Chia sẻ về ơn gọi tu trì:
2. Bạn ơi! Lên tàu đi. Mình cùng theo Giêsu nào!
Một câu hỏi khởi đầu cho ơn gọi
Mầm mống ơn gọi đầu tiên được gieo vào trong lòng tôi ấy là sau dịp Rước Lễ lần đầu. Mẹ hỏi tôi: “Sau này con có muốn đi tu không?” Tôi không nhớ tôi đã trả lời như thế nào, nhưng chỉ biết rằng kể từ ngày đó, ý tưởng đi tu bắt đầu xuất hiện trong tâm trí của tôi, dù tôi còn không định hình được đi tu có nghĩa là gì.
Lớn hơn một chút, cũng với câu hỏi ấy của mẹ, tôi ngây thơ trả lời: “Con cũng muốn đi tu, nhưng con sợ môn Văn lắm.” Tôi nói vậy là bởi vì tôi nghe người ta nói các cha phải soạn bài giảng mỗi ngày. Mẹ tôi đơn sơ giải thích cho tôi: “Đừng lo, các cha có một cuốn sách dùng cho cả năm. Cứ đến ngày nào là mở bài ngày đó ra đọc thôi. Không sao đâu.” Tôi thấy yên tâm phần nào nhờ lời giải thích đơn sơ ấy của mẹ vì tin rằng, chỉ cần có cái cuốn sách giống như cuốn “văn mẫu” mà tôi cũng hay dùng khi làm bài tập làm văn thì khỏi cần lo về việc viết văn mỗi ngày.
Ơn gọi chỉ thực sự định hình trong tôi ấy là vào vào kỉ nghỉ hè năm lớp 6. Bố tôi có mua cho tôi một cuốn sách với tựa đề “Thiên hùng sử các thánh tử đạo Việt Nam.” Đây là một cuốn sách lịch sử, thuật lại chứng tá đức tin của 117 vị Hiển Thánh của giáo hội Việt Nam. Trong suốt mùa hè ấy, tôi đọc đi đọc lại từng trang sách, rồi ngồi tưởng tượng ra cuộc đời thừa sai của các ngài. Tôi cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ các cha Tây, dám lìa xa gia đình, xa bạn bè, xa nơi chôn nhau cắt rốn để rồi đến một đất nước xa lạ, chịu cảnh bắt bớ, cấm cách, khổ sở trăm bề. Tôi cũng rất cảm phục các bậc tổ tiên đã đón nhận hồng phúc tử đạo. Họ là các lý trưởng, các chủng sinh, quân nhân, đủ mọi tầng lớp trong xã hội đã đổ máu đào để làm chứng cho Thiên Chúa. Tôi thậm chí còn nhắm mắt, tưởng tượng nếu mình sống trong thời cấm đạo như vậy, và nếu mình bị bắt, bị đưa ra pháp trường, mình sẽ cảm thấy như thế nào? Tôi rất ngưỡng mộ cha Thánh Đa-minh Vũ Đình Tước, ngài là người có cùng quê hương với tôi. Càng đọc, tôi càng yêu mến các Thánh tử đạo Việt Nam. Sau mùa hè ấy, ước muốn dâng mình cho Chúa để phục vụ Dân Thánh của Người trở nên rõ rệt trong tâm hồn tôi. Cuốn sách này, mà chính xác hơn, tấm gương của các thánh tử đạo chính là chất xúc tác, khiến ơn gọi nảy mầm nơi tôi.
Cũng thật lạ, dù muốn đi tu, nhưng chẳng hiểu sao khi bước vào tuổi niên thiếu, tôi lại trở nên biếng nhác đi nhà thờ. Mỗi tuần ở giáo xứ tôi có một thánh lễ chiều thứ bảy dành riêng cho thiếu nhi nhưng tôi tìm mọi cách để tránh phải đi lễ. Nhiều khi phải trốn mẹ, vì mẹ mà thấy tôi ở nhà là sẽ rầy la. Sau này tôi nghĩ ra một cách ấy là xin đi học thêm vào thứ bảy và chủ nhật. Vì thế, mẹ tôi đành chịu, không còn cách nào ép tôi đi lễ nữa. Tôi trở nên xa nhà thờ, xa thiếu nhi thánh thể, xa thánh lễ dù vẫn ý thức mình muốn đi tu. Thật lạ và thật khó hiểu! Có lẽ, đó là cuộc khủng hoảng thời niên thiếu chăng?
