Đồng bạc Xêda 

Ảnh minh hoạ. google

“Có những lúc phải thả thính, nếu cá không ăn thính thì dọn thính cất cần câu. Nghệ thuật marketing là phải thế, bây giờ là phải sống thật thật giả giả, chứ sống thật quá mình chỉ hại mình thôi.” (Một bạn trẻ)

“Đừng để cho bản thân các bạn bị cuốn hút bởi vẻ quyến rũ của đồng tiền, nhưng thay vào đó hãy làm việc để xây dựng một tương lai tươi đẹp hơn dựa trên công lý và thiện ích chung.”

Đó là lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các sinh viên Học Viện Chartreux Lyon, Pháp, trong cuộc gặp gỡ tại Vatican, ngày 19/10 vừa qua.

Đồng tiền, với sự thu hút mãnh liệt như một ma lực mà Đức Giêsu có lần bảo là “Mamon”, thật đáng sợ.

Không dễ thắng được sức cám dỗ ngọt ngào và sự kích thích cuồng bạo của nó ngang qua sự đòi hỏi của các nhu cầu, chính đáng hoặc không chính đáng, thiện hảo hoặc xấu xa, mà khi ấy, chỉ có tiền mới giải quyết được.

Không ai dám cho rằng mình không cần tiền, mình thoát được sự quyến rũ của tiền bạc, thoát khỏi tình trạng nô lệ cho tiền bạc, không tôn thờ nó.

Tiền bạc tự nó không tốt cũng không xấu, nhưng cứ nhìn vào cách kiếm tiền, vào thái độ người ta trước đồng tiền và cách sử dụng tiền là có thể đoán định phần nào về tình trang người đó, nô lệ hay tự do.

Tìm cách thoát khỏi mãnh lực tiền bạc không phải dễ, nhưng cũng không quá khó, tất cả đòi hỏi vào “tiếng nói” của một lương tâm ngay chính hay gian tà, Thiên Chúa hay Xêda, có phân biệt được phải trái, có phán đoán đúng về nguyên nhân, hậu quả của hành vi của mình, có lòng tự trọng và liêm sỷ không (Rm 2,14-15)

Nhưng như thế chưa đủ, còn phải học cách để thoát khỏi sự quyến rũ “nô lệ hóa”của tiền bạc bằng cách tập cho tinh thần mình “có được sức mạnh và sự can đảm để không tuân thủ một cách mù quáng trước bàn tay vô hình của thị trường”, và học cách “để trở thành những người cổ võ và bảo vệ sự phát triển trong sự công bằng, để trở thành người thợ của một nền quản trị công bằng và đủ, đối với ngôi nhà chung của chúng ta, là thế giới”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các sinh viên như thế.

Ngài còn bảo: “Hãy làm việc để xây dựng một tương lai tươi đẹp hơn dựa trên công lý và thiện ích chung” thay cho việc tập trung vào cái tôi và chỉ bận tâm vào những nhu cầu bất tận của mình.

Mỗi người phải có khả năng quyết định tương lai của mình, khi biết chịu trách nhiệm không chỉ với thế giới, mà “còn với đời sống của mọi người”, nhất là “mọi sự bất công đối với người nghèo là một vết thương mở, và làm hạ giá phẩm giá của chính mình”.

Đức Giáo Hoàng mong muốn các sinh viên ấy, sẽ “trở nên những hạt giống khiêm tốn của một thế giới mới”

Cái thế giới mới Đức Giáo Hoàng đề cập, là một sự kiến tạo trong sự thật, một xã hội công bằng và nhân bản hơn, mà khởi đầu là cần xây dựng những người công chính, biết chọn sống thật với mình, với lương tâm và trước mặt Chúa.

Trong sự kiện lũ và xả lũ vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng thực hiện những cuộc cứu trợ nhằm giảm bớt những tổn thất, mất mát của người dân vùng lũ suốt từ Miền Trung ra Miền Bắc. Có những người, những tổ chức công khai minh bạch việc chi thu, người gửi, kẻ nhận, nhưng vẫn có những hạt sạn của những kẻ “thừa nước đục thả câu”, tìm cách để đánh bóng mình để trục lợi, dù đó là cái lợi cho cộng đồng mà họ muốn thu hút những sự trợ giúp từ khắp nơi về, một cách ích kỷ.

Lòng nhân ái “một cách ích kỷ và có thủ đoạn” ấy chẳng khác gì những chiêu trò của những người giả hình, lột tả cái tâm bất lương nhỏ nhen, muốn giành cả chiếc bánh bố thí, bánh trợ giúp, bánh của Lòng Thương Xót, giữa những người còn mất mát, khốn cùng hơn gấp bội.

Thật “mát lòng, mát dạ” khi thấy có những thông báo, “Xin chân thành cám ơn sự trợ giúp của mọi người trong lúc cấp bách. Giờ chúng tôi đã tạm ổn, xin chuyển những sự trợ giúp của những nhà hảo tâm đến những nơi khó khăn khác.”, hoặc “Xin thông báo, chúng tôi đã ‘khóa sổ’ để tổng kết, và sẽ công bố danh sách chi thu ngay sau đây”. Đó là những người có lương tâm ngay chính, còn trung thực với chính mình, còn thấy được sự khốn cùng của những anh em khác, hiểu được sự khó khăn quẫn bách mà chính họ đã và đang trải qua.

Đừng đổ cho xã hội tạo ra những con người ích kỷ, tham lam và vô cảm. Cái xã hội ấy chỉ là một tập hợp của những kẻ chỉ biết sống giả hình; cái xã hội mà họ đổ lên đầu nó tội lỗi của chính họ, và tạo ra bộ mặt lem luốc cho xã hội.

Đức Giêsu từng nói với người Do thái: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, các ông thật là môn đệ tôi, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31)

Người Kitô hữu phải luôn sống thật với Thiên Chúa, không phải để tố cáo người khác, mà để thanh luyện lương tâm mình. Các biến cố xảy ra chính là dịp, là thước đo sự lương thiện hoặc giả trá của mỗi người.

Vì vậy, câu nói của bạn trẻ kia, chỉ có thể áp dụng trong kỹ năng marketing, chứ không phải là khuôn vàng thước ngọc cho mọi sự được. “Có những lúc phải thả thính, nếu cá không ăn thính thì dọn thính cất cần câu. Nghệ thuật marketing là phải thế, bây giờ là phải sống thật thật giả giả, chứ sống thật quá mình chỉ hại mình thôi”

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.