Lễ bế mạc Tổng Công hội thứ XXV của Hội Dòng Chúa Cứu Thế Chí Thánh

Tổng Công Hội tha thiết kêu gọi anh em tu sĩ thừa sai Chúa Cứu Thế sống tình liên đới thiết thân với những anh chị em đang bị tổn thương

20161125-ket-thuc-toong-cong-hoi

Chiều ngày 23 tháng 11 năm 2016, lúc 4 giờ 40 phút, Tổng Công Hội Thứ XXV, Giai đoạn Hai theo Giáo luật, chính thức khép lại. Cha Bề Trên Tổng Quyền Michael John Brehl nhắc nhớ các anh em rằng, Tổng Công Hội chỉ kết thúc giai đoạn hai, giai đoạn ba sẽ được nhóm họp theo Liên hiệp Vùng vào năm 2017. Câu hỏi Cha Tổng Quyền đặt ra cho tất cả các nghị viên Tổng Công Hội là: “Làm sao để Tổng Công Hội đến được với người nghèo, đến được với thế giới đang bị tổn thương?”

Có năm hạn từ chi phối các buổi thảo luận của Tổng Cộng Hội: “Một thế giới bị tổn thương” (“a wounded world”), “làm hồi sinh” (“revitalization), “tình liên đới” (“solidarity”), “một thân mình” (“one body”) và “sứ vụ” (“mission”).

Ngay từ buổi họp đầu tiên, “một thế giới bị tổn thương” và “những người bị tổn thương” (the wounded) là đối tượng quan tâm đặc biệt của Tổng Công Hội. Sứ vụ không cho chính nó, nhưng cho đối tượng mà nó được hình thành và sai đến. Tổng Công Hội định nghĩa thế giới hôm nay là một thế giới đang bị tổn thương, mang đầy nơi nó những vết thương do chiến tranh, khủng bố, bạo loạn, chia rẽ, hận thù, tàn phá, huỷ diệt ở bình diện con người, xã hội và thiên nhiên. Những vết thương này đang chảy máu, đang lở loét, hoại tử và những vết thương mới không ngừng xuất hiện từng giây từng phút. Những con người đang sống trong thế giới này là những con người đang bị tổn thương, mang đầy mình những vết thương từ nội tâm đến toàn thân thể: “Đầu chỗ nào cũng đau, tim tan nát cả rồi! Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng còn nơi lành lặn: vết bầm, vết đánh, vết thương còn mới, chưa có ai lau chùi, chưa có ai băng bó, chưa có ai thoa dầu” (Is 1, 5-6).

Những người ấy là ai? Họ là dân tị nạn, di dân, dân chạy loạn do chiến tranh, khủng bố, bạo lực, nghèo đói. Quốc gia họ bị tàn phá, gia đình họ bị ly tán kẻ còn người mất, tâm hồn và thân xác họ bị tổn thương trầm trọng.

Những người ấy là ai? Họ là trẻ em, thanh thiếu niên, giới trẻ, người lớn, người già đang bị xã hội bóc lột, tước đoạt những quyền căn bản và phẩm giá của con người; đang bị biến thành những món hàng buôn bán, đổi chát; đang bị tầm thường hoá và hư vô hoá cho đến nỗi họ không còn tìm được ý nghĩa sống, hơi ấm trong gia đình, vị trí ngoài xã hội. Thân thể họ bị tổn thương, gia đình họ bị tan vỡ. Họ là đồ thừa bị vứt đi. Họ không có tiếng nói. Họ không còn được xem là hiện diện.

Những người ấy là ai? Họ là người “bị rơi vào tay kẻ cướp”, bị “lột sạch”, bị “đánh nhừ tử”, bị “bỏ mặc … nửa sống nửa chết” (Lc 10, 30).

Tổng Công Hội tha thiết kêu gọi anh em tu sĩ thừa sai Chúa Cứu Thế sống tình liên đới thiết thân với những anh chị em đang bị tổn thương ấy. Họ là người nghèo mà chúng ta được mời gọi nhập thể vàođời sống của họ, hầu mang đến cho họ Tin Mừng của Lòng Xót Thương, Sự Chữa Lành và Dịu Dàng, Niềm Hy Vọng và Bình An là chính Chúa Cứu Thế. Ngài là Đấng bị tổn thương, bị đâm thâu và bị giết chết. Ngài là Đấng đã chiến thắng tử thần và biến những vết thương thành dấu tích của ân sủng và tình yêu. Nói cách khác, là một với nhau trong thân mình thừa sai của Chúa Cứu Thế, chúng ta được mời gọi trở thànhNHỮNG CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA CỨU THẾ, TRONG TÌNH LIÊN ĐỚI VÌ SỨ VỤ, CHO MỘT THẾ GIỚI BỊ TỔN THƯƠNG”(Witneses of the Redeemer, in Solidarity for Mission, to a Wounded World).Đây chính là chủ đề mà Tổng Công Hội chọn cho lục niên sắp tới của toàn Dòng.

