Thánh Phanxicô Xaviê và đồng hồ cơ

Theo cách nào đó, bạn có thể nói Thánh Phanxicô Xaviê, Dòng Tên, là ông tổ của đồng hồ Casio của bạn. Wadokei là đồng hồ cơ được thiết kế đặc biệt để xem giờ truyền thống của Nhật Bản: ban ngày và ban đêm được chia thành sáu khoảng thời gian, độ dài thay đổi theo mùa. Nhưng những chiếc đồng hồ cơ được các nhà truyền giáo Dòng Tên đưa vào Nhật Bản hồi thế kỷ 16 lại hoàn toàn khác.

Được làm bằng đồng hoặc sắt, đồng hồ mà các tu sĩ Dòng Tên mang theo thường là của Tây phương, luôn chia ngày thành 24 giờ. Câu chuyện về những chiếc đồng hồ này đã được Ryuji Hiraoka kể một cách xuất sắc trong một bài báo xuất bản năm 2020 trên Tạp chí Nghiên cứu của Dòng Tên.

Bài viết của Hiraoka bắt đầu bằng cách nhắc lại rằng các tu sĩ Dòng Tên, do Thánh Phanxicô Xaviê dẫn đầu, đã đến đất nước Nhật Bản năm 1549 và dùng đồng hồ cơ làm quà tặng chính quyền. Lúc đầu, giáo huấn Kitô giáo đã được đón nhận một cách nhiệt tình, với hơn 760.000 người đã theo đạo trên khắp Nhật Bản vào đầu thế kỷ 17. Tuy nhiên, nhiệt huyết ban đầu mau chóng nhường chỗ cho các cuộc đàn áp khắc nghiệt bắt đầu năm 1614, cuối cùng dẫn đến cuộc nổi loạn đẫm máu Shimabara, liên minh của dân địa phương chống lại chính sách không được lòng dân của mạc phủ Tokugawa, bao gồm việc đàn áp Kitô giáo và liên tiếp đàn áp Kitô hữu.

Dòng Tên đã thành công trong việc thiết lập cơ sở cho sự hiện diện vững chắc ở Trung Quốc hồi thế kỷ 16 và 17. Nhưng Hiraoka giải thích rằng tất cả các nỗ lực bắt đầu lại sứ mệnh của họ ở Nhật Bản đều vô hiệu. Giữa thế kỷ 17, tất cả các nhà truyền giáo đều bị giết hoặc bị trục xuất khỏi đất nước này. Nhưng thời gian lưu trú ngắn ngủi của các tu sĩ Dòng Tên tại Nhật Bản đã đem lại cho lịch sử công nghệ một bước ngoặt đáng chú ý. Sau các cuộc đàn áp, các thợ đồng hồ bị nghi ngờ, vì có thể họ là người theo Kitô giáo, nhưng việc giới thiệu đồng hồ cơ Tây phương dẫn tới truyền thống chế tạo đồng hồ lâu dài sau “thế kỷ Kitô giáo” của Nhật Bản.

Thánh Phanxicô Xaviê là nhà truyền giáo Kitô giáo đầu tiên đến Nhật Bản. Theo Hiraoka, ngài cũng là “tu sĩ Dòng Tên đầu tiên tặng đồng hồ Tây phương cho một nhân vật chính trị cao cấp.” Ngài đã có buổi yết kiến lãnh chúa phong kiến của một lãnh thổ quan trọng. Ngài đã mang tất cả các loại quà tặng đến cuộc họp này, kể cả chiếc đồng hồ cơ. Biên niên sử của tu sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha nổi tiếng Luís Frois, tác giả cuốn “Lịch Sử Nhật Bản,” mô tả chiếc đồng hồ này “được làm một cách sắc sảo.” Chẳng bao lâu, việc tặng đồng hồ cho các nhân vật chính trị nổi tiếng đã trở thành một phong tục ngoại giao, và chính Frois cũng đã đem theo chiếc đồng hồ đến gặp gỡ người quyền lực Oda Nobunaga – nhiệt thành ủng hộ các nhà truyền giáo Kitô giáo, mặc dù ông không theo đạo. Cuộc gặp gỡ được kể lại trong biên niên sử của tác giả Frois như sau:

“Lãnh chúa Wada nói với Lm Frois cùng đi gặp Nobunaga và đem theo chiếc đồng hồ nhỏ nổi bật với máy móc tinh xảo mà linh mục đã cho xem trước đây, vì đã đề cập nó với Nobunaga, và ông ta rất thích muốn nhìn thấy nó. Lm Frois và tu sĩ Lorenzo người Nhật đã đến và thấy Nobunaga với một số ít người tham dự. Ông ta nhìn chiếc đồng hồ với vẻ ngưỡng mộ vô cùng và nói với linh mục, người đã nhiều lần đề nghị trao nó cho ông ta như một món quà: ‘Tôi rất muốn có nó. Tuy nhiên, tôi không muốn nó vì nó sẽ lãng phí đối với tôi.’ Bởi vì ông ta cảm thấy sẽ khó điều chỉnh nó. […] Sau đó, ông ta dành hai giờ để hỏi Lm Frois và tu sĩ Lorenzo về Âu châu và Ấn Độ, trong khi lãnh chúa Wada quỳ gối, giúp đỡ mọi thứ có thể.”

DANIEL ESPARZA

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)