Phép lạ tại chiến trường – Hưu chiến Giáng Sinh 1914

Thái Hà (22.12.2016) – Vào Giáng Sinh năm 1914, giữa lúc cao điểm của thế chiến thứ nhất, sau nhiều tuần lễ giao chiến một bên là quân Đức còn bên kia là quân Anh, Pháp và Bỉ, có biết bao quân lính đã ngã gục. Tuy nhiên, một điều lạ lùng đã xảy ra trong đêm ấy, binh lính của hai phe tại mặt trận miền Tây đã hạ súng để cùng nhau ăn mừng đêm Thiên Chúa ra đời.

g1

Bắt đầu chỉ có một giọng ca đơn độc được cất lên : “Stille Nacht, Heilige Nacht… – Silent night, Holy night – Đêm Thánh vô cùng, đêm yên bình…” trên bãi chiến trường đang đẫm đầy máu và đầy khói súng. Tiếng ca bắt đầu trông thật lẻ loi tội nghiệp. Không đầy một trăm mét đối diện, dưới các lũy hào, quân Anh vẫn bất động im lặng không phản ứng. Tuy nhiên bên này chiến hào, quân Đức lại sôi nổi lên: một vài người, hàng trăm, và cuối cùng thì đến hàng ngàn người cùng ngân cao “Stille Nacht, Heilige Nacht… – Silent night, Holy night – Đêm Thánh vô cùng, đêm yên bình…”

Khi âm thanh cuối cùng được chấm dứt, chỉ sau một phút yên lặng bỗng có tiếng vỗ tay cùng những tiếng la hú vang vọng không phải từ một mà đến cả ngàn người từ chiến tuyến quân Anh: “Good, old Fritz” và “Encore, encore” hoặc “More, more”

Để đáp lại quân Anh cũng hòa mình theo niềm vui mà cùng cất cao tiếng hát “Merry Christmas, Englishme”. Để chứng minh cho những tiếng la vang: “Chúng tôi không bắn, anh cũng không bắn” quân Anh đã cho đặt những cây đèn sáp được thắp sáng trên khắp chiến hào.

Qua ánh sàng lờ mờ của ánh đèn sáp, bên chiến hào Đức có bóng người đàn ông đứng lên. Với giọng ca thật mạnh và thật đúng điệu Anh, anh ta vừa đi vừa hát bài ca của Placide Cappeau, bài ca mà ngay cả một đứa bé nhỏ bên Anh cũng biết, nay lại được một người của quân thù, của một người Đức hát cao đã làm quân Anh thật xúc động. Anh ta từ từ tiến đến chiến hào của quân Anh:

– Tôi là một Trung Úy của quân Đức, hỡi các bạn, mạng sống của tôi hiện nằm trong tay các bạn. Tôi đã ra khỏi chiến hào và đang đi đến các bạn. Xin gửi một sĩ quan đến gặp tôi trên nửa đoạn đường.

Dần dần hình bóng của viên Trung Úy càng hiện rõ ra, hàng trăm họng súng chĩa thẳng đến anh. Bỗng nhiên bên chiến hào Anh lại có một người đàn ông trèo lên chiến hào rồi chui qua hàng rào kẽm gai. Nay thì không còn mệnh lệnh nào có thể ngăn chận anh người Anh này lại được nữa. Anh ta tiến thẳng đến viên Trung Úy người Đức. Họ cùng nhau bắt tay, ôm nhau, miệng nói tay thì vất súng xuống đất.

Quân Đức làm tiếp thêm một việc thật ngoạn mục. Đem quà sang tặng cho quân Anh: Một cành thông Giáng Sinh đã được thắp sáng sẵn bởi những ngọn đèn sáp được đem đến tận chiến hào quân Anh. Súng vẫn không nổ. Suốt đêm quân lính ca hát những bài Giáng Sinh tùy theo ngôn ngữ của mình, họ chia nhau thức ăn, điếu thuốc lá hoặc ngụm rượu mạnh cho ấm bụng để cùng nhau mừng đêm Chúa ra đời. Vào đêm Giáng Sinh có một không hai đó, không khí hoà bình tràn về vùng chiến sự mà mới ít giờ trước đó còn nóng bỏng bởi cảnh bắn giết, la hét và đổ máu.

Qua ngày hôm sau, họ dành thì giờ để chôn cất quân lính tử trận lâu nay bị tuyết lấp phủ, họ cùng nhau đọc Thánh Thi 23 và ngồi tâm sự chuyện gia đình, cho nhau xem hình ảnh của vợ con hoặc cùng nhau đá banh. Quân lính bỗng nhiên nhận ra và cùng nhau nhất trí: “Chấm dứt chiến tranh, chúng tôi chỉ muốn được sống, muốn được trở về nhà cùng gia đình mà thôi”.

