Trong năm 2020 này, Đức Thánh Cha và Tòa Thánh cùng chia sẻ tình cảnh đau thương của Giáo Hội và nhân loại vì đại dịch. Mặc dù khả năng hoạt động bị hạn chế rất nhiều, nhưng Đức Thánh Cha vẫn cố gắng thi hành nhiệm vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ, khích lệ cộng đồng Dân Chúa giữ vững niềm tin và hy vọng, đồng thời dấn thân săn sóc những anh chị em nạn nhân của đại dịch Covid-19 dưới nhiều hình thức, về vật chất cũng như tinh thần.
Cầu nguyện chống đại dịch
Một hoạt động của Đức Thánh Cha gây ấn tượng rất mạnh trong dư luận thế giới là buổi cầu nguyện đặc biệt giữa mùa đại dịch ngài chủ sự lúc 6 giờ chiều thứ Sáu, 27/3/2020, để xin Chúa giải thoát dân Chúa khỏi thảm họa và cầu cho các nạn nhân đã thiệt mạng.
Buổi cầu nguyện kéo dài một tiếng đồng hồ và diễn ra trước tiên tại thềm Đền thờ Thánh Phêrô, trước quảng trường trống vắng người vì lý do an ninh y tế, không có sự tham dự của giáo dân, nhưng được trực tiếp truyền đi qua các phương tiện truyền thông.
Trước hai cột hai bên cổng chính của Đền thờ, bên phải có Ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma, và bên trái có tượng Thánh Giá thánh Marcello được Đứ Giáo Hoàng đưa đến đây từ Đền thờ kính thánh nhân. Tượng này vẫn được dân Roma rước đi trong những mùa dịch tễ, và chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã đến thánh đường này để kính viếng trong thời gian trước đó.
Ngoài một số chức sắc cộng tác vào buổi cầu nguyện, chỉ có 10 giáo dân nhân viên Đền Thờ, đứng từ xa xa ở cửa Đền Thờ, để tham dự buổi cầu nguyện đặc biệt này.
Buổi cầu nguyện gồm có phần phụng vụ Lời Chúa kèm theo bài giảng của Đức Thánh Cha, tiếp đến là chầu Thánh Thể với phần kinh cầu, và sau cùng là phép lành Minh Thánh Chúa do Đức Thánh Cha ban, kèm theo ơn toàn xá Urbi et Orbi, cho Roma và toàn thế giới.
Bài giảng
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc đến thảm họa đại dịch đang đe dọa nhân loại, như bão tố vùi dập con thuyền của các môn đệ, khiến bao người ngày nay lo sợ, ngỡ ngàng, nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình cùng chung số phận với nhau, cần cùng chèo với nhau, ”nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau.”
Đức Thánh Cha vạch rõ những khuyết điểm của con người ngày nay mà thảm họa đại dịch là cơ hội cho thấy rõ. Và ngài kêu gọi hoán cải, đồng thời hãy biến thảm họa đại dịch hiện nay thành cơ hội thực thi điều thiện, tình liên đới và gia tăng hy vọng. Hy vọng nơi thập giá của Chúa Kitô, khơi dậy niềm tin…
Buổi cầu nguyện được tiếp nối với nghi thức Chầu Thánh Thể, với bàn thờ được đặt ở tiền đường bên trong Thánh Đường.
Tòa thánh lạc quyên giúp nạn nhân đại dịch
Trong số những cố gắng của Tòa Thánh góp phần thoa dịu những đau khổ của dân chúng vì đại dịch có lạc quyên nơi các Hồng Y, Giám Mục và các Giám Chức của Tòa Thánh để trợ giúp những người đau khổ vì đại dịch Covid-19. Mỗi người đóng góp 1 tháng lương hoặc hơn nữa để góp phần hỗ trợ Đức Thánh Cha trong việc đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế hiện nay. Ngài cũng đã giúp nhiều máy thở và những thiết bị y tế khác cho các nhà thương tại một số nước nghèo.
Cùng với sáng kiến trên đây, với sự hỗ trợ đặc biệt của Đức Hồng Y Krajewski Chánh sở Từ Thiện, Đức Thánh Cha cũng lập ra Ủy ban Vatican về Covid-19, trong đó có Quỹ tương trợ nâng đỡ các giáo phận nghèo, các dự án của các Giáo Hội Công giáo Đông phương, trong công tác cứu giúp những người nghèo vì đại dịch.
Tông Huấn Querida Amazonia
Về phương diện Giáo huấn, 1 tháng trước khi nước Ý bị giới nghiêm vì đại dịch, ngày 12/2/2020, Đức Thánh Cha đã công bố Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục miền Amazon với tựa đề ”Querida Amazonia”, Amazon yêu quí, đúc kết Công nghị Giám Mục tiến hành tại Vatican từ ngày 6 đến 27/10/2019 với tựa đề: ”Amazon: những con đường mới cho Giáo Hội và cho một nền sinh thái học toàn diện”. Qua 4 chương được chia làm 111 đoạn, Đức Thánh Cha chia sẻ những mơ ước về miền Amazon: Giấc mơ xã hội (chương I): Giấc mơ văn hóa (ch.II), Giấc mơ sinh thái học (Ch. III). Trong chương này Đức Thánh Cha kêu gọi hăng say gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên của miền Amazon, chăm sóc môi trường và con người, lắng nghe tiếng kêu của người dân tại đây và thực hiện một sự phát triển dài hạn. Sau cùng, Giấc mơ Giáo Hội (Ch. IV) là chương dài nhất, gồm 50 đoạn, trong đó Đức Thánh Cha cho biết mong ước của ngài là làm sao để các cộng động Kitô có thể dấn thân và nhập thể trong miền Amazon. Cụ thể, Đức Thánh Cha bàn đến việc hội nhập Tin Mừng một cách mới mẻ vào miền này, và làm sao để các bí tích được mở rộng cho tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo. Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Mỹ châu Latinh hãy gởi các thừa sai đến hoạt động tại miền Amazon, giúp giải quyết tình trạng thiếu Linh mục tại đây.
