Có người hỏi mình, sau khi được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy mình cảm thấy thế nào? Vui mừng, dĩ nhiên rồi. Nhưng mình nhớ đến một câu chuyện khác về Đức Giáo Hoàng Francis, một lần nọ Ngài được người ta hỏi rằng: “Jorge Mario Bergoglio là ai?”, Ngài trầm ngâm rồi trả lời: “Tôi không biết phải diễn tả làm sao cho thích đáng nhất đây…Tôi là một tội nhân. Đó là một định nghĩa chính xác nhất. Nó không phải là một lời nói bóng gió, một thứ văn chương…Tôi là một tội nhân được Thiên Chúa đoái thương”.
Năm đó Ngài 77 tuổi, một chân tập tễnh, đơn sơ và giản dị, Ngài đã bắt đầu bước vào nhiệm kỳ Giáo hoàng của mình như thế. Một điều thú vị nữa, Ngài cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên dùng tông hiệu Francis, được lấy từ tên thánh Francis thành Assisi – con người khó nghèo và tràn đầy tình yêu này từng nghĩ rằng mình là người tội lỗi nhất. Chẳng có gì kì lạ hơn là một giáo hội đã tồn tại hơn 2000 năm mà người đứng đầu lại là một…tội nhân. Có một vị linh mục nào đó từng nói: “Quý vị có biết tại sao tôi tin vào Giáo hội này không? – Là bởi vì cái ‘chuồng heo’ hai ngàn năm này vẫn chưa sập đổ”. Một lời nói vui, nhưng thật.
Trở thành con cái Chúa, thật khó diễn tả. Nó không giống như lần đầu tiên mình đón nhận cái “tia sáng” đến từ Chúa, nó đã không “sửng sốt, bàng hoàng, lâng lâng, bừng tỉnh”, hay cái gì đó đại loại như thế. Nhưng một điều gì chậm rãi và sâu lắng hơn gắn liền với một cảm thức về tự do.
Có lẽ khi càng sống đủ lâu và thật lòng nhìn sâu vào bên trong chính mình thì người ta sẽ càng nghiệm ra một điều, sự khiêm nhường thực sự thì tỉ lệ thuận với nhận thức về tội lỗi, ý thức về bản chất yếu đuối, mỏng dòn, sa ngã và hay chết của chính con người mình. Ở đây, kiêu ngạo sẽ chẳng giúp ích được gì, vì nào có ai sống mãi với những hư danh và cứ ham thích mãi những lời ca tụng tán dương, với những nhãn hiệu vô thực được người khác dán lên cho mình. Kinh khủng làm sao khi đằng sau tất cả những điều đó lại là ngục tù mà ta phải sống trọn cả cuộc đời như một vai diễn. Vì chính ta biết rằng đằng sau cái quy luật lương tâm là tiếng nói của một Thiên Chúa ẩn mình.
Một bài học thú vị trong Kinh Thánh cho ta thấy cái cách thức và phản ứng đầu tiên của con người khi bắt đầu ý thức về tội lỗi: đó là sợ hãi và né tránh, điều mà sau đó đã trở thành bản tính tâm lý của con người. Như nguyên tổ Adam & Eva đã khước từ lời cảnh báo của Thiên Chúa về cái chết, và sau khi phạm tội việc vô ích nhất hai ông bà làm là…xấu hổ, kiếm lá che thân và bỏ trốn, vì nghĩ rằng làm như thế hai ông bà có thể tránh né khỏi cái nhìn của Thiên Chúa.
Lại có muôn vàn con đường, phía sau muôn vàn biến cố, muôn vàn cách thức mà một người bình thường có thể đi đến chỗ nhận biết Thiên Chúa là sự thật. Logic và lý trí chắc chắn sẽ không bị loại trừ. Nhưng việc nhận ra mình yếu đuối và tội lỗi mới là bước đầu tiên để nhận hiểu tình yêu và lòng thương xót nơi Chúa Kitô. Và sẽ không cảm nhận được gì nếu không học biết phó thác và cậy trông vào Người.
Khởi đầu cuộc lữ hành đức tin, bạn bỏ lại phía sau những ý niệm trước kia về một Thiên Chúa trong trí tưởng tượng của mình với ước mong được gặp gỡ Thiên Chúa thật. Bạn khám phá ra rằng đường lên núi Chúa là con đường của nước mắt, vì đó là con đường của ý thức. Càng lớn lên trong ý thức về chính mình, bạn càng không còn muốn nói nhiều về chính mình. Thậm chí bạn cảm thấy thật lúng túng khi phải nói gì đó về bản thân.
Càng lại gần trước nhan thánh Chúa có lẽ càng cảm nghiệm sâu xa về sự khó nghèo và tính chất hư không của chính mình. Chừng nào chúng ta giàu có, chúng ta chỉ dựa vào của cải của mình. Để học cậy trông, chúng ta phải đi qua sự bần cùng. Những trải nghiệm này là cửa ngõ dẫn vào trải nghiệm sự tốt lành, lòng trung tín và quyền năng của Thiên Chúa theo một công thức hoàn toàn khác thường, “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó” – những người bị Chúa Thánh Thần tước bỏ hết mọi sự – “vì Nước Trời là của họ”…
Cuối cùng, bạn hiểu tại sao Thiên Chúa là tình yêu và tại sao đường lối của Ngài dành cho con cái của mình lại là sự khiêm nhường.
—
“Tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135, 1).