Khi Đức Maria dâng Đức Giêsu vào Đền thờ, Thiên Chúa trong Ngôi Lời vào Thánh điện của Người để gặp gỡ dân Người.
Ông Simêon và bà ngôn sứ Anna đại diên cho số sót trung tín với đức tin sau bao thử thách gian nan, kiên nhẫn với lời hứa của Thiên Chúa đã gặp gỡ Đấng Thiên Chúa sai đến là Hài nhi Giêsu, khi ấy được mẹ Người tiến dâng cho Thiên Chúa.
Trước khi Đức Maria nghe Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa phán dạy, mẹ đã vâng nghe lời Chúa trong lề luật và lời các ngôn sứ; trước khi mẹ nhận ra cung lòng mình là Đền thờ mới, thân xác mình là hòm bia Thiên Chúa, mẹ vẫn chu toàn những tập tục phải có đối với Đền thờ.
Luật Môsê: “Ngươi phải nhượng lại cho Đức Chúa mọi con đầu lòng của loài người và mọi con đầu lòng của loài vật trong đàn vật của ngươi: các con đực thuộc về Đức Chúa” (Xh 13,12) diễn tả lòng biết ơn những kỳ công Thiên Chúa đã làm, để chứng thực mình những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh, yêu thương và cứu thoát.
Đức Maria là người đầu tiên biết được nguồn gốc thần linh và sứ mạng của Đức Giêsu, do đó việc hiến dâng Đức Giêsu là Con Người trọn vẹn và là Con Thiên Chúa trọn vẹn, mới thật là của lễ thánh hoàn hảo (x.Lc 2,23). Và khi làm nghi thức thanh tẩy mình như lời Thiên Chúa truyền cho Môsê (x.Lv 12,2-4), không phải mẹ bị “nhiễm uế”, nhưng diễn tả sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì trước khi Đức Giêsu công bố điều gì là thanh sạch và ô uế, mẹ đã vâng theo lề luật trong tinh thần (x.Mc 7,8).
Qua việc Đức Maria dâng con vào Đền thờ, chính Con Thiên Chúa dâng mình trong Đền thờ để đem lại ơn cứu độ cho con người, như tác giả thư Do thái đã nói: “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14-15).
Ơn giải thoát đó cụ già Simêon đã nhận được khi bồng ẵm Hài nhi trên tay. Cụ đã được Thiên Chúa nhậm lời cầu xin là được thấy cứu độ tận mắt, không những cho mình mà cho cả nhân loại; Ơn cứu độ đó chính là “Ánh sáng” soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel dân Người. Niềm vui lớn này khiến cụ không còn tha thiết với bất thứ gì, chỉ xin “được an bình ra đi”.
Cụ đã toại nguyện và an bình ra đi, nhưng Đức Maria thì ở lại tiếp tục hành trình đức tin của mình, một hành trình theo Đức Giêsu nhiều cam go, thử thách. Thiên Chúa đã đặt Đức Giêsu là nguyên cớ cho nhiều người vấp ngã và trỗi dậy, thì sự chống báng đó sẽ như lưỡi gươm đâu thấu lòng Mẹ Maria, và Mẹ sẽ còn phải dâng những đau khổ cho đến tột cùng, vừa để diễn tả niềm tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa vừa hiệp thông trong công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, để từ đó, mọi ẩn khuất trong tâm trí mọi người sẽ bị phơi bày ra. Ngày lễ Đức Mẹ dâng con vào Đền thờ cũng là ngày thánh hiến các bà mẹ và con trẻ cho Thiên Chúa. Bây giờ không chỉ là con đầu lòng, nhưng là mọi người con Thiên Chúa ban tặng, để chúng được Chúa thánh hoá trong ơn cứu chuộc của Đức Giêsu và được ban lại cho cha mẹ với nhiệm vụ làm cho chúng hiểu biết Chúa hơn, tôn thờ Chúa cho phải đạo, để nên giống hình ảnh Thiên Chúa và thuộc về Chúa trọn vẹn. Như Hài Nhi, chúng cũng “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
Ngày lễ Đức Mẹ dâng con vào Đền thờ cũng là ngày lễ của những người thánh hiến mình để phụng sự Chúa và thực thi ý Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Nguyện xin ơn lành của Chúa ban cho họ, để họ trở nên lễ phẩm tuyệt vời Giáo hội dâng lên Chúa, và để họ noi gương sống thánh hiến như Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Thánh Mônica trong những ngày cuối đời đã có một ước nguyện với con mình là thánh Augustinô: “Mẹ không cần gì nữa, những gì mẹ cầu xin, Chúa đã ban, mẹ chỉ xin con điều này, mỗi lần dâng lễ, con hãy nhớ đến mẹ”.
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT