Tôi vừa nhận được tin từ Nhà Dòng cho biết Thầy mới qua đời hôm nay.
Thầy tên rửa tội là Phêrô Đinh Văn Thảo, quê ở giáo xứ Sở Hạ, huyện Thường Tín, Hà Đông, cùng quê với Cha Thánh Phêrô Lê Tùy. Khi đi tu thầy nhận nhận tên Dòng là Hilaire.
Thầy dung nhan hiền hậu, vóc dáng khắc khổ, thân hình gầy guộc, chân tay xương xẩu trông giống như một thầy khổ tu.
Tôi không nhớ lần đầu gặp Thầy là năm nào, nhưng tôi bắt đầu thân với Thầy và hiểu Thầy nhiều hơn từ dịp Cha Bề trên Tổng quyền J.M Lasso và Cha Tổng Cố vấn Louis Hechanova sang thăm Việt Nam vào năm 1995.
Năm ấy, lần đầu tiên kể từ năm 1975, nhà nước cho Bề trên Tổng quyền đến thăm DCCT Việt Nam một tuần, nhưng không được ra khỏi địa bàn Sài Gòn. Vì thế thầy Hilaire và anh em từ Cần Giờ cũng về Kỳ Đồng để gặp Phái đoàn Kinh lược, rồi sau đó dẫn các ngài đi thăm Cần Giờ.
Trên xe, Thầy ngồi cạnh Cha BTTQ. Tôi thấy Thầy rất vui. Thầy nói với Cha BTTQ cách rất tự hào rằng thầy từng là garde de corps của Cha BTTQ thời xưa. Tôi không nhớ thầy nói là cha Amaral hay cha Gaudreau. Cha BTTQ nhìn thầy rất trìu mến và cám ơn Thầy.
Khi gặp Đoàn Kinh lược, cha Bề trên Phạm Kim Điệp cho biết gần 20 năm Thầy Hilaire làm công nhân dọn vệ sinh ở chợ Cần Thạnh. Mới đầu với tư cách là một người thiện nguyện, sau cũng được công nhận như một nhân viên vệ sinh của Thị Trấn. Đến đầu những năm 1990, khi Thị Trần rục rịch mở rộng thì thầy được mời về vườn. Được cho nghỉ hưu mà không có lương hưu.
Thầy cũng đã kiên trì cả chục năm trời ăn cơm nhà dòng, đọc kinh nhà Chúa lấy sức đắp đường cho thiên hạ đi. Thầy đào đất đắp con đường dài khoảng 600 mét chạy ngang qua nhà thờ dẫn ra chợ thị trấn. Cho đến giữa những năm 1990 khi Thầy còn ở Cần Thạnh và khi con đường chưa được rải đá và đặt tên, thì người dân ở đấy vẫn gọi là Đường Thầy Già.
Mọi người thấy Thầy lam lũ, vất vả, đen đúa, gầy còm, thì nghĩ là Thầy khổ. Nhưng Thầy lại nghĩ ngược lại. Thầy nói với tôi rằng ở Cần Giờ Thầy sướng nhất. Vì mọi người trong thị trấn không phân biệt lương giáo đều mến thầy. Nhất là các bà bán hàng ở chợ. Thầy hay giúp đỡ các bà và các bà cũng hay tặng Thầy quà cáp.
Cha Nguyễn Hữu Hòa, người ở chung với Thầy, kể với tôi rằng: Gớm Hilaire khuân về nhà đủ thứ. Thỉnh thoảng Hilaire cho mình bánh ú, bánh ít nọ kia. Mà có khi anh chàng để lâu nên có ăn được đâu! Mà phòng của anh chàng đầy những thứ linh tinh chàng nhặt về mà chàng ta coi là quý lắm. Nhặt về để lại mang đi cho người này người kia. Chàng thích vậy.
Về sau tôi mới hiểu, có thể một trong những lý do thầy hay nhặt nhạnh, gom góp đủ thứ để chia sẻ với người khác, có lẽ là do tuổi thơ của Thày đã trải qua nhiều lam lũ, đói khổ, nên biết thương cảm với những người khác.
