Cám ơn Đức cha Cosma vì những gì đã làm cho Hội Thánh Việt Nam

CÁM ƠN ĐỨC CHA VÌ NHỮNG GÌ ĐÃ LÀM CHO HỘI THÁNH VIỆT NAM…

Ngày 17 tháng 6 năm 2023 vừa qua, Tòa thánh đã chính thức chấp nhận đơn từ chức của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ. Giám mục Giáo phận Bắc Ninh sau 15 năm ngài phục vụ giáo phận Bắc Ninh và Giáo hội trong cương vị Giám mục.

Trong lá thư ngỏ gửi cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Bắc Ninh cùng ngày, Đức cha đã bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa vì mười lăm năm trong sứ vụ Giám mục, vì đó là “mười lăm năm biết bao nhiêu ân tình” của Chúa xuống trên Đức cha và Giáo phận.

Trong lá thư từ biệt này, ngài cũng không quên cảm ơn mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, tất cả những ai đã có những liên hệ, từ chính quyền đến anh chị em lương dân và khiêm nhường xin lỗi tất cả mọi người.

Trong tư cách cá nhân, sau nhiều ngày trăn trở, con thấy bản thân cần phải có một lời cảm ơn Đức cha, vì đó là lẽ công bằng, bởi Đức Cha đã làm được nhiều việc cho Giáo phận Bắc Ninh, mà quý cha và anh chị em trong giáo phận biết rõ, đặc biệt cho Giáo hội Việt nam trong 6 năm giữ nhiệm vụ Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám mục.

Chúng con nhớ rõ, ngày 4/8/2008, Đức cha Được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục. Ngày 15/8/2008, vụ việc tại Thái Hà nổ ra. Đức cha, mặc dù còn chưa chịu chức Giám mục, đã đến Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà để hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo phận Hà Nội “thọ nạn”.

Điều gây ấn tượng nhiều nhất đối với chúng con và ngay cả đối với rất nhiều trí thức không Công giáo, những anh chị thao thức với tiền đồ của dân tộc, đó là hai lần Đức cha, trong tư cách Tổng thư ký của Hội Đồng Giám mục, đã gửi đến chính phủ hai bản kiến nghị của Hội Đồng Giám mục Việt Nam để góp ý “Sửa đổi Hiến Pháp” ký ngày 1/3/2013 và bản “Góp ý sửa đổi Luật tự do Tín ngưỡng” ngày 4/5/2015.

Trong bản góp ý sửa đổi Hiến Pháp, khi đề cập tới quyền con người, Đức cha đã khẳng khái yêu cầu:

l. Hiến pháp cần xác định rõ: mọi người đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá làm người, và vì thế, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng.

2 . Lấy truyền thống văn hóa dân tộc làm nền tảng tư tưởng cho việc tổ chức và điều hành xã hội Việt Nam.

3. Nêu rõ nội dung quyền được sống (đối chiếu với điều 21 Dự thảo): mọi người đều có quyền sống. Không ai được phép tước đoạt sự sống của người khác, từ khi thành thai đến khi chết. Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống của mình, miễn là không làm tổn hại đến sự sống của người khác.

4. Nêu rõ quyền tự do ngôn luận (đối chiếu điều 26 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày quan điểm và niềm tin của mình.

5. Nêu rõ quyền tự do tôn giáo (đối chiếu điều 25 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo nào, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo nào hoặc chủ thuyết nào được coi là bó buộc đối với người dân Việt Nam. Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập… Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế…

Và con nhiều đề nghị thiết thực khác nữa… mà chúng con thấy không nhất thiết phải ghi lại nơi đây.

Trong bản góp ý sửa đổi Luật tín ngưỡng, Đức cha cũng đã mạnh mẽ kiến nghị:

“Bản Dự thảo 4 đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế (Điều 18) và Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013 (Điều 24). Chúng tôi nhận thấy Dự thảo 4 này là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Bản Dự thảo này tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị:

– Không đồng ý Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

– Soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.

– Bản Dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.”

Cả hai bản kiến nghị này đã làm nức lòng những ai yêu mến Giáo hội và yêu quê hương đất nước, tạo được nhiều niềm tin của người dân nói chung vào Giáo hội, vì nghĩ rằng tại Việt Nam chỉ còn “Giáo hội Công giáo là tổ chức đáng tin hơn cả.” Thời điểm đó, chúng con thật vui, tự hào và ý thức rõ nhiệm vụ của mình đối với Giáo hội và dân tộc.

Viết lại hôm nay những lời này, chúng con thiết tưởng, đó là theo lẽ công bằng, chúng con phải cảm ơn Đức cha về những gì Đức cha đã làm cho giáo phận Bắc Ninh, cám ơn vì hình ảnh vị Giám mục luôn đi cửa sau để tránh các cuộc đón rước rình ranh của người giáo dân sẽ còn in đậm mãi. Cảm ơn Đức cha vì sự khẳng khái, mạnh mẽ trong hành động và ngôn từ để bảo vệ Giáo hội khỏi những thế lực sự dữ đang vây bủa, nhất là hành động can đảm, đứng mũi chịu sào khi gửi tới Nhà nước những bản kiến nghị nức lòng những ai yêu chuộng hòa bình và tự do cho dân tộc.

Nhân vô thập toàn. Chúng con biết vậy. Và vì thế, chúng con sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Đức cha được “trung tín với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng” như Đức cha mong nguyện.

Kính xin Đức cha tiếp tục cầu nguyện cho Hội thánh tại Việt Nam luôn giữ được tinh thần đức tin, can đảm làm chứng cho Chúa noi gương các anh hùng tử đạo Việt Nam “thà chết không thà chối đạo” để “đất chúng ta trổ sinh hoa trái”.

Để kết thúc, chúng con xin mượn lời cầu nguyện của Đức cha để cùng Đức cha cầu xin cho Hội thánh Chúa: “Lạy Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu, xin thương xót và che chở chúng con”.

Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R