Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN), tại nhiều nơi ở Trung Đông các Kitô hữu vẫn đang tiếp tục chịu bách hại và bị lãng quên, phải ra đi để hy vọng cuộc sống được bảo đảm.
Trong báo cáo vừa được công bố trong những ngày vừa qua với tựa đề “Bị bách hại và lãng quên? Báo cáo về các Kitô hữu bị bách hại vì đức tin 2020-2022, xem xét tình hình của các Kitô hữu trên khắp thế giới”, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ lưu ý rằng trong trường hợp ở Trung Đông một số cộng đoàn Kitô lâu đời nhất trên thế giới có nguy cơ bị biến mất do hậu quả của các cuộc di cư hàng loạt.
Theo Đức Hồng Y Louis Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê ở Iraq, cuộc di cư đang diễn ra hiện nay là điều chưa từng có trước đây. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp gỡ gần đây với tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron, thúc giục ông làm nhiều hơn nữa để duy trì sự hiện diện của Kitô hữu trong khu vực, ngăn chặn sự di cư của họ, vốn đã lên đến mức báo động.
Báo cáo của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho thấy gần 3/4 thế kỷ sau khi Nhà nước Israel ra đời, số các Kitô hữu ở Bờ Tây chỉ còn dưới 1% dân số, giảm 18%. Trong 20 tháng qua, hơn 5.000 Kitô hữu đã ra đi đến châu Âu, Hoa Kỳ và Canada.
Ở Syria tình hình cũng không khá hơn, kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến vào năm 2011, các Giáo hội Kitô đã chứng kiến tỷ lệ số Kitô hữu giảm từ 10% xuống dưới 2%.
Trong trường hợp của Iraq, với sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo, ít nhất 50.000 Kitô hữu đã chạy trốn sang Libăng, nhưng bây giờ họ chỉ còn vài trăm người, vì hầu hết đã rời bỏ khu vực này đến Bắc Mỹ hoặc Úc.
Ngay cả Jordan, mặc dù đất nước có chính trị tương đối ổn định và an ninh tốt hơn, nhưng đây không còn là thiên đường cho các Kitô hữu đang bỏ đi.
Điều tương tự cũng đang xảy ra ở Libăng. Trong 30 tháng, đại sứ quán Canada tại Beirut đã nhận được hơn 10.000 đơn xin nhập cư từ những người trẻ và gia đình.
Báo cho biết nguyên do của các cuộc di cư hàng loạt của các Kitô hữu ở các quốc gia trong khu vực gồm Iraq, Syria, Palestine, Libăng, Jordan và vùng Vịnh là Hồi giáo cực đoan, thảm hoạ kinh tế, chiến tranh. Thêm vào đó các Kitô hữu bị đối xử như công dân hạng hai, bị phân biệt đối xử, vì thế họ phải ra đi.
Ngọc Yến – Vatican News