Thầy kể với tôi cha mẹ thầy mất sớm. Thầy được một gia đình địa chủ ở Sở Hạ nhận làm con nuôi. Thầy chỉ biết đi làm ruộng, đi nhà thờ và tham gia các hội đạo đoàn đạo đức. Hồi năm 1945 khi Việt Minh nắm chính quyền, nhiều người giỏi giang và đạo đức trong làng lần lượt bị cho đi “mò tôm”, Thầy nghĩ nếu ở nhà chắc trước sau cũng chung số phận. Thế là Thầy đăng lính cho quân đội quốc gia.
Thầy đóng quân ở Thành Cổ Hà Nội. Thầy đi lễ hàng ngày ở nhà thờ Cửa Bắc. Thầy không ăn tiêu phung phí. Lương tháng hầu như còn nguyện vẹn. Thấy ai nghèo khổ thầy cho vay. Thấy Thầy hiền lành đạo đức có một số cô kín đáo ngỏ ý muốn kết hôn với Thầy. Có một cô khá đẹp và cũng đạo đức Thầy cũng có thiện cảm nhiều hơn, nhưng Thầy vẫn không nói gì cả.
Cô này về sau Thầy gặp lại. Thầy kể hồi năm 1969, lúc ở Pleichoet với cha Vương Đình Tài, có lần Thầy đi Pleiku và bất ngờ gặp lại cô, lúc này đã là vợ của một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đóng ở Thành Pleiku. Bà mời Thầy đến thăm nhà. Bà nấu bún riêu mời Thầy ăn. Rồi bà tập hợp 9 đứa con lại giữa nhà và giới thiệu: ““ĐÂY LÀ THẦY THẢO. THẦY NGÀY XƯA XUÝT NỮA LÀM BỐ CỦA 9 ĐỨA CHÚNG MÀY!”
Nguyên văn Thầy kể với tôi như vậy. Kể đi kể lại nhiều lần. Tôi thấy Thầy có vẻ hạnh phúc lắm về tình cảm của người phụ nữ kia dành cho Thầy.
Hàng tuần xuống Thái Hà hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thấy các cha Dòng vui vẻ nên muốn được vào tu ở đấy. Thầy nghĩ: “Mình đang mặc đồ lính thế này không biết có được nhận không và nếu được, thì cũng không biết có thể được phép xuất ngũ để vào Dòng không?” Thầy khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp rồi đánh liều đến xin Cha Bề trên Louis Roy. Không ngờ ngài nhận Thầy và hôm sau ngài còn đích thân đến nói với sĩ quan đơn vị cho Thầy xuất ngũ.
Thầy kể lúc đấy Thầy vui lắm và mấy cô đang theo Thầy buồn lắm. Còn mấy người vay tiền Thầy thì cũng vui theo, vì Thầy nói thầy cho luôn.
Vào Dòng Chúa Cứu Thế, Thầy đúng là tu sĩ chân chính như Thánh Anphongsô Tổ phụ của Nhà Dòng mong muốn.
Thầy vâng lời các đấng bề trên một cách gần như tuyệt đối. Cái gì Bề trên không muốn, Thầy không làm. Cái gì bề trên muốn Thầy làm ngay. Thầy rất sợ không theo ý bề trên. Tôi có cảm tưởng như là Thầy sợ mất linh hồn khi không làm theo ý bề trên. Vì vậy, ngay khi tuổi cao, bất cứ khi nào các đấng bề trên nói thầy chuyển đến nhà nào, là thầy mau mắn đi ngay.
Thầy sống rất nghèo. Đi đâu cũng chỉ xách cái túi như cái bị. Chuyển nhà cũng chỉ có một va ly cũ kỹ đựng quần áo. Thầy chẳng có cái gì đáng giá. Chưa bao giờ tôi thấy thầy đi đôi giầy đôi dép hay mặc bộ quần cáo sang trọng. Nhiều khi tôi thấy thầy đi chân không.
