Giáo hội Công giáo đang nỗ lực để chuẩn bị cho những tranh luận về đạo đức học trong tương lai. Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Giáo hội ngày càng quan tâm đến lãnh vực trí tuệ nhân tạo. Đức tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chỉ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, cho biết rằng Đức Phanxicô đã yêu cầu đi sâu vào các công nghệ mới nổi ngày nay – bao gồm cả AI. Ngài khuyến khích hiểu biết những biến đổi thời đại đang xảy ra trên các lãnh vực mới này để hướng nó tới việc phục vụ con người, trong khi tôn trọng và thăng tiên phẩm giá nội tại của họ.
Đánh mất ý thức về phẩm giá và vai trò của con người
Chia sẻ với báo Crux, cha Ezra Sullivan, dòng Đaminh, giáo sư luân lý tại đại học thánh Tôma Aquinô của dòng Đaminh ở Roma, nói: “Đối với tôi, trí tuệ nhân tạo, các rôbốt, và thực tế ảo có khả năng khiến con người đối xử với nhau như máy móc, và cũng đánh mất ý thức về phẩm giá của chính họ và vai trò của họ trong việc thay đổi thế giới nên tốt đẹp”.
Cha Sullivan đã tham dự một hội nghị chuyên đề có đề tài “từ Ngạc nhiên đến Khôn ngoan: Đạo đức học trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, do Tòa đại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh tổ chức hôm 20.03. Sự kiện này nhắm củng cố án lệnh của tổng thống Donald Trump trong việc dùng các nguồn lực liên bang đầu tư vào ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo, một ngành công nghiệp đang phát triển.
Giáo hội giữ vai trò quy tụ những người thiện chí
Nói về vai trò của Giáo hội trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, cha Sullivan nhận định rằng với kinh nghiệm ngàn năm của mình trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, Giáo hội trở thành “chuyên viên về nhân loại”, có thể thích ứng kiến thức của mình trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo. Cha nói thêm: “Trên mức độ thực tế, với khả năng tập họp của mình, Giáo hội trở thành nơi gặp gỡ cho những người thiện chí thuộc mọi tôn giáo, chủng tộc và chính kiến để thảo luận các vấn đề này”.
Thách thức của trí tuệ nhân tạo
Theo các chuyên gia, việc phát triển trí tuệ nhân tạo tạo nên nhiều ứng dụng trong vô số lãnh vực, giúp đời sống con người tốt và dễ dàng hơn, nhưng đôi khi nó lấy đi những công việc và nghề nghiệp trước đó do con người đảm nhận. Thậm chí, với thuật toán, trí tuệ nhân tạo có thể biến thành sức mạnh của sự bất bình đẳng. Như giao sư Paul Nelson nhận định: “Các máy móc sử dụng trí tuệ nhân tạo không thiên vị hay phân biệt chủng tộc, nhưng hệ thống Al tự nó diễn tả tư tưởng của những con người tạo nên nó”.
Theo cha Paolo Benanti, dòng Phanxicô, giáo sư tại đại học Gregoriana của dòng Tên ở Roma, cần phải trả lại sự kiểm soát về khả năng thiên vị cho xã hội”. Cha nói rằng thuật toán rất ích kỷ và con người phải nắm quyền để tránh thêm sự bất bình đẳng.
“Cuộc chạy đua vũ khí kỹ thuật”
Cha Sullvian cũng cảnh giác rằng khi lãnh vực trí tuệ nhân tạo phát triển, các tổ chức, công ty và cá nhân xem nó như là cơ hội làm giàu và nổi tiếng mà không bị bó buộc bởi các mối quan tâm đạo đức. Cha gọi “cuộc chạy đua vũ khí kỹ thuật” có quan tâm lớn nhất là lợi nhuận, sự nổi tiếng và ảnh hưởng”. Còn cha Paolo Benanti, nhận thấy rằng chúng ta sống trong một thời điểm tuyệt vời, khi chúng ta có thể ảnh hưởng và giáo dục xã hội và kỹ thuật cho tưởng lai, tuy nhiên cha cũng cảnh giác, “vì máy móc trở nên hơn con người, chúng ta phải bảo đảm mình không trở thành các máy móc”.
Hồng Thủy – Vatican