Đại dịch là một khúc quanh đối với Đức Phanxicô?

Đại dịch tác động lên mọi người. Điều này đúng, nhưng đối với bản thân Đức Phanxicô thì sao? Nicole Winfield của hãng tin A.P. đã thắc mắc như thế (https://cruxnow.com/vatican/2020/08/what-happens-when-pandemic-locks-down-a-globe-trotting-pope) và theo cô, dường như nó đánh dấu một bước ngoặt trong triều Giáo Hoàng của ngài.


Theo nữ ký giả trên, trong tháng Ba vừa rồi, vào ngày nước Ý ghi nhận con số thương vong nhẩy vọt cao nhất, Đức Phanxicô đã ra khỏi cảnh cấm cửa để dâng lời cầu nguyện ngoại thường và khẩn khoản xin các tín hữu duyệt lại các ưu tiên của họ bằng cách lập luận rằng coronavirus cho thấy họ cần đến nhau.

Trong cơn mưa rả rích rơi trên quảng trường mênh mông của Nhà Thờ Thánh Phêrô, lời lẽ của Đức Phanxicô tóm gọn các sứ điệp cốt lõi ngài vốn nhấn mạnh trong suốt 7 năm triều Giáo Hoàng của ngài: liên đới, công bằng xã hội và chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất.

Nhưng giờ phút đầy cảm kích trên cũng cho thấy Đức Giáo Hoàng rơi vào tình huống cô đơn biết chừng nào trong thời Covid-19 hoành hành và sự chống đối dai dẳng của những người bảo thủ: “Ngài hoàn toàn chỉ có một mình trước một kẻ thù vô hình, rao giảng ở một quảng trường trống rỗng đến rợn người”.

Winfield cho rằng trong cuộc khủng hoảng virút, Đức Phanxicô “đã trở thành ‘người tù của Vatican’ trong thế kỷ 21, như một trong các vị tiền nhiệm của ngài vốn được mô tả, bị cướp mất quần chúng, các cuộc du hành ra ngoại quốc và các cuộc viếng thăm các vùng ngoại vi vốn xác định và quảng bá triều Giáo Hoàng của ngài rất nhiều”.

Tuy ngài sẽ tái tục các buổi yết kiến chung có tín hữu tham dự vào tuần này, nhưng các buổi yết kiến này chỉ diễn ra ở sân bên trong Điện Vatican trước một đám đông giới hạn chứ không ở quảng trường rộng thênh thang của Nhà Thờ Thánh Phêrô.

Tuy nhiên, sau tin mừng nước Ý đã khuất phục được con coronavirus không lâu, nay nó lại hoành hành trở lại với con số 1, 000 ca nhiễm mới hàng ngày. Viễn ảnh những buổi yết kiến này không có chi sáng sủa.

Cô tự hỏi: tất cả những điều ấy có nghĩa gì đối với vị Giáo Hoàng 83 tuổi trước đây vốn rong ruổi khắp nơi trên thế giới và thừa tác vụ của ngài đối với 1 tỷ 2 người Công Giáo thế giới?

Alberto Melloni, một sử gia Giáo Hội vốn có thiện cảm với Đức Phanxicô, nhận định rằng đại dịch đánh dấu việc bắt đầu kết thúc triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô. Trong một tiểu luận gần đây, ông quả quyết rằng các căng thẳng ngấm ngầm trong suốt triều Giáo Hoàng đã trồi lên trong lúc bị cấm cửa, và sẽ không phai mờ đi một khi Covid-19 được thuần hóa.

Ông viết “trong mỗi triều Giáo Hoàng, có một thời điểm lịch sử sau đó giai đoạn cuối cùng sẽ bắt đầu; giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm”. Đối với Đức Phanxicô, “thời điểm đó là đại dịch và sự cô đơn của ngài trước virút”.