Sau hai ngày vui đùa thoải mái thì lệnh trên từ hai phía được truyền xuống: chấm dứt cuộc ngưng chiến. Ai không thi hành sẽ bị xử lý tại chỗ. Binh lính lại giao hẹn với nhau là chỉ bắn lướt qua đầu mà thôi. Tuy nhiên giao hẹn chỉ được thi hành nội trong một ngày duy nhất, sau đó thì đâu lại vào đấy. Họ tiếp tục bắn giết nhau. Cuộc chiến vô lý đã làm thiệt mạng một triệu người đến năm 1918 mới được chấm dứt.

Năm 2005, Hưu chiến đêm Giáng sinh được dựng thành phim Joyeux Noël, được đề cử cho thể loại “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” tại Giải Oscar lần thứ 78. Câu chuyện này cũng được trình bày ngắn gọn trong một cuốn phim năm 1969 của Richard Attenborough, Oh What a Lovely War.

Ngày 21 tháng 11 năm 2005, người cựu binh cuối cùng của cuộc hưu chiến đêm Giáng sinh, Alfred Anderson, qua đời ở Newtyle, Scotland, thọ 109 tuổi.

Một thập tự giá, dựng gần Ypres ở Bỉ năm 1999, để đánh dấu cuộc hưu chiến Giáng Sinh năm 1914. Dòng chữ ghi: “1914 – Hưu Chiến Giáng Sinh Của Đám Bạn Ka-ki – 1999 – 85 năm – Để chúng ta không quên”
Một thập tự giá, dựng gần Ypres ở Bỉ năm 1999, để đánh dấu cuộc hưu chiến Giáng Sinh năm 1914. Dòng chữ ghi: “1914 – Hưu Chiến Giáng Sinh Của Đám Bạn Ka-ki – 1999 – 85 năm – Để chúng ta không quên”

Ngày 7 tháng 11 năm 2006, tại nhà đấu giá Bonhams ca sĩ Chris de Burgh bán một bức thư dài 10 trang của một người lính vô danh người Anh kể lại những sự việc xảy ra trong đêm đình chiến ấy:

“Đó là lễ Giáng sinh đáng nhớ nhất trong suốt đời tôi: kể từ giờ uống trà chiều hôm qua, tôi biết rằng không có phát súng nào bắn ra từ hai bên chiến tuyến. Đêm qua trăng sáng và không có sương mù, ngay khi trời chập tối, chúng tôi nhóm lửa và cùng hát những bài ca giáng sinh. Lính Đức bắt đầu thắp sáng dọc theo rìa chiến hào kéo dài đến chỗ chúng tôi – và chúc mừng Giáng sinh. Họ cũng tặng chúng tôi một vài bài hát…, như thế chúng tôi đang có một buổi họp mặt. Vài người trong số họ nói tiếng Anh thông thạo, và chúng tôi trò chuyện với nhau. Vài người lính Anh đi lần về phòng tuyến bên kia…Điều đầu tiên tôi nhận ra sáng nay là trời đầy sương mù. Chúng tôi đứng co ro lâu hơn thường lệ. Vài người may mắn có cơ hội dự lễ Tiệc Thánh hồi sáng sớm. Buổi lễ được cử hành trong một trang trại đổ nát khoảng gần 500 m sau lưng chúng tôi. Tôi không đến dự lễ được…

Sau khi ăn sáng, chúng tôi chơi bóng đá. Có vài người lính Đức xem chúng tôi chơi bóng. Họ cũng đưa người đến chôn cất một tay súng mà chúng tôi bắn chết trong tuần qua, cách chiến hào của chúng tôi khoảng gần 100 m. Vài người lính Anh đến giúp chôn cất người chết…Đã xong bữa ăn tối! Chúng tôi thưởng thức tận tình với các món thịt nướng, bánh mì và bánh pudding Giáng sinh… Kế đến là nho, hạnh nhân, cam, chuối, chocolate, có cả cacao và thuốc lá. Có thể nói giống như bữa ăn tối tại nhà. Trước khi nhập tiệc, tôi được niềm vui bắt tay vài người lính Đức…tôi đổi cái mũ trùm đầu lấy một cái mũ vành. Tôi cũng lấy một hạt nút từ áo của họ. Chúng tôi mời nhau thuốc lá… và tán gẫu với nhau. Họ bảo rằng ngày mai họ sẽ không nhắm bắn chúng tôi nếu chúng tôi cũng làm như vậy. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang hưởng không khí của ngày lễ hội – có lẽ là vậy. Sau khi trao đổi chữ ký và chúc mừng năm mới, chúng tôi chia tay…Khó có thể tưởng tượng rằng chúng tôi đã bắn nhau trước đó trong tuần – thật lạ lùng. Bây giờ trời lạnh buốt, băng giá bao trùm mọi nơi…”

Le Vinh Phuoc (Facebook)

Nguồn: dotchuoinon.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.