Qua Caritas, Giáo hội Công giáo Thái Lan đang nỗ lực cùng với các tổ chức khác hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn Myanmar, đồng thời kêu gọi các tổ chức chính trị phải có trách nhiệm đối với thực trạng này.
Hiện có hơn 90.000 người tị nạn Myanmar sống trong chín trại tị nạn do chính phủ Thái Lan tổ chức dọc biên giới giữa Thái Lan và Myanmar, và theo dữ liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), con số này tiếp tục tăng lên do xung đột dân sự đang diễn ra ở Myanmar. Thái Lan không tham gia Công ước về Người tị nạn năm 1951 và không có khung pháp lý quốc gia cụ thể để bảo vệ người tị nạn và người xin tị nạn. Nhiều người tị nạn Myanmar đang mắc kẹt ở Thái Lan trong tình trạng “lấp lửng” về mặt pháp lý và xã hội, trong khi chính phủ không cấp phép cho họ sang các nước thứ ba. Theo các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người tị nạn, khoảng 1.100 người đã nhận được sự chấp thuận của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn để tái định cư ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, nhưng cũng không được phép rời khỏi Thái Lan.
Trong tình trạng này, hoàn cảnh của những người sống trong các trại tị nạn rất khó khăn. Họ không thể làm việc để mưu sinh, không được chăm sóc sức khoẻ, và các trẻ em không được đi học.
Caritas Thái Lan là một trong các tổ chức nhân đạo đang nỗ lực tham gia trợ giúp tại chỗ cho những người tị nạn này. Tổ chức bác ái của Giáo hội Công giáo cung cấp viện trợ khẩn cấp cho người tị nạn Myanmar ở huyện Mae Sariang, đặc biệt các trẻ em đang ở trong các trại bị bệnh cần được chăm sóc ở bệnh viện. Qua Caritas, Giáo phận Chiang Mai đã chuyển cho các trại này 3,2 tấn gạo, 2.000 hộp cá và 400 kg đồ khô. Caritas hiện cũng đang hỗ trợ hơn 5.000 người tị nạn đang được đón tiếp bởi các giáo xứ gần biên giới Thái Lan-Myanmar.
Không chỉ hỗ trợ người tị nạn, Giáo hội Công giáo Thái Lan còn lên tiếng kêu gọi các tổ chức chính trị có trách nhiệm đối với thực trạng này. Đức cha Francis Xavier Vira Arpondratana, Giám mục Chiang Mai nói: “Cần phải tìm ra các giải pháp cho người tị nạn và làm cho họ cảm thấy được hoà nhập và chào đón. Tất cả chúng ta đều nhận thức được tình trạng của những người lân cận, đó là những anh chị em của chúng ta, những người đang gõ cửa tìm nơi trú ẩn”. (Fides 14/7/2023)
Ngọc Yến – Vatican News