Mãi cho đến khi tôi rời xa gia đình để lên Hà Nội, biến cố Thái Hà và Tòa Khâm Sứ xảy ra cùng thời điểm ấy khiến tôi thường xuyên lui tới Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chẳng những đi lễ ngày Chúa Nhật, tôi còn tham dự các Thánh lễ trong tuần, mỗi khi tôi có thể. Sở dĩ tôi chịu khó đi như vậy là vì những bài giảng lôi cuốn, đánh động lòng người của các Cha Dòng Chúa Cứu Thế nơi đây. Nghe các bài giảng trực tiếp thôi chưa đủ, tôi còn chịu khó lên trang mạng để tải file thâu âm để nghe lại. Tôi nghe một cách say mê và có cảm tưởng, sau mỗi bài, lòng trí tôi như được sáng ra rất nhiều điều về cuộc đời, về giáo hội và về hành trình đức tin mà mỗi người cần bước đi trong đời.
Khi chia sẻ về lý do tại sao mình có ý định đi tu, tôi cũng nhận được chia sẻ từ nhiều người cũng có cùng kinh nghiệm được ai đó gợi mở, đặt câu hỏi “sau này có muốn đi tu không?” Trẻ em thường rất thích trả lời câu hỏi “sau này con muốn làm gì?” Đứa thì trả lời con thích làm giáo viên, con thích làm bác sĩ, con thích làm ca sĩ. Nhưng đa phần trẻ em sẽ không hiểu “đi tu” có nghĩa là gì. Nhưng nếu người lớn chịu khó đặt câu hỏi cho các em, biết đâu đó sẽ là khởi đầu cho một ơn gọi như chính tôi chẳng hạn.
𝐿𝑢̛̣𝑎 𝑐ℎ𝑜̣𝑛 𝑙𝑖𝑒̂𝑛 𝑡𝑢̣𝑐
Đi tu đã là một lựa chọn khó khăn, nhưng người đi tu không phải lựa chọn một lần là xong, họ phải lựa chọn rất nhiều lần, thậm chí là phải lựa chọn liên tục mỗi ngày: Chọn tiếp tục hay dừng lại, chọn sống vươn lên hay buông lơi, chọn vâng lời hay làm theo ý riêng, … Với cá nhân tôi, có ba thử thách lớn, ba lựa chọn quan trọng trên hành trình ơn gọi của tôi.
Lựa chọn đầu tiên tôi đối diện ấy là phải xác định mình sẽ học ngành gì ở đại học. Cuối năm cấp ba, khi nộp hồ sơ thi đại học, tôi đắn đo suy nghĩ mình nên thi trường gì và học ngành nào cho phù hợp. Tôi hiểu, lựa chọn của mình sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của mình. Nhiều người khuyên tôi nên học ngành Luật, vì họ nghĩ người đi tu thì cần phải giỏi về Giáo luật. Bố tôi thì muốn tôi thi đại học giao thông vận tải vì cho rằng sau này tôi có thể có công việc dễ dàng. Gia đình tôi có nhiều người làm trong nghành này. Giải pháp đưa ra là, bố tôi dẫn tôi đi gặp một linh mục quen biết với gia đình. Ngài cho tôi một lời khuyên rất hợp tình hợp lý: “Con nên đăng kí học ngành nào mình thích ấy. Như vậy thì con mới học tốt được. Hơn nữa, về chuyện đi tu, con còn có thời gian ở đại học để cân nhắc, quyết định sau cũng chưa muộn.” Nhờ lời khuyên này, tôi đã lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích và nguyện vọng của mình mà không bị lấn cấn chuyện đi tu nên học ngành gì nữa.
Lựa chọn thứ hai khiến tôi phải cân nhắc là chuyện đi tu triều hay tu Dòng. Trước kia tôi chỉ biết đi tu là làm cha xứ, là sẽ về một giáo xứ nào đó ở quê hương Bùi Chu và gắn bó cuộc đời mình ở đó. Nhưng việc tiếp xúc nhiều với các cha Dòng Chúa Cứu Thế giúp tôi hiểu ra rằng có nhiều lối tu khác khau trong Giáo hội. Tôi dần nhận ra sự khác biết rất lớn giữa tu triều và tu Dòng. Nếu như trước kia tôi chỉ biết đi tu là vào chủng viện, giờ tôi lại biết thêm những khái niệm mới như đệ tử viện, dự tập, tập viện, học viện. Đành rằng chỉ có một con đường duy nhất mang tên Giê-su, nhưng để bước đi theo Thầy, người ta có nhiều cách thức khác nhau. Và thế là, tôi rơi vào trạng thái phân vân lưỡng lự.
Tôi thấy mình lưỡng lự và không biết đâu là ý Chúa muốn. Đi tu triều cũng hay, và đi tu Dòng cũng hấp dẫn không kém. Mà ngay cả khi đã xác định đi Dòng, tôi cũng không biết là mình sẽ nên đi Dòng nào đây? Trong tâm trí tôi, có ba Dòng khiến tôi lôi cuốn: Dòng Đa minh với chiếc áo Dòng trắng, lại thêm chiếc áo choàng đen khoác bên ngoài, trông thật uy nghi. Tôi rất thích được đi học nên có sơ quen biết nói với tôi: Em đi Dòng Đa minh là hợp đó! Tìm hiểu về Dòng qua trang Web, tôi thích câu châm ngôn của Dòng: “Học hành cũng là khổ chế.” Trong bụng tôi thầm tính, chắc sau 5 năm đại học, tôi sẽ vào nhà thờ Ba Chuông để xin đi tu. Dòng thứ hai trong danh sách yêu mến của tôi ấy là Dòng Tên. Tôi đam mê khoa học và đăng kí ngành Hóa học của trường Đại học Khoa học tự nhiên. Khi đọc những dòng giới thiệu về Dòng, tôi thấy có rất nhiều khoa học gia và cũng là linh mục Dòng Tên. Ngay cả Đài Thiên Văn Vatican cũng do các tu sĩ của Dòng đảm trách. Tôi thích thú khi biết rằng, mình vẫn có thể theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học và trở thành linh mục cùng một lúc. Cuối cùng, Dòng Chúa Cứu Thế nằm ở vị trí thứ ba trong danh sách mến mộ của tôi. Tôi ngưỡng mộ các hoạt động đồng hành với người nghèo, người bị bỏ rơi của Nhà Dòng. Tôi quen biết một số các cha, các thầy, và nhất là cha Gio-an Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR. Từ năm thứ hai đến năm thứ tư đại học, tuần nào tôi cũng đến tham dự các lớp học buổi tối của cha. Bước vào năm cuối đại học, tôi quyết định mình cần phải làm một cuộc tĩnh tâm phân định ơn gọi. Vì thế mà tôi ngỏ lời xin với cha Quỳnh cho tôi được bước vào kỳ tĩnh tâm với cha. Suốt kỳ tĩnh tâm này, lần đầu tiên tôi được khám phá lại chính cuộc đời của mình. Mọi biến cố xảy ra trong đời còn lưu lại trong ký ức, tôi viết hết ra trên cuốn sổ. Cha giúp tôi nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa trên từng bước đường tôi đi, từng con người tôi gặp gỡ. Sau khi nhìn lại bản thân, gia đình và hành trình cuộc sống, tôi bước đến giai đoạn chọn lựa lối sống tu. Cha giúp tôi hiểu ra ngoài chuyện tu Dòng hay tu triều, tôi còn phải trả lời được nhiều câu hỏi khác, chẳng hạn như: Dòng hoạt động khác dòng chiêm niệm như thế nào? Đối tượng mà tôi muốn phục vụ là ai? Hình thức hoạt động mà tôi yêu thích là gì? … Cha lấy ví dụ rất dễ hiểu: Cùng là phục vụ người nghèo, nhưng có dòng chọn làm việc bác ái xã hội, có dòng chọn việc mở trường dạy học, có dòng chọn việc chia sẻ Lời Chúa để giúp họ có niềm tin sống. Cuối cùng, tôi hoàn toàn tự do đi đến quyết định dấn thân, bước theo Đức Ki-tô trong linh đạo và đặc sủng của Dòng Chúa Cứu Thế.
Lựa chọn lớn thứ ba xảy ra khi tôi đang ở Dự tập năm 1. Tỉnh Dòng Việt Nam và Úc Châu có chương trình đưa anh em trẻ, chưa khấn Dòng sang tìm hiểu ơn gọi tại nước Úc và nếu hợp, anh em sẽ tu học và làm việc ở đất nước này. Lớp chúng tôi là lớp đầu tiên gửi đi từ lớp Dự tập. Cha giám đốc ngỏ lời và hỏi tôi có muốn đi không. Tôi phân vân lưỡng lự. Đi du học nghe thì thích thật đấy, nhưng có rất nhiều điều tôi phải đắn đo cân nhắc, chẳng hạn như sức ép từ phía gia đình. Biết tôi có ý định đi tu xa, gia đình tôi không ai tán thành. Chấp nhận cho tôi đi tu đã là một chuyện khó khăn, nhưng để tôi đi tu ở nước ngoài, không phải chỉ là chuyện du học vài năm rồi về làm việc tại Việt Nam, nhưng là đi hẳn, dứt khoát dấn thân cho một sứ vụ ở một đất nước xa xôi, gia đình tôi thực sự khó lòng mà có thể đón nhận nổi. Mẹ tôi khóc sướt mướt gọi cho cha Quỳnh muốn nhờ ngài can thiệp để tôi từ bỏ ý định đi xa. Nhưng trái ngược với suy nghĩ của mẹ, cha thậm chí còn “mắng” cho mẹ: “Con đừng có làm như vậy! Không phải ai cũng được nhà Dòng cũng gửi đi đâu. Con nên để con của con nó được tự do quyết định.” Vượt qua bao nhiêu sự đấu tranh dằn vặt trong nội tâm, cuối cùng tôi cũng đủ can đảm nói lời xin vâng. Ngày tôi lên đường, mẹ nhất quyết theo tôi vào tận Sài Gòn chỉ để được nhìn được tôi thêm một lần trước khi lên máy bay. Sau mấy năm tôi đi học xa, mẹ tôi giờ cũng trở nên vui vẻ và ủng hộ quyết định của tôi. Chỉ có điều, nỗi nhớ con chắc là khó lòng mà có thể bù đắp được.