2016-25-11-tch-25-3

Trong bài giảng Lễ Bế mạc Giai đoạn Hai của Tổng Công Hội, vào chiều ngày 24 tháng 11, Cha Tổng Quyền chia sẻ:

Anh em thân mến,

Chúng ta đang bước vào những giây phút cuối của Tổng Công Hội. Điều tất cả chúng ta đang cùng kinh nghiệm ngay giây phút này là phòng họp, nơi anh em làm việc mỗi ngày, cùng thảo luận và quyết định, giờ đây biến thành “ngôi thánh đường” để cử hành Bí tích Thánh Thể. Trong suốt thời gian họp của Tổng Công Hội, lời cầu nguyện của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn ở cùng chúng ta, cách đặc biệt là qua sự hiện diện của Bức linh ảnh Hành hương được Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép. Thật chính đáng khi chúng ta cử hành Thánh lễ Bế mạc và Sai đi này để tôn kính Mẹ Hằng Cứu Giúp, và cùng Mẹ tạ ơn Thiên Chúa vì những ân sủng Ngài đã ban cho chúng ta trong những ngày qua.

Khi chúng ta cùng nhau lắng nghe bài Tin Mừng hôm nay (Ga 19, 25-27), tôi không ngừng nghĩ về chủ đề và hình ảnh mà chúng ta luôn đề cập đến trong các buổi thảo luận. Vào ngày tĩnh tâm đầu tiên, Đức Hồng Y Tagle nói với chúng ta về tình liên đới với người nghèo trong bối cảnh của lòng thương xót và sự dịu dàng. Như Chúa Giêsu mời gọi thánh Tôma chạm vào những vết thương của Ngài, nhờ đó thánh nhân có thể tin và tuyên xưng đức tin, Đức Hồng Y Tagle thách đố chúng ta chạm vào những vết thương của Chúa Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay, nhờ đó chúng ta cũng tin và công bố ơn cứu độ.

Kinh nghiệm của chúng ở Trung tâm DCCT tại Pattaya này nhắc chúng ta nhớ đến những người dễ bị tổn thương, người khuyết tật và người nghèo. Mỗi ngày khi chúng ta đi từ phòng riêng đến phòng họp hay phòng ăn, chúng ta luôn gặp những anh chị em ngồi trên xe lăn; hay khi chúng ta đi thăm các trẻ em mồ côi, các em mù, bị bệnh Down ở trung tâm này, chúng ta cảm nhận sâu sắc tình liên đới với các em. Thật ý nghĩa và là ân sủng Chúa ban, khi Tổng Công Hội xảy ra trong bối cảnh này. Những anh chị em ở đây nhắc chúng ta mỗi ngày về ơn gọi mà Chúa Cứu Thế đã ban cho chúng ta.

Chúng ta còn cùng nhau kinh nghiệm một thế giới rộng lớn hơn qua các giờ cầu nguyện, những câu chuyện và thuyết trình. Chúng ta ôm lấy anh chị em ở Haiti trong cơn động đất và cơn bão Matthew. Chúng ta cùng cầu nguyện với anh chị em ở Phillipines trong trận bão cách đây ba năm mà những tổn thất và vết thương còn kéo dài đến bây giờ. Chúng ta cùng đi với các anh em của chúng ta ở Ukraine trong giai đoạn chiến tranh khi họ mang sự ủi an, chữa lành, hoà giải, và sức mạnh đến cho những người cô đơn hay đang ở tiền tuyến. Chúng ta cùng nhau nhìn lại những vết thương của thế giới là quả địa cầu này, ngôi nhà chung của chúng ta, trong ánh sáng của Laudato Si.