Có những người có xu hướng cấp tiến tỏ ra thất vọng vì trong Tông Huấn không thấy Đức Thánh Cha chấp thuận việc truyền chức cho những người nam có gia đình và ngài kêu gọi thăng tiến vai trò của giáo dân và phụ nữ, mở ra những không gian mới cho phụ nữ, nhưng chống lại chủ trương giáo sĩ hóa phụ nữ.
Về sau, Đức Thánh Cha giải thích rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục về miền Amazon là để phân định, chứ không phải để tranh đấu cho việc truyền chức Linh mục cho những người có gia đình, vì thế ngài đã không chấp thuận các đề nghị về vấn đề này.
Thông điệp ”Fratelli tutti”
Một văn kiện quan trọng khác, được Đức Thánh Cha công bố, đó là thông điệp Fratelli tutti – Tất cả anh em, về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, được ngài soạn thảo giữa kỳ đại dịch. Và ngài đích thân đến cạnh mộ thánh Phanxicô ở Assisi chiều ngày 3/10/2020 để ký văn kiện dài 200 trang khổ nhỏ, với 287 đoạn, và hôm sau Thông điệp xã hội này của ngài được công bố tại Vatican. Ngài cho biết: “Tôi trao Thông điệp xã hội này như một đóng góp khiêm tốn cho việc suy tư, để đứng trước nhiều cách thức hiện nay loại trừ hoặc cố tình không biết đến người khác, chúng ta có thể phản ứng bằng một ước mơ mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội không chỉ giới hạn vào lời nói mà thôi. Tuy viết Thông Điệp này đi từ những xác tín Kitô của tôi, những xác tín linh hoạt và nuôi dưỡng tôi, nhưng tôi cố gắng trình bày làm sao để suy tư này cởi mở đối thoại với tất cả những người thiện chí” (n.6)
Đức Thánh Cha kể rằng ngài đã bắt đầu soạn Thông Điệp, thì xảy ra đại dịch Covid-19 đột nhập vào cộng đồng nhân loại: ”Nó cho thấy những an ninh giả tạo của chúng ta, và những câu trả lời mà nhiều nước đề ra càng cho thấy khả năng không thể cùng nhau hành động của con người. Mặc dù rất liên hệ với nhau, nhưng ta thấy có một sự phân hóa càng cho chúng ta nhận thức: thật là khó giải quyết các vấn đề có liên hệ tới tất cả mọi người” (n.7). Từ đó có ước mơ càng lớn hơn, đó là ”nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, chúng ta có thể làm tái sinh nơi mọi người khát vọng của toàn thế giới về tình huynh đệ.. Chúng ta mơ ước như một nhân loại duy nhất, như những người lữ hành được hình thành bằng cùng một thân thể con người, như con của cùng một trái đất đón nhận tất cả chúng ta, mỗi người với sự phong phú của tín ngưỡng liên hệ, hoặc những xác tín riêng, mỗi người có tiếng nói riêng, nhưng tất cả đều là anh chị em của nhau” (n.8)
Bài trừ tham nhũng, cải tiến tài chánh
Song song với những nỗ lực giáo huấn trên đây, trong năm nay, Đức Thánh Cha cũng nỗ lực đẩy mạnh việc cải tổ tài chánh của Tòa Thánh, bài trừ nạn tham nhũng, và hữu lý hóa các chi phí.
Đặc biệt ngày 1/10/2020, lần đầu tiên Bộ Kinh Tế công bố chi tiết kết toán chi thu của Tòa Thánh và Quốc gia Thành Vatican. Theo đó, năm 2019, ngân sách Tòa Thánh bị thiếu hụt 11 triệu Euro, so với 75 triệu trong năm 2018 trước đó, mặc dù số tiền đóng góp và dâng cúng từ các giáo phận và cá nhân liên tục giảm sút. Số chi của Tòa Thánh năm ngoái là 318 triệu Euro và số thu là 307 triệu. Năm nay, vì đại dịch, chắc chắn số thiếu hụt ngân sách của Tòa Thánh sẽ gia tăng vì Bảo tàng viện Vatican bị đóng cửa nhiều tháng trời, mất đi một nguồn tài chánh quan trọng của Tòa Thánh.
Phong 13 hồng y mới
Song song trong với những điều trên đây, trong năm nay, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm thêm 13 hồng y mới trong công nghị đơn sơ chiều ngày 28/11/2020, nâng số Hồng Y lên 228 vị, trong đó có 128 Hồng y cử tri dưới 80 tuổi.
Và cũng có biến cố đau thương trong năm nay là việc công bố phúc trình về vụ cựu Hồng Y McCarrick đã bị hồi tục vì những hành động lạm dụng tính dục. Dư luận rất ồn ào về xì căng đan này, nhưng nay sóng gió sau cơn bão ấy đã có phần lắng dịu.
Đại dịch đã khiến Đức Thánh Cha mất đi một phương tiện giáo huấn quan trọng là các cuộc tông du tại nước ngoài. Ít nhất có các dự án viếng thăm tại Indonesia, Đông Timor và Papua tân Guinea bị hủy bỏ. Chuyến đi xa nhất trong năm nay của Đức Thánh Cha là tại Assisi, cách Roma gần 200 cây số để ký thông điệp thứ 3 của ngài. Tuy nhiên, hy vọng trong lãnh vực này đã hé mở với dự án viếng thăm tại Irak từ ngày 5 đến 8 tháng 3 năm 2021.