Đức Hồng Y George Pell, được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất của Giáo hội đương thời, đang được cả thế giới nhớ đến như một nhà lãnh đạo can trường, một Linh mục tốt lành và một người phải chịu nhiều đau khổ.
“Giáo hội ở Úc và trên toàn thế giới vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột của Đức Hồng Y George Pell, nguyên Tổng Giám mục Địa phận Sydney và Melbourne”, Đức Tổng Giám mục Anthony Fisher Địa phận Sydney cho biết trong một tuyên bố sau cái chết của Đức Hồng Y Pell vào ngày 10 tháng Giêng do biến chứng từ phẫu thuật khớp háng, hưởng thọ 81 tuổi.
“Đức Hồng Y Pell sẽ được nhớ đến như một nhà lãnh đạo can trường, người đã truyền cảm hứng cho rất nhiều giáo sĩ và giáo dân trên khắp thế giới tuyên xưng Chúa Kitô chịu đóng đinh, phục sinh và tiếp tục hiện diện với chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Fisher nói.
Điều mà thế giới chắc chắn sẽ không bao giờ quên là phiên tòa mà Đức Hồng Y Pell đã trải qua và hơn 400 ngày ngài ở trong tù sau khi bị kết án về năm tội danh liên quan đến việc lạm dụng hai cậu bé trong ca đoàn.
Trong một quyết định được đưa ra vào ngày 7 tháng 4 năm 2020, Tòa án Tối cao Úc đã bác bỏ bản án đó, kết luận rằng có “khả năng quan trọng là một người vô tội đã bị kết án vì bằng chứng không chứng minh được tội theo tiêu chuẩn chứng minh cần thiết”.
“Giáo hội đã mất đi một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất, một người trung thành và chính trực, người là ‘một vị tử đạo da trắng’ – một cha giải tội không đổ máu nhưng chịu nhiều đau khổ vì đức tin”, George Weigel, một người bạn thân của Đức Hồng Y Pell và một nhân chứng cho sự đau khổ của ngài trong tù, phát biểu với OSV News.
“Tôi biết mình vô tội. Và tôi biết sự phán xét quan trọng nhất là sự phán xét khi tôi trình diện Đấng Tạo Hóa của mình”, Đức Hồng Y Pell phát biểu với TVP, Đài truyền hình Ba Lan, vào năm 2021.
Đức Tổng Giám mục Fisher đã viết rằng “những năm cuối đời của Đức Hồng Y Pell được đánh dấu bằng việc ngài bị kết án oan sai và phải chịu cảnh tù đày, nhưng ngài đã chịu đựng điều này với lòng khoan dung và thiện chí, đồng thời cho tất cả chúng ta một tấm gương về cách đón nhận đau khổ với phẩm giá và sự bình an”.
“Những lời lẽ của thinh thần hòa giải của Đức Hồng Y Pell với những kẻ phỉ báng và sự quan tâm đến những người sống sót ngày càng xác thực khi ngài kiên định và thành công trong việc duy trì sự vô tội của mình”, Đức Tổng Giám mục Fisher cho biết thêm.
Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott, một người bằng hữu của Đức Hồng y Pell, phát biểu với Tuần báo Công giáo ở Sydney: “Úc đã mất đi một người con tuyệt vời và Giáo hội đã mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại”, và ngài gọi Đức cố Hồng y Pell là “một vị thánh của thời đại của chúng ta”.
“Đức Hồng y Pell là một người tận tụy bảo vệ tính chính thống của Công giáo và là người ủng hộ trung thành các nhân đức của nền văn minh phương Tây. Với tư cách là một người bảo thủ về văn hóa và Giáo hội, Đức Hồng y Pell đã thu hút được sự khen ngợi và chỉ trích từ tất cả mọi phía có khả năng xảy ra”.
Cựu Thủ tướng Abbott cho biết phiên tòa xét xử, cầm tù và công bố miễn tội đối với Đức Hồng Y Pell về tội lạm dụng tình dục trẻ em là “một hình thức đóng đinh tân thời; ít nhất là một hình thức của tình trạng sống dở chết dở được nhiều người biết tới”.
Trong khi ở trong tù, Đức Hồng Y Pell, quan chức cấp cao nhất của Giáo hội trong lịch sử đã trải qua quá trình như vậy, đã viết nhật ký — được mô tả như một bản tường trình về sự khiêm tốn và vĩ đại của một người bị xét xử và kết án một cách bất công.
“Tôi thiết nghĩ việc các Hồng y phải ngồi tù là hơi bất thường, vì vậy một kỷ lục sẽ rất thú vị”, Đức Hồng Y Pell phát biểu với TVP vào năm 2021. “Nhưng tôi cũng nghĩ, có lẽ những bài viết của tôi cũng có thể giúp ích cho một số người khi họ gặp khó khăn”.
Trong cuốn hồi ký mới của mình, Đức Tổng Giám mục Georg Gänswein, cựu thư ký riêng của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, cho biết Đức cố Giáo hoàng rất thích được nghe đọc các bài viết của Đức Hồng y Pell.
