Từ chuyện “Anh có phải là đặc vụ của cộng sản không?”…

Anh Nguyên Hưng trong một lần trao đổi với các bạn trẻ với chủ đề “Những Cách Tiếp Cận Khác Về Văn Hóa” tại Hội trường của Nhà Thờ Thái Hà vào tháng 01.2015

Nghệ thuật Công giáo, ở Việt Nam, đã từng có thời rất được coi trọng. Nhất là trước 1960, khi các Đấng Thừa Sai còn trực tiếp cai quản Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. Trong những năm từ 1940 đến 1960, bắt đầu từ hoạ sĩ Lê Văn Đệ, và thông qua sự nối kết của họa sĩ Lê Văn Đệ, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, đã tập hợp được quanh mình rất nhiều hoạ sĩ xuất sắc và nhiều nhà tài trợ nhiệt tâm thực hiện sứ vụ “Nghệ thuật là Ngôn sứ” góp phần “bản địa hoá hình ảnh Thiên Chúa”, “Phục sinh Thiên Chúa nơi tâm hồn người Việt”. Điều đặc biệt đáng chú ý, là hầu hết hoạ sĩ tham gia vào “sứ vụ” này, đều ngoại đạo…

Sau 1960, trong Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, dường như, chỉ còn mỗi linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp (ở Đại chủng viện Giuse Saigon) là còn quan tâm đến Nghệ thuật Công giáo. Nhưng hoạt động tài trợ và sưu tập của ông, thuần tuý chỉ do đam mê và mang tính cá nhân…

Cho đến lúc này, trong Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, gần như, chẳng còn ai quan tâm đến bản chất “Ngôn sứ” của nghệ thuật nữa. Các tập hợp hoạ sĩ hay triển lãm nghệ thuật ở một số giáo xứ, hầu hết, cũng chỉ được xem là một thứ sinh hoạt văn nghệ-không có “định hướng” hay “chiến lược” gì…

Gần 10 năm qua, tiếp cận nhiều Đại chủng viện trên khắp cả nước, tôi thấy, gần như chẳng có Đại chủng viện nào có dạy về nghệ thuật Công giáo, nhất là lịch sử nghệ thuật Công giáo. Đây là điều rất đáng tiếc, dẫn đến nhiều hệ quả không hay, mà hiện tại, đã có rất nhiều ví dụ để chứng minh…

Không quan tâm đến nghệ thuật Công giáo, sự thực, còn có nghĩa là không quan tâm đến sự bảo tồn và phát triển văn hoá Công giáo. Nếu điều này không sớm được “phản tĩnh”, thì sự suy yếu dần của đạo Công giáo ở Việt Nam có thể xem là đương nhiên… Đức tin Công giáo chỉ được gia cố trên cái nền văn hoá Công giáo vững chắc…!

*

Gần 10 năm qua, viết về nghệ thuật Công giáo rồi đi chụp hình thực hiện dự án “Chạm vào nhà thờ Công giáo”, tôi đã tiếp xúc, gần gũi với rất nhiều linh mục và giám mục. Có vài linh mục và giám mục, sau khi thân quen đã hỏi thẳng tôi, giống nhau đại ý: “Có người nói, anh là ĐẶC VỤ của CS, nên cần cẩn trọng khi giao tiếp với anh. Tôi không tin, vì biết ít nhiều về gia tộc anh. Có ông nội, là nhà truyền giáo nổi tiếng. Có nhiều anh chị em là những tu sĩ có uy tín. Chính anh cũng rất thẳng thắn khi nói về đức tin tôn giáo của mình. Nhưng tôi vẫn không hiểu, là bằng cách nào, ngoài am hiểu nghệ thuật Công giáo, anh còn có hiểu biết sâu rộng cả thần học lẫn lịch sử giáo hội Công giáo đến vậy-nếu không được đào tạo đặc biệt…?”

Sự thực không quá khó hiểu. Do môi trường gia đình, tôi đọc sớm và rất nhiều các loại kinh sách Công giáo. Với lại, tôi cũng có trí nhớ rất tốt. Ngoài ra, bởi mê nghệ thuật phương Tây, và tiếp cận nghệ thuật phương Tây cũng rất sớm-khi mới hơn 10 tuổi-mà nghệ thuật phương Tây, có thể nói, gần như chồng khít với nghệ thuật Công giáo, nên ngay từ đầu, hai vùng kiến thức đó trong tôi, đã đan vào nhau, soi sáng cho nhau… Nhưng phải nói, kể từ khi nhận lời cộng tác với Ủy ban Nghệ thuật Thánh Công giáo, bắt đầu viết về nghệ thuật Công giáo cho website của TGP Saigon rồi tập hợp thành sách, tôi mới bắt đầu đào sâu hơn và hệ thống hoá kiến thức của mình. Đã chạm vào nghệ thuật Công giáo, đương nhiên, phải đọc lại kỹ càng Kinh Thánh. Đã chạm vào LỊCH SỬ nghệ thuật Công giáo, đương nhiên, sẽ đối diện với các cách KIẾN GIÃI THẦN HỌC KINH THÁNH khác nhau qua từng thời kỳ. Và bản thân điều này, buộc phải tham khảo kỹ càng lịch sử Thiên Chúa Giáo nói chung, lịch sử giáo hội Công giáo nói riêng. Chưa kể, phải chồng tất cả, lên lịch sử văn minh phương Tây nói chung. Viết về nghệ thuật Công giáo, không chỉ buộc tôi phải tìm hiểu sâu vào Thần học Mỹ đạo, mà còn phải tìm hiểu sâu từng phần và các mối liên hệ giữa Thần học Kinh Thánh, Thần học Tín lý, Thần học Phụng vụ v.v… cùng những biến đổi xuyên suốt lịch sử của Thiên Chúa Giáo nói chung, Công giáo nói riêng…

Kinh nghiệm của tôi, đến lúc này, theo tôi, cũng là kinh nghiệm về ý nghĩa của nghệ thuật Công giáo trong việc truyền giáo và đào tạo…

Giáo hội Công giáo ở Việt Nam lâu nay, đã sai lầm lớn, khi không quan tâm ĐÚNG MỨC và ĐÚNG CÁCH đến nghệ thuật Công giáo…!

NGUYÊN HƯNG

(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2020)