𝑆𝑢̛̣ 𝑐𝑢̛𝑢 𝑚𝑎𝑛𝑔 𝑐𝑢̉𝑎 ℎ𝑎𝑖 𝑏𝑎̀ 𝑀𝑒̣
Càng đi, tôi càng thấy đây đích thực là ơn gọi Chúa dành cho tôi. Tôi hạnh phúc với quyết định của mình bởi tôi cảm nghiệm được bàn tay Chúa quan phòng, dẫn dắt trên từng giai đoạn đường đời. Sống trong nhà Dòng, tôi cảm nhận được yêu thương, quan tâm, chăm sóc. Tôi nhớ như in lời cha Quỳnh nói với mẹ tôi ngày mẹ đưa tôi bước vào Nhà Dòng: “Con cứ yên tâm, Nhà Dòng sẽ chăm lo cho con của con còn tốt hơn cả con lo cho con mình.”
Và quả thật, chính sau này mẹ tôi cũng khẳng định điều này với đứa em con dì của tôi khi nó có ý định đi xuất khẩu lao động nước ngoài, nó nói: “Anh Trung còn đi được cơ mà.” Chỗ này phải giải thích, tôi không giỏi mấy chuyện buôn bán, cơm nước, lao động chân tay nên em tôi mới nói như thế. Mẹ tôi lắc đầu nói với nó: “Con ơi, anh Trung đi đến đâu cũng có biết bao nhiêu người lo lắng cho. Còn con đi làm ở xứ người, chỉ có một thân một mình.” Mẹ tôi cũng nói đúng. Tôi thấy mình đi đến đâu cũng được nhà Dòng chăm lo chu đáo: Từ chuyện giấy tờ, visa, học hành, nơi ăn chốn nghỉ… Gia nhập Dòng, tôi được tháp nhập vào một gia đình rộng lớn hơn. Anh em bạn bè cũng trở nên nhiều hơn gấp bội. Nhiều lúc tôi thấy lời Chúa ứng nghiệm nơi tôi một cách tường minh: “Chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương.”
Chẳng những được Nhà Dòng chăm sóc, còn có biết bao nhiêu tấm lòng quảng đại yêu mến lo lắng cho tôi chỉ vì một lý do rất đơn giản: Tôi đi tu. Nói vậy không phải là để tôi tự cho mình quyền kiêu căng tự phụ, nhưng không, đó là sự thật. Người giáo dân yêu mến quí trọng các linh mục tu sĩ không phải vì con người đó giỏi giang, tài giỏi gì nhưng chỉ vì người giáo dân tin những con người thánh hiến này sống gần với Thiên Chúa. Ý thức được điều này khiến tôi không khỏi hổ thẹn vì nhiều khi tôi thấy mình sống không được theo những kỳ vọng chính đáng mà người ta mong muốn thấy ở nơi những người đi tu.
Sống xa vòng tay yêu thương của người mẹ đã từng nuôi nấng mình suốt bao nhiêu năm, tôi được chào đón, bồng ẵm trong tay một bà mẹ khác, mang tên: Mẹ Nhà Dòng. Hai bà mẹ thay nhau chăm sóc cho tôi. Vì thế mà, đặt trường hợp ai đó có hỏi: “Nếu được lựa chọn lại, thầy có muốn tiếp tục đi tu Dòng Chúa Cứu Thế nữa hay không?” thì nhất định, tôi sẽ trả lời: “Có chứ, tại sao không?”
Duc Trung Vu, CSsR
Chia sẻ về ơn gọi tu trì: