Thái Hà (25.01.2016) – Nhân ngày lễ thánh Phêrô và Phaolô thiết tưởng sẽ không thừa khi nhắc đến một số các di tích tại Roma có liên quan đến cái chết và ngôi mộ của thánh Phaolô – người chưa từng gặp Chúa Giêsu khi còn sống nhưng đã mạnh dạn rao giảng và dùng cái chết để minh chứng về Ngài.
Vào năm 64, dưới thời hoàng đế Nero, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi hầu như toàn bộ thành Rome. Tin đồn cho là chính Nero ra lệnh phóng hỏa để ông xây dựng một thành phố khác tráng lệ huy hoàng hơn. Để xoa dịu dân chúng, ông đã qui tội cho những người theo Chúa Giêsu đốt thành Rome và từ đó cuộc bách hại trở nên khốc liệt. Trong bối cảnh trên, thánh Phaolô lúc đó đang bị canh giử ở Rome, bị chém đầu vào khoảng năm 67 tại Aquae Salviae.
I. Nhà Thờ St Paul at the Three Fountains
Ngày nay nơi thánh nhân chịu tử đạo là nhà thờ St Paul at the Three Fountains (Thánh Phaolô Ba Dòng Suối), nằm trong khuôn viên Tu viện Ba Dòng Suối (Tre Fontane Abbey).
Đường vào Tu Viện Tre Fontane có tượng thánh Benedict
Đường vào nhà thờ St Paul at the Three Fountains
Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ V và tái thiết vào năm 1599
Tấm bảng trên cửa nhà thờ có ghi S. Pauli apostoli martyrii locus ubi tres fontes mirabiliter eruperunt có nghĩa là nơi thánh Phaolô tử đạo có ba dòng suối phát sinh.
Theo truyền thuyết được thánh Gregorio Cả chấp nhận, thủ cấp thánh Phaolô sau khi bị chém lìa đã nẩy lên 3 lần trên mặt đất và nơi đó phát sinh 3 dòng suối nhưng vào năm 1950 đã bị lấp vì gây ô nhiểm. Trong hình dưới đây trụ cột nơi thánh Phaolô bị chém đầu được rào quanh bằng khung sắt. Bên trái là nơi dòng suối phát sinh khi thủ cấp rời khỏi cổ.
Trụ cột nơi hành quyết thánh Phaolô
Nơi phát sinh dòng suối
II. Đền Thánh Phaolô Ngoại Thành
Sau khi thánh Phaolô chịu tử đạo, các môn đệ an táng thánh nhân và dựng nên một đài tưởng niệm tại ngôi mộ này, cách nơi hành quyết khoảng 3 km.
Năm 324 hoàng đế Constantine cho xây một ngôi thánh đường thế vào đài tưởng niệm và ĐGH Sylvester thánh hiến năm 324. Thánh đường được gọi là “ngoại thành” vì tọa lạc ở ngoài tường thành do hoàng đế Aureliano xây cất và năm 271 để chống lại các cuộc tấn công từ các sắc dân man di.
Năm 386 hoàng đế Theodosius I cho củng cố và xây rộng thêm. Sau đó các ĐGH không ngừng cho chăm sóc và tu bổ.
Đến năm 1823 một trận hỏa hoạn đã phá hủy hầu như toàn bộ ngôi thánh đường và các di tích vốn đã tồn tại suốt 15 thế kỷ từ thời sơ khai.
Ngôi thánh đường chúng ta thấy ngày hôm nay được xây dựng lại vào năm 1840 và được Đức Giáo Hoàng Pio IX thánh hiến vào năm 1855.
Ðền Thờ dài 136 mét, rộng 65 mét, và cao 29.7 mét. Thánh đường có 5 gian. Phía trước có một sân vuông.
Toàn bộ khuôn viên Đền Thánh Phaolô Ngoại Thành (hình Google)
150 cột đá nguyên khối bao bọc khu sân vuông bên ngoài
Chi tiết mặt tiền nhà thờ – Phía trên Chúa Giêsu ngự giửa hai thánh Phêrô và Phaolô; Chính giửa, Con Chiên tượng trưng cho Chúa Giêsu ở trên 4 dòng suối 4 thánh sử và 12 con chiên chung quanh là 12 thánh Tông đồ. Phía dưới là 4 tiên tri thời Cựu Ước: Isaiah, Jeremiah, Ezekiel và Daniel.
Tượng thánh Phaolô bên ngoài khu sân vuông
Bên trong nhà thờ chia làm 5 gian do 4 hàng cột cẩm thạch – mỗi hàng có 20 cột.
Trên các hàng cột có chân dung 265 vị Giáo Hoàng,
từ thánh Phêrô
đến Ðức Benedictô XVI gần đây nhất.
Phía trên cung thánh có bức tranh Chúa Kitô đang ngồi trên ngai,
có thánh Phêrô và Anrê ở bên phải, thánh Phaolô và Luca ở bên trái.
Trần nhà thờ nhìn về phía cung thánh.
Toàn bộ trần nhà thờ
Bàn thờ phụ bên phải
Bàn thờ phụ bên trái
Mộ thánh Phaolô được đặt dưới bàn thờ phụ ngay giửa nhà thờ trước khi rẻ vào nhánh phải và nhánh trái.
Lối vào mộ thánh Phaolô
Mộ thánh Phaolô
Truyền thống xưa tin rằng đây là sợi dây xích đã xích chung thánh Phaolô và người lính canh giử ngài tại Roma.
Bàn thờ, dây xích và mộ thánh Phaolô.
Mộ thánh Phaolô được khai quật năm 2006 và các xét nghiệm khoa học kết luận rằng xác trong quan tài là một người đã sống vào thế kỷ I – trùng hợp với niềm tin của giáo hội thánh Phaolô chịu tử đạo vào khoảng năm 65-67.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng thánh Phaolô là người đã đi bách hại những người tin theo Chúa Giêsu nhưng sau này được biến đổi thành người đi rao giảng về Chúa Giêsu và trở nên người bị bách hại.
Cú ngã lần đầu tiên trên đường Damascus đã thêm cho giáo hội một người rao giảng nhiệt thành. Cú ngã lần thứ hai đầu lìa khỏi cổ tại Aquae Salviae đã minh chứng lòng yêu mến mãnh liệt với Chúa Kytô. Lòng yêu mến mà thánh nhân đã định nghĩa “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được.” (ICr 13, 4-8)
Hien Quang – Lễ thánh Phêrô và Phaolô năm 2013
Nguồn: 40giayloichua.net