Điều này có vẻ phản trực giác, nhưng có những lợi ích lớn lao khi bạn thừa nhận lỗi lầm của mình với con cái – dù nhỏ hay lớn. Nếu bạn là cha mẹ, có lẽ bạn đã không đếm được số lần bạn yêu cầu con cái xin lỗi vì điều gì đó – và số lần bạn hy vọng chúng sẽ tự nghĩ ra điều đó. Nhưng bạn đã xin lỗi chúng bao nhiêu lần rồi?
Thoạt nghĩ, khái niệm nói lời xin lỗi với con cái dường như đi ngược lại nghĩa vụ hiếu thảo tự nhiên của con cái đối với cha mẹ. Nhưng thực ra, điều đó hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của việc nuôi dạy con tốt và là một phần xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, hài hòa trong gia đình chúng ta.
1. XÂY DỰNG NIỀM TIN VÀ SỰ GẮN BÓ
Việc xin lỗi con cái không làm giảm uy tín cha mẹ, nhưng làm phát triển lòng tin, từ đó thúc đẩy sự gắn bó an toàn hơn giữa cha mẹ và con cái. Sự gắn bó an toàn và lành mạnh là nền tảng cho các mối quan hệ lành mạnh, yêu thương – không chỉ giữa cha mẹ và con cái, mà cả những mối quan hệ mà con cái sẽ xây dựng với người khác khi chúng trưởng thành.
Việc xin lỗi con cái cũng khiến người ta dễ bị tổn thương và do đó cho phép con cái coi cha mẹ mình là người không hoàn hảo, người mà chúng có thể tin tưởng khi chúng lỗi lầm và thất bại.
2. LÀM GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG VÀ CƯ XỬ TỐT
Xin lỗi con cái là hình mẫu về cách cư xử mà chúng ta muốn truyền thụ cho chúng. Cha mẹ muốn chúng học cách thức và thời điểm xin lỗi, đồng thời làm điều đó mà không sợ hãi hay do dự.
Khi chúng ta xin lỗi với tư cách là người lớn, điều đó dạy con cái biết rằng sự tự nhận thức và sự khiêm tốn cần thiết cho mọi người, bất kể tuổi tác hay quyền hạn. Ngoài ra, điều đó còn dạy chúng những từ ngữ cần dùng, cũng như những tình huống nào cần phải xin lỗi, bình thường hóa việc xin lỗi như điều chúng ta làm với những người chúng ta yêu thương.
3. NOI GƯƠNG CHÚA THA THỨ
Sẽ rất hữu ích nếu con cái thấy rằng cha mẹ cũng cần được tha thứ – từ người khác và từ Thiên Chúa. Khi gia đình ưu tiên việc nhận trách nhiệm, xin lỗi và tha thứ, điều đó sẽ mở đường cho con cái hiểu được sự cần thiết của việc hòa giải với Thiên Chúa.
4. NÊN XIN LỖI VỀ ĐIỀU ĐANG BĂN KHOĂN?
Bất cứ lúc nào chúng ta cho rằng mình đã vi phạm luật yêu thương và tôn trọng, lòng tốt và sự kiên nhẫn, chúng ta nên xin lỗi. Đây là vài ví dụ về những lời xin lỗi khi có tình huống nào đó với con cái.
Ba/mẹ xin lỗi vì đã nói gay gắt với con. Ba/mẹ xin lỗi vì đã không lắng nghe những gì con muốn nói. Ba/mẹ xin lỗi vì đã bị phân tâm và không trình bày đầy đủ với con. Ba/mẹ xin lỗi vì những lo lắng của ba/mẹ đã ngăn cản con làm điều đó. Ba/mẹ xin lỗi vì đã không hỏi con cho rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra. Và những câu xin lỗi đại loại như vậy…
Hãy nhớ rằng một lời xin lỗi tốt nên tập trung vào những gì cha mẹ đã làm chứ không phải vào bất kỳ lời bào chữa nào về lý do cha mẹ cư xử như vậy. Một lời xin lỗi tốt cũng nêu rõ vì điều gì và có thể bao gồm sự thừa nhận về những gì lẽ ra cha mẹ nên làm. Và đừng quên rằng ngay sau khi xin lỗi, cha mẹ nên yêu cầu sự tha thứ. Hãy nói đơn giản: “Con bỏ qua cho ba/mẹ nhé!”
Sau đó, cha mẹ có thể muốn thảo luận thêm về tình huống và sử dụng nó như một cơ hội để trò chuyện. Tương tự như lời xin lỗi, hãy điều chỉnh nó phù hợp với độ tuổi và sự trưởng thành của con cái.
Khi chúng ta chỉ ra những nhược điểm (điểm yếu) của mình với con cái, chúng sẽ nhận biết rằng phạm sai lầm là điều bình thường và nên nhận lỗi. Kiến thức và khả năng này sẽ giúp chúng suốt đời trong tất cả các mối quan hệ của chúng, đồng thời tạo nên mối liên kết bền chặt hơn giữa cha mẹ và con cái.
ZOE ROMANOWSKY
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)