Người viết tiểu sử của ngài, Austen Ivereigh, cũng cho rằng đại dịch quả là “giờ phút phân chia trước sau” đối với triều giáo hoàng và cả nhân loại. Nhưng ông không cho rằng Đức Phanxicô bị cô lập; trái lại nhận định rằng cuộc khủng hoảng đem lại cho ngài cơ hội không ngờ để ngài cung ứng hướng dẫn tinh thần cho một thế giới đang cần đến.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho hay đại dịch tạo ra “một thúc đẩy mới đối với triều Giáo Hoàng” trong việc nhấn mạnh nhiều gấp bội sứ điệp cốt lõi của mình từng được phát biểu trong thông Laudato Si’ năm 2015. Trong văn kiện này, Đức Phanxicô yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị sửa chữa các bất quân bình tai hại trong cơ cấu kinh tế hoàn cầu từng biến Trái Đất thành “một đống rác mênh mông”.

Ivereigh nhận định: “Ngài xác tín rằng đó là điểm ngoặt, và điều Giáo Hội có thể cung ứng cho nhân loại là điều rất hữu ích. Ngài xác tín rằng…trong một cuộc khủng hoảng, và một cuộc khủng hoảng lớn như chiến tranh hay đại dịch, bạn ra khỏi nó một là tốt hơn hai là tệ hơn”.

Hiện có tin đồn Đức Phanxicô đang viết một thông điệp mới cho thế giới hậu Covid-19, nhưng vào lúc này, phần chủ chốt trong sứ điệp của ngài được lồng trong Ủy Ban của Tòa Thánh lo giúp các nhà lãnh đạo Giáo Hội địa phương cách bảo đảm sao cho các nhu cầu của những người nghèo nhất được thoả mãn một khi đại dịch qua đi.

Ủy ban đang cung ứng sự trợ giúp cụ thể: mỗi tháng hay gần như thế, Vatican đều có loan báo việc cung cấp các máy thở mới cho một nước đang mở mang, cũng như các khuyến cáo về chính sách để các chính phủ và định chế suy nghĩ lại việc chăm sóc kinh tế, xã hội, y tế và các cơ cấu khác sao cho công bình và bền vững hơn.

Nữ tu Alessandra Smerilli, một nhà kinh tế và là thành viên chủ chốt của ủy ban cho biết: “Đức Giáo Hoàng không chỉ xem xét tình huống khẩn cấp. Ngài có lẽ là một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực bảo đảm rằng chúng ta không lãng phí cuộc khủng hoảng này, mọi nỗi đau mà cuộc khủng hoảng này gây ra đều không vô ích”.

Trong những tuần gần đây, Đức Phanxicô cũng đã phát động một loạt các bài giáo lý mới áp dụng giáo huấn xã hội Công Giáo vào đại dịch, tái khẳng định việc “ưu tiên chọn người nghèo” của Giáo Hội bằng cách yêu cầu người giàu không được ưu tiên chích vắc-xin và các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các bất công xã hội ngày càng trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng gây ra.

Vào tuần trước, Đức Phanxicô đã nói rằng “Một số người có thể làm việc tại nhà, trong khi điều này bất khả đối với nhiều người khác. Một số trẻ em… có thể tiếp tục nhận được một nền giáo dục học thuật, trong khi điều này đã bị gián đoạn đột ngột đối với nhiều em khác. Một số quốc gia hùng mạnh có thể phát hành tiền để đối phó với khủng hoảng, trong khi điều này có nghĩa là thế chấp tương lai đối với các nước khác”.

Ngài nói: “Những triệu chứng bất bình đẳng trên cho thấy một căn bệnh xã hội; nó là một loại virút phát xuất từ một nền kinh tế bệnh hoạn”.

Những lời lẽ trên được nói với một máy quay truyền hình đặt tại thư viện của Đức Phanxicô – hầu như không phải là khoảnh khắc nắm được các hàng tít lớn. Đó là cách sắp xếp được Vatican sử dụng từ tháng 3, khi họ đình chỉ mọi hoạt động và tụ tập không chủ yếu.

