Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về vai trò của sự ước muốn đối với sự phân định thiêng liêng, đồng thời so sánh nó với một chiếc la bàn vốn chỉ cho một người đi đúng hướng.
“Sự ước muốn không phải là một mong muốn nhất thời. Không phải vậy. Từ ‘desiderio’ trong tiếng Ý bắt nguồn từ một thuật ngữ tiếng Latinh rất đẹp, ‘desidus’, nghĩa đen là “sự thiếu vắng một vì sao”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ tại Quảng trường Thánh Phêrô hôm thứ Tư, ngày 12 tháng 10.
“Ước muốn là ‘sự thiếu vắng một vì sao’, thiếu điểm tham chiếu định hướng hành trình cuộc đời”, Đức Thánh Cha tiếp tục. “Nó gợi lên sự đau khổ, thiếu thốn, đồng thời là sự thúc bách để vươn tới những điều tốt đẹp còn thiếu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung của mình về sự ước muốn khao khát là “thành phần không thể thiếu” thứ ba của sự phân định, theo sau việc cầu nguyện và sự tự nhận thức về bản thân.
Vào ngày 31 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài chia sẻ Giáo lý hàng tuần, hoặc các thông điệp, về sự phân định, mà ngài mô tả là “một sự thao luyện của trí óc, kỹ năng và ý chí, nắm bắt thời điểm thích hợp” để đưa ra lựa chọn tốt đẹp về cuộc sống của một người.
“Vậy thì, sự ước muốn”, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong bài phát biểu được phát trực tiếp hôm thứ Tư, “là chiếc la bàn để hiểu tôi đang ở đâu và tôi sẽ đi đâu. Thực ra, nó là chiếc la bàn để hiểu xem tôi đang đứng yên hay đang đi”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến việc làm thế nào để một người nào đó có thể nhận ra ước muốn từ trong thẳm sâu chính họ trong thông điệp của ngài. “Một ước muốn chân thành”, Đức Thánh Cha nói, “biết cách chạm sâu vào chính con người chúng ta, đó là lý do tại sao nó không bị dập tắt khi đối mặt với những khó khăn hoặc thất bại”.
“Không giống như ham muốn hay cảm xúc nhất thời, ước muốn tồn tại theo thời gian, thậm chí rất lâu và có xu hướng hiện thực hóa nó”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra một số cạm bẫy để biết được ước muốn từ thâm tâm của một người; ví dụ, sự đề cao của xã hội đối với “quyền tự do lựa chọn tối đa”, trong khi những “lựa chọn” đó hầu như bị giảm đi để rồi chỉ còn là những gì được ao ước nhất trong thời điểm này, chứ không phải những gì sẽ thực sự đáp ứng về lâu dài.
“Chúng ta bị tấn công bởi hàng ngàn đề xuất, dự án, khả năng, có nguy cơ khiến chúng ta mất tập trung và không cho phép chúng ta bình tĩnh đánh giá những gì chúng ta thực sự ước muốn”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng nhiều người rảo bước “với chiếc điện thoại di động trên tay và họ đang tìm kiếm, đang xem xét” nhưng không bao giờ ngừng lại để ngẫm nghĩ hoặc suy tư.
“Ước muốn không thể phát triển như thế này, bạn sống trong khoảnh khắc đó, được thoả mãn trong khoảnh khắc đó và ước muốn không phát triển”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng sự phân tâm có thể gây ra cho con người nhiều đau khổ “bởi vì họ không biết họ muốn gì từ cuộc sống của mình; có lẽ họ chưa bao giờ chạm tới được mong muốn sâu xa nhất của họ”.
Một cạm bẫy khác mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đó là ý thức rằng một người muốn làm điều gì đó nhưng không bao giờ thực sự hành động.
“Và do đó, dù trên lý thuyết họ ước muốn có một số thay đổi, nhưng khi có cơ hội thì lại không bao giờ thực hiện, thiếu ước muốn mạnh mẽ để thực hiện một việc”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Thông thường”, Đức Thánh Cha nói, “chính ước muốn thực sự tạo nên sự khác biệt giữa một dự án thành công, nhất quán và lâu dài, với hàng ngàn ước muốn và ý định tốt, như người ta nói, “’lát đường dẫn đến hoả ngục’”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng Chúa Giêsu, trước khi thực hiện một phép lạ, thường hỏi một người về ước muốn của họ, giống như Ngài đã làm với người bại liệt ở hồ Bethesda trong Chương 5 của Tin Mừng Gioan.
“Chúa Giêsu hỏi ông: ‘Anh có muốn được khỏe lại không?’(Ga 5,6). Bằng cách nào?”.
Đức Thánh Cha giải thích rằng “câu hỏi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi làm sáng tỏ lòng của ông, chào đón một bước nhảy vọt có thể xảy ra: không còn coi bản thân và cuộc sống của mình “như một kẻ bại liệt”, được người khác khiêng đến… Bằng cách đi vào cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, chúng ta học cách hiểu những gì chúng ta thực sự muốn từ cuộc sống của chúng ta”.
“Người bại liệt”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “ví dụ về những người nói: ‘Vâng, vâng, tôi muốn, tôi muốn’”, nhưng cuối cùng lại chẳng làm gì cả.
Thay vì hành động, chúng ta tìm lý do hoặc phàn nàn: “Nhưng hãy cẩn thận”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, bởi vì “những lời phàn nàn là một liều thuốc độc, một chất độc đối với tâm hồn, một chất độc đối với cuộc sống bởi vì chúng không làm cho anh chị em phát triển ước muốn tiến bước về phía trước”.
“Nếu hôm nay Chúa hỏi chúng ta câu hỏi mà Người đã hỏi người mù ở Giêricô: ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh?’ (Mc 10, 51), chúng ta sẽ trả lời như thế nào?”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Có lẽ cuối cùng chúng ta có thể xin Ngài giúp chúng ta biết ước muốn sâu xa nhất của Ngài, điều mà chính Thiên Chúa đã đặt để trong lòng chúng ta”.
Minh Tuệ (theo CNA)