Gặp gỡ các thành viên của tổ chức Centesimus Annus Pro Pontifice vào trưa thứ Hai 5/6/2023, Đức Thánh Cha mời gọi họ suy nghĩ và hành động vì một tương lai nơi mọi người có thể tìm thấy vị trí và có chỗ của mình trên thế giới, trong đó mỗi người bớt đi một tí “cái tôi” của mình để cho người khác có thể hiện diện.
Centesimus Annus Pro Pontifice, một tổ chức ủng hộ Đức Giáo hoàng do Thánh Gioan Phaolô II thành lập ngày 13/6/1993 cùng với các nhà lãnh đạo kinh doanh, học thuật và chuyên nghiệp Công giáo, với mục đích thúc đẩy học thuyết xã hội Công giáo, đặc biệt như được thể hiện trong thông điệp Centesimus Annus – Bách chu niên (1991) – và các mục tiêu của Tòa Thánh, chứng minh rằng đó không chỉ là lý thuyết, mà có thể trở thành một lối sống nhân đức để phát triển các xã hội xứng đáng với con người.
Dấn thân phổ biến giáo huấn xã hội của Giáo hội
Mở đầu bài nói chuyện Đức Thánh Cha cảm ơn tổ chức đã biến “Tính trung tâm của con người, công ích, tình liên đới và bổ trợ thành những hành động cụ thể trong ba mươi năm qua và đã truyền cảm hứng cho trái tim và hành động của nhiều người.” Đặc biệt ngài cảm ơn họ đã đón nhận và phổ biến lại những đóng góp mà ngài đã cố gắng thực hiện cho sự phát triển của học thuyết xã hội.
Sống nền kinh tế theo cách không lành mạnh
Tiếp đến, về kinh tế, trọng tâm sự dấn thân của tổ chức Centesimus Annus, Đức Thánh Cha nhắc lại cảnh báo của ngài về nguy cơ sống nền kinh tế một cách không lành mạnh, “nền kinh tế giết chết”, một mô hình kinh tế tạo ra sự lãng phí và ủng hộ “sự toàn cầu hóa của sự thờ ơ”. Ngài cũng nhắc lại thông điệp Laudato si’, trong đó nêu bật những thiệt hại do mô hình kỹ trị thống trị gây ra và đề xuất logic của hệ sinh thái toàn diện.
Ngài nói với các tham dự viên: “Nhiều người trong số quý vị làm việc trong lĩnh vực kinh tế: quý vị biết rõ rằng một cách tưởng tượng về thực tại đặt con người vào trung tâm, không hạ thấp người lao động và tìm cách tạo ra điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, có thể mang lại lợi ích như thế nào.”
Quan tâm đến môi trường và quan tâm đến người nghèo
Trọng tâm sau đó chuyển sang các vấn đề môi trường. Ngài nhắc lại thông điệp Laudato si’, trong đó nêu bật những thiệt hại do mô hình kỹ trị thống trị gây ra và đề xuất logic của hệ sinh thái toàn diện. Ngài nói: “Việc quan tâm đến môi trường và quan tâm đến người nghèo sẽ đứng vững hoặc gục ngã cùng với nhau. Suy cho cùng, không ai tự cứu mình và việc tìm lại tình huynh đệ, tình bạn xã hội có ý nghĩa quyết định để không rơi vào chủ nghĩa cá nhân làm mất niềm vui sống. Và nó cũng khiến bạn mất mạng.”
Liên đới
Từ đó, Đức Thánh Cha giải thích về đề tài của hội nghị – “Ký ức để xây dựng tương lai: suy nghĩ và hành động vì cộng đồng” – nghĩa là liên đới, ưu tiên sự sống của mọi người hơn là sự chiếm đoạt của cải bởi một số người. Hội nghị này cũng là để đấu tranh chống lại các nguyên nhân cấu trúc của nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu việc làm, đất đai và nhà ở, sự từ chối các quyền xã hội và lao động. Nó đang đối phó với những tác động hủy diệt của đế chế tiền bạc: buộc phải di dời, nạn di cư đau đớn, buôn người, ma túy, chiến tranh, bạo lực […].
Cộng đồng: dành chỗ cho tha nhân
Đức Thánh Cha thêm một ý tưởng rằng “Cộng đồng luôn là cứu cánh cho những người yếu thế và mang lại tiếng nói ngay cả cho những người không có tiếng nói nào”. Và để cộng đồng thực sự trở thành nơi mà những người yếu thế và những người không có tiếng nói cảm thấy được chào đón và lắng nghe, thì mọi người đều dành chỗ cho họ. (CSR_2225_2023)
Hồng Thủy – Vatican News