Đáng kể hơn, đại dịch đã lấy mất một trong những công cụ đắc lực nhất của Đức Phanxicô: du lịch nước ngoài. Kể từ những ngày rong ruổi khắp thế giới theo phong cách người nổi tiếng của Thánh Gioan Phaolô II, Tòa Thánh đã dựa vào các chuyến công du nước ngoài và việc tường trình 24 giờ của truyền thông đi kèm để đưa thông điệp của Đức Giáo Hoàng đến với đông đảo khán giả quốc tế mà nếu không, có lẽ không bao giờ lưu ý tới ngài nhiều.

Đức Phanxicô đã sử dụng những chuyến đi đó để tiếp xúc tại cơ sở với các linh mục và nữ tu ở rất xa ngài, gửi những thông điệp yêu thương nghiêm nghị đến các nhà lãnh đạo thế giới và cung cấp chăm sóc mục vụ, thường ở những ngóc ngách bị lãng quên trên hành tinh.

Những chuyến đi này cũng cho phép ngài cởi mở hơn trong việc đề cập tới những vấn đề vốn thân thiết với trái tim ngài trong các cuộc họp báo thả dàn lúc trở về Rôma.

Việc thiếu các chuyến du hành như vậy trong một thời gian dài có nghĩa gì đối với vị giáo hoàng thì còn cần thời gian mới thấy được. Nhưng Đức Phanxicô đã sẵn lòng tuân theo lệnh cấm của chính phủ Ý, và thậm chí còn phê phán các linh mục phàn nàn về các biện pháp như vậy.

Ivereigh cho biết Đức Phanxicô đã bày tỏ “sự gần gũi về tâm linh” của ngài theo những cách khác, bao gồm các Thánh lễ buổi sáng của ngài được phát hình trực tiếp và được hàng triệu người xem trước khi Vatican bãi bỏ lúc các nhà thờ Ý mở cửa trở lại.

Trong suốt mùa hè đã có các tường trình về các linh mục, nữ tu và dân thường trên khắp thế giới nhận được điện đàm của Đức Phanxicô: một giám mục ở Mozambique đang lao đao với bệnh dịch tả và sốt rét cũng như một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo; một nữ tu người Argentina đang chăm sóc những phụ nữ chuyển giới.

Mặc dù những câu chuyện thú vị như vậy thỉnh thoảng bị rò rỉ trong mùa hè thường trì trệ của Vatican, chúng vẫn không át được tiếng trống chỉ trích đều đặn trên các phương tiện truyền thông Công Giáo Hoa Kỳ từ những người chống đối bảo thủ của Đức Phanxicô, một phe nhỏ nhưng lớn tiếng của Giáo Hội.

Họ đã sử dụng sự cô lập tương đối của ngài để tiếp tục các cuộc tấn công và yêu cầu phải giải trình về hai thập niên che đậy các hành động của cựu Hồng Y người Mỹ Theodore McCarrick, người mà Đức Phanxicô đã hồi tục vào năm ngoái sau khi một cuộc điều tra của Vatican kết luận ông lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và các chủng sinh trưởng thành. Đức Phanxicô vẫn chưa công bố một báo cáo về những gì Vatican biết và biết khi nào về McCarrick, hai năm sau khi hứa sẽ làm như vậy.

Như để làm bằng chứng cho mong muốn của phe bảo thủ muốn nhìn xa hơn triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, hai cuốn sách đã được xuất bản vào mùa hè năm nay của các tác giả Công Giáo nổi tiếng. Cả hai đều có tựa đề là Vị Giáo hoàng Sắp Tới (The Next Pope).

Một cuốn phác thảo nhân cách của 19 ứng viên giáo hoàng trong mật nghị hội sắp tới. Cuốn kia thì liệt kê các đặc điểm mà vị giáo hoàng sắp tới cần có.

Mỗi cuốn đều phán về một triều đại giáo hoàng trong tương lai – thường là điều cấm kỵ trong khi vị đương kim giáo hoàng vẫn còn sống khỏe. Nhưng việc xuất bản của họ cho thấy ít nhất một số người đang nghĩ về những gì sắp xảy ra, không những chỉ sau đại dịch, mà còn cả triều giáo hoàng nữa.

Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/258257.htm