ROME – Một Linh mục người Iraq bày tỏ hy vọng rằng nếu chuyến Tông du theo lịch trình của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq vào tháng tới diễn ra như dự kiến, chuyến viếng thăm này sẽ không chỉ giúp chữa lành những vết thương của cộng đồng Kitô giáo bị tổn thương trong nước, mà còn thúc đẩy nỗ lực khôi phục sự tin tưởng với dân số Hồi giáo.
“Đối với chúng tôi, việc chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô là chào đón một người mà sự hiện diện của Ngài sẽ chữa lành nhiều vết thương trong tâm hồn các tín hữu của chúng tôi”, và người sẽ cho thấy “Giáo hội đã không bỏ rơi các tín hữu của mình”, Cha Karam Qasha, Linh mục Giáo xứ Telskuf thuộc Giáo hội Công giáo Chaldean, phát biểu trong cuộc họp bàn tròn vào ngày 4 tháng 2 với các nhà báo.
Giống như nhiều nơi khác, Qasha, ngôi làng nằm cách Mosul khoảng 19 dặm về phía Bắc, tin rằng chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không chỉ là chuyến viếng thăm Iraq “mà còn đối với toàn bộ Trung Đông”, bởi vì trong khu vực, cho dù họ là những người tị nạn hay vẫn còn ở lại quê hương, các Kitô hữu đã phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.
“Chúng tôi hy vọng chuyến viếng thăm này sẽ mang lại một khuôn khổ khác, một chân trời khác, cho các tín hữu của chúng tôi”, Linh mục Qasha nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ viếng thăm Iraq vào tháng tới, khiến Ngài trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến đất nước này.
Một số vị Giáo hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô đã muốn đến thăm Iraq vì nguồn gốc Kitô giáo cổ xưa của nó cũng như để khuyến khích cộng đồng Kitô giáo địa phương sau nhiều thập kỷ chiến tranh và bắt bớ, nhưng vì nhiều lý do đã không thể thực hiện mong muốn này.
Trong chuyến viếng thăm từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ dừng chân ở Baghdad, Erbil, Qaraqosh, Mosul và đồng bằng Ur, và có thể đi đường vòng ngắn đến thành phố Najaf để gặp gỡ Đại Giáo sĩ Ayatollah Al-Sistani, một trong những nhân vật có thẩm quyền nhất trong thế giới Hồi giáo Shi’a.
Các nhà chức trách Giáo hội địa phương, bao gồm Đức Thượng phụ Công giáo Chaldean Luis Raphael Sako, hy vọng rằng nếu Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Giáo sĩ Al-Sistani gặp gỡ nhau, hai nhà lãnh đạo sẽ ký kết văn kiện ‘Tinh thần Huynh đệ Nhân loại’ đã được ký bởi Đức Thánh Cha Phanxicô và người có thẩm quyền hàng đầu trong thế giới Hồi giáo Sunni, Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb của Đại học Hồi giáo Al-Azhar, trong chuyến viếng thăm vào năm 2019 của Đức Phanxicô đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trong những tuần lễ gần đây, nhiều người đã suy đoán rằng liệu chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể bị hoãn lại do những lo ngại về vấn đề an ninh, sự gia tăng các trường hợp coronavirus và chứng đau thần kinh tọa của Đức Thánh Cha, điều mà hai lần vào tháng trước đã buộc Đức Phanxicô phải bỏ qua các buổi tiếp kiến và các buổi cử hành phụng vụ quan trọng.
Cho đến nay, Vatican hiện vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về việc chuyến viếng thăm sẽ không diễn ra, và vào thứ Năm, đoàn báo chí đi cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô đã được triệu tập để được tiêm liều vắc-xin chống COVID đầu tiên của họ. Tuy nhiên, mới cuối tuần trước, Bộ Y tế Iraq đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo rằng một đợt vi rút coronavirus thứ hai, nguy hiểm hơn có thể tấn công, khi các ca bệnh gia tăng và người dân không tuân thủ các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn như giữ khoảng cách xã hội và đeo khẩu trang.
Trong những lời nhận xét của mình, Linh mục Qasha có vẻ tin tưởng rằng chuyến viếng thăm sẽ diễn ra và đồng thời bày tỏ hy vọng rằng chuyến viếng thăm sẽ không chỉ giúp ích cho quá trình khôi phục lòng tin giữa những các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo, mà những lời của ĐTC Phanxicô sẽ truyền cảm hứng cho sự thay đổi trong một chính phủ bị cản trở bởi vấn nạn tham nhũng.
Lưu ý rằng các Kitô hữu tại Iraq thường được coi là dân số “tử vì đạo”, Linh mục Qasha cho biết chỉ còn khoảng 250-300.000 Kitô hữu trong nước, nơi từng có dân số gần 1,5 triệu Kitô hữu.
Bản thân Linh mục Qasha cũng lưu ý rằng số lượng các gia đình Kitô giáo trong ngôi làng của ngài đã giảm từ khoảng 1.450 xuống chỉ còn 500 gia đình sau cuộc xâm lược của ISIS vào Đồng bằng Nineveh. Ngay cả sau khi ISIS bị đánh bại vào năm 2017, hầu hết các Kitô hữu đã rời bỏ khu vực, hoặc chuyển ra nước ngoài hoặc đến các thành phố lớn hơn như Erbil, nơi đã trở thành nơi cư trú tạm thời của hàng nghìn gia đình phải di dời trong khi ISIS còn được tự do.
