Niềm Tin Yêu và Hy Vọng Của Các Nữ Tu Việt Nam: Các nữ tu đang học chương trình tiến sĩ tại Hoa Kỳ


Cũng như bao người phụ nữ Việt Nam, các Nữ Tu Việt Nam được coi như là những “Nữ nhi chân yếu tay mềm” hay những người nội trợ trong gia đình, xã hội, hội dòng, và Giáo Hội. Nhiều người thường nói vui với nhau rằng: “Phụ nữ được sinh ra mà không phải học hành,” vì thường làm những việc không tên; như vậy thì họ đâu cần học cao – hiểu rộng. Như một sự minh chứng qua biết bao thế hệ trong lịch sử Việt Nam đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn bị thiệt thòi rất nhiều, vì phải chịu sự ảnh hưởng của nền văn hoá Á Đông, nhất là Khổng Giáo. Ngay từ khi chưa sinh ra cho tới khi được làm người, biết bao gia đình hay nhiều người trong xã hội và kể cả trong Giáo Hội vẫn còn nhìn nhận và quan niệm về vấn đề “trọng nam khinh nữ.” Nhiều người Việt còn hay nói “con gái là con người ta, còn con trai là con nhà mình.” Theo nhà thần học Peter C. Phan, “Phụ nữ Châu Á (trong đó có Việt Nam) là những nạn nhân trong xã hội.” Do đó, ngay trong cung lòng người mẹ, những bào thai nữ cũng bị giết chết nhiều hơn là các bào thai nam. Hay khi được sinh ra và lớn lên trong môi trường cuộc sống xung quanh, thì những quan niệm về người phụ nữ không có khả năng học, lý luận, và chỉ cần làm những công việc không tên là đủ, điều đó đã làm cho biết bao phụ nữ nói chung và các nữ tu nói riêng phải sống trong cảnh bị miệt thị – bất công.

Trong thời đại thông tin đại chúng, xã hội phát triển và văn minh để có được tầm nhận thức cao hơn; điều đó đã giúp cho mọi người phần nào thay đổi được cách nhìn nhận – quan điểm; họ nhận thấy được rằng, nó không còn phù hợp với xã hội hôm nay nữa và ngay chính trong Giáo hội, nhiều người cũng nhìn nhận ra những vai trò quan trọng của phụ nữ (Nữ Tu) trong Giáo Hội suốt bao thế kỷ qua. Như một đất nước được nhìn nhận trong nền văn hóa – văn minh hiện đại xếp thứ hàng thứ đầu, Hoa Kỳ; ở nơi mãnh với danh xưng “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ,” luôn dành một vị thế cao trong sự vinh danh, tầm quan trọng của người nữ giới, và đánh giá cao vai trò của các nữ tu trong công tác xã hội như nền giáo dục và y tế (ví dụ: Dòng Phan-xi-cô, Dòng Nữ Notre Dame, Dòng Nữ Thánh Giuse,…). Chính vì thế mà có lẽ nhiều trường học Công Giáo và dòng tu tại Hoa kỳ đã quảng đại và tạo điều kiện cho nhiều Nữ Tu Việt Nam có cơ hội đi tu học tại nơi đây, để hy vọng sau này các nữ tu sẽ là khí cụ bình an của Chúa qua công tác giáo dục cho Giáo Hội, xã hội tại Việt Nam và hay bất cứ môi trường sống nào trên thế giới.

Quả vậy, từ những năm 2006 tới nay có tới trên dưới 200 nữ tu Việt Nam, trong sự quảng đại của quý ân nhân ở các trường đại học, học viện và chủng viện, được đặt chân tới đất nước Hoa Kỳ tu học. Chắc hẳn các nữ tu khi rời đất nước ra đi cũng giống như ông Abraham đi trong đức tin và lòng yêu mến Chúa để đi tìm một sứ mạng mới. Có thể nói các nữ tu đã vượt qua tư tưởng của nền văn hoá Á Đông như nhút nhát, khúm núm, tự ti, và mặc cảm, để phó thác mọi thử thách trong tình thường và niềm tin vào Chúa – Mẹ, tới một chân trời mới cho sự khám phá những tinh hoa của hai nền văn hoá và giáo dục tiên tiến, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Những người nữ tu Việt nam, với phẩm giá trong truyền thống được lưu truyền và gắn liền trong những căn tính “Người Phụ Nữ Việt Nam: Công-Dung- Ngôn- Hạnh” – “Cần cù và chiụ khó;” cộng thêm sự cởi mở trong nền văn hóa rất tôn trọng nhân quyền người phụ nữ trong xã hội và Giáo Hội Hoa Kỳ, để các sơ được tu học tốt hơn. Nói chung, trong thực tế các nữ tu Việt Nam không ngần ngại gian khó của công việc học tập và làm chứng cho tình yêu Chúa nơi môi trường tu học tại đất nước Hoa Kỳ; với quan niệm rằng: “mưa dầm thấm đất hay có công mài sắt, có ngày nên kim;” và hơn thế nữa, đó là người nữ tu Việt Nam sự nhiệt tâm, bền chí và cố gắng để vượt thắng cho những chông gai và rào cản trong những khoảng thời gian bước đầu, với sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, và sinh hoạt khác nhau.

