Phép lạ hóa bánh ra nhiều hôm nay gợi ý cho Giáo hội suy tư và khám phá những nguyên tắc căn bản cho Giáo Huấn Công giáo về xã hội là, Phẩm giá con người, công ích, bổ trợ và liên đới, như thực hiện điều răn cao trọng nhất của Thiên Chúa là yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.
“Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”.
Từ hành vi tôn giáo đưa đến hoạt động xã hội. Đức Giêsu không chỉ nuôi họ bằng những giá trị mặc khải thiêng liêng, giải quyết những vấn đề của bản thân từng người, từng nhóm, mà Người còn hướng các môn đệ phóng tầm mắt ra trước một viễn cảnh rộng lớn hơn, với những vấn đề cụ thể hơn gai góc hơn và thực tế hơn: xã hội với những vấn đề của xã hội. Đối diện với vấn đề này, các môn đệ đã thúc thủ, bất lực. Nhưng Đức Giêsu không muốn các môn đệ đứng ngoài cuộc, nhưng phải đảm nhận trách nhiệm với đời sống xã hội, khi nhìn vào đám đông đói khát, lam lũ ấy mà đặt mình trong hoàn cảnh của họ để tự hỏi: “Tôi Phải Làm Gì?” (Docat)
Tôi Phải Làm Gì nhằm khôi phục phẩm giá những người nghèo khổ cụ thể tôi đang thấy xung quanh tôi, trong xã hội tôi đang sống, để giúp họ sống xứng với phẩm giá Chúa ban và buộc những người khác, những cơ cấu điều hành xã hội phải tôn trọng phẩm giá ấy, phải giải quyết vấn đề ấy. Việc trợ giúp những người nghèo khổ và làm cho xã hội mình đang sống cũng trở nên tốt hơn, bằng cách đòi hỏi những tiêu chuẩn về một trật tự pháp lý theo quy định của một nhà nước pháp quyền, bao hàm lợi ích toàn diện của con người, có liên quan đến việc bảo đảm các quyền về y tế, giáo dục, chỗ ở, các quyền về tự do tư tưởng, tự do hội họp và tự do tôn giáo (Docat, số 87 và 88).
Mỗi người có quyền hưởng dùng và định đoạt những gì mình làm ra, nhưng vẫn phải chú ý đến thiện ích chung, là nghĩa vụ giúp đỡ người nghèo khổ theo lẽ công bằng (Docat, số 88), hoặc những khi gặp thiên tai hoặc nhân quyền bị vi phạm, việc giải quyết vượt tầm tay cá nhân hoặc nhóm, lúc đó, việc yêu cầu những cấp cao hơn, hoặc làm áp lực để họ phải can thiệp trở nên cấp bách. Đó là nguyên tắc bổ trợ. “Ở đây có em bé có năm cái bánh và hai con cá”.
Các Kitô hữu, trên nguyên tắc, được kêu gọi tham gia tích cực vào xã hội bằng sự tham gia trong tư cách là công dân, bằng nhiều cách thế tiếp cận, trao đổi và thăng tiến, vừa góp phần xây dựng nền dân chủ, vừa thể hiện tình liên đới với những người thiện tâm khác, nhất là trong những chế độ độc tài, khi nhà cầm quyền luôn coi bất kỳ sự tham gia nào của công dân cũng chỉ như một mối đe dọa (Docat, số 99).
Nguyên tắc liên đới giúp hình thành một nền văn minh tình thương và tình liên đới cụ thể bằng hành động, chứ không phải là sự cảm thương chung chung (Docat, số 102).
Đức Giêsu nói: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. “Như thế Học Thuyết xã hội của Giáo hội tự bản chất gắn liền với những giá trị phổ quát mà xem xét về mặt lý luận đã có trước cả khi học thuyết được hình thành.
Tôi phải có những giá trị vững chắc và tự mình cam kết giữ chúng để có một đời sống đúng theo tiếng lương tâm và có thể tham gia vào xã hội một cách vững vàng. Như vậy, các nguyên tắc xã hội là những đường lối giúp định hình xã hội.
Đến lượt mình, tất cả những giá trị được nối kết với phẩm giá con người như là giá trị chủ đạo, bắt nguồn từ việc con người là hình ảnh giống như Thiên Chúa” (Docat, số 104)
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT