Tôi được cha Bình, cha xứ ở Avignon và Cha Hân DCCT, cha xứ cũ ở Valence, nhắn tin cho biết hôm qua, vào đúng ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 24.11.2021, cha Paul Carat qua đời tại nhà hưu dưỡng Lauris, vùng Côte d’Azur, nước Pháp.
Ngài là một trong những thừa sai cuối cùng của Hội truyền Giáo Paris đã từng phục vụ tại Việt Nam trong những năm 1952-1976 và còn sống đến ngày nay.
Đây là mấy niên biểu liên quan đến cuộc đời phục vụ của ngài mà tôi góp nhặt được từ các tác phẩm ngài viết và từ một bài báo trên website của Giáo phận Valence.
Cha Paul Carat sinh ngày 23.06.1921 tại Drôme, Valence.
Sau khi chịu chức linh mục và phục vụ mấy năm tại quê nhà, ngài đã gia nhập Hội truyền giáo Paris (MEP).
Ngày 15.06.1952 ngài được bổ nhiệm làm thừa sai tại Giáo phận Hà Nội.
Ngày 06.10.1952 ngài lên tầu từ cảng Marseille để sang Hà Nội.
Ngày 12.12.1952 ngài được bổ nhiệm phụ trách họ Phù Yên, giáo xứ Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, cách Hà Nội khoảng 30 km về phía Tây Nam, nằm bên sông Đáy.
Ngày 15.06.1953 ngài dẫn học sinh Trường trung học Thuộc địa Hà Nội tham dự trại hè thuộc địa tại Nhà Trang.
Tháng 11 năm 1953 ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Thượng Thụy và họ Phú Gia, cách Hà Nội khoảng 10 km về phía Tây Bắc, nằm bên bờ sông Hồng.
Những năm 1953-1954, thỉnh thoảng ngài được biệt phái đi làm lễ cho binh lính tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Tháng 1 năm 1955 ngài được Đức cha Giuse-Maria Trịnh Như Khuê bổ nhiệm làm cha xứ các giáo xứ Nghĩa Ải, Đồng Chiêm và Tụy Hiền.
Đây là ba giáo xứ từ năm 1946 đã không có cha xứ phục vụ, vì nằm trong vùng Việt Minh kiểm soát. Tuy nhiên, ngài đã không thể nhận nhiệm sở vì bị nhà cầm quyền cộng sản ngăn chặn.
Ngày 15.08.1958 ngài được bổ nhiệm làm quản xứ Hàm Long, một giáo xứ lớn nhất nằm trong thành phố Hà Nội.
Ngày 19.02.1960 ngài bị nhà cầm quyền cộng sản trục xuất khỏi Miền Bắc.
Việc trục xuất ngài đã chấm dứt gần 300 năm hiện diện liên tục của Hội Thừa sai Paris tại Miền Bắc Việt Nam. Vì trước đó, trong những thời kỳ cấm đạo khốc liệt nhất, vẫn có các thừa sai trốn được ở lại Miền Bắc.
Trở lại Pháp, ngài được Đức cha Paul Seitz, vốn là thừa sai tại Hà Nội với ngài, mời gia nhập Giáo phận Kontum.
Đầu năm 1961 khi đến Sài Gòn ngài được Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã nhờ coi xứ Lộc Ninh thay cha Vitte, vốn là thừa sai một thời với ngài tại Hà Nội, vừa trở về Pháp.
Tháng 1 năm 1962 đến Kontum và được bổ nhiệm làm cha xứ Diên Bình, một giáo xứ người thượng, nằm trong vùng chiến sự, cách thị xã Kontum khoảng 30 km về phía Tây Bắc, gần biên giới Việt-Lào.
Từ 01.05.1972 ngài bị Việt Cộng bắt và đưa vào vào rừng giam giữ cùng với với một số thừa sai, nữ tu và giáo lý viên. May mắn, nhờ áp lực quốc tế, ngày 27.08.1972 cộng sản đã phải trả tự do cho ngài.
Tháng 4 năm 1974 ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Hoài Ân, cũng là một giáo xứ nằm trong vùng chiến sự ở phía bắc tỉnh Bình Định.
Năm 1976 ngài bị nhà cầm quyền cộng sản trục xuất khỏi Việt Nam lần thứ 2 sau khi họ chiếm được Miền Nam năm 1975.
Năm 1976 ngài trở về Pháp và tái nhập địa phận Valence.
Ngày 24.11.2021 ngài qua đời tại Nhà hưu dưỡng của Hội Truyền giáo Paris tại Lauris, vùng Côte d’AzuAzur, hưởng thọ 100 tuổi.
[Ngài qua đời đúng ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà ngài hằng kính yêu.]
Ngài là một trong những chứng nhân và là ân nhân của Giáo Hội và đất nước Việt Nam trong những năm chiến tranh khốc liệt 1952-1976.
Từ năm 1987 ngài nhiều lần trở lại Việt Nam và đi thăm viếng các giáo dân ở các xứ đạo ngài từ phục vụ từ Bắc chí Nam.
Ngài đã ghi lại một số những điều mắt thấy tai nghe và việc làm trong 5 tác phẩm sau đây:
1- Qui sème dans la joie… Missionnaire dans l’enfer du Vietnam 1952-1976 [Người gieo niềm vui… Vị thừa sai trong địa ngục Việt Nam 1952-1976], Valence, Peuple Libre, 2008.
2- Le Miracle de l’Evangile- Dix ans dans la forêt vierge au Vietnam [Phép lạ Tin mừng-10 năm trong rừng rậm ở Việt Nam] [1962-1972], Valence, Peuple Libre, 2014.
3- Prise en otage par les Viêt-cộng- Journal d’un missionaire durant les combats de Dak-tô (mùa xuân năm 1972). [Bi bắt làm con tin của Việt-cộng, nhật ký của một thừa sai trong trận Đak-tô 1972 (mùa xuân năm 1972)], Valence, Peuple Libre, 2011.
4- Dans l’enfer du Vietnam- Persécution des chrétiens par le régime révolutionaire [Trong địa ngục Việt Nam -Các Kitô hữu bị chế độ cộng sản bách hại, Valence, Peuple Libre, 2012.
5- Linh mục thừa sai trẻ ở Hà Nội Việt Nam 1952-1954. Điện Biên Phủ. Kết thúc chiến tranh Đông Dương, Paris, Glyphe [2010?]
Đây là những sách này rất đáng đọc để biết Giáo Hội đã phải chịu bách hại thế nào dưới chế độ cộng sản ở Miền Bắc từ cuối năm 1954 và ở Miền Nam từ 30 tháng 4 năm 1975 cũng như những khốn khổ mà giáo dân phải chịu trong cuộc chiến tranh do cộng sản phát động để chiếm Miền Nam từ năm 1960 đến năm 1975. Ngài viết với tư cách là một chứng nhân và là một nạn nhân.
Trong đoạn cuối phần dẫn nhập của tác phẩm sau cùng ngài viết những dòng sau đây:
“Mặc dù tôi không còn ở Việt Nam, nhưng trái tim tôi luôn gắn chặt với đất nước này, với Giáo Hội này. Tôi luôn luôn cầu nguyện để Việt Nam sẽ là một đất nước giầu mạnh, phát triển, hòa bình trên thế giới. Bởi vì hơn bốn thế kỷ qua, dòng nhựa Tám Mối Phúc Thật đã chảy trong Giáo Hội Việt Nam. Các Thánh Tử đạo Việt Nam đã vạch ra con đường, các ngài hiểu rằng nền hòa bình thực sự đã gắn chặt trong con người của Chúa Kitô, Vua Hòa Bình. Hòa bình là món quà Chúa đã ban tặng cho, nền hòa bình mà theo như lời của Đức Hồng y Roger Etchegaray: “chỉ có hòa bình thật sự khi nền hòa bình này đã được thử thách, được tôn trọng cùng một lúc với sự đồng thuận của loài người”.
Xin quý ông bà anh chị em cầu nguyện cho ngài. Đặc biệt là quý ông bà anh chị em đã hay đang ở các giáo họ giáo xứ: Phù Yên, Phúc Lâm, Phú Gia, Thượng Thụy, Hàm Long, Lộc Ninh, Diên Bình, Hoài Ân, thuộc các giáo phận Hà Nội, Phú Cường, Kontum, Quy Nhơn.
Roma 25.11.2021
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT