Thông thường, lúc 9 giờ 15 phút tối thứ Sáu Tuần thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma. Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Mỗi năm, có khoảng 20 ngàn tín hữu đến tham dự nghi thức này.
Truyền thống đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo đã được người Công Giáo Rôma thực hành trong nhiều thế kỷ bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14, và được hồi sinh vào năm 1964 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.
Từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo cũng trở thành một sự kiện được truyền hình trên toàn thế giới.
Truyền thống viết các bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseo khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc đã được bắt đầu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1991. Văn bản các chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseo phản ảnh cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo trước thực trạng văn hóa, xã hội và luân lý trong xã hội đương đại. Nó cũng nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, tình trạng bất công, những khổ đau của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Nhiều bài suy niệm đã đi vào lịch sử như những áng văn chương tuyệt tác như bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseo vào năm 2007 của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hoá của Giáo Hội.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh, Đàng Thánh Giá trọng thể tại Colosseo, sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Bàn Thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô vào lúc 9g tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng Tư tới đây.
Tuy nhiên, truyền thống viết các bài Suy Niệm khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc vẫn không thay đổi.
Trong lời nói đầu, văn bản vừa được Tòa Thánh công bố cho biết như sau:
Những bài Suy Niệm Đàng Thánh Giá năm nay được chuẩn bị bởi cha tuyên uý tại “ Due Palazzi”, một trại giam tại Padua. Mười bốn người đã được Đức Thánh Cha Phanxicô mời viết các bài suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, suy tư về cuộc thương khó Chúa trong những tình huống của chính họ. Những người được mời bao gồm năm tù nhân, một gia đình là nạn nhân của một vụ giết người, con gái của một người tù chung thân, một giáo viên nhà tù, một thẩm phán dân sự, một người mẹ có con là tù nhân, một giáo lý viên, một tu sĩ tình nguyện, một nhân viên bảo vệ nhà tù và một linh mục đã bị buộc tội và cuối cùng được trắng án sau tám năm oan uổng trong vòng lao lý.
Đồng hành cùng với Chúa Kitô trên con đường Thánh giá, với giọng nói đơn sơ của những người sống sau các bức tường nhà tù, là cơ hội để chúng ta thấy cuộc chiến vĩ đại giữa sự sống và cái chết, để khám phá những sợi chỉ của thiện và ác đan xen với nhau không thể tránh khỏi. Suy Niệm cảnh tượng Chúa bước lên đồi Canvê từ phía sau song sắt là tin rằng toàn bộ cuộc sống có thể thay đổi trong một vài khoảnh khắc, như đã từng xảy ra với tên trộm lành. Tất cả những khoảnh khắc này sẽ được lấp đầy bằng sự thật: phạt tạ những tội lỗi đã gây ra, nhận ra rằng cái chết không phải là mãi mãi, trong ánh sáng của một thảm kịch lịch sử khi Chúa Kitô là người vô tội chịu nhục mạ, và chịu kết án một cách bất công. Mọi thứ đều có thể đối với những ai tin, bởi vì ngay cả trong bóng tối của nhà tù vẫn vang lên lời loan báo tràn đầy hy vọng: “ Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể “(Lc 1:37). Nếu ai chìa ra cho họ một bàn tay, những kẻ có khả năng phạm những tội ác khủng khiếp nhất vẫn có thể trải qua sự hồi sinh bất ngờ nhất. Chúng ta có thể chắc chắn rằng “ngay cả khi chúng ta nói về cái ác, chúng ta vẫn có thể học cách dành ra không gian cho ơn cứu độ; ở giữa chập chùng sự dữ, chúng ta cũng có thể nhận ra các hoạt động của sự thiện và dành ra không gian cho sự thiện” (Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Thế Giới Truyền Thông 2020).
Như thế, Đàng Thánh Giá – Via Crucis – trở thành Đàng Ánh Sáng – Via Lucis.
Các văn bản này, được soạn thảo bởi Cha Marco Pozza, tuyên úy nhà tù, và Thầy Tatiana Mario, tình nguyện viên, được viết ở ngôi thứ nhất, nhưng các vị đã quyết định không nêu tên cụ thể của người viết, vì những người tham gia vào bài suy niệm này muốn cho dùng tiếng nói của mình để nói thay cho tất cả những người trên toàn thế giới đang ở trong tình trạng tương tự. Tối nay, trong sự im lặng của nhà tù, tiếng nói của một người mong muốn trở thành tiếng nói của tất cả.
Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự
Mở đầu
Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là Cha toàn năng, nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Cha đã gánh lấy những vết thương và đau khổ của nhân loại.
Hôm nay, con thu hết can đảm để cầu xin Chúa, giống như người trộm lành: “Lạy Chúa, xin nhớ đến con!”
Con đang ở đây, một mình trước Chúa, trong bóng tối của nhà tù này: nghèo đói, trần truồng, đói khát và bị coi thường, và con xin Chúa hãy xức lên vết thương của con dầu tha thứ và ủi an, cùng với rượu của tình đoàn kết củng cố trái tim.
Lạy Chúa, xin chữa lành con với ân sủng Chúa và con biết hy vọng giữa chập chùng những tuyệt vọng.
Lạy Chúa và là Thiên Chúa con, con tin tưởng vào Chúa; xin giúp con vượt qua những nghi ngại của mình.
Lạy Cha nhân hậu, xin hãy tiếp tục tin tưởng vào con, cho con những cơ hội tươi mới, để ôm con vào tình yêu vô bờ bến của Chúa.
Nhờ sự phù trì của Chúa và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, con cũng sẽ có thể nhận ra Chúa và phục vụ Chúa trong những anh chị em của con.
Amen.
Chặng thứ nhất
Chúa Giêsu bị kết án tử hình
(Bài suy niệm của một tù nhân đang thụ án chung thân)
Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa. Nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá! “ Lần thứ ba, ông Philatô nói với họ: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra.” Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng la càng thêm dữ dội.
Ông Philatô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn. (Lc 23: 20-25).
Nhiều lần tiếng gào lên “Đóng đinh, đóng đinh nó đi! được hét lên trong phòng xử án và trên các tờ báo. Tôi thậm chí đã từng nghe thấy những tiếng gào chống lại tôi: Tôi đã bị kết án, cùng với cha tôi, một bản án tù chung thân. Bản án đóng đinh dành cho tôi bắt đầu khi tôi còn là một đứa trẻ: nhớ lại thời thơ ấu của mình, tôi thấy mình cuộn tròn trên chiếc xe buýt đưa tôi đến trường, ngồi cô đơn không bạn bè vì tật nói lắp của tôi. Tôi bắt đầu đi làm khi còn nhỏ, không có cơ hội học tập: sự ngu dốt chiếm ưu thế trong thời niên thiếu. Sau đó, những trò bắt nạt đã đánh cắp những gì còn lại của thời ấu thơ khỏi cậu bé sinh ra ở Calabria trong những năm 1970. Tôi giống Barabbas hơn Chúa Kitô, nhưng sự lên án gay gắt nhất vẫn là lương tâm của chính tôi: vào ban đêm, tôi mở mắt ra và tôi tuyệt vọng tìm kiếm một ánh sáng dõi chiếu lên câu chuyện đời của tôi.
Một mình trong phòng giam, khi tôi đọc lại những trang về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, tôi đã bật khóc: sau 29 năm trong tù tôi vẫn chưa mất khả năng rơi lệ, và vẫn có thể cảm thấy xấu hổ về lịch sử quá khứ và về những tội ác mà tôi đã gây ra. Tôi cảm thấy tôi như một tổng hợp của Baraba, Phêrô và Giuđa trong một người duy nhất. Tôi thấy sững sờ bởi quá khứ của mình, mặc dù tôi biết đó là câu chuyện của chính mình. Tôi đã sống nhiều năm trong các điều kiện kiên giam của Điều 41b theo Đạo luật Quản lý Nhà tù và cha tôi đã chết trong cùng điều kiện đó. Nhiều lần vào ban đêm tôi nghe thấy cha tôi khóc trong phòng giam. Ông cố giấu điều đó, nhưng tôi biết. Cả hai chúng tôi đều chìm vào bóng tối sâu thẳm. Tuy nhiên, trong cuộc sống không ra sống đó, tôi luôn tìm kiếm thứ gì đó là cuộc sống thật: có lẽ thật lạ lùng để nói rằng nhà tù mang đến ơn cứu rỗi cho tôi. Nếu, đối với một số người, tôi vẫn là Baraba, điều đó không làm tôi tức giận: tôi biết trong lòng mình rằng Đấng vô tội, bị kết án như tôi, đã đến tìm tôi trong tù để dạy tôi về cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, bất chấp sự náo động, chúng con thoáng thấy Chúa giữa đám đông đang gào thét đòi đóng đinh Chúa; có lẽ chúng con cũng nằm trong số đó, mù quáng trước cái ác mà chúng con có khả năng gây ra. Từ các phòng giam của chúng con, chúng con muốn cầu nguyện với Chúa Cha cho tất cả những người, giống như Chúa, bị kết án tử hình và cho tất cả những người sẽ dành bản án chính họ cho sự phán xét tối cao của Chúa.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là Đấng yêu mến, trong bí tích Hòa giải, Chúa luôn cho chúng con cơ hội mới để trải nghiệm lòng thương xót vô biên của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa ban cho chúng con ân sủng khôn ngoan để chúng con có thể xem mọi người nam nữ là một đền thờ của Thánh Thần Chúa và tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ hai
Chúa Giêsu vác Thánh giá
(Suy niệm của người cha và người mẹ có con gái bị sát hại)
Lính điệu Đức Giêsu vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do Thái!” Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá. (Mc 15: 16-20).
Trong mùa hè khủng khiếp đó, cuộc sống của chúng tôi như những người cha người mẹ đã chết cùng với hai cô con gái của chúng tôi. Một trong hai đứa đã bị sát hại cùng với người bạn thân nhất của cháu bởi bạo lực mù quáng của một người đàn ông tàn nhẫn; cháu kia sống sót như trong một phép lạ, đã mãi mãi không mỉm cười được nữa. Cuộc sống của chúng tôi là một cuộc sống hy sinh vì công việc và gia đình. Chúng tôi dạy con cái tôn trọng người khác và coi trọng việc phục vụ người nghèo. Chúng tôi thường tự hỏi: “Tại sao sự dữ kinh khủng nhấn chìm chúng tôi như thế lại xảy ra với chúng tôi? Chúng tôi thấy bất an. Cũng chẳng có công lý nào, mà chúng tôi hằng tin tưởng, có thể làm vơi đi những vết thương sâu sắc này: bản án đau khổ gán cho chúng tôi sẽ không bao giờ kết thúc.
Thời gian không làm giảm sức nặng của thập giá đặt lên vai chúng tôi: chúng tôi không thể quên được đứa con gái không còn ở bên chúng tôi nữa. Chúng tôi là những người già, ngày càng dễ bị tổn thương và là nạn nhân của nỗi đau tồi tệ nhất trên đời, làm sao sống nổi sau cái chết của đứa con gái.
Điều này thật khó nói, nhưng tại thời điểm mà sự tuyệt vọng dường như chiếm lấy chúng tôi, Chúa theo những cách khác nhau đã đến gặp chúng tôi, ban cho chúng tôi ân sủng để yêu thương nhau như vợ chồng, và hỗ trợ lẫn nhau, dù khó khăn đến đâu. Chúa mời chúng tôi mở rộng cửa nhà mình cho người nghèo và những người tuyệt vọng, chào đón bất cứ ai gõ cửa, cả với những người chỉ muốn xin một chén súp. Đối với chúng tôi lệnh truyền thực thi các hành vi bác ái là phương dược cứu rỗi: chúng tôi không muốn đầu hàng trước cái ác. Tình yêu của Chúa thực sự có khả năng làm mới cuộc sống bởi vì, trước chúng tôi, Chúa Giêsu là Con Chúa đã trải qua đau khổ của con người để trải nghiệm lòng thương xót thực sự.
Chúa ơi, thật đau lòng khi thấy Chúa bị đánh, chế giễu và lột áo xống, một nạn nhân vô tội của sự tàn ác vô nhân đạo. Trong đêm đau khổ này, chúng con cầu xin Chúa Cha và giao phó cho Ngài tất cả những người đã chịu đựng những hình thái bạo lực và những điều gian ác xấu xa.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là công lý và ơn cứu chuộc của chúng con, là Đấng đã ban cho chúng con Con Một Chúa và tôn vinh Người trên ngai thập giá, xin thấm nhuần hy vọng Chúa trong lòng chúng con, để chúng con có thể nhận ra Chúa đang hiện diện trong những thời khắc đen tối của cuộc đời. Xin an ủi chúng con trong mọi phiền não và hỗ trợ chúng con trong các thử thách trên đường đời khi chúng con mong đợi Nước Chúa trị đến. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ ba
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
(Suy niệm của một tù nhân)
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Thiên Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. (Is 53: 4-6).
Đó là lần đầu tiên tôi vấp ngã, nhưng đối với tôi, cái vấp ngã ấy là cái chết: tôi đã lấy đi mạng sống của một người. Chỉ mất một ngày để chuyển từ một cuộc đời lương thiện sang việc thực hiện một hành vi bao gồm trong đó mọi vi phạm đối với tất cả các điều răn. Tôi cảm thấy tôi giống như một phiên bản hiện đại của tên trộm, là người đã khẩn nài Chúa Kitô “Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi nhé!” Tôi tưởng tượng ra anh là một hối nhân, nhưng hơn hết, đó là một người ý thức được mình đã lầm đường lạc lối. Từ nhỏ tôi đã nhớ môi trường lạnh lẽo và thù địch tôi đã lớn lên từ đó. Trong cái môi trường ấy, người ta say sưa tìm ra các nhược điểm của người khác để biến nó thành một trò tiêu khiển. Tôi tìm kiếm những người bạn thực sự, tôi muốn được chấp nhận cho dù tôi là ai, nhưng tôi không thể. Tôi bực bội vì hạnh phúc của người khác, tôi cảm thấy bị cản trở, họ chỉ bắt tôi phải hy sinh và tuân theo các quy tắc: Tôi cảm thấy như một người xa lạ với mọi người và tôi tìm cách trả thù bằng mọi giá.
Tôi đã không nhận ra rằng cái ác đang dần lớn lên trong tôi. Cho đến khi, vào một buổi tối, giờ đen tối của chính tôi xuất hiện: trong một giây, giống như một trận tuyết lở, ký ức về tất cả những bất công mà tôi phải chịu trong cuộc đời bùng nổ. Sự tức giận đã giết chết lòng tốt của tôi, tôi đã phạm phải một điều ác lớn hơn bất kỳ những gì mà tôi đã nhận được. Sau đó, trong tù, sự đối xử tệ bạc của người khác đã khiến tôi tự hận mình: tôi đã gần buông trôi tất cả, tôi đã đạt đến giới hạn. Tôi cũng đã hủy hoại gia đình mình: vì tôi mà họ mất thanh danh và sự kính trọng; họ đã trở thành gia đình của một kẻ giết người. Tôi không bào chữa và tìm cách giảm nhẹ, tôi sẽ chấp hành án phạt của mình đến cùng vì trong tù tôi đã tìm thấy những người đã cho tôi trở lại niềm tin mà tôi đã mất.
Vấp ngã đầu tiên của tôi là không nhận ra rằng lòng tốt tồn tại trong thế giới này. Vấp ngã thứ hai của tôi, vụ giết người, thực sự là hậu quả của cái vấp ngã thứ nhất, vì tôi đã chết bên trong lòng mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa cũng đã ngã xuống đất. Có lẽ cái vấp ngã đầu tiên của Chúa là khó khăn nhất vì nó hoàn toàn mới: tác động của nó rất mạnh và khiến Chúa rúng động. Chúng con giao phó cho Chúa Cha tất cả những người bị cuốn vào chính họ đến nỗi họ không thể thừa nhận những tội lỗi mà họ đã phạm phải.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, Chúa đã nâng loài người chúng con dậy khi chúng con ngã xuống. Chúng con xin Chúa đến để giúp chúng con trong sự yếu đuối của chúng con và cho chúng con đôi mắt để thấy những dấu chỉ tình yêu của Chúa ở mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày của chúng con. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ tư.
Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ
(Suy niệm của một người Mẹ có con là tù nhân)
Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19: 25-27).
Không một phút giây nào tôi bị cám dỗ từ bỏ con trai mình khi đối diện với bản án của nó. Ngày nó bị bắt đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng tôi: cả gia đình đã vào tù thăm nó. Ngày nay sự phán xét của mọi người vẫn không thể hiểu được: giống như một con dao sắc bén, những ngón tay nhọn chống lại tất cả chúng con, làm tăng thêm sự đau khổ mà chúng tôi đã mang trong lòng.
Những vết thương cứ lớn dần theo từng ngày, những vết thương ấy làm chúng tôi nghẹt thở.
Tôi cảm thấy Mẹ Maria gần gũi với tôi: Mẹ giúp tôi không rơi vào tuyệt vọng và đương đầu với nỗi đau. Tôi đã giao phó con trai tôi cho Mẹ: chỉ với Đức Maria tôi mới có thể thổ lộ nỗi sợ hãi của mình, vì chính Mẹ đã trải nghiệm những kinh nghiệm cay đắng và kinh hoàng ấy trên đường lên đồi Canvê. Trong thâm tâm, Mẹ biết rằng Con mình sẽ không thoát khỏi sự gian ác của con người, nhưng Mẹ không bỏ rơi Chúa. Mẹ đứng đó chia sẻ nỗi đau khổ của Người, đồng hành với Người qua sự hiện diện của Mẹ. Tôi nghĩ về Chúa Giêsu đang nhìn xuống, thấy đôi mắt Mẹ ngước lên tràn đầy tình yêu mến, và không cảm thấy cô đơn.
Tôi muốn làm như vậy.
Tôi tự trách mình đã để con gây ra lỗi lầm. Tôi cũng cầu xin sự tha thứ vì trách nhiệm riêng của mình. Tôi cầu xin sự thương xót mà chỉ có một người mẹ mới có thể cảm thông, để con trai tôi có thể trở lại cuộc sống sau khi phải trả giá cho tội ác của nó. Tôi cầu nguyện liên tục cho nó, để ngày qua ngày nó có thể trở thành một người đàn ông khác, có khả năng yêu thương bản thân và người khác một lần nữa.
Lạy Chúa Giêsu, gặp mẹ trên con đường thập giá có lẽ là điều cảm động và đau buồn nhất trong tất cả.
Giữa ánh mắt của Chúa và của Mẹ, chúng con đặt tất cả các gia đình và bạn bè, và những ai cảm thấy đau đớn và bất lực trước số phận của những người thân yêu của mình.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Ôi Mary, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của Giáo hội, môn đệ trung thành của Con Mẹ, chúng con hướng về Mẹ và giao phó cho ánh mắt yêu thương của Mẹ và trái tim dịu dàng từ mẫu của Mẹ, tiếng khóc của cả nhân loại đang chờ đợi mỗi ngày những giọt lệ được lau khô trên khuôn mặt của họ. Amen.
Chặng thứ năm
Ông Simôn xứ Kyrênê vác đỡ Thánh Giá Chúa
(Bài suy niệm của một tù nhân)
Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu (Lc 23:26).
Với công việc của mình, tôi đã giúp các thế hệ trẻ tự tin vào chính mình. Rồi một ngày tôi thấy mình nằm trên mặt đất. Như thể họ đã đập bể lưng tôi: công việc của tôi là cái cớ cho một bản án nhục nhã. Tôi vào tù: nhà tù vào nhà tôi. Kể từ đó tôi trở thành kẻ bị ruồng bỏ trong thành phố: Tôi đã mất tên tuổi, bây giờ tôi được biết đến qua tội ác mà tôi đã bị buộc tội, tôi không còn làm chủ được cuộc đời của mình nữa. Khi tôi nghĩ về quá khứ, đứa trẻ với đôi giày mòn, chân ướt, quần áo cũ xuất hiện trong tâm trí: đứa trẻ đó là tôi, tôi đã từng là một đứa trẻ như vậy. Rồi một ngày nọ, tôi bị bắt: ba người đàn ông mặc đồng phục, một thủ tục lạnh lùng, nhà tù nuốt chửng tôi trong cái xác bê tông của nó.
Cây thánh giá họ đặt trên vai tôi là một cây rất nặng. Theo thời gian, tôi đã học được cách sống với nó, nhìn thẳng vào mặt nó, gọi tên của nó: chúng tôi trải qua nhiều đêm đồng hành với nhau. Bên trong các nhà tù, cái tên Simôn xứ Kyrênê được mọi người biết đến: đó là tên thứ hai của những người tình nguyện, những người leo lên đồi Canvê này để giúp vác thập giá; họ là những người từ chối thứ luật pháp được đóng gói sẵn và lắng nghe tiếng lương tâm của mình. Cả Simôn xứ Kyrênê cũng là người bạn trong tù của tôi: Tôi đã gặp anh vào đêm đầu tiên trong tù. Anh là một người đã làm công việc tình nguyện này trong nhiều năm, không được ai khen cũng chẳng có thu nhập gì. Tài sản duy nhất của anh là một hộp kẹo. Anh ấy có một chiếc kẹo rất hấp dẫn, nhưng anh nhất mực bảo tôi hứa với anh là đừng ăn nhưng hãy tặng cho vợ tôi trong lần thăm nuôi đầu tiên: cô ấy bật khóc trước cử chỉ bất ngờ và chu đáo đó.
Tôi đang già đi trong tù: Tôi mơ ước một ngày nào đó, tôi sẽ có thể tin tưởng người khác. Tôi mơ ước trở thành một ông Simôn xứ Kyrênê, mang lại niềm vui cho ai đó.
Lạy Chúa Giêsu, từ lúc chào đời cho đến khi Chúa gặp gỡ một người lạ giúp Chúa vác thập giá, Chúa đã muốn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của chúng con. Chúng con cũng vậy, giống như người xứ Kyrênê, mong muốn được gần gũi với anh chị em của mình và giúp đỡ trong việc dâng lên lòng thương xót của Chúa Cha để Người phá vỡ ách áp bức họ.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là Đấng bảo vệ người nghèo và an ủi những người đau khổ, xin củng cố chúng con bằng sự hiện diện của Chúa và giúp chúng con chịu đựng mỗi ngày ách dễ dàng những điều răn yêu thương của Chúa. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Amen.
Chặng thứ sáu
Bà Veronica trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt
(Bài suy niệm của một giáo lý viên)
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con. (Tv 27:8-9)
Là một giáo lý viên, tôi lau đi nhiều nước mắt, trong khi cứ để chúng tiếp tục tuôn trào: chúng tuôn ra không kiểm soát được từ những trái tim tan vỡ. Nhiều lần tôi gặp những linh hồn tuyệt vọng, trong bóng tối của nhà tù, cố gắng tìm một lý do cho sự dữ mà đối với họ dường như bất tận. Nước mắt của họ xuất phát từ những thất bại và cô đơn, hối hận và thiếu hiểu biết. Tôi thường tưởng tượng nếu Chúa Giêsu ở trong tù như tôi: Ngài lau nước mắt như thế nào? Ngài có thể làm dịu nỗi thống khổ của những người cảm thấy bị mắc kẹt trong những gì họ đã trở thành vì chiều theo sự dữ ra sao?
Đưa ra được một câu trả lời là rất khó, quá thường khi là không thể trong giới hạn luận lý nhỏ bé của con người chúng ta. Cách mà Chúa Kitô chỉ ra cho tôi là chiêm niệm, đừng sợ hãi, những khuôn mặt bị hủy hoại bởi đau khổ. Tôi được yêu cầu ở lại đó với họ, tôn trọng sự im lặng của họ, lắng nghe nỗi đau của họ và tìm cách nhìn xa hơn các định kiến. Cũng giống như cách Chúa Kitô nhìn vào những điểm yếu và hạn chế của chúng ta với đôi mắt tràn đầy tình yêu. Mọi người, kể cả những người trong tù, mỗi ngày đều có cơ hội trở thành một người mới, nhờ vào cái nhìn của Chúa Kitô không phán xét, nhưng mang lại sự sống và hy vọng.
Nhờ đó, những giọt nước mắt rơi có thể trở thành hạt giống của một vẻ đẹp khó có thể tưởng tượng được.
Lạy Chúa Giêsu, Bà Veronica đã cảm thương Chúa: Bà Veronica gặp gỡ một người đau khổ và phát hiện ra thiên nhan của Chúa. Trong lời cầu nguyện, chúng con tín thác lên Chúa Cha những người nam nữ trong thời đại chúng con đang tìm cách lau đi những giọt nước mắt của rất nhiều anh chị em của chúng con.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là ánh sáng đích thực và là nguồn mạch mọi ánh sáng, trong sự yếu đuối, Chúa mạc khải cho chúng con thấy sức mạnh và sự mãnh liệt của tình yêu Chúa. Xin Chúa ghi dấu ấn thiên nhan Chúa trong trái tim chúng con, để chúng con có thể nhận ra Chúa trong tất cả những đau khổ của con người. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ bảy
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
(Bài suy niệm của một tù nhân)
Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm. (Lc 23:34).
Trong quá khứ, mỗi lần đi ngang qua một nhà tù, tôi thường nhìn theo hướng khác: “Tôi sẽ không bao giờ kết thúc ở đó”, tôi nói với bản thân mình. Đôi khi, tôi cũng nhìn về hướng đó, tôi cảm thấy buồn và đen tối: tôi cảm thấy như đang đi ngang qua một nghĩa trang của những người chết biết đi. Rồi một ngày nọ, tôi kết thúc sau song sắt, cùng với em tôi. Như thể, điều đó vẫn chưa đủ, tôi đưa thêm cha mẹ tôi vào đó. Từ cuộc sống tự do bên ngoài, nhà tù giờ là nhà của chúng tôi: đàn ông chúng tôi ở trong cùng một phòng, mẹ của chúng tôi ở một phòng giam khác. Tôi nhìn họ và tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Tôi không còn cảm thấy mình là một người đàn ông. Họ đang già đi trong tù vì tôi.
Tôi đã vấp ngã hai lần. Lần đầu tiên là khi cái ác thu hút tôi và tôi đã nhượng bộ: bán ma túy, trong mắt tôi, đáng giá hơn công việc của cha tôi, người đã phải cong lưng làm việc mười giờ một ngày. Lần thứ hai, sau khi hủy hoại gia đình, tôi bắt đầu tự hỏi mình: “Tôi là cái thá gì mà Chúa Kitô phải chết cho tôi?” Tiếng kêu của Chúa Giêsu – “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” phản chiếu trong mắt của mẹ tôi: bà gánh hết mọi nhục nhã của tất cả những người đàn ông trong ngôi nhà để cứu gia đình. Và tôi đã nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt của cha tôi, khi ông lặng lẽ thở dài trong phòng giam. Chỉ hôm nay tôi mới có thể thừa nhận điều đó: trong những năm đó, tôi không biết mình đang làm gì. Bây giờ tôi biết, tôi đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống của mình với sự giúp đỡ của Chúa. Tôi nợ cha mẹ tôi: nhiều năm trước, họ đã phải bán tất cả những gì có giá trị vì họ không muốn tôi sống trên đường phố. Trên tất cả, tôi mắc nợ chính mình: ý tưởng rằng cái ác có thể tiếp tục hướng dẫn cuộc sống của tôi là không thể chịu đựng được. Điều đó đã trở thành đàng thập giá của tôi.
Lạy Chúa Giêsu, một lần nữa Chúa đã ngã xuống đất: bị nghiền nát bởi sự quyến luyến tội lỗi của con, bởi nỗi sợ không thể trở thành người tốt hơn. Trong đức tin, chúng con hướng về Chúa Cha và cầu nguyện cho tất cả những người chưa thể thoát khỏi quyền lực của Satan, để họ có thể thoát khỏi mọi quyến rũ và những lời dụ dỗ đa dạng của nó.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, Chúa không để chúng con trong đêm đen và bóng tối của cái chết. Xin hãy củng cố chúng con, giải thoát chúng con khỏi sự ràng buộc của tội ác và che chở chúng con bằng sức mạnh của Chúa, để chúng con có thể mãi mãi hát lên lòng thương xót của Chúa. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Amen.
Chặng thứ tám
Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ Giêrusalem
(Bài suy niệm của con gái một tù nhân bị kết án tù chung thân)
Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: “Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!” Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống chúng tôi đi!, và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! (Lc 23: 27-30).
Là con gái có cha phải ngồi tù, nhiều lần, tôi bị người ta vặn hỏi:“ Bạn yêu mến cha mình, vậy bạn có bao giờ nghĩ về nỗi đau ông ta gây ra cho các nạn nhân không? Trong những năm qua, tôi không ngừng trả lời rằng: “Tất nhiên, tôi không thể không nghĩ đến điều đó”. Nhưng tôi hỏi lại họ rằng: “Có bao giờ bạn nghĩ rằng, trong số tất cả các nạn nhân của hành động do cha tôi gây ra, tôi là nạn nhân đầu tiên? Trong hai mươi tám năm, tôi đã phải lãnh một bản án quá nặng là trưởng thành mà không có cha”. Trong suốt những năm qua, tôi đã sống với sự giận dữ, bồn chồn, buồn bã vì sự vắng mặt của cha tôi là một gánh nặng lớn. Tôi đã phải đi khắp nước Ý, từ nam ra bắc, để được gần gũi với cha tôi. Tôi biết nhiều thành phố không phải vì các di tích của những thành phố này mà vì các nhà tù tôi đã đến thăm. Tôi dường như giống như nhân vật Telemachus khi ông đi tìm cha mình là Odysseus: hành trình của tôi đưa tôi đến các nhà tù trên khắp nước Ý để tìm người thân yêu.
Nhiều năm trước, tình yêu của tôi tan vỡ vì tôi là con gái của một tù nhân, mẹ tôi rơi vào tình trạng trầm cảm, gia đình sụp đổ. Tôi bị bỏ lại một mình trên trần gian này, với mức lương nhỏ bé của mình, phải chịu sức nặng của câu chuyện đáng buồn này. Cuộc sống buộc tôi phải trở thành người lớn mà không bao giờ là một đứa trẻ. Trong nhà của tôi, tất cả mọi thứ là một đàng thánh giá: Bố tôi là một trong những người bị kết án tù chung thân. Ngày tôi kết hôn, tôi đã mơ có cha tôi bên cạnh. Lúc ấy cha tôi cũng nghĩ về tôi, dù cách xa hàng trăm cây số. “Đời là thế!” Tôi nói, để khuyến khích bản thân mình. Đó là sự thật: có những bậc cha mẹ, vì yêu thương, học cách kiên nhẫn chờ đợi cho con cái họ khôn lớn. Trong trường hợp của riêng tôi, vì tình yêu, tôi chờ đợi sự trở lại của cha tôi. Đối với những người như chúng tôi, hy vọng là một nghĩa vụ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xem những lời của Chúa nói với các phụ nữ thành Giêrusalem là một lời cảnh báo cho mỗi người chúng con. Những lời đó mời gọi chúng con hoán cải, để chuyển từ một tình cảm tôn giáo sang một đức tin bắt nguồn từ Lời Chúa. Chúng con cầu nguyện cho những người bị buộc phải chịu gánh nặng của nhục nhã, đau khổ, bị từ bỏ, thiếu sự hiện diện. Và đối với mỗi người chúng con, cầu xin cho tội lỗi của cha mẹ đừng đè nặng lên con cái họ.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là Cha từ nhân, Chúa không bỏ rơi con cái Chúa trong những thử thách của cuộc đời. Xin ban cho chúng con ân sủng để có thể nghỉ yên trong tình yêu Chúa và tận hưởng mãi mãi sự an ủi nơi sự hiện diện của Chúa. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ chín
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
(Bài suy niệm của một tù nhân)
Cũng là một điều hay cho người nào phải mang ách từ khi còn trẻ. Khi chính Chúa bắt nó phải mang, nó hãy cứ ngồi im lặng một mình, cứ đặt miệng nó trong bụi đất – may ra còn chút hy vọng nào chăng – nó cứ đưa má cho kẻ tát, chuốc lấy cho mình đầy nỗi nhuốc nhơ. Vì quả thật, Đức Chúa chẳng bỏ rơi mãi mãi: có làm khổ, Người cũng xót thương, vì Người vốn từ bi cao cả. (Ai Ca 3: 27-32).
Té ngã không bao giờ là điều dễ chịu; nhưng ngoài thực tế khó chịu đó ra, ngã xuống nhiều lần trở thành một loại kết án, đến mức một người không còn có khả năng đứng vững. Là một người đàn ông, tôi đã gục ngã rất nhiều lần: tôi cũng đã đứng dậy nhiều lần. Trong tù tôi thường nghĩ về việc một đứa trẻ ngã xuống đất bao nhiêu lần trước khi nó biết đi: Tôi đi đến suy nghĩ rằng đây là những bước chuẩn bị cho tất cả những lần chúng ta sẽ ngã khi trưởng thành. Khi còn nhỏ, nhà tôi giống như một nhà tù: Tôi sống trong nỗi sợ bị trừng phạt, xen kẽ giữa sự u sầu của người lớn và sự vô tư của trẻ em. Trong những năm đó, tôi nhớ Chị Gabriella, là hình ảnh hạnh phúc duy nhất trong gia đình tôi: chị là người duy nhất nhìn thấy điều tốt nhất trong tôi. Giống như Phêrô, tôi đã tìm kiếm và tìm ra nhiều lời bào chữa cho những sai lầm của mình: sự thật kỳ lạ là một mảnh lòng tốt vẫn luôn tồn tại trong tôi.
Tôi trở thành ông nội trong tù: Tôi không biết con gái tôi mang thai lúc nào. Một ngày nào đó, tôi sẽ kể cho cháu gái tôi nghe câu chuyện về toàn những sự tốt lành mà tôi đã tìm thấy và chẳng một điều ác nào tôi đã gây ra. Tôi sẽ kể cho cháu nghe về người mà khi tôi ngã trên mặt đất, đã mang đến cho tôi lòng thương xót của Chúa. Trong tù, hình thức tuyệt vọng tồi tệ nhất là nghĩ rằng cuộc sống không còn ý nghĩa. Đó là nỗi khổ lớn nhất: trong tất cả những người cô đơn trên thế giới, bạn cảm thấy mình là người cô đơn nhất. Đúng là cuộc sống của tôi đã tan vỡ thành một ngàn mảnh, nhưng điều tuyệt vời là những mảnh đó vẫn có thể được ghép lại với nhau. Đó không phải là chuyện dễ dàng, nhưng đó là điều duy nhất vẫn có ý nghĩa ở đây.
Lạy Chúa, Chúa đã ngã xuống đất lần thứ ba và, khi mọi người nghĩ rằng thế là kết thúc, thì một lần nữa, Chúa đứng dậy. Chúng con tự tin đặt mình vào tay Chúa Cha và giao phó cho Ngài tất cả những người cảm thấy bị giam cầm trong vực thẳm lỗi lầm của họ, để họ có thể được ban cho sức mạnh ngõ hầu có thể đứng dậy và can đảm cầu xin sự giúp đỡ.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là sức mạnh của những người hy vọng nơi Chúa, Chúa ban bình an cho những người làm theo lời dạy của Chúa. Xin nâng đỡ các bước chân lạng choạng của chúng con, xin nâng chúng con lên khi chúng con té ngã vì sự bất trung của chúng con. Xin xức dầu ủi an và rượu hy vọng vào vết thương của chúng con. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ mười
Quân dữ lột áo Ðức Chúa Giêsu
(Bài suy niệm của một giáo viên nhà tù)
Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm. (Ga 19: 23-24).
Là một giáo viên trong nhà tù, tôi thấy mọi người khi vào tù thường bị tước đoạt mọi thứ: tước bỏ mọi phẩm giá vì những tội ác mà họ đã phạm phải, tước bỏ mọi sự tôn trọng đối với bản thân và đối với người khác. Mỗi ngày tôi có thấy họ ngày càng trở nên phụ thuộc hơn sau song sắt như thế nào: họ cần tôi giúp, thậm chí để viết một lá thư. Đây là những mảnh đời bất ổn được giao phó cho sự chăm sóc của tôi. Họ cảm thấy bất lực, thất vọng vì sự yếu đuối của mình, thường xuyên bị tước đoạt ngay cả khả năng để có thể hiểu được những sai lầm mà họ đã gây ra. Tuy nhiên, đôi khi, họ giống như những đứa trẻ sơ sinh vẫn có thể được dạy bảo. Tôi cảm thấy rằng cuộc sống của họ có thể bắt đầu lại theo một hướng khác, dứt khoát quay lưng lại với cái ác.
Sức mạnh của tôi, tuy nhiên, đang tiêu hao từng ngày. Gặp phải hàng ngày tất cả sự tức giận, đau đớn và những hăm dọa tiềm tàng, ngay cả những người có kinh nghiệm nhất trong chúng tôi cũng cảm thấy nản. Tôi đã chọn công việc này sau khi mẹ tôi bị giết trong một vụ va chạm trực diện với một người nghiện ma túy trẻ tuổi. Tôi quyết định trả lời ngay lập tức với cái ác đó. Nhưng mặc dù tôi yêu công việc này, đôi khi tôi phải vật lộn để tìm ra sức mạnh để tiếp tục.
Trong một công việc phục vụ nhạy cảm như vậy, chúng ta cần cảm thấy rằng chúng ta không bị bỏ rơi, để có thể hỗ trợ nhiều cuộc sống được giao phó cho chúng ta, cuộc sống mà càng ngày càng có nguy cơ bị hủy hoại.
Lạy Chúa, khi chúng con nhìn thấy Chúa bị cởi hết áo xống, chúng con cảm thấy bẽ bàng và xấu hổ. Bắt đầu với người đàn ông đầu tiên trên trái đất này, khi đối mặt với sự thật trần trụi, chúng con bắt đầu chạy trốn. Chúng con ẩn mình đằng sau những mặt nạ đáng kính và khoác cho mình những lời dối trá, thường xuyên với những miếng giẻ rách của người nghèo, là những người bị bóc lột bởi lòng khao khát tiền bạc và quyền lực của chúng con. Xin Chúa Cha thương xót chúng con và kiên nhẫn giúp chúng con trở nên đơn sơ hơn, minh bạch hơn, chân thực hơn, và sẵn sàng từ bỏ dứt khoát những vũ khí giả hình.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, Chúa giải phóng chúng con bằng sự thật của Chúa. Xin Chúa loại bỏ khỏi thói đề kháng nội tâm của chúng con và mặc cho chúng con ánh sáng của Chúa, để chúng con có thể là sự phản ánh vinh quang của Chúa trên thế giới. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ mười một
Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây Thánh Giá
(Bài suy niệm của một linh mục bị cáo gian và sau đó được minh oan)
Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái.”
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23: 33-43).
Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thập giá. Biết bao lần, trong tư cách là một linh mục, tôi đã trình bày các suy niệm về bài Tin Mừng này. Rồi một ngày, họ đặt lên tôi một cây thập tự, tôi cảm thấy toàn bộ sức nặng của cây gỗ đó: lời buộc tội được đưa ra bằng những từ ngữ cứng như đinh đóng cột, con đường trước mặt trở nên một dốc đứng, đau khổ đè nặng lên tôi. Khoảnh khắc đen tối nhất là nhìn thấy tên tôi dán bên ngoài phòng xử án: ngay lúc đó tôi nhận ra rằng mình là một con người vô tội mà bị buộc phải chứng minh sự vô tội của mình. Tôi bị treo trên thập tự giá trong mười năm: Con đường Thánh giá của tôi đã đầy những hồ sơ, sự nghi ngờ, buộc tội, lăng mạ. Mỗi lần tôi ở trong phòng xử án, tôi tìm kiếm cây thánh giá: Tôi cứ dán mắt vào nó khi luật pháp điều tra câu chuyện của tôi.
Trong một khoảnh khắc, sự nhục nhã khiến tôi nghĩ rằng tốt hơn là buông xuôi tất cả. Nhưng sau đó, tôi quyết định vẫn là một linh mục, và tôi luôn luôn là một linh mục. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc giảm bớt thập giá của mình, ngay cả khi luật pháp cho phép. Tôi đã quyết định chấp nhận một thử thách thường xuyên vì tôi nợ chính mình, nợ những chàng trai trẻ tôi đã dạy trong những năm ở chủng viện, nợ gia đình của họ. Trong khi tôi đang leo lên đồi Canvê của mình, tôi đã tìm thấy tất cả họ dọc trên đường đi: họ trở thành những ông Simôn xứ Kyrênê của tôi, họ mang vác sức nặng của cây thánh giá với tôi, họ làm tôi rơi nước mắt. Cùng với tôi, nhiều người trong số họ cầu nguyện cho chàng trai trẻ đã buộc tội tôi: họ không bao giờ dừng lại. Ngày mà tôi được tha bổng hoàn toàn, tôi thấy mình hạnh phúc hơn mười năm trước: Tôi đã trải nghiệm Chúa trực tiếp tác động trong đời tôi. Khi bị treo trên thập giá, tôi phát hiện ra ý nghĩa chức tư tế của mình.
Lạy Chúa Giêsu, tình yêu mà Chúa đã chỉ ra cho chúng con đến tận cùng, đã đưa Chúa đến thập giá. Trong những phút cuối cùng, Chúa vẫn tha thứ cho chúng con và ban cho chúng con sự sống. Chúng con giao phó cho Chúa Cha tất cả những người nam nữ vô tội trong suốt lịch sử đã phải gánh chịu những bản án bất công. Xin cho Lời Chúa vang lên trong trái tim của họ: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là nguồn mạch của lòng thương xót và tha thứ, là Đấng mạc khải chính mình trong đau khổ của nhân loại, xin soi sáng chúng con bằng ân sủng trào ra từ vết thương của Đấng bị đóng đinh và ban cho chúng con sự kiên trì đức tin trong đêm đen những thử thách. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ mười hai
Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh giá
(Bài suy niệm của một thẩm phán dân sự)
Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở. (Lc 23: 44-46).
Là một thẩm phán dân sự, tôi không thể đóng đinh một người nào, bất kỳ người nào vào tội lỗi mà anh ta đang thụ án: điều đó có nghĩa là kết án anh ta lần thứ hai. Anh ta phải trả giá cho sai lầm mà anh ta đã gây ra: không làm như vậy có nghĩa là coi nhẹ tội ác của anh ta, biện minh cho những hành động không thể khoan dung mà anh ta đã thực hiện, gây ra những đau khổ về thể xác và luân lý cho người khác.
Tuy nhiên, công lý thực sự chỉ có thể thông qua một lòng thương xót không bao giờ đóng đinh một cá nhân, mà trở thành một hướng dẫn giúp anh ta đứng dậy và nhận ra sự thiện vẫn tồn tại trong tâm hồn anh ta, mà tất cả những sai lầm anh ta đã gây ra, bất kể là gì, cũng không bao giờ có thể dập tắt hoàn toàn. Chỉ bằng cách tìm lại chính con người của mình, người bị kết án mới có thể nhìn thấy chính mình nơi người khác, nơi các nạn nhân mà anh ta gây ra những nỗi đau như vậy. Bao lâu con đường tái sinh của anh ta còn gập ghềnh, quanh co và nguy cơ quay trở lại cái ác vẫn luôn hiện hữu, không có cách nào khác để cố gắng xây dựng lại lịch sử cá nhân và cộng đồng của chính mình.
Mức độ nghiêm trọng của một bản án đặt hy vọng của một người vào một thử thách cam go: nó giúp anh ta suy ngẫm và đặt câu hỏi liệu những lý do cho hành động của anh ta có thể trở thành một cơ hội để xem xét bản thân từ một quan điểm khác. Dù vậy, để làm điều này, anh ta phải học cách nhận ra nhân cách ẩn đằng sau tội ác đã gây ra. Trong quá trình này, đôi khi có thể thoáng thấy một chân trời có thể gieo hy vọng nơi người đó và một khi bản án của anh ta đã được hoàn tất, anh có thể trở lại xã hội với hy vọng rằng mọi người sẽ chào đón anh ta trở lại sau khi đã từ chối anh ta.
Đối với tất cả chúng ta, ngay cả những người bị kết án phạm tội, cũng đều là con cái của cùng một gia đình nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết vì một bản án bại hoại, được truyền bởi các thẩm phán bất công đang kinh hãi trước sức mạnh không thể chối bỏ của Chân lý. Chúng con ủy thác cho Chúa Cha tất cả các quan tòa, thẩm phán và luật sư và xin cho họ có thể thẳng thắn thực hiện sứ vụ của mình cho quốc gia và các công dân, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng bởi nghèo đói.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là Vua công lý và hòa bình, Chúa đã nghe thấy nơi tiếng kêu của Con Chúa tiếng kêu của toàn nhân loại. Xin hãy dạy chúng con đừng đồng hoá người có lỗi với những tội lỗi người ấy đã làm, và xin giúp chúng con nhìn thấy trong mọi người ngọn lửa hằng sống của Thánh Linh Chúa. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ mười ba
Đưa xác Ðức Chúa Giêsu xuống khỏi Thánh giá
(Bài suy niệm của một tu sĩ tình nguyện)
Khi ấy có một người tên là Giuse, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành Arimathê, một thành của người Do Thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. (Lc 23: 50-53).
Các tù nhân luôn là những thầy dạy của tôi. Sáu mươi năm trước, tôi đã đi vào các nhà tù với tư cách là một tu sĩ tình nguyện và tôi luôn được chúc phúc, từ ngày đầu tiên tôi bắt gặp thế giới bí ẩn này. Nhìn thấy khuôn mặt của họ, tôi nhận ra một cách rõ ràng rằng tôi có thể ở vào vị trí của họ, nếu như cuộc sống của tôi rẽ theo một hướng khác. Kitô hữu chúng ta thường rơi vào cảm giác ảo tưởng rằng chúng ta tốt hơn những người khác. Và sự quan tâm của chúng ta đối với người nghèo cho phép chúng ta đứng lên làm thẩm phán đối với người khác, lên án họ bao nhiêu tùy ý, mà không cần đoái hoài đến bất cứ lời kêu gọi xin ân xá nào.
