Trong tuyên bố được đưa ra hôm 22/9, tại Cuộc họp Cấp cao của Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 20 năm Tuyên bố Durban và Chương trình Hành động New York, Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh khẳng định “Toà Thánh tham gia chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bài ngoại và thái độ bất khoan dung”.
Trong bài phát biểu, trước hết, Đức Tổng Giám mục nói, Toà Thánh vui mừng tham gia cuộc họp kỷ niệm này. Một cuộc họp tập trung vào “sự bồi thường, công bằng sắc tộc và bình đẳng cho người gốc Phi”. Toà Thánh là thành viên của Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, điều này phù hợp với bản chất và sứ vụ cụ thể của Giáo hội Công giáo. Vì vậy, trong tinh thần hợp tác, Toà Thánh tham gia chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bài ngoại và thái độ bất khoan dung.
Cách riêng đối với những người gốc Phi đang sống trong tình trạng di cư và tị nạn, thường bị phân biệt đối xử, Toà Thánh hy vọng rằng việc thành lập Diễn đàn Thường trực gần đây cho người gốc Phi sẽ đóng góp vào nỗ lực của các quốc gia và quốc tế nhằm cung cấp công lý và hỗ trợ cho các nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc.
Theo Đức Tổng Giám mục, phân biệt chủng tộc có thể bị đánh bại qua một nền văn hoá gặp gỡ, huynh đệ và liên đới. Tuyên bố Durban là một bước quan trọng và cần thiết nhưng chúng phải dẫn đến sự thay đổi thực sự qua các hành động của các chính phủ, giáo dục và truyền thông đạo đức, cung cấp thông tin khách quan tôn trọng nhân phẩm và không nuôi dưỡng thái độ chia rẽ.
Tuyên bố Durban bày tỏ lo ngại về thái độ bất khoan dung, các hành vi thù địch và bạo lực chống các nhóm tôn giáo. Việc coi thường quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng dẫn đến nhiều vi phạm nhân quyền. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc bách hại tôn giáo của cả các tổ chức Nhà nước và không phải Nhà nước. Các cá nhân và các dân tộc bị phân biệt đối xử vì đức tin trong khi thủ phạm thường không bị trừng phạt. Một số tôn giáo thiểu số ở một số khu vực thậm chí phải đối mặt với nguy cơ chấm dứt, trong đó có cả các Kitô hữu, là nhóm bị bách hại nhiều nhất trên toàn cầu.
Một hình thức phân biệt khác là việc áp dụng thuyết ưu sinh trong các kỹ thuật sinh sản nhân tạo và việc chẩn đoán thai nhi. Theo đó, nếu bào thai bị khuyết tật hoặc có những điểm khác thường thì không đáng sống. Đức Tổng Giám mục khẳng định rằng, ý tưởng này hoàn toàn trái ngược với Tuyên bố Durban.
Cuối cùng, Ngoại trưởng Toà Thánh nhắc lại rằng, Tuyên bố Durban nhìn nhận vai trò của tôn giáo trong việc thúc đẩy nhân phẩm và giá trị của mỗi con người, xoá bỏ phân biệt chủng tộc, bài ngoại và thái độ bất khoan dung. Tất cả những điều này phải được kết hợp với luật pháp và các thể chế hoạt động, nhưng cuối cùng “phân biệt chủng tộc sẽ biến mất chỉ khi sự phân biệt này không còn tồn tại trong con tim mọi người”. (CSR_6373_2021)
Ngọc Yến – Vatican News