“Quyển sách nhỏ về TDTGNT là một dụng cụ quan trọng cho việc giáo dục và vận động nhân quyền. Tự do tôn giáo hay niềm tin có lẽ là một nhân quyền khó am tường nhất trong tất cả các nhân quyền. Việc nhấn mạnh quyền tự do của mình về thể hiện tôn giáo hay niềm tin luôn luôn phải được đối trọng với quyền của người khác. Nó không thể hoàn toàn ngăn chặn quyền của người khác về bất đồng quan điểm tôn giáo với mình và không bị áp đặt sự bất khoan dung về tôn giáo. Sự tranh luận về tôn giáo và niềm tin có thể tác động mạnh về cảm xúc và thường dẫn đến xung đột. Tuy thế, chúng ta không thể viện vào đấy để cản trở tự do ngôn luận và cấm chỉ tranh luận.
Ngay cả các chính quyền cũng có một vai trò tế nhị. Họ phải trung dung, nhưng thường phải can thiệp để bảo vệ những ai bị kỳ thị hay ngược đãi dưới danh nghĩa tôn giáo. Quyển sách nhỏ TDTGNT vạch ra các giới hạn cho mọi thành phần hữu quan. Quan trọng hơn nữa, sách bao hàm các quyền của người không theo đạo nào hoặc muốn theo một đạo nào khác, và nhấn mạnh nguyên tắc căn bản là nhân quyền là thuộc về các cá nhân và cộng đồng, chứ không phải thuộc về các tôn giáo, niềm tin, hoặc chủ nghĩa.”
Asma Jahangir
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin (2004-2010)
…………
1.Tự do
Tôn giáo hay Niềm Tin – Lợi ích cho mọi người
Hầu hết nhân loại có một niềm tin tôn giáo. Đáng tiếc, quyền chọn lựa và thể hiện niềm tin của họ càng ngày càng bị hạn chế.1
Các cuộc tấn công hung bạo nhắm vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số và sự kiểm soát gắt gao bởi chính quyền đối với các cộng đồng chung niềm tin xảy ra thường xuyên hơn chúng ta tưởng. Trong khắp năm châu đều có tình trạng hạn chế tự do tôn giáo hay niềm tin (TDTGNT*) và các tín đồ của mọi tôn giáo và niềm tin đều bị ảnh hưởng. Đàn áp* tôn giáo mang nhiều hình thức và gồm các hành động như phân biệt đối xử* một cách có hệ thống và nghiêm trọng, bắt bớ, bạo hành thể lý và tâm lý, và giết chóc. Vào ngày 17 tháng 4, 2015, một nhóm tín đồ Ấn Độ giáo cực đoan tấn công một số tín đồ Thiên Chúa giáo khi họ dùng bữa sau khi dâng lễ trong một làng của tiểu bang Assam, Ấn Độ. Có ít nhất 15 người bị thương, trong đó có 1 bé gái 7 tuổi.2 Chính quyền địa phương Nakhichevan, một khu của nước Azerbaijan, bắt giữ 200 tín đồ Hồi giáo vào giữa tháng 11 năm 2014 và đóng cửa nhiều đền thờ mà họ cho rằng có thiện cảm với Iran. Đa số được thả vài ngày sau.
Ở Việt Nam, công an phá vỡ một buổi lễ Phật giáo Hòa Hảo vào tháng 3 năm 2014, đánh đập và bắt bớ các tín đồ có mặt, lột truồng và trói gô một cụ bà 80 tuổi cho đến bất tỉnh trên nền đất.Vào tháng 1 năm 2015, chính quyền Yemen vu cáo một công dân Yemen theo đạo Bahai là làm gián điệp cho Do Thái và dụ dỗ tín đồ Hồi giáo cải đạo theo đạo Bahai. Nạn nhân đã bị giam 1 năm trời trước khi bị buộc tội, và bị tra tấn trong nhà giam.
Trên đây chỉ là một ít thí dụ cho thấy không phải ai cũng được theo niềm tin mà mình muốn, thay đổi niềm tin, và tự do thể hiện niềm tin, mặc dù nhân quyền cơ bản về tự do tôn giáo hay niềm tin được ghi khắc trong các văn kiện nhân quyền quốc tế và được công nhận bởi hầu hết các chính quyền trên thế giới.A
Với quyển sách mỏng này, Liên Minh Quốc tế Stefanus sẽ giải thích ba khía cạnh – tại sao, là gì, và cách nào – của tự do tôn giáo: tại sao quyền này quan trọng, các yếu tố chính, nó bị lạm dụng như thế nào và làm sao để phát huy nó. Sách được soạn để bất cứ ai muốn tìm hiểu về TDTGNT đều có thể tham khảo nó. Chúng tôi cũng mong nó được dùng để phát huy và bảo vệ quyền tự do cơ bản này trên khắp thế giới. Chúng tôi tin rằng phát huy, bảo vệ, và tôn trọng TDTGNT là một thành tố quan trọng và cần thiết cho sự phát triển các xã hội đa tôn giáo có đặc tính dung dị và chung sống hòa bình.
Báo động nhắm vào tín đồ Hồi giáo tại Myanmar
Tại Myanmar, Phật giáo là tôn giáo của thành phần đa số nhưng cũng có nhiều tôn giáo thiểu số, trong đó có Hồi giáo Rohingya. Đa số tín đồ Hồi giáo Rohingya sống trong tiểu bang Rakhine. Chính quyền Myanmar không công nhận đa số tín đồ Hồi giáo Rohingya là công dân; họ đặc biệt dễ bị phân biệt đối xử và hạn chế nhân quyền.
Tháng 6 năm 2012, bạo động xảy ra khi ba mươi người đàn ông Hồi giáo bị buộc tội cưỡng hiếp và giết một nữ tín đồ Phật giáo. Tín đồ của hai đạo đều dùng bạo lực. Tuy nhiên, chẳng bao lâu bạo lực trở thành cuộc tấn công tín đồ Hồi giáo mang tính cách dài hạn và có chủ đích của người dân trong tiểu bang Rakhine và các lực lượng an ninh của Myanmar.
Vào tháng 10 năm 2012, một đợt tấn công đã được dự tính kỹ lưỡng bắt đầu, với sự tham gia của giới lãnh đạo và chính trị gia Phật giáo. Nhiều đám đông lên đến hang ngàn người tấn công và đốt các làng Rohihgya. Hàng tram người Rohingya bị giết, và nhiều ngàn phải đi lánh nan. Nhiều khu phố Hồi giáo bị tàn phá hoàn toàn. Cảnh sát và nhà chức trách không bảo vệ nạn nhân, và một số còn tích cực tham gia bạo động.
Từ năm 2012 ít nhất 200.000 người Rohingya đã phải bỏ nhà ra đi và đang thiếu thốn mọi thứ, và nhiều người phải sống trong các trại dành cho người tản cư. Những kẻ thực hiện bạo động không bị trừng phạt và nạn nhân không nhận được khoản bồi thường nào.
Tài liệu tham khoả: Fortify Right, 2014 “Các Chính sách Đài áp”