Với việc các Kitô hữu chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ bé như vậy, một trong những công tác chuẩn bị lớn nhất đối với Giáo hội trước chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đó là tạo ra “bầu không khí chào đón”, Linh mục Qasha nói, đồng thời lưu ý rằng nhiều người hiểu biết rất ít về những điều các Kitô hữu tin tưởng.
Một cách chính mà các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương đang truyền bá thông tin này, Linh mục Qasha nói, đó là bằng cách nói với các phương tiện truyền thông địa phương về Kitô giáo như một tôn giáo của hòa bình. “Đó là một chuyến viếng thăm của hòa bình, chúng ta phải thể hiện điều này với những người anh em của mình”.
Các nhà lãnh đạo cũng thường xuyên lên tiếng về sự cần thiết “đối với chuyến viếng thăm này để hỗ trợ, khuyến khích quan hệ giữa các tôn giáo trong nước”.
Thông điệp này đặc biệt phù hợp khi các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo tranh đấu để giành lại sự tin tưởng, như trong nhiều trường hợp, một khi các gia đình Kitô giáo chạy trốn khỏi ISIS, chính những người anh em láng giềng Hồi giáo của họ đã đến cướp bóc và thậm chí tịch thu nhà cửa và tài sản của họ.
“Khi ISIS đến, những người anh em láng giềng của chúng tôi là những người đầu tiên đến cướp bóc của chúng tôi. Chính vì điều này, lòng tin đã bị phá vỡ”, Linh mục Qasha nói, và đồng thời cho biết đất đai và tài sản của Kitô giáo luôn nằm trong tầm ngắm của một số người Hồi giáo vốn coi sự hiện diện của họ ở đất nước này chỉ là tạm thời.
“Vậy, làm sao bạn có thể đến một người anh em láng giềng của bạn, những người vẫn ở đó, nhìn vào mắt họ và bạn biết rõ rằng họ là một trong những kẻ đã đến cướp bóc nhà mình, và tha thứ cho họ?”, Linh mục Qasha nói.
“Quả thực không dễ để chào một người đã làm điều sai trái với bạn, nhưng lời mời gọi của Kitô giáo là như vậy”, Linh mục Qasha nói.
Nói về cuộc gặp gỡ được đồn đoán giữa ĐTC Phanxicô và Đại Giáo sĩ Al-Sistani, Linh mục Qasha cho biết ngài tin rằng nó sẽ có ý nghĩa đặc biệt đối với cả các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo, và sẽ là “một cuộc gặp gỡ quan trọng nhằm tìm kiếm hòa bình giữa chúng ta và những người khác”.
“Thật không may, đã có sự rạn nứt đối với sự tin tưởng giữa hai bên, chúng ta và họ, nhưng chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu lại với sự tự tin này”, Linh mục Qasha nói.
Về Thông điệp mà Đức Thánh Cha Phanxicô có thể mang đến cho một chính phủ đang lâm vào cảnh tham nhũng, Linh mục Qasha cho biết rằng ngay cả khi Đức Phanxicô mời gọi thay đổi tâm hồn, các nhà lãnh đạo sẽ không lắng nghe, “bởi vì khi có tiền, khi có lợi ích cá nhân, đôi tai của chúng ta sẽ không được mở rộng như vậy”.
Mặc dù khoảng 80% dân số sống trong cảnh nghèo đói, Iraq không phải là một quốc gia nghèo, nhưng lợi ích cá nhân luôn vượt trội so với lợi ích của dân chúng nói chung.
Trong khi những lời kêu gọi dọn dẹp mọi thứ ngay từ bên trong Iraq phần lớn bị phớt lờ, Linh mục Qasha bày tỏ hy vọng rằng với một người có ảnh hưởng như Đức Thánh Cha Phanxicô đến từ bên ngoài, “nó có thể thay đổi điều gì đó”.
Về việc chuẩn bị cho các sự kiện và các cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha, Linh mục Qasha cho biết rằng hiện tại, mọi thứ đang hơi vô tổ chức và các kế hoạch đã thay đổi “rất nhiều”, nhưng có một điều chắc chắn là tất cả các sự kiện lớn của Đức Phanxicô sẽ được truyền trực tiếp trên các kênh truyền hình địa phương.
Đề cập đến các vụ tấn công tự sát kép tại một khu chợ đông đúc ở Baghdad vào tháng trước khiến hàng chục người thiệt mạng, Linh mục Qasha cho biết ngài tin rằng sẽ có “sự an ninh chặt chẽ” cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô và chính phủ đang hết sức đề cao nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các biện pháp phòng ngừa được thực hiện, điều đó không có nghĩa là không có nguy hiểm.
“Chúng tôi hy vọng rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra”, Linh mục Qasha nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng chúng tôi hy vọng là không phải như vậy”.
Minh Tuệ (theo Crux)