Trong các buổi thảo luận của chúng ta tại hội trường này, chúng ta đã tôn trọng lắng nghe những anh chị em nghèo dễ bị tổn thương, các anh em của chúng ta và anh chị em giáo dân đang cộng tác. Khi chúng ta bàn về sứ vụ, về đời sống cộng đoàn, rất nhiều lần chúng ta đã cẩn thận duyệt xét xem còn vấn đề gì chúng ta chưa đề cập trong tài liệu làm việc của Tổng Công Hội. Khi chúng ta lắng nghe anh chị em giáo dân với những câu chuyện của họ về những vết thương mà họ kinh nghiệm từ anh em DCCT, chúng ta nhận ra rằng chúng ta và tất cả những người nghèo, những anh chị em của chúng ta, cùng có cái chung của dễ bị tổn thương mà đó chính là nguồn của tình liên đới thật sự trong dịu dàng và thương xót, vì họ không phải là ai khác. Chúng ta đã bắt đầu nhận ra rằng chúng ta là một, rằng chúng ta hiệp nhất không thể tách rời nhau trong cung lòng của Thiên Chúa, nơi nội tại thẳm sâu nhất của Ngài, đến nỗi giờ đây chỉ cần một bộ phân đau, toàn thể cảm cùng cơn đauấy.

Khuôn mẫu của tình liên đới này của chúng ta chính là Mẹ Hằng Cứu Giúp. Mẹ thật sự bị tổn thương đau đớn khi Mẹ trực tiếp chạm vào những vết thương của con Mẹ. Trong bài đọc một được trích từ sách Khải Huyền, Mẹ chính là người phụ nữ đang kêu la đau đớn vào giờ phút sinh con. Mẹ đang sinh Chúa Cứu Thế và Ơn Cứu Độ chan chứa cho chúng ta. Như người phụ nữ sau đó được đưa vào hoang địa, Mẹ đã cùng với thánh Giuse đi sang Ai Cập, kinh nghiệm thân phận của những người tị nạn, di dân. Đứng dưới chân thập giá, Mẹ chạm vào vết thương của Chúa Giêsu, hoàn toàn bất lực không làm gì được, nhưng Mẹ luôn đi cùng Chúa Giêsu đến giây phút cuối cùng. Và rồi Mẹ nhận lấy thân thể bất động của Chúa Giêsu, ôm lấy thân thể con của Mẹ vào trong lòng Mẹ. Chính giây phút ấy Mẹ kinh nghiệm sâu sắc tình liên đới với con của Mẹ trong cùng một cơn đau. Ở với Mẹ trong giây phút ấy, có người môn đệ Chúa yêu. Và Chúa Giêsu nói với Mẹ: “Này là con của Mẹ!”, rồi nói với người môn đệ: “Này là Mẹ của con!” Trong chính giây phút ấy, trong chính tình liên đới trong đau đớn, mối tương quan được biến đổi thành mối hiệp thông mới lan toả khắp nơi trên toàn thế giới.

Đứng dưới chân thập giá ấy, Mẹ là chứng nhân của Chúa Cứu Thế, Đấng đã sống lại và đang hiện diện. Mẹ đã cùng với các Tông đồ quy tụ thành cộng đoàn cầu nguyện tại gia. Hôm nay Mẹ tiếp tục cầu nguyện và cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình theo Chúa Cứu Thế. Với Mẹ, chúng ta luôn được nhắc nhớ hãy chạm vào vết thương của Chúa Giêsu, rằng chúng ta là những chứng nhân của Chúa Cứu Thế, trong tình liên đới vì sứ vụ, cho một thế giới đang bị tổn thương.

Chủ đề của chúng ta đi từ kinh nghiệm bị tổn thương đến tình liên đới với nhau, với người nghèo và toàn thể tạo thành. Bắt đầu từ ngày mai, anh em chúng ta được sai đi vào trong thế giới đang mang đầy thương tích.

Chúng ta đi với lòng nhiệt thành và hy vọng.

Chúng ta đi trong tình liên đới và hiệp thông.

Chúng ta lên đường như một thân mình thừa sai để làm chứng và công bố cho mọi người và cho toàn thế giới về Sứ Điệp của lòng xót thương, sự dịu dàng và ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa Kitô.

Chúng ta không đi một mình. Chúng ta đi với như một thân mình của Chúa Cứu Thế.

Chúng ta tạ ơn Chúa vì tình thương của Ngài. Chúng ta cảm ơn Mẹ đã luôn đồng hành với chúng ta và cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời về một thừa sai cho thế giới đang bị tổn thương.

2016-25-11-tch-25-2

Thánh Lễ và nghi thức sai đi được kết bằng phép lành trọng thể. Cả cộng đoàn cùng hát bài: Santa Maria del camino.Xin Mẹ cùng đi với chúng con!

Pattaya, ngày 25 tháng 11 năm 2016

Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh, C.Ss.R.

Nguồn: tinhdongchucuuthe.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.