Thư gửi anh chị em giáo chức Công giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2020

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2020

 Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,

Mặc dù ngày “Nhà Giáo Việt Nam” đầu tiên được công bố và tổ chức trang trọng vào ngày 20.11.1982, nhưng từ bao đời trong lòng con dân Đất Việt đã khắc ghi và biểu lộ một cách sâu xa tâm tình “tôn sư trọng đạo”, để tôn vinh lòng tận tụy và kiên nhẫn của những người thầy trong cuộc sống. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, ngày Tết Nhà Giáo sẽ đến, một cơ hội thật tốt để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy trong cuộc sống của mình, là cơ hội thật ý nghĩa, để toàn xã hội tri ân tới những người đã dấn thân cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước văn minh, quê hương thịnh vượng và hạnh phúc. Với lòng biết ơn và cảm phục, tôi xin kính chúc quý thầy cô luôn an vui, khỏe mạnh và hạnh phúc trong sứ mạng cao cả của mình. Sứ mạng ấy, nhìn qua lăng kính đức tin Kitô giáo, quý thầy cô được lãnh nhận từ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và quan phòng hướng dẫn: “Này đây Ta răn dạy, chỉ cho con biết đường lối phải theo, để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ” (x. Tv 32, 8). Trong tâm tình ấy, tôi cũng muốn bày tỏ một ít tâm tư và nguyện vọng chân thành đến tất cả quý thầy cô.

1. Sứ mạng của những “người đi trước”

Ở mọi nơi và mọi thời, trong tiếng gọi “Thầy – Cô”, chúng ta luôn được coi là những người đi trước trong việc thu thập và truyền đạt kiến thức. Ngoài kiến thức chuyên môn của mình, vì là điểm tựa tinh thần cho các môn sinh, chúng ta cũng phải trang bị thêm những kiến thức cơ bản về nhiều phương diện: văn hóa, tôn giáo, luân lý, xã hội,…Là một giáo chức Kitô hữu, để thực thi đầy đủ sứ mạng, giáo huấn của Chúa Giêsu phải luôn là một kho tàng kiến thức quý giá mà ta phải trang bị và cập nhật cho chính mình. Thật vậy, người đi trước không đơn thuần chỉ là người chuyển giao kiến thức, mà còn là người biết yêu mến, bảo vệ, che chở như một người mục tử nhân lành mà phúc âm Thánh Gioan diễn tả. Người mục tử này không phải chỉ có nhiệm vụ cho chiên ăn uống, kiểm soát số lượng đàn chiên, mà còn hiểu biết, hy sinh, thao thức và gắn bó cuộc sống mình với chiên (x. Ga 10, 1-15). Chính vì thế, là người đi trước, hiểu trên phương diện xã hội lẫn đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy siêng năng và kiên trì học với Chúa Giêsu, vì Người có lòng hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11, 29). Những nhân đức rạng ngời ấy luôn cần thiết để chu toàn sứ mạng của một nhà giáo đúng nghĩa như Giáo hội ước mong.

2. Những khó khăn trong giáo dục

Cho đến hôm nay, chưa ai dám phủ nhận vai trò của giáo dục trong sự phát triển xã hội và thăng tiến con người về mọi mặt. Giáo dục đưa cuộc sống con người lên tầm cao, nhưng giáo dục cũng bị ảnh hưởng bởi những chuyển biến của cuộc sống xã hội, tạo nên những khó khăn nghiêm trọng. Trước nhất phải nói đến cái nghèo: nghèo vật chất, nghèo phương tiện, nghèo nhận thức, nghèo nhân sự, …Tất cả những cái nghèo ấy, như một thực tế trước mắt, đã dần dần thu hẹp cánh cửa giáo dục, tự bản chất là cần thiết cho sự văn minh của con người, để nhường chỗ cho cuộc sống mưu sinh. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ Internet về nhiều phương diện, đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống xã hội, nhưng cũng để lại những mối đe dọa thật đáng lưu tâm cho cuộc sống con người khi nhìn từ góc độ giáo dục. Hy vọng rằng những khó khăn ấy không dập tắt ngọn lửa nhiệt tình trong giáo chức Việt Nam, mà ngược lại, thôi thúc chúng ta nghiên cứu, tìm tòi những phương cách hữu hiệu cho sứ mạng giáo dục của mình. Chúa Giêsu trong phúc âm đã khéo léo nhắc nhở các môn đệ đừng để cảm xúc của mình bị chi phối bởi những điều trước mặt, mà hãy vui mừng vì tên của các con đã được ghi trên trời (x. Lc 10, 20). Anh chị em cũng hãy luôn nhớ rằng: trong cái nhìn đức tin, công việc của mình là cộng tác với Chúa trong việc hoàn thiện công trình tạo dựng của Người.

3. Một ước mong cho ngành giáo dục

Từ đáy lòng của một người đã và đang thực hiện sứ mạng giáo dục Kitô giáo, tôi ước mong cho mỗi quý thầy cô, trước nhất và trên hết, xây dựng cho mình một ước muốn giáo dục mang tính chất toàn diện. Bởi vì một nền giáo dục đúng nghĩa, theo tôi, không chỉ là để đào tạo các thế hệ trẻ thành các chuyên viên tài giỏi, mà còn phải đào luyện họ thành những con người trưởng thành và đạo đức. Một ước muốn giáo dục mà từ cái nhìn đức tin, tôi cảm nghiệm được rằng tác giả sách Gióp thao thức từ rất lâu trong thời Cựu ước: giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm (x. G 33, 17 – 18)Trong số 49 của Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến những vị thánh trẻ. Những chứng nhân sáng ngời này cho phép tôi liên tưởng và xác tín rằng: con đường nên thánh của các ngài vẫn in sâu dấu vết của một nền giáo dục toàn diện ấy. Hãy cùng nhau sống thánh để chúng ta dạy người khác sống thánh.

4. Lời chào cuối thư

Quý Thầy Cô thân mến,

Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một lần nữa, tôi gửi lời kính chúc đến quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Tết Nhà Giáo vui tươi, ý nghĩa, luôn ấp ủ trong mình một ước muốn giáo dục toàn diện cho các thế hệ mai sau. Tôi cũng không quên quý thầy cô đã hưu trí, quý thầy cô, vì bất cứ lý do gì, đã gác lại sứ mạng của mình. Tôi cám ơn và cầu chúc tất cả quý vị an bình và hạnh phúc.

Thân ái trong Chúa Kitô.

 Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2020.

 Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long

Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

Nguồn:giaophanvinhlong.net