Khi Chúa Nhật Vui Mừng (Laetare Sunday) trôi qua, người Công giáo tập trung hơn vào việc đến gần Tuần Thánh – Tuần Thương Khó. Tôi muốn khuyến khích người Công giáo đón nhận đức tin là sự thật bằng cách suy nghĩ về đức tin – bởi vì chỉ những gì xác định mới là sự thật. Vì vậy, để chuẩn bị cho Thứ Năm Tuần Thánh, tôi muốn cùng các bạn suy ngẫm trước bốn vấn đề hấp dẫn mà Thánh Thomas Aquinô suy ngẫm về Bữa Tiệc Ly. (ST III, 81)
Thứ nhất, Thánh Thomas nêu vấn đề mà hầu hết chúng ta đều nghĩ đến: “Giuđa đã nhận được các mầu nhiệm thánh hay Giuđa đã rời đi trước khi các bí tích này được phân phát?” Thánh Thomas đặt câu hỏi bằng thể chủ động: “Chúa Giêsu có trao các mầu nhiệm thánh cho Giuđa hay không?” Điều này đúng, vì rõ ràng việc Giuđa có nhận được hay không là tùy theo ý muốn của Đức Kitô.
Từ cuộc thảo luận và bình luận của Thánh Thomas ở nơi khác, rõ ràng là các Giáo phụ đều đồng ý rằng Giuđa đã rước lễ. Nhưng Thánh Hilariô phủ nhận điều đó.
Lập luận chính chống lại việc Giuđa rước lễ cho rằng việc Chúa ban các mầu nhiệm cho Giuđa là sai, bởi vì Giuđa là một tội nhân không ăn năn, đã phản bội Chúa Giêsu: viên ngọc trước mắt con heo. Đối với Thánh Thomas, lập luận này sẽ đúng nếu Giuđa là một tội nhân công khai. Nhưng tội lỗi của ông không được biết đến, “do đó, Chúa Kitô đã không từ chối cho Giuđa rước lễ; để làm gương rằng các tội nhân bí mật như vậy sẽ không bị các linh mục khước từ.”
Có một bài học dành cho các giáo sĩ hiện đại: bạn không noi gương Chúa trừ khi bạn có sự phân biệt rõ ràng tội nhân công khai với tội nhân riêng tư. (CIC, điều 915) Đối với giáo dân: nhiều Giuđa mà bạn thấy ngày nay, đang theo bước chân của chính Giuđa.
Thứ hai, Thánh Thomas đặt vấn đề: Chúa Giêsu có rước lễ trong Bữa Tiệc Ly hay không, Ngài có ăn Mình và uống Máu của chính Ngài hay không, hay là Ngài chỉ “cầm” bánh và chén mà không ăn uống? Suy cho cùng, Kinh Thánh không nói rõ ràng rằng Ngài đã làm như vậy. Hơn nữa, Ngài không cần ân sủng từ bí tích. Ngoài ra, không một tổng thể nào có thể chứa đựng chính mình – chỉ một phần của tổng thể mới có thể được đặt trong một tổng thể – tuy nhiên, Thánh Thể là Chúa Kitô trọn vẹn. Toàn bộ thân thể Chúa Kitô chứa đựng trong thân thể Chúa Kitô là điều phi lý.
Thánh Thomas nhận thấy rằng mặc dù Kinh Thánh im lặng về điểm đặc biệt này, việc Chúa Giêsu không ăn bánh và uống rượu đã thánh hiến là điều không thể xảy ra, bởi vì “chính Chúa Kitô là Đấng đầu tiên thực hiện những gì Ngài yêu cầu người khác phải tuân giữ,” như khi Ngài chịu phép rửa từ Gioan. Lập luận về các thành phần và tổng thể là điều ngu xuẩn: các chiều kích không gian của Chúa Kitô trọn vẹn trong Bí tích Thánh Thể được xác định bởi kích thước và hình dạng của chiếc bánh, chứ không phải bởi thân thể của Chúa Kitô. Ngoài ra, lập luận sẽ cho thấy rằng không ai có thể tiêu thụ được thân thể của Chúa.
Đối với lập luận cho rằng Chúa Kitô không cần bí tích, Thánh Thomas nói điều gì đó cho thấy phần nào lòng sùng kính Thánh Thể của Ngài. Thánh Thomas nói rằng thực sự có hai tác dụng của việc rước lễ: gia tăng ân sủng thường lệ và sự thích thú thực sự nào đó về sự ngọt ngào thiêng liêng. Chúa tận hưởng Lễ Vượt Qua thứ hai và quả thật điều đó giải thích lời nói của Ngài: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình.” (Lc 22:15)
Bài học cho chúng ta: việc noi gương Chúa Kitô bao gồm sự khao khát Thánh Thể đến nỗi chúng ta nếm được vị ngọt ngào thiêng liêng và thấy vị ngọt ngào đó thật thú vị về tâm linh.
Vấn đề thứ ba và thứ tư của Thánh Thomas liên quan việc Mình và Máu Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh và rượu trong Bữa Tiệc Ly, hay đúng hơn là thân xác vinh hiển phục sinh, không thể chịu đau khổ chăng?
Thánh Thomas không nghi ngờ gì về điểm này: “Vì rõ ràng là chính thân thể của Chúa Kitô mà các môn đệ lúc bấy giờ nhìn thấy dưới hình dạng đó, được họ đón nhận dưới dạng bí tích. Nhưng như đã thấy ở chính dạng đó, điều đó không phải là không đau đớn; hơn thế nữa, đã sẵn sàng cho Cuộc Khổ Nạn. Vì vậy, thân xác Chúa Kitô cũng không phải là không đau đớn khi được ban dưới dạng bí tích.”
Đức Kitô đã ban cho các môn đệ chính Mình và Máu mà họ đã nhìn thấy trước mắt họ vào buổi tối hôm đó. Thân thể đó sắp bị tra tấn, máu đó sắp đổ ra.
Nhưng giả sử (vấn đề thứ tư) một môn đệ đã để Thánh Thể trong chén thánh. Liệu có đúng khi nói về Bánh Thiêng lúc 3 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh rằng “Chính Chúa Kitô vừa chết ở đó?” Đó là thân thể chịu đau khổ, thân thể Chúa Kitô là thể xác, và Chúa Kitô vừa mới chết. Vì vậy, Chúa Kitô vừa chết trong bí tích.
Thánh Thomas nói không chút nghi ngờ: “Về cơ bản, thân xác Chúa Kitô giống như trong bí tích này, cũng như hình dạng riêng của nó, nhưng không theo cùng một dạng.” Do đó, điều gì xảy ra với Chúa cũng xảy ra với Thân Thể đó. Nhưng không trực tiếp như vậy: bạn không thể hành hạ Thân Thể Chúa bằng cách xé hoặc đâm thủng tấm bánh.
Mình Thánh “không chịu đau khổ” đối với những vật thể bên ngoài, như dưới hình bánh. Nhưng Mình Thánh thực sự thay đổi nếu Thân Thể Chúa tự chịu thay đổi qua đau khổ: “Tất cả những gì thuộc về Chúa Kitô, như chính Ngài, có thể được quy cho Ngài cả về hình thức riêng của Ngài và khi Ngài tồn tại trong bí tích, chẳng hạn như sống, chết, đau buồn, sống hoặc vô tri, và những dạng tương tự.”
Đây là một hệ luận thú vị. Đúng là chúng ta thường nói rằng không cần phải nhận cả chén và bánh, vì Mình và Máu đều hiện diện trong mỗi thứ. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi thịt và máu được kết hợp trong Chúa Kitô hằng sống. Khi Chúa Kitô chết, Mình và Máu Ngài được tách ra. Vì vậy, nếu Bí tích Thánh Thể được lưu trữ trong hộp đựng Thánh Thể, từ 3 giờ chiều Thứ Sáu cho đến khi Chúa Giêsu phục sinh, đó chỉ là Mình Thánh Chúa mà thôi.
MICHAEL PAKALUK
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Chuẩn bị Tuần Thánh – 2024