Trên khắp thế giới, các Giám mục đang chống lại tình trạng bạo lực bằng những lời cầu nguyện

Từ Châu Phi cho đến Nam Mỹ, các Giám mục tuyên bố rằng đã quá đủ đối với tình trạng bạo lực mà nhiều năm qua đã ghì chặt lấy các quốc gia trên khắp các khu vực này, đồng thời chuyển sang thực hành truyền thống là cầu nguyện và ăn chay để có được hòa bình.

Bên cạnh rất nhiều lời kêu gọi hòa bình của các nhà lãnh đạo Giáo hội trên khắp nhiều nơi trên thế giới có xung đột, các giám mục tại Nigeria, Nicaragua và Colombia đang tiến thêm một bước nữa, và đã phát động các chiến dịch cầu nguyện và ăn chay để giải quyết các xung đột đang chia cắt các quốc gia của họ.

“Nếu chúng ta không thể ngăn chặn làn sóng bạo lực này, chúng ta sẽ bỏ lỡ một thời điểm quan trọng trong lịch sử và tình hình của đại dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn một cách nguy hiểm”, Đức Ông Héctor Fabio Henao, Giám đốc Ban Thư ký Quốc gia về Mục vụ Xã hội của Tổ chức Caritas Colombia, cho biết tại buổi thuyết trình trực tuyến vào ngày 20 tháng 8 về Tuần lễ Cầu nguyện cho Hòa bình sắp tới của Hội đồng giám mục Colombia.

Đức Ông Henao đã chỉ ra một số đợt bạo lực gần đây trong nước, bao gồm, trong số các đợt khác, một vụ giết người gần đây trong một con đường nhỏ và khu vực do phiến quân kiểm soát khiến 13 thanh niên thiệt mạng và vụ ám sát một số các nhà lãnh đạo xã hội  và cựu phiến quân nổi dậy.

Tuần lễ Cầu nguyện cho Hòa bình lần thứ 33 năm nay sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 13 tháng 9, sẽ có chủ đề “Hãy cùng tiến bước, sự hợp nhất chính là hòa bình”.

Theo một tuyên bố được công bố trên trang web của các giám mục Colombia, lần đầu tiên sự kiện này sẽ được tổ chức hoàn toàn thông qua các phương tiện kỹ thuật số do coronavirus COVID-19, và sẽ được đánh dấu bằng những lời chứng, những suy tư từ Đức Giáo hoàng Phanxicô, những suy niệm Kinh Thánh và những khoảnh khắc cầu nguyện được thúc đẩy bởi các giám mục, những người cũng đang khuyến khích các cá nhân, gia đình, cộng đồng và Giáo xứ địa phương tổ chức các sự kiện của riêng họ và thực hiện các cam kết cá nhân của họ.

Nhắc lại chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Colombia vào năm 2017 để ký kết một hiệp định hòa bình chấm dứt xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), Đức Ông Henao cho biết Tuần lễ Cầu nguyện cho Hòa bình là một lời mời gọi để tiếp tục tiến trình của cuộc đối thoại mà Đức Giáo hoàng khuyến khích.

Tuần lễ Cầu nguyện cho Hòa bình, Đức Ông Henao nói, “là một ví dụ về sự thỏa thuận và đối thoại và đây là điểm gặp gỡ của nhiều quan điểm trong sự đa dạng của Colombia. Đó là điểm thể hiện ý chí của một xã hội cảm thấy rằng nó đang tiến lên một cách mạnh mẽ hướng tới việc xây dựng hòa bình”.

Đề cập đến chủ đề chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Hãy thực hiện bước đi đầu tiên”, Đức Ông Henao cho biết rằng ba năm sau, Colombia sẽ nói: “Hãy tiếp tục thực hiện những bước đi này. Và những bước tiến này phải đưa chúng ta đến một cuộc đoàn tụ trong hòa bình”.

 Đức Tổng Giám mục Óscar Urbina Địa phận Villavicencio, Chủ tịch Hội đồng giám mục Colombia, cũng chia sẻ trong bài thuyết trình trực tuyến, nhấn mạnh rằng “Hòa bình là một nhiệm vụ được giao phó cho trách nhiệm của tất cả mọi người, đó là một sự chắc chắn, một hy vọng có lợi cho tương lai và vận mệnh của Colombia. Hòa bình là điều vô cùng cần thiết”.

Gọi hòa bình là kho báu mà mỗi người luôn mang trong lòng, Đức TGM Urbina cũng nhắn nhủ với các khán thính giả rằng “hòa bình phụ thuộc vào bạn và với xác quyết này, nó sẽ truyền từ cá nhân sang xã hội và cộng đồng, và do đó nó sẽ trở thành hành động, bởi vì hòa bình là trí tuệ, sự can đảm, cam kết và hạnh phúc. Nếu chúng ta ước muốn, chúng ta sẽ có thể”.

Tại Nicaragua, các giám mục đã chỉ định tháng 9 là thời gian cầu nguyện cho hòa bình trong nước, vốn đã chứng kiến sự leo thang căng thẳng cũng đã ảnh hưởng đến Giáo hội Công giáo, gần đây nhất là vụ tấn công vào Nhà thờ Chính Tòa Managua.

Vào ngày 31 tháng 7, một người đàn ông đã ném một quả bom xăng vào bên trong Nhà thờ Chính Tòa, nhắm mục tiêu vào cây Thánh giá có niên đại 400 năm tuổi, được người dân địa phương gọi là “Máu Chúa Kitô”.

Sau vụ việc, Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài chia sẻ trong giờ kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật 2 tháng 8 đã than phiền về việc mất đi bức tượng mang tính lịch sử và đồng thời cầu nguyện cho đất nước, Ngài nhắn nhủ với người dân Nicaragua rằng: “Tôi gần gũi với anh chị em và tôi luôn cầu nguyện cho anh chị em”.