Với tư cách là nguyên Tổng Giám mục Địa phận Melbourne, Đức Hồng Y Pell đã cách mạng hóa cách xử lý các vụ lạm dụng tình dục. Ngay từ năm 1996, khi Giáo hội toàn cầu – cả các Giám mục địa phương lẫn Vatican – chậm chạp trong việc phản ứng với cuộc khủng hoảng lạm dụng, Đức Tổng Giám mục Pell khi đó đã thiết lập một tiêu chuẩn về cách báo cáo các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục bằng cách thành lập Cơ quan Phản ứng Melbourne vào năm 1996 với sự tư vấn của cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan pháp lý ở bang Victoria.
Mặc dù ngày nay đã phổ biến, nhưng việc thiết lập một nghị định công khai và minh bạch như vậy vào giữa những năm 1990 được coi là một cuộc cách mạng.
“Tôi thiết nghĩ trong 5 năm ở Melbourne, 300 người đã làm điều gì đó theo trình tự đó là điều vô cùng tuyệt vời. Và mọi người rất ngạc nhiên với con số này, tôi cũng vậy, và họ đã bị tai tiếng, nhưng mọi người cảm thấy họ có thể tự tin tiến lên. Họ cảm thấy đó là một thủ tục công bằng”, Đức Hồng Y Pell phát biểu với TVP.
Là một người sau này sẽ bị kết án bất công, Đức Hồng Y Pell liên tục thúc giục rằng cần phải tuân thủ quy trình hợp pháp trong bất kỳ trường hợp cáo buộc lạm dụng tình dục nào – vì lợi ích của cả nạn nhân lẫn thủ phạm bị cáo buộc.
Vào năm 2017, Đức Hồng Y Pell đã xin phép vắng mặt với vai trò là Tổng trưởng Quốc vụ viện Kinh tế Tòa Thánh – ngài là Tổng Trưởng đầu tiên được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào năm 2014. Ngài phải trở về Úc để đối mặt với các cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em chống lại ngài. Đức Hồng Y Pell đã kiên quyết tuyên bố mình vô tội trong suốt quá trình tố tụng dẫn đến một bản án nhất trí vào ngày 11 tháng 12 năm 2018 đối với tất cả năm tội danh chống lại ngài, bị cầm tù và cuối cùng được tha bổng, vào năm 2020.
Kể từ khi hay tin về cái chết của ngài, các nhà quan sát Giáo hội đã lưu ý rằng Đức Hồng y Pell được đánh giá rất cao trong cả ba Triều đại Giáo hoàng đương thời. Đức Hồng y Pell đã gọi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là “người vĩ đại” và mang theo di sản của vị Giáo hoàng người Ba Lan bằng cách tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Sydney vào năm 2008.
“Đức Hồng y Pell đã nhìn thấy nhiều hứa hẹn nơi giới trẻ”, Đức Tổng Giám mục Fisher viết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng toàn thể cộng đồng Sydney “đã được thúc đẩy bởi sự kiện quy mô lớn này và bị đánh động trước chứng từ mà nó đưa ra”.
“Vị Hồng y người Úc là người cương nghị, bộc trực, bảo thủ mạnh mẽ, ấm áp, dễ thương, thực tế và là người tiên phong trong cuộc cải cách tài chính của Đức Phanxicô”, Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của Đức Giáo hoàng Phanxicô, đăng trên Twitter.
Đức Hồng Y Pell “can đảm loan báo Tin Mừng và nỗ lực làm việc để giải thích các Giáo huấn của Giáo Hội”, Đức Tổng Giám Mục Fisher nói. “Đức Hồng Y Pell nói sự thật khi ngài tìm thấy nó, dù khó khăn hay không được ưa chuộng. Ngài cũng là một người chuyên cần cầu nguyện, có đức tin Kitô sâu sắc và là một vị Mục tử yêu thương đàn chiên của mình trong các Giáo xứ, các trường học, bệnh viện và khắp các Giáo phận của mình”.
Khi bình luận với OSV News về cái chết của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Hồng Y Pell nói: “Chúng ta luôn phải tìm cách để chúng ta có thể trình bày tốt hơn về sự siêu việt cho những người đang cầu nguyện trong các nhà thờ của chúng ta, và khiến họ hãy mở rộng tâm trí và trái tim của họ để đón nhận sự vĩ đại và tốt lành của Thiên Chúa”.
Tang lễ vào ngày 5 tháng 1 của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, người mà Đức Hồng y Pell đã gọi trong cuộc trò chuyện với OSV News là “thần học gia vĩ đại nhất từng là Giáo hoàng”, là Thánh lễ công khai cuối cùng mà vị Giám chức tham dự.
Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pell sẽ được cử hành tại Rôma. Thánh lễ an táng sẽ diễn ra tại quê hương Úc của ngài.
Minh Tuệ (theo UCA News)