết trong cuộc sống của tôi? Cùng với Thánh Anphongsô, tôi sẽ trả lời: “Sức khỏe và tất cả các ân sủng chúng ta cần để có sức khoẻ”; đương nhiên, ngài muốn nói không chỉ là sức khỏe thể xác, mà trên hết là sức khỏe của linh hồn, điều chính Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta. Hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta cần sự hiện diện cứu độ của Ngài, điều thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta hoàn toàn là con người và do đó tràn đầy niềm vui. Chỉ qua cầu nguyện chúng ta mới có thể đón nhận Ngài và ân sủng của Ngài, nhằm soi sáng chúng ta trong mỗi tình huống, cho phép chúng ta biện phân được điều gì tốt thật sự, và bằng cách làm cho ý chí của chúng ta vững mạnh, đó là ân sủng trợ giúp chúng ta để có khả năng thực thi điều tốt mà ta đã nhận biết. Thông thường chúng ta nhận ra điều tốt, nhưng chúng ta không thể thực hiện điều đó. Qua cầu nguyện, chúng ta có khả năng để thực thi điều tốt đó.
Môn đệ của Chúa biết rằng mình luôn bị cám dỗ, và chúng ta không bao giờ ngừng cầu xin Chúa giúp đỡ trong lời cầu nguyện để chiến thắng nó. Thánh Anphongsô nhớ lại ví dụ của Thánh Phillip Neri – rất thú vị – ngài “thường nói với Chúa từ khoảnh khắc đầu tiên vào buổi sáng, ‘Lạy Chúa, xin đặt bàn tay của Ngài trên con ngày hôm này; nếu không, con sẽ phản bội Ngài'” (III, 3). Một con người rất thiết thực ! Ngài cầu xin Chúa đặt bàn tay của Chúa trên đầu. Chúng ta cũng vậy, trong sự nhận thức về sự yếu đuối của mình, chúng ta nên khiêm nhường cầu xin sự giúp đỡ của Chúa, tin cậy vào lòng thương xót vô biên của Ngài.
Trong một đoạn khác, Thánh Anphongsô nói: “Chúng ta quá nghèo đến nỗi chúng ta không có gì; nhưng nếu chúng ta cầu nguyện, chúng ta không còn nghèo nữa” (II, 4). Ngài mời mọi Kitô hữu không sợ hãi trong việc nhận lãnh từ Chúa, qua cầu nguyện với sự khiêm nhường, chúng ta chắc chắn rằng Chúa sẽ luôn phù trợ chúng ta để chúng ta có khả năng thực thi những điều tốt (cf. III, 3).
Các bạn thân mến, Thánh Anphongsô nhắc nhở chúng ta rằng mối quan hệ của chúng ta với Chúa là điều cần thiết cho đời sống chúng ta. Không có mối quan hệ với Chúa, chúng ta đánh mất đi mối tương quan căn bản nhất. Một mối tương quan với Chúa sẽ được tăng triển khi chúng ta nói chuyện với Ngài qua những lời cầu nguyện cá nhân mỗi ngày, qua việc tham dự các Bí Tích; và khi đó chúng ta càng gắn bó với Ngài hơn, để sự hiện diện thánh thiêng của Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời chúng ta, soi sáng và làm cho cuộc đời chúng ta được an toàn, và ngay cả giữa khó khăn và thử thách chúng ta vẫn có sự bình an.
Thánh Anphongsô hiểu cầu nguyện là sự mở lòng của con người với Thiên Chúa, như một cuộc gặp gỡ của con người với Chúa, và như một phương tiện nối kết của con người với Thiên Chúa. Ngài coi cầu nguyện là phương tiện không thể thiếu của sự cứu rỗi, và với suy tư này, ngài đã phát triển thần học về cầu nguyện và thần học về ân sủng. Linh đạo của Anphongsô là linh đạo của cầu nguyện, hoặc ‘linh đạo cầu nguyện’ trong đó tất cả các hoạt động bên ngoài, các công việc và đời tông đồ được liên kết với cầu nguyện và chiêm niệm.
Một trong những hình thức diễn tả căn bản của việc cầu nguyện trong linh đạo của Anphongsô là đời sống bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài khuyến khích tham dự Thánh lễ, rước lễ thường xuyên và sùng kính Thánh Thể. Điều thực hành đặc trưng nhất của ngài là khuyến khích “viếng Thánh Thể.”
Thánh Anphongsô công bố tầm quan trọng của các hình thức và mức độ cầu nguyện khác nhau: cá nhân và cộng đoàn, riêng tư và phụng vụ, nội tâm và bên ngoài, ngôn ngữ hay thinh lặng. Nhưng ngài đặc biệt chú ý đến lời nguyện xin (ND: có thể hiểu như là những lời nguyện tự phát dâng lên Chúa từ những nhu cầu và ước muốn cụ thể của chúng ta) và nguyện gẫm – hay một lối gọi khác – ‘suy niệm’. Vì giá trị tâm lý và thần học của các hình thức đó, ngài coi hai loại cầu nguyện này là không thể thiếu cho sự cứu rỗi và cho sự phát triển của đời sống ân sủng và tình yêu đối với Chúa. Mục đích rõ ràng của cầu nguyện theo thánh Anphongsô là sự tăng trưởng trong tình yêu và kiên trì trong tình yêu.
Chính vì lý do này mà ngài được gọi là ‘Tiến sĩ Cầu nguyện’ vì ngài cho toàn thể Giáo Hội thấy rằng cầu nguyện có thể chữa lành, cứu rỗi, giải thoát chúng ta vì cầu nguyện là mối liên hệ và hiệp thông với Thiên Chúa Tình Yêu.
Ivel Mandanha, C.Ss.R
(Còn tiếp)
Chuyển dịch: Antôn Nguyễn Văn Nam C.Ss.R
CÁC BÀI LIÊN QUAN
1. Thánh Anphongsô {1} – Một thiên tài của thế kỷ 18
2. Thánh Anphongsô {2}, Tiến Sĩ Cầu Nguyện[1]
3.Thánh Anphongsô {3}, quan thầy của các cha giải tội và nhà thần học luân lý