Những căng thẳng có thể có giữa tự do tôn giáo niềm tin và các quyền khác (4)

4. Những căng thẳng có thể có giữa TDTGNT và các quyền khác

Những nguyên tắc căn bản làm nền tảng của các nhân quyền xác định rằng những quyền này là:

  • Phổ quát: Áp dụng như nhau đối với mọi người ở mọi nơi
  • Bất khả phân: không thể tách rời nhau.
  • Liên lập và tương quan: Chúng được nối kết với nhau và sự

thực hiện đầy đủ một quyền phụ thuộc vào sự thực hiện đầy đủ các quyền khác.

Cách nhìn tổng hợp này là điều quan trọng cần được duy trì kể cả trong những tình huống phức tạp và căng thẳng, khi các xung đột thực tiễn diễn ra trong việc thực thi các nhân quyền.32 Khi nổi lên sự căng thẳng giữa các quyền thì cần nhớ rằng các nhân quyền đều liên quan với nhau và phụ thuộc vào nhau. Căng thẳng không nhất thiết hàm ý là một quyền nào đó lấn át quyền kia theo nguyên tắc “trò chơi tổng không”*, nhưng mà người ta cần cố gắng hòa giải đến mức tối đa tất cả các vấn đề nhân quyền đang phải đối mặt.

4.1 TDTGNT và Tự do Ngôn luận – Phát biểu hận thù và sự nhục mạ

Ngoài TDTGNT, tự do ngôn luận cũng là nền tảng cho một xã hội được vận hành nhịp nhàng. Hai quyền này bổ túc cho nhau và quan trọng ngang nhau để bảo vệ những cộng đồng thiểu số và những ai có quan điểm và niềm tin khác với giới cầm quyền. Cả TDTGNT lẫn tự do ngôn luận đều có thể bị giới hạn một cách chính đáng nhưng làm sao có thể hạn chế một trong hai quyền này mà không vi phạm quyền kia?

Trong bối cảnh của sự chỉ trích tôn giáo, đôi khi người ta giả định một cách sai lầm rằng TDTGNT và tự do ngôn luận xung khắc nhau. Như đã nói ở trên, TDTGNT bảo vệ người có niềm tin chứ không bảo vệ tôn giáo hay thế giới quan của họ. Tuy nhiên, tự do ngôn luận lại cho quyền tạo sốc và xúc phạm người khác. Do đó, người ta có quyền (chứ không phải là trách nhiệm hay nghĩa vụ) chỉ trích hay nhạo báng các tôn giáo dù rằng sự chỉ trích hay nhạo báng ấy có thể bị xem là lăng nhục hay xúc phạm. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không bảo vệ quyền thực hiện “bất kỳ cuộc vận động hận thù quốc gia, sắc tộc hay tôn giáo nào nhằm xúi giục sự thù nghịch hay bạo lực.”Khi nào thì một phát biểu hay lời nói mang tính cách xúc phạm hay gây sốc bị cho là quá đáng và trở thành một phát biểu hận thù hay sự khích động thù nghịch hay bạo lực không chính đáng?

Một số quốc gia cố gắng giải quyết tình trạng lưỡng nan này bằng cách tạo ra những luật được gọi là chống phỉ báng, quy tội hình sự cho hành động nhục mạ các cảm xúc tôn giáo hay phỉ báng tôn giáo. Đáng tiếc là những luật mơ hồ này rất thường xuyên vi phạm TDTGNT lẫn tự do ngôn luận và cuối cùng đưa đến khuyến khích bạo lực dưới danh nghĩa tôn giáo thay vì giảm thiểu bạo lực. Khi những người thuộc nhóm thiểu số và những người bất đồng chính kiến bày tỏ niềm tin hay quan điểm mà những người thuộc thành phần đa số hay những người cầm quyền cảm thấy bị xúc phạm thì có thể bị kết tội phỉ báng mà không cần chứng cứ hay qua một thủ tục pháp lý chuẩn* nào. Những người cực đoan bạo động thường tự giải quyết vấn đề bằng luật rừng và thực hiện công lý đám đông bằng cách xúi giục người khác dùng bạo lực đối với những ai có niềm tin khác với họ. Theo cách này thì những người thuộc các nhóm thiểu số và những người bất đồng chính kiến, vốn chỉ thực hiện quyền của mình, lại là những đối tượng của những gì mới thực sự là phát biểu hận thù, xách động và bạo lực. Thế nhưng, thường thì sự xách động hay bạo lực ấy lại không bị truy tố hay trừng phạt. Thay vào đó, chính những nạn nhân bị buộc tội sai là phỉ báng lại bị trừng phạt.