Trong niềm cậy trông và tín thác vào sự soi sáng – hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, niềm hy vọng – sự ước nguyện cho mỗi một ngày trôi đi, sẽ cho họ cảm nếm thêm một sự học hỏi, thấu hiểu, và ân hưởng trong thêm nhiều tia sáng của nguồn hy vọng mới. Nhờ đó, như một thành quả tuyệt vời trong ơn nghĩa của Chúa, đến nay, đã có nhiều nữ tu hoàn thành các văn bằng về cử nhân và thạc sỹ, và trở về Việt Nam phục vụ. Niềm vui và hồng ân đó được nhân lên cho những thành viên, nữ tu được trợ giúp học bổng toàn phần cho chương trình học vị Tiến Sĩ.

Danh sách dưới đây cho những Nữ tu Việt Nam đang nghiên cứu trong chương trình tiến sĩ:

1. Sr. Mary Trần Kim Anh (Dòng Đa Minh Hải Phòng): Trường Notre Dame University, Systematic Theology (Thần Học Hệ Thống). Ngành học: Contextual Theology (Thần Học Hoàn Cảnh).

2. Sr. Theresa Trang Bích Dung (MTG Khiết Tâm): Trường Villanova University, Theology and Culture (Thần Học và Văn Hoá). Ngành học: Christian Spirituality & Historical Theology ( Linh đạo và Lịch sử)

3. Sr. Teresa Phạm Thị Hải Đường (Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội): Trường Oblate School of Theology. Ngành học: The Doctor of Philosophy in Spirituality (Thần Học Linh Đạo)

4. Nguyễn Thị Kim Hiển (Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội): Trường Loyola University in Chicago. Ngành học: Social Work (Công Tác Xã Hội Học)

5. Teresa Nguyễn Thị Hộ (Dòng Mến Thánh Hưng Hoá): Trường Villanova University, Theology and Culture (Thần Học và Văn Hoá). Ngành học: Christian Spirituality & Biblical Studies ( Linh đạo và Kinh Thánh)

6. Sr. Teresa Nguyễn Thị Hương (Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá): Trường Oblate School of Theology. Ngành học: The Doctor of Philosophy in Spirituality (Thần Học Linh Đạo)

7. Sr. Teresa Nguyễn Thị Thạch (Dòng Thừa Sai Bác Ái Vinh): Trường Neumann University in Pensylvania. Ngành học: Pastoral Counseling.

8. Maria Đỗ Thị Thư (Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội): Trường Saint Louis University. Ngành học: Higher Education (Giáo Dục Đại Học)

9. Maria Lê Kim Yến (Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội): Trường Loyola University Maryland. Ngành học: PhD in Counselor Education and Supervision (Giáo Dục về tư vấn tâm lý và giám sát).

Thật vậy, với “niềm hy vọng về tương lai,” các nữ tu Việt nam hãy có những ước mơ thánh thiện vì Chúa sẽ chúc phúc và ban ơn cho mỗi người chúng ta. Tuy rằng, mỗi nữ tu có một ơn gọi và công việc mục vụ khác nhau trong đời sống tông đồ, nhưng chúng ta luôn cùng chung một ước nguyện trọn đời theo Chúa và sống cho tha nhân. Điều này được chính Thánh Phaolô khẳng định rằng: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa” (1 Cor. 12,4-5). Do đó ơn gọi nào và công việc nào cũng là phục vụ trong yêu thương, công bình, và bác ái. Hơn nữa, các nữ tu thấy tầm quan trọng của nền giáo dục trong xã hội và Giáo Hội hôm nay, để luôn biết cố gắng và khiêm tốn hơn trong sự học hỏi trong môi trường giáo dục tiên tiến, Hoa Kỳ, hầu mai này khi trở về trong khả năng và tiềm năng phục vụ một cách hữu hiệu hơn. Chắc chắn rằng, sứ vụ của đời dâng hiến luôn là ngọn đuốc thắp sáng trong con tim của mỗi một nữ tu trong hành trình tu học, để nữ chúng ta luôn biết phó dâng trong Chúa và cùng nhau vượt thắng cho những sự nhút nhát, tự ti, và sợ hãi.

Trong tiếng Anh người ta thường nói “try your best and let God do the rest.” (nghĩa là: mình làm những điều tốt nhất và chính Chúa cũng sẽ giúp sức cho mình). Ước nguyện và niềm tin vào chính bản thân mỗi nữ tu trong sự kiên định về ơn gọi, sự nghiệp học tập, và niềm vui phục vụ trong mỗi ngày; đó là hành trang và sứ mạng mà Chúa trao ban nơi chúng ta. Như Brain Tracy nói rằng: “Những người thành công luôn tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác. Những người không thành công luôn hỏi “Tôi được cái gì.” Do vậy, mục đích và ý nguyện sâu xa luôn song hành với sứ vụ học tập, đó là sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau và cùng giúp nhau thăng tiến hơn trong hành trình tu học của mình. Trong ngạn ngữ Việt Nam nói rằng: “Kiến thức giàu lên, nhờ cái nó nhận được; trái tim giàu lên, nhờ cái nó cho đi.” Ước chi các nữ tu Việt nam khi đi tu học ở tại Hoa kỳ luôn ôm ấp trong mình một niềm tin yêu và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình, xã hội, hội dòng, và Giáo Hội.

Sr. Teresa Nguyễn.

Tài Liệu Tham Khảo:

Phan, Peter C. Being Religious Interreligiously: Asian Perspectives on Interfaith Dialogue. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2004.

Đức Giáo Hoàng Phanxico. http://m.vatican.va/content/francescomobile/en/apost_letters/documents/papa-francesco_lettera-ap_20141121_lettera-consacrati.html

 

Nguồn: vietcatholic.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.