Trong cuộc đời của Người, Chúa Kitô luôn sẵn sàng đứng bên những người rốt cùng: Người đi khắp các vùng ngoại vi bị lãng quên trên thế giới giữa những tên trộm, những người phong hủi, gái mại dâm, và kẻ vô lại. Ngài muốn chia sẻ kinh nghiệm về nghèo đói, cô độc, lo lắng. Tôi đã luôn luôn nghĩ rằng đó là ý nghĩa thực sự của lời Ngài nói: “Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:36).
Khi đi ngang qua các phòng giam, hết phòng này đến phòng khác, tôi thấy cái chết lảng vảng bên trong. Nhà tù tiếp tục chôn sống những cá nhân vẫn còn sống: đó là những câu chuyện mà không ai muốn nghe nữa. Mỗi lần, Chúa Kitô nói với tôi một lần nữa rằng “Tiếp tục đi, đừng dừng lại. Đưa họ vào trong vòng tay của con một lần nữa”. Tôi không thể không lắng nghe Ngài: ngay cả nơi những người tồi tệ nhất, Người luôn ở đó, mặc dù ký ức của họ về Người bị che khuất. Tôi chỉ cần dừng bước chân bận rộn của mình, dừng lại trong im lặng trước những khuôn mặt bị huỷ hoại vì sự dữ và lắng nghe họ với lòng thương xót. Đây là cách duy nhất tôi biết để chấp nhận người đó và gạt ánh mắt của tôi khỏi những sai lầm mà anh ta đã gây ra. Chỉ bằng cách này, anh ta mới có thể tin tưởng và lấy lại sức mạnh để đầu hàng lòng từ ái của Chúa, và nhìn nhận bản thân mình một cách khác đi.
Lạy Chúa Giesu, thân xác Chúa, bị biến dạng bởi sự gian ác kinh khiếp như thế, giờ đây được bọc trong một tấm vải liệm và chôn vùi xuống đất: đây là sự sáng tạo mới. Chúng con phó thác nơi Chúa Cha Giáo hội, được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa, xin cho Giáo Hội không bao giờ bỏ cuộc khi đối mặt với những thất bại và chạy theo vẻ bề ngoài, nhưng kiên trì đưa ra tất cả các thông điệp vui mừng về ơn cứu rỗi cho chúng con.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, Chúa là khởi thủy và là cùng đích của tất cả mọi sự, trong Lễ Vượt qua của Chúa Kitô, Chúa đã cứu chuộc cả nhân loại. Xin ban cho chúng ta sự khôn ngoan của Thập giá để chúng con có thể từ bỏ chính mình theo thánh ý Chúa với tinh thần vui mừng và biết ơn. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Chặng thứ mười bốn
Chúa Giêsu được táng xác trong ngôi mộ
(Bài suy niệm của một nhân viên cải huấn)
Hôm ấy là áp lễ, và ngày sabát bắt đầu ló rạng. Cùng đi với ông Giuse, có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào.Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sabát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền. (Lc 23: 54-56).
Trong nhiệm vụ của mình với tư cách là một nhân viên cải huấn, mỗi ngày tôi đều trải nghiệm tận mắt sự đau khổ của những người sống trong tù. Thật không dễ dàng khi phải đối mặt với một người chiều theo sự dữ và gây ra những tổn hại to lớn cho người khác và mạng sống của họ. Trong tù, một thái độ thờ ơ có thể tạo ra sự tổn hại hơn nữa trong lịch sử của một người đã vấp ngã và đang phải trả giá trước công lý. Một đồng nghiệp, người thầy của tôi, thường xuyên lặp đi lặp lại: “Nhà tù thay đổi bạn: một người tốt có thể trở thành một kẻ tàn bạo. Một người ác có thể trở nên tốt hơn”. Kết quả phụ thuộc vào tôi và một quyết tâm vững chắc là điều cần thiết để đạt được mục tiêu công việc của mình: đó là đưa ra một khả năng khác cho người đã gây ra lỗi lầm. Để đạt đến điều này, tôi không thể giới hạn bản thân mình trong việc đóng mở một phòng giam, một cách vô cảm, và phi nhân bản.
Bằng cách tôn trọng nhịp độ của mỗi người, mối quan hệ giữa con người với nhau một lần nữa có thể phát triển mạnh mẽ trong thế giới ngột ngạt này. Nó xảy ra thông qua cử chỉ, thái độ và lời nói, là những điều có thể tạo ra sự khác biệt, ngay cả khi nói với giọng nói nhỏ nhẹ. Tôi không xấu hổ khi thực thi sứ vụ của một phó tế vĩnh viễn khi mặc đồng phục mà tôi tự hào. Tôi từng trải qua đau khổ và tuyệt vọng: Tôi đã trải nghiệm chúng khi còn nhỏ. Mong muốn nhỏ nhoi của tôi là trở thành một điểm tham chiếu cho những người tôi gặp sau song sắt. Tôi làm việc chăm chỉ để giữ cho hy vọng có thể sống động trong những người cuộn tròn trong chính mình, sợ hãi khi nghĩ đến một ngày nào đó sẽ ra được chốn này nhưng bị xã hội từ chối một lần nữa.
Trong tù, tôi nhắc nhở họ rằng, với Chúa, không có tội lỗi nào có tiếng nói chung cuộc.
Lạy Chúa Giêsu, một lần nữa Chúa ở trong tay con người, nhưng lần này, những bàn tay ấy là bàn tay yêu thương của ông Giuse xứ Arimathea và một số phụ nữ ngoan đạo từ Galilê, là những người biết rằng thân xác Chúa là quý giá. Bàn tay của họ đại diện cho bàn tay của tất cả những người không bao giờ mệt mỏi phục vụ Chúa, và thể hiện tình yêu mà con người có khả năng. Chính tình yêu này khiến chúng con hy vọng vào khả năng của một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng con chỉ cần sẵn sàng để cho mình được gặp gỡ với ân sủng đến từ Chúa. Trong lời cầu nguyện, chúng con giao phó cho Chúa Cha, cách riêng, tất cả các cai ngục và tất cả những người làm việc trong các chức năng khác nhau trong các nhà tù.
Chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa, là ánh sáng vĩnh cửu và ngày bất tận, xin đổ tràn đầy phúc lành của Chúa lên những người cống hiến hết mình cho lời ngợi khen Chúa và phục vụ những người đau khổ trong vô số những nỗi đau và nỗi buồn của con người. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Lời nguyện kết thúc.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, cuộc thương khó và cái chết của Chúa là hy tế kết hợp trời và đất và hòa giải tất cả mọi người với Chúa.
Xin cho chúng con là những người đã thành tâm suy tư về những mầu nhiệm này, biết dõi theo các bước chân Chúa, để chúng con có thể chia sẻ vinh quang Chúa trên thiên đàng nơi Chúa hằng sống hằng trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.