Các học giả rất hiếm khi đặt câu hỏi rằng Chúa Giêsu có chết do bị đóng đinh hay không. Trong hàng chục nghiên cứu y học, quan điểm đa số cho rằng tình trạng ngạt thở giữ vai trò chính. Bạn không cần phải là một bác sĩ. Chỉ cần biết cách đóng đinh hoặc buộc ai đó vào cột, với sức nặng của họ dồn xuống cánh tay dang rộng. Trong các ghi chép cổ xưa, họ đã đánh gãy mắt cá chân (để gây ngạt), đập nát hộp sọ hoặc đâm vào ngực để xác định người đó chết thật.
Có thể nói gì về việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ sau khi Ngài chết và sống lại? Hãy xem các chi tiết này:
1. Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng ngôi mộ của Chúa Giêsu được phát hiện trống rỗng ngay sau đó. Với gần hai chục lý do ủng hộ riêng báo cáo này, điều gì giải thích rõ nhất? Các giả thuyết khác không giải thích được các dữ liệu.
2. Nhiều nhân chứng khẳng định rằng họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh, cả cá nhân và nhóm người. Ngoài Phúc Âm, chúng ta có thể xác lập điều này từ các tác phẩm của Thánh Phaolô:
– Thánh Phaolô nói với người Côrintô rằng ông đã nhận được tin mừng về sự sống lại: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1 Cr 15:1-8)
– Quan điểm phê phán đồng thuận là Thánh Phaolô có lẽ đã lấy được tài liệu này ở Giêrusalem, khi ông đến thăm các tông đồ đã chứng kiến là Phêrô và Giacôbê: “Ba năm sau tôi mới lên Giêrusalem diện kiến ông Kêpha, và ở lại với ông mười lăm ngày. Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa. Viết cho anh em những điều này, tôi cam đoan trước mặt Thiên Chúa là tôi không nói dối. Sau đó tôi đến miền Xyri và miền Kilikia. Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: ‘Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt,’ và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa.” (Gl 1:18-24)
– Phaolô trở lại Giêrusalem và kiểm tra bản chất sứ điệp Phúc Âm: “Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giêrusalem một lần nữa cùng với ông Banaba; tôi cũng đem theo anh Titô đi với tôi. Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, cách riêng cho các vị có thế giá, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích. Thế mà ngay cả anh Titô, người cùng đi với tôi và là người Hy Lạp, cũng không bị ép phải chịu cắt bì. Sở dĩ thế là vì có những tên xâm nhập, những kẻ giả danh giả nghĩa anh em, đã len lỏi vào dò xét sự tự do của chúng ta, sự tự do chúng ta có được trong Đức Kitô Giêsu; họ làm như vậy là để bắt chúng ta trở thành nô lệ. Nhưng với những người ấy, chúng tôi đã không chịu nhượng bộ, dù chỉ trong giây lát, để duy trì cho anh em chân lý của Tin Mừng. Còn về các vị có thế giá, lúc bấy giờ các vị ấy có là gì đi nữa, điều đó không quan hệ đối với tôi: Thiên Chúa không thiên vị ai, các vị có thế giá ấy đã không đưa ra thêm điều gì cho tôi. Trái lại, các ngài thấy rằng tôi đã được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như ông Phêrô được uỷ thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì. Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phêrô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại. Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Giacôbê, Kêpha và Gioan, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Banaba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì. Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm.” (Gl 2:1-10)
– Tất cả các tông đồ đồng ý rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với họ sau khi Ngài phục sinh: “Dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.” (1 Cr 15:11)
3. Hơn nữa, các học giả phê bình cũng đồng ý rằng Thánh Phaolô nhận được tài liệu này từ các tông đồ khác vào một thời điểm rất sớm – chỉ khoảng 5 năm sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Nhưng vì những người khác biết các báo cáo trước Thánh Phaolô nên chúng ta quay lại ngay với các sự kiện. Ngay cả học giả phê bình Bart Ehrman nổi tiếng nhất hiện nay, một chuyên gia không theo Kitô giáo, cũng xác định niên đại của một số truyền thống Kitô giáo ngay từ một hoặc hai năm sau khi Chúa Giêsu chết và sống lại.
4. Tại sao chúng ta nên tin các nhân chứng này? Chúng ta có nguồn tin từ thế kỷ I cho biết ba tông đồ đã tử đạo: Phaolô, Phêrô và Giacôbê. Tất nhiên, người ta chết vì các ý tưởng, nhưng chỉ vì những gì họ tin là đúng. Nhưng không giống như những người khác, các tông đồ có thể biết họ có thấy Chúa Giêsu còn sống sau khi ngài chết hay không. Bằng việc sẵn sàng chết, các học giả đồng ý rằng họ tin chắc rằng Chúa Giêsu thực sự đã hiện ra với họ. Điều đó thể hiện sự trung thực và niềm tin của họ.
5. Trong số các nhân chứng này, Phaolô là người bắt bớ các Kitô hữu đầu tiên, và Giacôbê là người chưa tin. Các học giả hoài nghi chấp nhận điều này trong cả hai trường hợp. Nhưng tại sao họ lại trở thành Kitô hữu? Chắc chắn họ biết Chúa Giêsu phục sinh có hiện ra với họ hay không.
Nhìn chung, năm lý do này đều dựa trên một nền tảng được chứng minh rõ ràng, được xây dựng trên các văn bản được hầu hết các học giả chấp nhận là mang tính lịch sử, bất kể niềm tin tôn giáo của họ là gì.
TS GARY HABERMAS
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ The Washington Post)