Ngày 24/8/2023, Phát biểu tại hội nghị của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là FAO, ở Chile, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện về Sự sống nhấn mạnh rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Chúa và lịch sử về việc lãng phí thực phẩm.
Trong những ngày này, từ ngày 23 đến 31/8, Đức Tổng Giám Mục Paglia đang ở châu Mỹ Latinh để viếng thăm Chile và Argentina. Tham dự Hội nghị của FAO là một phần trong chương trình của Chủ tịch Hàn lâm viện về Sự sống ở hai quốc gia này, nhằm mang niềm an ủi của Giáo hội đến với những người lớn tuổi và những người dễ bị tổn thương.
Đi từ chủ đề của hội nghị “Ngăn chặn, giảm thất thoát và lãng phí lương thực trong bối cảnh an ninh lương thực và dinh dưỡng”, Đức Tổng Giám Mục cho rằng chủ đề này mang tính thời sự và cấp bách, vì thế ngài muốn đưa ra một số nhận xét bắt đầu từ những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vào năm 2019 trước Liên đoàn các Ngân hàng Lương thực Âu châu “Vứt bỏ thực phẩm có nghĩa là vứt bỏ con người”. Sự lãng phí này theo Đức Tổng Giám Mục là điều không thể dung túng, không thể chấp nhận được, là điều đáng trách và đáng xấu hổ. Và chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Chúa và lịch sử về điều này.
Đối với Đức Tổng Giám Mục, để ngăn chặn thực trạng này, trước hết cần phải vượt qua lý luận thị trường. Tất nhiên, việc sản xuất và phân phối thực phẩm đòi hỏi phải dựa trên một cơ cấu kinh tế hoạt động và hiệu quả nhờ một loạt thiết bị và hình thức. Nhưng kinh tế không thể được coi là mục tiêu cuối cùng, trái lại đó chỉ là một phương tiện phục vụ cuộc sống con người và xây dựng một xã hội công bằng.
Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh cũng đề cập đến việc cần phải tố cáo văn hoá vứt bỏ. Chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi tất cả mọi người đã no nê, Chúa bảo các môn đệ thu lại những miếng thừa để không bị phí (Ga 6,12). Còn về con người, Chúa Giêsu không bao giờ loại trừ ai. Vì thế, các môn đệ của Chúa, thuộc mọi thời đại được mời gọi nhắc lại giáo huấn của Người: Không vứt bỏ thực phẩm, không loại trừ con người, không được để ai lại đàng sau. Chính dụ ngôn người phú hộ và Lazarô nghèo khó đã tố cáo việc loại trừ con người ra bên lề.
Trong phần cuối bài tham luận, Đức Tổng Giám Mục đề xuất ba điều thực tế cần làm để không loại trừ ai ra khỏi bàn tiệc sự sống. Trước hết, mọi người cần biết rõ về những con số liên quan đến lãng phí thực phẩm về lượng và chất, thời giờ lao động, và quan trọng nhất là con số về những mất mát về mặt xã hội và con người đàng sau sự lãng phí thực phẩm. Thứ hai là cần phải cộng tác để giải quyết sự lãng phí này. Và cuối cùng là văn hoá, nghĩa là phải chuyển từ quan tâm đến sự lãng phí thực phẩm sang quan tâm chăm sóc con người, cần có cách tiếp cận trách nhiệm, bởi vì nếu một người ý thức nhân phẩm của chính mình và của người khác, cũng như tài sản của mình thì người này sẽ ít lãng phí thức ăn hơn, biến thực phẩm thành một hành vi nhân bản sâu sắc.
Ngọc Yến – Vatican News