Đây là vụ việc xảy ra gần đây nhất trong một loạt các vụ tấn công nhắm vào các nhà thờ diễn ra trong bối cảnh của sự căng thẳng sâu rộng hơn giữa các giám mục Nicaragua với Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân của ông là bà Rosario Murillo, người giữ chức phó tổng thống của đất nước này.

Các cuộc nổi dậy chống lại chính phủ ở Nicaragua bắt đầu vào năm 2018 và trong những năm bất ổn tiếp theo, nhiều giám mục và linh mục từ đất nước này đã lên tiếng chỉ trích chính phủ, mở cửa nhà thờ của họ làm nơi ẩn náu cho những người biểu tình tìm nơi trú ẩn trong các cuộc đối đầu bạo lực với cảnh sát và quân đội. Do đó, các nhà thờ và văn phòng từ thiện liên tục trở thành mục tiêu.

Trong một tuyên bố vào ngày 15 tháng 8, Tổng giáo phận Managua đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những biểu hiện của tinh thần liên đới mà Tổng giáo phận đã nhận được sau “vụ tấn công phạm thánh” nhắm vào Nhà thờ Chính Tòa và “những hành động thiếu tôn trọng đáng trách đối với Giáo hội tại Nicaragua”.

Tổng giáo phận kêu gọi sự trợ giúp tài chính để khôi phục lại cả cây Thánh giá và nhà nguyện nơi nó được tôn kính, và đồng thời kêu gọi anh chị em giáo dân Công giáo trong nước “luôn kiên vững trong đức tin, cẩn thận đừng để những kẻ gian ác đến và gây bất hòa giữa chúng ta”.

Để chống lại bạo lực, Tổng giáo phận khuyến khích các tín hữu thực hiện tinh thần phạt tạ, ăn chay và cầu nguyện, cầu xin sự tha thứ “cho linh hồn của những kẻ muốn dẫn dắt xã hội chúng ta đi theo con đường của sự hận thù, đối đầu và phạm thánh”.

Công bố tháng 9 là tháng cầu nguyện cho sự chữa lành và hòa bình, Tổng giáo phận đã khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho đất nước, giúp các công dân nước này trở thành “những người kiến tạo hòa bình, thực hiện những bước quyết định và hiệu quả trên cuộc hành trình của một nền văn hóa của sự cảm thông, cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai của quốc gia này được thừa hưởng sự hòa hợp, hòa bình, công lý thực sự và đồng thời tôn trọng các quyền cơ bản của con người”.

“Người dân Nicaragua chúng ta xứng đáng được thừa hưởng điều đó, và chúng ta sẽ phải trả lẽ trước Thiên Chúa về sự đóng góp mà mỗi người trong chúng ta đã thực hiện”.

Tại Nigeria, nơi các Kitô hữu trong nhiều năm là nạn nhân của bạo lực tôn giáo, các giám mục đã phát động chiến dịch cầu nguyện 40 ngày cho hòa bình trong nước, kéo dài từ ngày 22 tháng 8 đến ngày 1 tháng 10, Ngày quốc khánh Nigeria.

Theo Tổ chức Quan tâm đến các vấn đề về Kitô giáo Quốc tế (ICC), ở đâu đó, khoảng 50.000-70.000 Kitô hữu đã bị giết hại ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Các Kitô  hữu chiếm khoảng một nửa dân số 206 triệu người của của Nigeria, nhưng họ đã phải đối mặt với sự đàn áp khắc nghiệt trong những năm gần đây trên nhiều mặt trận, chủ yếu từ nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram và những người chăn gia súc Hồi giáo Fulani, những kẻ đã tấn công các ngôi làng Kitô giáo để tìm kiếm lãnh thổ chăn thả đàn gia súc của họ.

Hầu hết các vụ tấn công này xảy ra dọc theo “Vành đai Trung” (Middle Belt) của Nigeria – nơi miền Bắc chủ yếu là những người Hồi giáo tiếp giáp với miền Nam chủ yếu là các Kitô hữu.

Những người nông dân Kitô giáo đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với hàng nghìn người bị buộc phải chạy trốn khỏi những vùng đất nông nghiệp màu mỡ để tránh bị tấn công và có khả năng bị sát hại. Các linh mục cũng thường xuyên bị nhắm mục tiêu. Nhiều nhà quan sát suy đoán rằng chính sự vận động từ bục giảng đã khiến một số giáo sĩ và thậm chí cả chủng sinh trở thành mục tiêu của những vụ bắt cóc và giết người.

Là một phần của chiến dịch cầu nguyện, các giám mục Nigeria đang khuyến khích các tín hữu Công giáo cùng đọc một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh Hằng ngày, và đồng thời cùng lần chuỗi Mân Côi vào ngày 1 tháng 10, suy ngẫm về ‘Năm Sự Thương’ và cầu nguyện để Thiên Chúa giải thoát Nigeria khỏi tình cảnh bạo lực.

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Cha Patrick Alumuku, Giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận Abuja, cho biết các vụ giết người quả là “rất đáng lo ngại” và thực tế này đã diễn ra trong nhiều năm “mà không có sự can thiệp của chính phủ”.

“Các Kitô hữu hết sức thất vọng và bất bình trước tình hình này và thậm chí đã kêu gọi thay đổi giới lãnh đạo trong các cơ quan an ninh”, linh mục Alumuku nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng lời kêu gọi gần đây cho hòa bình tại Nigeria của Đức Giáo hoàng Phanxicô và chiến dịch cầu nguyện hiện tại “là những phương thế giúp duy trì đức tin Kitô giáo của người dân Nigeria”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Nguồn: https://dcctvn.org/