Như vậy phải làm sao để cùng lúc tận hưởng TDT- GNT và tự do ngôn luận? Chương trình Hành động Rabatđưa ra những hướng dẫn hữu ích trong việc xác định khi nào lời nói đi quá xa và nên có luật hình sự ngăn cấm. Chương trình này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ngưỡng rất cao để xác định là vi phạm và xét các khía cạnh khác nhau của lời nói: bối cảnh, trạng thái hay vị thế của người nói, chủ ý ở sau lời nói, nội dung, mức lan rộng của thông điệp, và mức rủi ro là thông điệp sẽ thực sự gây bạo động và kỳ thị.Cách thức tốt nhất và hữu hiệu nhất để đối phó với những phát biểu hận thù không phải là hạn chế mà là khuyến khích sự phát biểu nhiều hơn, như là các tuyên bố công cộng về tình đoàn kết, các bản tường trình trung thực của giới truyền thông và những giải thích làm sáng tỏ vấn đề để có thể cân bằng lại những khuôn mẫu gán ghép tiêu cực.35

Tự do ngôn luận là một phần quan trọng cho việc xây dựng và duy trì một xã hội tự do và mở và là nền tảng của nền dân chủ đến nỗi bất kỳ một hạn chế nào cũng phải được cân nhắc cẩn thận. Không nên sử dụng TDTGNT và tự do ngôn luận để triệt tiêu nhau; trái lại, nên làm sao để cho 2 quyền này bổ túc cho nhau và đóng góp cho một môi trường sống chung hòa bình giữa các nhóm người đa dạng.

4.2 TDTGNT và quyền của phụ nữ

TDTGNT thường bị trình bày sai lầm là đối nghịch với các quyền của phụ nữ. Thực ra, các quyền của phụ nữ đã và đang bị ảnh hưởng một cách tiêu cực bởi nhiều luật lệ về tôn giáo, truyền thống và phong tục. Một số người cho rằng TDTGNT giao cho những người nam đứng đầu các tôn giáo quyền hạn khống chế các thành viên trong cộng đồng tôn giáo của họ, đặc biệt là phụ nữ. Những nguời khác lại nghĩ rằng TDTGNT thuần túy là một chướng ngại cho việc đạt đến một xã hội không kỳ thị. Những căng thẳng thực tiễn ở nơi giao nhau giữa TDTGNT và các quyền của phụ nữ không có nghĩa là hai khái niệm này không tương thích, như những tiêu chuẩn. Không nhất thiết phải hạn chế TDTGNT mới có thể phát huy sự

bình đẳng giới. Cũng không nhất thiết phải chấp nhận sự kỳ thị đối với phụ nữ để thực hiện TDTGNT. Người ta chưa để ý và khai thác đúng mức những cách mà TDTGNT và quyền của phụ nữ phụ thuộc lẫn nhau và củng cố cho nhau.36

Những công ước quan trọng về nhân quyền chủ trương TDTGNT là một quyền của mỗi cá nhân, kể cả phụ nữ. Vì vậy, TDTGNT cho mọi phụ nữ có quyền:

  • Quyết định cho chính bản thân họ về điều mà họ tin, điều họ không tin, và sống cuộc sống của mình theo những niềm tin ấy mà không phải sợ hãi.
  • Được bảo vệ trước sự ép buộc phải tin hay thực hành niềm tin theo những cung cách trái với ý muốn của họ.
  • Không bị phân biệt đối xử vì những chọn lựa nói trên.

TDTGNT cho mọi phụ nữ quyền được theo hoặc không theo những quy tắc tôn giáo và xã hội mà không phải lo hậu quả như là bạo lực hay sự xách nhiễu. Cùng với quyền tự do ngôn luận, TDTGNT cũng mở ra cơ hội cho những tranh luận lành mạnh về những truyền thống và quy tắc tôn giáo mang tính cách gò bó và kỳ thị.

Phụ nữ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những vi phạm TDTGNT vì giới tính cũng như niềm tin của họ. Phụ nữ trong những nhóm tôn giáo thiểu số càng dễ bị tổn thương hơn. Sự quấy nhiễu đối với phụ nữ vì họ mặc hay không mặc các trang phục tôn giáo ngày càng tăng. Năm 2012, tỷ lệ này chiếm 32% các nước trên thế giới, so với 7% năm 2007.

Phát huy quyền TDTGNT của phụ nữ là một bộ phận quan trọng và toàn phần của nỗ lực phát huy bình đẳng giới.

Câu hỏi để thảo luận

  1. Bạn có nghĩ TDTGNT là một quyền phổ quát, tức là bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào, đều được hưởng quyền này như nhau? Xin cho biết tại sao bạn trả lời có/không.
  2. Bạn nghĩ gì khi về hành động chỉ trích tôn giáo, vặn hỏi giáo lý, và nhạo báng các đấng linh thiêng và kinh sách của một tôn giáo? Quy tắc quốc tế như thế nào?
  3. Cho dù bạn có quyền hành động hay phát biểu, bạn có bắt buộc phải hành động hay phát biểu hay không? Có phải lúc nào hành động và phát biểu cũng là khôn ngoan?
  4. Luật chống phỉ báng những điều thiêng liêng có thể bị lạm dụng và vi phạm TDTGNT như thế nào?
  5. TDTGNT có ý nghĩa gì đối với phụ nữ? Trong môi trường của bạn, phụ nữ bị vi phạm TDTGNT như thế nào?

Liên Minh Quốc Tế Stefanus

Đọc thêm:

1. Tự do tôn giáo hay niềm tin cho mọi người (1)

2. Tại sao tự do tôn giáo niềm tin quan trọng? (2)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.