Thầy là típ người chỉ biết làm việc và cầu nguyện, cầu nguyện và làm việc. Ở không không chịu được. Gốc nông dân nên thầy thích việc chân tay. Vì thế hồi năm 1996-1997 Thầy ra Thái Hà phục vụ một thời gian, nhưng không có nhiều việc chân tay cho Thầy làm nên Thầy lại vào phục vụ ở những nơi Nhà Dòng có ruộng vườn như Phú Dòng ( Định Quán, Đồng Nai), Vĩnh Long và Mai Thôn (Thanh Đa, Sài Gòn).
Đầu những năm 2000 có thời gian Thầy sống ở Nhà thờ Kỳ Đồng cùng với chúng tôi. Tôi thấy nếu Thầy không xắn quần xắn áo làm cái nọ cái kia thì cũng một mình lim dim suy gẫm, cầu nguyện, lần hạt, etc. Hầu như ngày nào thầy cũng đi đàng thánh giá một mình lúc 3 giờ chiều.
Tôi hiếm thấy có ai đọc kinh, nguyện ngắm mà có thái độ chiêm niệm như thầy. Thầy đọc kinh bằng quyển sách kinh cổ bé bằng bàn tay thầy giữ được từ thuở nào và thường mang kè kè bên mình cùng với cỗ tràng hạt như là thứ gia bảo quý nhất.
Thầy thuộc nhiều bài ca vãn đạo đức cổ xưa, theo các cung điệu dân gian truyền thống ở Miền Bắc mà tôi chẳng còn thấy ai biết ngoại trừ thầy. Thầy bị điếc, thầy hát nhiều khi không ra lời, có khi lập lại mấy lần mới thành tiếng một lời ca. Tôi thấy đấy là những lời rất ý nghĩa, có giai điệu rất lạ nên tôi hay đề nghị thầy hát cho mình tôi nghe.
Thấy tôi, Thầy thường mỉm cười, hạ thấp cánh tay, ngửa bàn tay đưa về phía trước một đường, có ý hỏi rằng tôi đã chịu chức linh mục ”chui” chưa. Khi biết là rồi thì Thầy lại sấp bàn tay đánh một đường về phía trước rồi đưa lên cao, có ý hỏi tôi bao giờ thì “chui ra”, bao giờ tôi ra làm lễ công khai. Tôi thấy thái độ của thầy thật là ngộ nghĩnh, dễ thương.
Thầy nói rằng thầy rất biết ơn Chúa, vì được gọi vào Dòng. Nếu ở nhà, không bị cộng sản sớm cho đi “mò tôm”thì cũng chết thảm vì bị đấu tố như bố mẹ thầy ở Sở Hạ hồi sau năm 1954. Nếu còn ở lính thì có lẽ Thầy cũng đã chết đâu đó như bao bạn bè đồng ngũ với Thầy.
Thầy không tranh chấp với ai. Không hơn thua với ai. Thầy sống hãm mình và hạ mình để phục vụ mọi người và để cầu nguyện cho mọi người. Thầy hạnh phúc với công việc khiêm hạ và với đời sống cầu nguyện của mình. Thầy là bậc chân tu.
Tôi không nghi ngờ lối sống lành mạnh, đạo đức của ngài là một trong những lý do khiến Thầy là người thọ nhất trong DCCT Việt Nam từ gần một trăm năm nay. Thầy tho 98 tuổi.
Thầy học mới hết vỡ lòng, mới đủ biết đọc và biết viết. Thầy không bao giờ giảng đạo cho ai. Thầy chỉ biết làm việc và cầu nguyện, nhưng cuộc đời thầy là lời rao giảng sống động và thuyết phục nhất cho các anh em linh mục rao giảng như tôi.
Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi gặp được những con người đạo đức như Thầy Hilaire.
Thầy mất đi, tôi có cảm giác Nhà Dòng mất một kho tàng quý giá mà sẽ không bao giờ có được một người thứ hai độc đáo như Thầy.
Tôi viết vội ít dòng tưởng niệm Thầy mà tôi cảm thấy vẫn chưa nói được đúng và nói được đủ điều tôi muốn nói về Thầy. Thầy là một con người độc đáo mà tôi không đủ sức diễn tả.
Xin Chúa cho linh hồn Thầy được nghỉ yên và xin Thầy cũng cầu nguyện cho tôi.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR