5 câu Lời Chúa có thể giúp hàn gắn rạn nứt trong gia đình


Mạng xã hội khiến điều đó càng trở nên dễ dàng hơn — chỉ một cú nhấn “bỏ theo dõi”, “chặn” hay “tắt tiếng” là ta có thể xóa đi sự hiện diện của ai đó từng làm mình thất vọng. Một người bạn khiến ta tổn thương, một người anh chị em nói sai điều gì đó, cha mẹ hay họ hàng làm ta thất vọng – và chẳng bao lâu, họ bị gán nhãn là “độc hại”, rồi ta chọn cách dứt khoát để tìm kiếm sự bình yên… nhưng thường thì điều đó chỉ để lại vết đau chưa lành.

Dĩ nhiên, có những lúc việc tạo khoảng cách là cần thiết. Nếu ai đó gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần hoặc thể lý của bạn, thì việc giữ khoảng cách là điều dễ hiểu và hợp lý. Nhưng không phải mọi cuộc cãi vã hay nỗi thất vọng đều đáng để bị cắt đứt mãi mãi. Đôi khi, một chút ân sủng và cái nhìn sâu xa hơn lại có thể khởi đầu cho công trình chữa lành chậm rãi và thánh thiêng.

Và chính tại đó, Lời Chúa bước vào – không phải để kết án, mà để soi sáng. Kinh Thánh chưa bao giờ tô hồng gia đình nhân loại. Từ Cain và Aben, cho đến người con hoang đàng, Kinh Thánh cho thấy sự rối ren và mong manh của các mối liên hệ con người. Nhưng đồng thời, Lời Chúa cũng cống hiến sự khôn ngoan, ủi an, và những lời nhắc nhở nhẹ nhàng dẫn đưa đến lòng thương xót.

Dưới đây là một vài câu Lời Chúa có thể hướng dẫn chúng ta trên hành trình – dù vụng về, nhưng chân thành – để hàn gắn những điều đã rạn vỡ.

“Hãy đối xử nhân hậu với nhau, đầy lòng xót thương, và tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.” Êphêsô 4,32

🌿 Câu Lời Chúa này tưởng chừng đơn giản, nhưng lại chất chứa một đòi hỏi sâu xa: nhân hậu cả khi bị tổn thương, tha thứ dù cảm thấy người kia không xứng đáng. Chúng ta tha thứ không phải bằng sức riêng, mà nhờ ân sủng Thiên Chúa đã thương xót chúng ta trước.

Khi trong gia đình xuất hiện những rạn nứt, sự oán giận có thể âm ỉ kéo dài qua nhiều năm. Lời mời gọi của Thánh Phaolô là hãy để con tim mềm lại. Không phải để quên hết nỗi đau, cũng không phải để giả vờ như không có gì, nhưng là chọn lòng thương xót thay vì cay đắng, buông bỏ nhu cầu phải “thắng” trong mối quan hệ.

“Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt anh thì lại không thấy?” Luca 6,41

🌿 Con người thường dễ thấy lỗi nơi người khác. Khi bị tổn thương, ta có xu hướng liệt kê tất cả sai sót của người kia. Nhưng Chúa Giêsu dịu dàng mời gọi ta dừng lại và xét mình: Liệu ta đã góp phần gì vào sự chia rẽ? Liệu ta đã gây đau — dù vô tình?

Câu hỏi ấy không nhằm kết án, mà là lời mời bước vào khiêm nhường. Trong việc chữa lành các vết thương gia đình, đôi khi điều cần thiết không phải là thay đổi người kia, mà là mềm lòng chính mình.

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang… không nuôi hận thù.” 1 Côrintô 13,4–5

🌿 Đoạn Lời Chúa thường được đọc trong các lễ cưới, nhưng thực ra, lời ấy dành cho mọi mối quan hệ quan trọng — đặc biệt là những mối quan hệ đang bị thử thách. “Không nuôi hận thù” là lời mời gọi mà ta cần chiêm ngắm sâu xa. Biết bao lần ta âm thầm nhắc đi nhắc lại nỗi đau trong lòng, như thể giữ nó sống mãi?

Lời Chúa dạy ta để tình yêu làm chủ, đặc biệt trong chính gia đình. Không phải là làm ngơ trước tổn thương, mà là chọn sự kiên nhẫn, lòng nhân hậu, và không tiếp tục nuôi dưỡng những ký ức đớn đau. Chữa lành bắt đầu từ việc ngưng nuôi dưỡng vết thương.

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” Mátthêu 5,9

🌿 Làm người xây dựng hòa bình không phải lúc nào cũng được người khác nhìn thấy hay ghi nhận. Đôi khi, đó là gửi một lời nhắn, một lời mời, hay đơn giản là cầu nguyện cho người đã làm mình đau. Đó là công việc âm thầm, nhưng được Thiên Chúa trân quý.

Trong những gia đình tan vỡ, ai đó cần đi bước đầu tiên. Mối phúc này nhắc ta rằng, chọn hòa bình — dù khó khăn, dù hạ mình — là chọn sống gần hơn với tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa.

“Trên hết mọi sự, anh em hãy yêu thương nhau tha thiết, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi.” 1 Phêrô 4,8

🌿 Tình yêu không xóa bỏ tội lỗi, nhưng có thể xoa dịu và biến đổi nó. Khi những mối quan hệ gia đình trở nên căng thẳng, câu Lời Chúa này đem lại hy vọng: tình yêu tha thiết — tình yêu kiên trì, vị tha, chân thật và bền bỉ — có sức chữa lành cả những vết rạn sâu nhất.

Việc ấy không đến trong một sớm một chiều. Có thể sẽ rất lộn xộn, rất khó xử. Nhưng tình yêu, nếu được nuôi dưỡng trong ánh sáng của Chúa, có thể dần dần khôi phục điều tưởng chừng đã mất