Tôi thương và biết ơn Sài Gòn

Khu vực nhà thờ Đức Bà Sài Gòn trong những ngày giãn cách. Ảnh google

Khi tôi đặt bút viết bài này, Sài Gòn đang bị giặc covid tấn công nặng nề. Dẫu trong đời mình, tôi chỉ là cư dân Sài Gòn chừng mười năm, nhưng tôi yêu Sài Gòn thật nhiều. Sài Gòn đã giữ trọn trong lòng mình thời trẻ trung của tôi. Bù lại, Sài Gòn đong đầy trong tôi nhiều kỷ niệm của thời trẻ trung ấy.

Mười chín tuổi, tôi bước ra khỏi làng quê, ngôi nhà và người thân của mình để hòa nhập vào cuộc sống vô cùng huyên náo của một nơi đã từng là đô thành lớn nhất miền Nam.

Sài Gòn thuở ấy gắn bó thân thiết với tôi, đã cùng tôi học tập, cùng tôi ra chợ Ông Hoàng – Tân Bình bán hàng, cũng có lúc chứng kiến tôi bưng bê trong cửa hàng gần ga Hòa Hưng để có tiền trang trải.

Sài Gòn nhiều lần chứng kiến tôi ăn vội, cùng tôi ngủ không đầy giấc. Sài Gòn dạy tôi cách sống tự lập. Sài Gòn uốn tôi từ thằng nhà quê thành kẻ có chút mùi phố thị. Sài Gòn cho tôi kiến thức, giúp tôi chốn học hành để tôi là chính tôi của hôm nay. Sài Gòn hung đúc tôi cứng cáp đủ để đối đầu cùng bão tố.

Giữa phồn hoa đô hội, Sài Gòn nắn đúc trong tôi nét trầm tư, sự vững chãi, sự trưởng thành, sự kiên cường và bền bỉ. Sài Gòn cho tôi kinh nghiệm sống. Sài Gòn rèn nghị lực trong tôi, để đừng bao giờ chùn bước trước khó khăn, nghèo đói hay bất cứ thử thách nào…

Tuy nhiều gian lao, nhưng giữa lòng Sài Gòn, không thiếu những trải nghiệm cho niềm hạnh phúc, sự vui đùa, nhất là những thể hiện cho tình người mà nhiều năm không phai trong lòng tôi…

Sài Gòn theo tôi những buổi sáng và những buổi chiều đạp xe thong thả dưới hàng me “tử tội” (bị người ta cưa ngọn) trên đường Nguyễn Du hay những hàng cây cổ thụ trên đường Lý Thường Kiệt, đường Nguyễn Chí Thanh…

Nhớ những chiều tan học sớm, trước giờ lễ của nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, trong lúc đợi nhà thờ mở cửa, tôi đã từng một mình lặng lẽ ngồi dưới gốc cây to bên ngoài bờ tường nhà xứ Đức Bà, hay phía trước trường Hòa Bình, hướng về phía tượng Đức Mẹ Hòa Bình mà đọc thầm những lời kinh của chuỗi Mân Côi…

Tôi còn có dịp quan sát những con người. Kia là bà bán nước sâm ướp lạnh; chị đẩy xe bánh khúc, chú bán các loại đồ chơi bằng nhựa từ đâu trờ tới dựng xe bên lề đường; bên trong quảng trường Hòa Bình, dưới chân tượng đài Đức Mẹ, nhiều đứa trẻ mời mọc những ông bà khách (có cả người Tây) đánh giày, mua tem cũ, đồng bạc cũ, vé số, hoặc chìa tay xin tiền…

Mười năm chớp nhoáng trôi như cụm ráng vàng phía trời tây trong chiều gió heo may thoang thoảng, tôi từ giả Sài Gòn để trở lại quê nhà…

Cho đến bây giờ, sau nhiều chục năm xa cách, Sài Gòn vẫn chiếm ngự trong tim tôi. Mỗi khi có dịp, tôi vẫn thích rong ruỗi bằng những bước chân chậm chạp qua nhiều dãy phố, nhiều công viên… Nhất là dạo quanh, ít nhất một vòng trong sân nhà thờ Đức Mẹ hằng Cứu Giúp, trước sân nhà dòng Chúa Cứu Thế, nhà thờ Đaminh Ba Chuông, chùa Vĩnh Nghiêm…, dù hiện tại Sài Gòn đã nhiều thay đổi, nhiều kỷ niệm của tôi đã biến mất…

Đã có lần tôi tiếc đến ngơ đến ngẩn khi nghe tin chợ Cầu Muối (cầu Ông Lãnh) bị giải tán. Đó là khu chợ mà bọn sinh viên nghèo chúng tôi hay tìm đến để lượm những rau củ quả, tuy đã cũ, nhưng vẫn còn sử dụng được mà các bà bán hàng bỏ đi. Hoặc xót vô cùng hàng cây cổ thụ chạy dài từ Trung tâm Mục vụ giáo phận Sài Gòn, ngang qua Ba Son đến bến Bạch Đằng…

Tôi biết ơn Sài Gòn. Sài Gòn gánh cả nước. Để bất cứ ai muốn thoát thân nơi vùng quê của mình, họ đều bảo nhau: Lên Sài Gòn!

Sài Gòn che chở cho biết bao nhiêu thân phận những con người. Không thể sống nổi ở nơi mình chôn nhau, người ta vào Sài Gòn với một xấp vé số, với một gánh hàng rong, với một quán cơm nhỏ xíu bên hè phố… Hoặc giữa lòng Sài Gòn, người ta xin ăn, người ta làm thuê, người ta khuân vác mướn…

Có những người cao sang, trí thức, không thể kiếm hay không muốn kiếm tiền tại quê nhà, cũng nhờ cậy Sài Gòn. Hay những tỉnh xa, điều kiện y tế kém, để giữ mạng sống của mình, của người thân mình, người ta cũng vào Sài Gòn.

Nhiều xứ đạo, nhiều cơ sở tôn giáo, nhiều nhà thờ, nhà chùa, nhiều công trình phúc lợi, nhiều cơ sở từ thiện… trong đạo, ngoài đời, khi cần xây dựng, sửa chữa, người ta cũng tìm đến Sài Gòn. Sài Gòn nộp ngân sách trung ương đứng hàng “tóp” của cả quốc gia…

Đâu chỉ hiện tại, nhưng từ những ngày xưa của thế kỷ trước, đặc biệt, những năm giữa thế kỷ ấy, Sài Gòn đã từng mở rộng trái tim mình, dang rộng vòng tay mình, đón hàng hàng lớp lớp những đoàn người di cư, tìm sự sống ở bên này chiến tuyến…

Sài Gòn bao dung. Sài Gòn thắm tình đồng bào cốt nhục. Sài Gòn trân quý lẽ yêu đương. Sài Gòn mạnh mẽ tình người. Dẫu chỉ mười năm tôi và Sài Gòn có với nhau một khoảng trời ký ức, nhưng sao tôi yêu quá Sài Gòn.

Vừa mới đây, được tin chỉ vài giờ nữa thôi, bắt đầu từ nửa đêm nay (tức đầu ngày thứ sáu 9.7.2021) Sài Gòn phải chấp hành lệnh “ngăn sông cấm chợ”, tôi muốn thốt lên lời an ủi Sài Gòn, “người yêu” cũ của tôi, nơi đã chiếm trọn thời trẻ trung, sôi động nhất của đời tôi, lời động viên thốt ra từ tận cõi hồn mang theo cả niềm yêu thương và lòng biết ơn: Hãy cố lên! Cố lên Sài Gòn ơi. Không đầu hàng nhưng phấn đấu liên tục, tôi tin Sài Gòn sẽ chiến thắng!

Rồi đây, chiến thắng của Sài Gòn sẽ cùng với trận dịch lịch sử đi vào lòng trang sử của dân tộc. Rồi đây, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ ngước nhìn Sài Gòn, mến phục Sài Gòn, tự hào về Sài Gòn, khi dịch tễ như cơn sóng dữ sẽ đi qua, để lại một Sài Gòn nụ cười mới, bắt đầu mới, xây dựng mới…

Sài Gòn ơi, thương lắm! Và biết ơn lắm!…

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG